Những ưu điểm

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng bộ tỉnh hà nam lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng từ năm 1997 đến năm 2010 (Trang 96 - 108)

Chương 4 NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM

4.1. Nhận xét

4.1.1. Những ưu điểm

Một là, nhận thức của Đảng bộ tỉnh Hà Nam về vai trò của công tác xây dựng TCCSĐ ngày càng rõ

Trong những năm 1997 - 2000, do bị chi phối bởi bối cảnh tái lập tỉnh nên Đảng bộ tỉnh chưa có nhiều điều kiện để chú trọng vào xây dựng TCCSĐ. Những năm 2000 - 2005, Đảng bộ có nhận thức rõ hơn: xây dựng TCCSĐ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ, phát huy tốt vai trò là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở.

Những năm 2006 - 2010, Đảng bộ tỉnh xác định các điểm trọng tâm: Đẩy mạnh phát triển đảng viên nông thôn, vùng đồng bào có đạo, trong doanh nghiệp. Gắn chất lượng HTCT với xây dựng TCCSĐ, khắc phục TCCSĐ yếu kém. Coi trọng thực chất, hạn chế hình thức và tư tưởng chạy theo thành tích; phối hợp giữa các ban xây dựng Đảng với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tham mưu giúp cấp uỷ theo dõi, kiểm tra, thẩm định kết quả công tác đánh giá xếp loại.

Hai là, Đảng bộ tỉnh đã chủ động xác định trọng tâm trong công tác xây dựng TCCSĐ

Những năm 1997 - 2005, do tái lập tỉnh nên hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng bộ chưa ổn định, chức năng, nhiệm vụ và các mô hình tổ chức của TCCSĐ chưa rõ ràng; sự thay đổi tổ chức khiến cán bộ, đảng viên phát sinh tư tưởng lo lắng Đảng bộ tỉnh xác định lãnh đạo xây dựng TCCSĐ về tư tưởng và tổ chức là nhiệm vụ trọng tâm.

Những năm 2006 - 2010, với những nỗ lực trong lãnh đạo xây dựng TCCSĐ trong những năm 1997 - 2005, tình hình tư tưởng và tổ chức của các TCCSĐ đã tương đối ổn định, Đảng bộ tỉnh đã chuyển trọng tâm sang lãnh đạo xây dựng TCCSĐ về chính trị, mà trọng tâm là lãnh đạo TCCSĐ xác định đường hướng phát triển và lãnh đạo HTCT cơ sở thực hiện các nhiệm vụ mới khó khăn hơn như

chuyển đổi cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ; thu hút đầu tư để xây dựng các cơ sở kinh tế lớn, các khu công nghiệp, làng nghề, trang trại; xây dựng nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, dịch vụ; xây dựng nông thôn mới; nhạy bén trong nắm bắt và xử lý các tình huống trong mối quan hệ giữa phát triển và xung đột lợi ích có nguy cơ trở thành điểm nóng chính trị - xã hội…

Ba là, Đảng bộ tỉnh đã kiên trì, chủ động quán triệt, có những điểm vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng để xây dựng TCCSĐ vào hoàn cảnh cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của địa phương

Những năm 1997 - 2010 là chặng đường 13 năm tái lập và tiếp tục xây dựng, phát triển có ý nghĩa đặc biệt của Đảng bộ tỉnh Hà Nam trong bối cảnh công tác xây dựng Đảng, công tác lãnh đạo xây dựng TCCSĐ của Đảng nói chung có rất nhiều thay đổi và thách thức. Đảng bộ tỉnh thực hiện vai trò lãnh đạo khi mà cùng lúc có hàng loạt nhiệm vụ mới đặt ra từ phía HTCT, nhân dân và chính nội bộ tổ chức. Tuy nhiên, Đảng bộ vẫn luôn xác định xây dựng TCCSĐ là nhiệm vụ cấp thiết, là yếu tố nền tảng để củng cố tổ chức đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng bộ với HTCT và nhân dân.

* Trong những năm 1997 - 2005, Đảng bộ tỉnh và các TCCSĐ đứng trước những nhiệm vụ cấp bách, Tỉnh uỷ lâm thời đã ra Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 12/01/1997 nhấn mạnh không được chủ quan nóng vội, đồng thời cũng không bi quan, ngại khó, phải đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, sáng tạo trong tư duy, mạnh dạn trong tổ chức thực hiện. Đảng bộ tỉnh đã xác định đúng nhiệm vụ ổn định, kiện toàn nhanh HTCT các cấp, đưa các hoạt động của tỉnh sớm đi vào nề nếp; tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh và quốc phòng. Hàng loạt nghị quyết chỉ đạo, định hướng của Tỉnh uỷ và các cấp uỷ đảng đã đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, củng cố quyết tâm chính trị của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh mới. Các cấp uỷ cấp huyện đã tiếp tục có sự vận dụng yêu cầu của Trung ương và tỉnh uỷ vào điều kiệnthực tiễn để lãnh đạo các TCCSĐ thực hiện. Thí dụ, Đảng bộ huyện Thanh Liêm đã rút ra kinh nghiệm: Phải nắm vững và vận dụng sáng tạo các chủ trương,

đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Tỉnh ủy vào điều kiện thực tế địa phương để thực hiện, khơi dậy những tiềm năng sáng tạo của địa phương. Trong mọi phong trào, Đảng bộ luôn đứng tại mảnh đất của chính mình, xuất phát từ lợi thế so sánh của địa phương mình để tìm tòi, suy nghĩ, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của cấp trên, rồi chính trong quá trình “địa phương hóa” mỗi chủ trương, nghị quyết mà kiểm nghiệm lý luận bằng thực tiễn. Thực tiễn quá trình triển khai, thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết của Thanh Liêm đã bổ sung thêm những nhận thức mới cho Tỉnh ủy Hà Nam về lãnh đạo phát triển thủy lợi kết hợp giao thông nông thôn, lãnh đạo theo tình huống, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo đồng đất, phát triển cây màu, phát triển kinh tế gia đình, hướng gia tăng giá trị trên mỗi diện tích gieo trồng, cơ cấu vùng kinh tế [7, tr. 572-573].

Đảng bộ tỉnh đã vận dụng sáng tạo trong lãnh đạo TCCSĐ thực hiện nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII với quan điểm phải đặc biệt chú trọng đến việc sửa chữa khuyết điểm, tăng cường đoàn kết, thống nhất, coi việc sửa chữa khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình là mấu chốt để đánh dấu sự chuyển biến [4, tr. 357-360]. Tỉnh ủy đã lãnh đạo các tổ chức đảng cấp huyện và TCCSĐ khảo sát đánh giá thực trạng và tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, ngoài 3 nội dung kiểm điểm theo hướng dẫn của Trung ương còn kiểm điểm thêm các nội dung cụ thể

như: mối quan hệ Đảng với nhân dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; gắn triển khai nghị quyết với cụ thể hóa các quy định, quy chế của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, công tác kiểm tra, công tác học tập lý luận trong Đảng và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chấn chỉnh công tác quản lý.

Trong lãnh đạo TCCSĐ phát huy dân chủ cơ sở, Tỉnh uỷ, các huyện, thị uỷ đã định hướng TCCSĐ chủ động vận dụng các hình thức tổ chức sinh hoạt, học tập cho nhân dân sát với thực tế, đạt hiệu quả cao như: tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ của các đoàn thể, phân công đảng viên, đoàn viên vận động nhân dân đi học tập, chia nhỏ cụm dân cư để tổ chức học tập. Nhờ vậy, các TCCSĐ đã lắng nghe ý kiến của

nhân dân, xây dựng thành qui trình lấy ý kiến đóng góp, phê bình của nhân dân trong công tác cán bộ. Trong những năm 2000 - 2005, BTV tỉnh uỷ, các cấp uỷ đảng xác định việc giải quyết, xử lý các vụ việc bức xúc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhất là khiếu kiện của nhân dân về đền bù giải phóng mặt bằng. Thường trực tỉnh uỷ, UBND tỉnh thực hiện tốt chế độ giao ban hàng tuần, giao ban các cơ quan khối nội chính để thống nhất chủ trương lãnh đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm những vụ việc bức xúc, đơn thư, khiếu kiện của công dân, thực hiện tốt việc phân công, phân cấp giải quyết, đồng thời tăng cường đối thoại với nhân dân. BTV tỉnh uỷ đã thành lập các đoàn công tác liên ngành, tiến hành kiểm tra, thanh tra, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc giải quyết triệt để các vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm như: đền bù giải phóng mặt bằng quốc lộ 21a, xã Liêm Chung (thị xã Phủ Lý), xã Liêm Cần (Thanh Liêm), giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Đồng Văn, khu công nghiệp Hoàng Đông (Duy Tiên), vụ vi phạm Pháp lệnh đê điều về chỉ giới đê Sông Hồng ở xứ Đạo Lý (Lý Nhân)...

Trong lãnh đạo TCCSĐ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Đảng bộ tỉnh yêu cầu các chi bộ, tổ chức đoàn thể tổ chức học tập, quán triệt và phân công đảng viên phụ trách hộ đến từng nhà để tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng gia đình văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội [112, tr. 2-5].

Trong lãnh đạo TCCSĐ thực hiện công tác vận động tôn giáo, Đảng bộ tỉnh chỉ đạo thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan đến tôn giáo ngay từ cơ sở với phương châm “làm tốt công tác dân vận, lấy vận động thuyết phục, giáo dục là chính, nhạy bén trong xử lý, không để phát sinh phức tạp” [91, tr. 3]. Đồng thời, Tỉnh uỷ đã bố trí cán bộ bán chuyên trách là đảng viên gốc giáo ở các xã có đông đồng bào Công giáo để có trách nhiệm kịp thời báo cáo thông tin cho tỉnh, huyện để chỉ đạo xử lý kịp thời.

Để kiện toàn bộ máy tổ chức của TCCSĐ, Chỉ thị 01-CT/TU ngày 28 tháng 8 năm 1998 yêu cầu: ở những nơi nội bộ mất đoàn kết hoặc có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về trách nhiệm của tập thể cấp uỷ và cá nhân cấp uỷ viên thì cấp uỷ phải

tích cực chỉ đạo giải quyết dứt điểm, kết luận rõ đúng sai, tuỳ theo mức độ sai phạm mà xử lý nghiêm minh trước khi tiến hành đại hội [74, tr. 1].

Chỉ đạo đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên theo quy trình chặt chẽ, khách quan, dân chủ, công khai, phản ánh đúng thực chất với từng loại hình TCCSĐ và nhiệm vụ của mỗi đảng viên. Tỉnh ủy đã chỉ đạo cách phối hợp giữa các tổ chức đảng và chính quyền và các đoàn thể nhân dân trong đánh giá, phân loại các TCCSĐ: tập thể cấp uỷ của chi, đảng bộ tự chấm điểm đánh giá xếp loại và báo cáo kết quả lên cấp uỷ cấp tiên trực tiếp; BTV các huyện, thị ủy và đảng uỷ trực thuộc, chỉ đạo các ban xây dựng Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội, các phòng ban chuyên môn của chính quyền vừa thẩm định và có quan điểm nhận xét đánh giá xếp loại từng TCCSĐ. Hàng năm, Đảng bộ tỉnh yêu cầu các tổ chức đảng yếu kém xây dựng kế hoạch sửa chữa khắc phục yếu kém, đồng thời giao cho các ban xây dựng Đảng, các đoàn thể, các phòng ban của chính quyền tập trung xuống giúp đỡ tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

* Trong những năm 2006 - 2010, trước bối cảnh mới của tỉnh đặt ra trong lãnh đạo xây dựng TCCSĐ, Đảng bộ tỉnh tiếp tục chủ động vận dụng sáng tạo những chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng phù hợp với những yêu cầu mới trong lãnh đạo xây dựng TCCSĐ.

Đảng bộ tỉnh xác định phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng theo hướng đi sâu, đi sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và quần chúng nhân dân. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, bức xúc. Tăng cường sự lãnh đạo phối hợp, kết hợp giữa các cấp và các ngành để giải quyết các vấn đề nổi cộm [103, tr. 85].

Vận dụng các yêu cầu của Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình TCCSĐ, Đảng bộ tỉnh đã có chủ trương chỉ đạo từng loại hình TCCSĐ xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị với trọng tâm đặc thù như: các đảng bộ xã, các TCCSĐ phường, thị trấn, TCCSĐ trong các loại hình doanh nghiệp, TCCSĐ trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, TCCSĐ khối lực lượng vũ trang... Với việc xác định cụ thể chủ trương lãnh đạo phù hợp, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo các

TCCSĐ thực hiện nhiệm vụ chính trị với những kết quả rõ rệt hơn, góp phần tạo nên thành quả nổi bật của sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong lãnh đạo xây dựng TCCSĐ về tư tưởng, các cấp uỷ đã đưa ra những chủ trương chủ động vận dụng và có những điểm sáng tạo các yêu cầu của Đảng tới từng TCCSĐ trong các nhiệm vụ:

BTV tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 3 tháng 5 năm 2007yêu cầu vận dụng sáng tạo đối với từng cá nhân và đơn vị cụ thể: Xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong từng cơ quan, đơn vị để mỗi người tự phấn đấu, rèn luyện thường xuyên, coi đây là một nội dung trong sinh hoạt chi bộ hàng tháng, là tiêu chí để kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đồng thời là cơ sở phục vụ cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, thi đua khen thưởng và công tác phát triển Đảng. Phải bám sát yêu cầu của Đảng và Nhà nước, đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị [109].

Đối với việc thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị về dân chủ cơ sở, Đảng bộ tỉnh yêu cầu tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở, kịp thời phát hiện nhân rộng các mô hình thực hiện tốt. Đẩy mạnh công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, các ngành nhất là cán bộ cơ sở, đồng thời kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, các tổ hoà giải, phát huy tinh thần trách nhiệm, khả năng chủ động sáng tạo của các thành viên. Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể theo hướng sát dân, sát cơ sở, bảo đảm nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” [115, tr. 1-2].

Trong lãnh đạo xây dựng TCCSĐ, Đảng bộ tỉnh đã thể hiện sự vận dụng các chủ trương của Đảng vào thực tiễn các TCCSĐ trước yêu cầu tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của TCCSĐ ở từng loại hình theo các quy định mới của Trung ương Đảng. Tỉnh ủy chỉ rõ cần thiết phải sơ kết

đánh giá việc thành lập chi bộ dịch vụ hợp tác xã nông nghiệp, thành lập điểm chi bộ xã, phường, thị trấn; chi bộ quân sự xã để rút kinh nghiệm và chỉ đạo thành lập chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; chú trọng làm tốt công tác đảng viên ở thôn, xóm, tổ dân phố.

BTV tỉnh ủy đã cụ thể hóa các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về đánh giá, xếp loại TCCSĐ và đảng viên thông qua Kế hoạch số 35-KH/TU (2006), cụ thể biểu điểm 4 nội dung đánh giá chất lượng TCCSĐ cho các loại hình TCCSĐ và hướng dẫn các huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc vận dụng hướng dẫn cho cơ sở cho phù hợp. Các cấp uỷ đã bám sát việc phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng TCCSĐ và đảng viên, đề ra chương trình, mục tiêu, giải pháp phấn đấu xây dựng TCCSĐ trong sạch vững mạnh hàng năm; nâng cao chất lượng, sát với tiêu chuẩn và yêu cầu thực tiễn lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tại Đảng bộ huyện Lý Nhân, để đánh giá chất lượng các TCCSÐ chính xác, bên cạnh việc xây dựng hơn 23 tiêu chí xếp loại, đánh giá theo đúng hướng dẫn của cấp trên, Lý Nhân còn giao việc nhận xét, đánh giá, thẩm định các tiêu chí cho các cơ quan chuyên môn. Khi các TCCSÐ gửi văn bản tự nhận xét, đánh giá, xếp loại lên, Huyện ủy chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của Huyện ủy, UBND phải thẩm định và tham mưu cho Huyện ủy. Huyện ủy tổng hợp lại để thẩm định một lần nữa rồi mới tổ chức bình xét, đánh giá, xếp loại. Với cách làm khách quan như vậy, năm 2008 Lý Nhân chỉ có 56,33% số TCCSÐ trực thuộc Huyện ủy đạt trong sạch, vững

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng bộ tỉnh hà nam lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng từ năm 1997 đến năm 2010 (Trang 96 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)