Vận dụng vào việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) khoan dung hồ chí minh nhận thức và vận dụng (Trang 153 - 158)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

4.2. Vận dụng khoan dung Hồ Chí Minh vào thực tiễn đổi mới một số lĩnh

4.2.3. Vận dụng vào việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay

Tính tất yếu của bối cảnh hội nhập và Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập văn hóa với thế giới là đòi hỏi khách quan. Khuynh hướng hội nhập đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với văn hóa. “Phát triển văn hóa việt nam tiên tiến, giữ gìn bản sắc tốt đẹp của dân tộc. Chủ động hợp tác giao lưu quốc tế về văn hóa, quảng bá văn hóa Việt Nam, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới”[30, tr.303] là quan điểm nhất quán của Đảng. Để hiện thực hoá điều này, theo chúng tôi, một chiều kích về khoan dung văn hóa của sự phát triển như một con đường khả thi để hội nhập văn hóa. Mặt khác, tính tất yếu của hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa

trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay đặt ra nhiều vấn đề về phát triển nền văn hóa của dân tộc Việt Nam, buộc chúng ta “phải lựa chọn cho mình một thái độ ứng xử, một chính sách phát triển về văn hóa để đạt tới mục tiêu phát triển chung”[126, tr.89]. Những gợi mở của khoan dung Hồ Chí Minh trong văn hóa có ý nghĩa phương pháp luận, đặc biệt là đối với tư duy phát triển văn hóa, tư duy hoạch định chính sách phát triển văn hóa ở Việt Nam hiện nay.

Ttrong quá trình xây dựng nền văn hoá dân tộc và ứng xử với văn hóa nhân loại trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đòi hỏi văn hóa Việt Nam phải thích nghi với sự đa dạng văn hóa và cần phát huy tính khoan dung văn hóa trong bối cảnh đan xen giữa hội nhập văn hóa và xung đột văn minh trên phạm vi thế giới. Toàn cầu hóa tạo điều kiện để các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, bổ sung và làm giàu cho nền văn hóa dân tộc mỗi nước. Điều này rất phù hợp với quy luật vận động và phát triển của văn hóa. Vận dụng khoan dung Hồ Chí Minh trong văn hóa phải thể hiện trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam phải chủ động và tích cực hội nhập. Bởi lẽ, việc phát triển văn hóa Việt Nam không thể tách rời với văn hóa thế giới, phải kết hợp việc mở cửa đón nhận truyền thống văn hóa bốn phương, tiếp nhận cái tốt, cái thích hợp, loại bỏ cái xấu, không thích hợp.

Kế thừa khoan dung Hồ chí Minh trong văn hóa cần tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, vun trồng những giá trị nội sinh của dân tộc, tạo cơ sở vững chắc để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Hoà nhập mà không hoà tan, hội nhập nhưng vẫn giữ được những nét độc đáo của riêng mình, vẫn giữ được bản sắc, cốt cách của dân tộc, đó là những giá trị bền vững những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ

nước. Văn hóa Việt Nam phải lấy bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng, làm bản lĩnh, để tiếp thu, chắt lọc được những tinh hoa văn hóa nhân loại Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc văn hóa các dân tộc khác để bắt kịp sự phát triển của thời đại. Mặt khác, trong giao lưu, hội nhập văn hoá, chúng ta cần phải giới thiệu với nhân dân các nước trên thế giới những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hoá Việt Nam. Về điều này, Hồ Chí Minh từng viết trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 9/10/1945: “Mình có thể học cái hay của bất cứ nước nào ở Âu - Mỹ, nhưng điều cốt yếu là sáng tác. Mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay cho người khác hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả”. Đây chính là sự biện chứng trong tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hóa dựa trên tinh thần khoan dung.

Bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập văn hóa của Việt Nam hiện nay phải gắn liền với lãnh đạo, nâng cao nhận thức, tư tưởng, những hiểu biết về văn hóa, khoa học hiện đại của quần chúng nhân dân, để quần chúng phân biệt được những gì thực sự là chân, thiện, mỹ với những cái giả, cái ác, cái xấu; nhận cái hay, bỏ cái dở. Trong quá trình đó, cần mạnh dạn xoá bỏ những phong tục, tập quán, cải tiến những cái không còn phù hợp, tỏ thái độ dứt khoát đối với những sản phẩm, những luồng văn hoá độc hại từ bên ngoài du nhập vào Việt Nam, làm tha hoá đạo đức và làm lung lay niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Để thực hiện tốt điều này, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh các hoạt động lễ hội, tôn tạo những di tích văn hóa lịch sử và cách mạng, suy tôn các anh hùng liệt sỹ, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, đề cao văn hóa làng xã, văn hóa dân tộc.Đây là những hình thức để tạo ra rào chắn nhằm chống lại sự xâm nhập ồ ạt của văn hóa ngoại lai.

Hồ Chí Minh từng chỉ rõ, “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”[88, tr.112-113]. Mặt khác, phải không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ngăn chặn âm mưu lợi dụng giao lưu văn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Bởi lẽ, hiện nay lợi dụng những thành tựu phát triển của công nghệ thông tin, các “đế quốc văn hóa” luôn nhân danh quyền con người để áp đặt cho các dân tộc theo những thị hiếu và quan điểm của họ, âm mưu lợi dụng chiêu bài “tự do hóa về kinh tế” để gieo rắc hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng, gây mất niềm tin của nhân dân vào tương lai của chủ nghĩa xã hội,... Đặc biệt, cần có giải pháp ngăn chặn việc lợi dụng văn hóa đại chúng, văn hóa nghe - nhìn của phương Tây, hòng làm cho thế hệ trẻ ngày càng rời xa cốt cách, tâm hồn dân tộc, chạy theo các phản giá trị, để tự diễn biến về văn hóa đi đến tự diễn biến về chính trị; ngăn chặn việc lợi dụng phim ảnh, video đen, các cuộc giao lưu trực tuyến để khơi dậy bản năng sinh vật trong mỗi con người, lôi kéo con người chạy theo lạc thú, dẫn đến nghiện ngập, mại dâm, trác táng, bạo lực... để từng bước huỷ hoại nhân cách con người, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình và băng hoại đạo đức xã hội.

Bên cạnh việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, chủ động hội nhập văn hóa, chúng ta cần xử lý tốt quan hệ giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, không để cho lợi ích kinh tế trước mắt làm ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của việc duy trì và phát triển văn hóa dân tộc. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân

dân, hướng tới “xây dựng nền văn hoá Việt Nam…đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế”[28, tr.213].

Như vậy, xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập văn hóa quốc tế hiện nay đã tái khẳng định giá trị của khoan dung Hồ Chí Minh trong việc góp phần ngăn chặn những xung đột văn hóa tiềm tàng của quá trình toàn cầu hóa; đồng thời, là cơ sở để thúc đẩy hòa bình, hợp tác vì sự phát triển của các dân tộc trên thế giới. Để hiện thực hóa giá trị khoan dung Hồ Chí Minh trong văn hóa, thì văn hóa Việt Nam trong quá trình xây dựng, hội nhập và phát triển cần dựa trên một số nguyên tắc cơ bản: Dựa trên sự bình đẳng. Đây là nguyên tắc thừa nhận tất cả các nền văn hóa đều bình đẳng về giá trị; cùng hỗ trợ làm phong phú thêm cho nhau; Dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Sự tôn trọng lẫn nhau trong hội nhập, đối thoại giữa các nền văn hóa trước hết đòi hỏi sự vững tin vào những giá trị văn hóa của chính dân tộc mình. Chỉ có vậy mới có thể kiến lập một sự đối thoại phong phú và xây dựng với các cộng đồng văn hóa khác; Hội nhập dựa trên nền tảng khoan dung văn hóa. Khoan dung văn hóa không chỉ cần thiết để cùng chung sống trong hòa bình mà quan trọng hơn còn là để các cộng đồng văn hóa khác nhau trao đổi, học hỏi, tiếp thu những cái hay, cái đẹp của nhau; qua đó, mỗi bên có thể nâng cao khả năng của mình trong quá trình sáng tạo những giá trị văn hóa mới.

Vận dụng khoan dung Hồ Chí Minh trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam, thúc đẩy quá trình giao lưu, hội nhập giữa văn hoá dân tộc với các nền văn hóa khác vì hòa bình, độc lập và phát triển. Trước hết, chúng ta cần tận lực kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa ưu tú của dân tộc để chủ động giao lưu, đối thoại với các nền văn hóa khác trên thế giới. Mục đích là nhằm làm cho nhân dân thế giới hiểu thêm về đất nước, lịch sử, văn hóa,

con người Việt Nam. Đồng thời, chúng ta có thể mở rộng tầm nhìn, lựa chọn tiếp thu những nhân tố nhân bản, khoa học, tiến bộ trong kho tàng văn hóa của thế giới, xem đó là động lực quan trọng đánh thức các tiềm năng, phát huy mọi nguồn cảm hứng sáng tạo. Mặt khác, tăng cường giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa khác trên tinh thần học hỏi, tiếp thu, song không có nghĩa là sao chép, rập khuôn. Bởi mỗi nước, mỗi dân tộc đều có những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Để quá trình tiếp xúc, giao lưu, hội nhập giữa các nền văn hóa diễn ra một cách tốt đẹp, chúng ta cần kiên quyết phản đối thái độ ngạo mạn của một số thế lực tự xem các giá trị văn hóa của nước mình, dân tộc mình là “ưu việt” áp đặt các giá trị, các tiêu chuẩn ấy cho các nước khác, dân tộc khác với nhiều biện pháp tinh vi. Những sự áp đặt như thế chỉ có thể châm ngòi cho xung đột, chứ không thể kiến tạo được hòa bình. Đúng như Ủy ban Thế giới về văn hóa và phát triển của Liên hợp quốc đã nhận xét: “Chừng nào còn có một nền văn hóa áp đặt sức mạnh chính trị, trí tuệ và đạo lý của nó lên các nền văn hóa khác..., thì không thể hy vọng có hòa bình cho nhân loại. Phủ định những đặc thù văn hóa của bất kỳ dân tộc nào cũng là phủ định phẩm giá của dân tộc đó”[147, tr.19].

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) khoan dung hồ chí minh nhận thức và vận dụng (Trang 153 - 158)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)