Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.2. Cơ sở hình thành khoan dung Hồ Chí Minh
2.2.1. Tư tưởng khoan dung trong truyền thống Việt Nam
Khoan dung Hồ Chí Minh là sự kế thừa, phát triển tinh thần khoan dung của dân tộc Việt Nam, trước hết là tình yêu thương con người, trân trọng sự sống. Người nói: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái”[87, tr.186] và chính Người là biểu tượng, là tinh hoa của tư tưởng khoan dung Việt Nam. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh
đã mang trong mình truyền thống khoan dung Á Đông, truyền thống khoan dung của văn hoá Việt Nam – cái truyền thống mà ngay từ thuở ấu thơ, Nguyễn Sinh Cung đã tiếp thu được từ gia đình, quê hương và dân tộc. Truyền thống ấy được thể hiện qua câu hát, lời ru thấm đượm tình yêu thương con người, trân trọng sự sống. Mười một tuổi, Hồ Chí Minh đã mồ côi mẹ, lúc này cha Nguyễn Sinh Sắc vắng nhà. Toàn bộ việc mai táng của thân mẫu đều được những người láng giềng tốt bụng giúp đỡ. Hằng ngày, Người phải bế em là Nguyễn Sinh Xin mới chưa đầy một tuổi đi bú nhờ hàng xóm,… Những nỗi đau đớn, cô đơn, tang tóc vất vả từ thuở nhỏ, chiến tranh, loạn lạc, mất mát, đau thương, ly tán cùng với sự đùm bọc thương yêu của bà con lối xóm, … đã hình thành trong tư tưởng của Người về nỗi đau và tình yêu thương con người, nhất là những người cùng cảnh ngộ. Có thể coi đây là “ngọn nguồn của lòng thương yêu tôn quý con người, ngọn nguồn của những xúc cảm về nỗi đau của con người và là nguồn gốc sâu xa của tinh thần khoan dung, nhân ái trong tư tưởng Hồ Chí Minh”[20, tr.32].
Bên cạnh đó, vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, với tư chất thông minh, Người đã sớm tiếp thu tinh thần nhân văn của Nho giáo qua các người thầy vốn là những nhà Nho yêu nước. Tuy nhiên, Nho giáo thẩm thấu vào Hồ Chí Minh không phải là những giáo điều “tam cương”, “ngũ thường” nhằm bảo vệ tôn ti trật tự phong kiến, mà đó là Nho giáo đã được Việt Nam hoá, khoan dung đó là tinh thần “nhân nghĩa”, đạo “tu thân”, lễ nghĩa, ôn hoà, nhân ái,… cùng với tinh thần đấu tranh bất khuất của các phong trào chống Pháp nổ ra lúc bấy giờ, tấm gương của các sĩ phu yêu nước đóng vai trò là cơ sở cho việc hình thành trong Người lòng yêu nước và tư tưởng khoan dung, nhân ái, cốt tủy của tinh thần Hồ Chí Minh.
Như vậy, chính từ thực tiễn cuộc sống đã giúp Hồ Chí Minh hiểu được ý nghĩa sâu xa của những cụm từ “Tình gia tộc”, “Nghĩa đồng bào”. Tình cảm sâu nặng với gia đình, quê hương trong tư tưởng của Người ngày càng phát triển và mở rộng thành tình yêu Tổ quốc và rộng hơn là tình yêu con người, yêu nhân loại. Văn hóa khoan dung, nhân đạo làm cho Hồ Chí Minh trở nên gần gũi và thân thiết với nhân dân lao động các nước, điều này lý giải tại sao Hồ Chí Minh luôn có những người bạn thân thiết, chân tình ở khắp nơi trên thế giới.
Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát triển tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình; nhân ái, khoan dung với đồng loại; tôn trọng, hòa hợp và thích nghi với tự nhiên.
Xuất phát từ hoàn cảnh và điều kiện địa lý nước ta thuộc khu vực Đông Nam Á và nằm ở “ngã tư đường”, Việt Nam là nơi giao thoa văn hoá của nhiều nền văn hoá trong khu vực. Đây là điều kiện thúc đẩy quá trình làm phong phú thêm cho bản sắc văn hoá dân tộc. Về đặc điểm khí hậu, Việt Nam là nước có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều với các con sông lớn và các đồng bằng châu thổ trù phú, phì nhiêu. Đặc trưng đó quy định loại hình sản xuất chủ yếu của người dân là nông nghiệp, cụ thể là nghề trồng lúa nước và xã hội được tổ chức theo kiểu làng xã với tính chất hợp quần cao. Như đã nói trên, loại hình sản xuất này cùng điều kiện sống quy định các phương diện của văn hóa Việt Nam. Nghề trồng trọt buộc người dân phải sống định cư và phụ thuộc nhiều vào tự nhiên sinh ra tâm lý tôn trọng, hòa hợp và thích nghi với tự nhiên. Đây chính là những nấc thang tiến đến sự ra đời tư tưởng khoan hòa với tự nhiên. Mặt khác, xuất phát từ điều kiện lịch sử của dân tộc, một đất nước luôn phải chống thiên tai, địch hoạ nên từ rất sớm khoan dung đã trở thành một trong những đức tính tốt đẹp trong truyền thống dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Vì vậy,
khoan dung đã trở thành quy tắc ứng xử của dân tộc trong quan hệ với chính mình và với các dân tộc khác. Ở buổi đầu lịch sử, đạo nghĩa khoan dung đã thể hiện rõ nét trong triết lý dân gian cũng như trong hệ thống ứng xử của người Việt. Đặc biệt, từ buổi đầu lập quốc, dân tộc Việt Nam phải liên tục đứng lên đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước sự xâm lược của những kẻ thù hùng mạnh, tàn bạo. Sức mạnh của dân tộc không chỉ ở tinh thần yêu nước, ở ý chí quyết chiến, quyết thắng mà còn ở khía cạnh yêu chuộng, tha thiết hòa bình, ở tinh thần nhân ái khoan dung với đồng loại. Như vậy, có thể khẳng định rằng, chính địa lý, điều kiện lịch sử đã làm cho đạo nghĩa khoan dung sớm trở thành một trong những giá trị văn hoá tinh thần cốt lõi của truyền thống dân tộc Việt Nam. Truyền thống này được biểu hiện trên mọi phương diện của đời sống xã hội.
Người Việt Nam thấu hiểu hơn ai hết chiến tranh, mất mát, đau thương,…vì vậy, người Việt Nam có truyền thống giàu lòng yêu thương con người, giàu lòng khoan dung với kẻ thù và truyền thống ngoại giao giữ hoà khí, sống trọng tình nghĩa, tránh đối đầu, tránh chiến tranh, luôn muốn giữ hoà hiếu. Ngay từ xưa, vì muốn giữ hoà hiếu mà An Dương Vương đã mắc mưu khi gả con gái của mình là Mỵ Châu cho Trọng Thuỷ. Đến thời nhà Lý, sau khi đánh cho giặc Tống đại bại trên phòng tuyến Sông Cầu, Lý Thường Kiệt đã chủ động điều đình để mở lối thoát cho địch trong danh dự,… Đối với dân tộc Việt Nam, chiến tranh cũng chỉ nhằm tới mục đích cuối cùng là giành lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Một trong những truyền thống quý báu của dân tộc được Hồ Chí Minh kế thừa đó chính là tinh thần đoàn kết. Chính truyền thống đó đã thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, chấp nhận những khác biệt để cùng nhau bảo vệ cuộc sống của mình trước sức mạnh của tự nhiên, nâng cao điều kiện sống của bản thân.Ban đầu, sự ra đời của nhà nước Văn Lang -
Âu Lạc không hoàn toàn là kết quả của cuộc đấu tranh bằng vũ lực trong nội bộ các cộng đồng, các tộc người, mà chính là để tìm một sự đoàn kết, liên kết tự nguyện nhằm tăng hiệu suất việc trị thủy. Đó cũng là nhân tố tạo nên nền móng đầu tiên của tâm hồn, đạo lý, phong tục, tập quán, lối sống khoan dung của con người Việt Nam với ý nghĩa đồng bào cả nước đều là “con Rồng, cháu Tiên, nòi giống Lạc Hồng”, coi nhau như anh em trong một đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Mặt khác, trong các sinh hoạt cộng đồng, vì sự sinh tồn của dân tộc, trong đấu tranh chống xâm lược cũng như trong lao động sản xuất, đứng trước những điều kiện thuận lợi và những khó khăn,… khoan dung của người Việt Nam luôn luôn được thực hiện với phương châm “Thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” hay “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Với tấm lòng rộng mở, người Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau, cố kết và chia sẻ với nhau, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”,… Điều đặc biệt, truyền thống này được nâng lên thành triết lý nhân sinh của dân tộc, đó là đoàn kết tạo nên sức mạnh “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Một trong những nét đặc sắc trong khoan dung Hồ Chí Minh chính là sự kế thừa truyền thống khoan dung tôn giáo, khoan dung văn hoá của dân tộc. Có thể khẳng định, văn hóa khoan dung là một trong những đặc điểm văn hóa truyền thống của người Việt được thể hiện qua tính hòa đồng, đan xen. Đặc biệt, một trong những lĩnh vực khoan dung đặc sắc nhất của truyền thống lịch sử Việt Nam chính là khoan dung tôn giáo, khoan dung văn hoá. Trong lịch sử du nhập tôn giáo từ phương Đông và Phương Tây vào Việt Nam, sự tiếp nhận của người Việt không bao giờ là cực đoan hay kỳ thị, mà là sự tiếp nhận rộng lượng, nhân ái, thuận hòa. Có lẽ vì thế, ở Việt Nam có nhiều tôn giáo, nhiều tín ngưỡng, nhưng đã tránh được những
cuộc xung đột, đối đầu dẫn đến chiến tranh tôn giáo như một số quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, nằm ở cửa ngõ của sự giao lưu văn hóa từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, Việt Nam ngay từ khi lập nước đã mở rộng đón nhận ảnh hưởng của các nền văn hóa khu vực: Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Hoa,.. và sau này là văn hóa phương Tây. Trong quá trình tiếp biến, văn hóa Việt Nam không những không bị đồng hoá, mà đã sàng lọc và tiếp thu những yếu tố mới phù hợp với giá trị nền tảng của văn hóa dân tộc Việt. Nhờ đó, văn hóa Việt Nam vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa trở nên phong phú hơn. Vì vậy, dù trải qua một nghìn năm Bắc thuộc và hơn 100 năm dưới ách thống trị của thực dân - đế quốc, không những dân tộc Việt Nam đã không bị đồng hóa, mà văn hoá Việt Nam vẫn tồn tại bền vững, không bị hòa tan. Đó chính là nhờ tinh thần khoan dung đã từ lâu được tô đậm trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Cũng chính điều nàyđã tạo nên một Việt Nam - quốc gia với nhiều tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau, bao gồm tín ngưỡng tôn giáo bản địa và những tín ngưỡng, tôn giáo được du nhập từ bên ngoài.
Sự dung nạp, chấp nhận cùng chung sống, cùng tồn tại của các sắc tộc, các giai tầng, các tôn giáo khác nhau trong xã hội Việt Nam là thể hiện của tinh thần khoan dung sâu sắc. Các học thuyết, tôn giáo như Nho, Phật, Lão, Thiên Chúa giáo khi du nhập vào Việt Nam đều có sự khúc xạ mạnh mẽ qua văn hóa Việt Nam. Những nhân tố yếu tố tích cực trong tư tưởng khoan dung của các học thuyết, tôn giáo đó đều được nhân dân ta khai thác, bổ sung cho phù hợp với con người Việt Nam. Nho giáo cần cho sự tu thân, trị nước. Phật là chỗ dựa cho đời sống tâm linh của con người. Đạo Lão kêu gọi con người sống hài hòa với tự nhiên. Chúa Giêsu đề cao lòng bác ái… Chính việc kết hợp hài hòa giữa văn hóa Đông -Tây, con người Việt Nam đã đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên, cá nhân
với cộng đồng, gia đình với Tổ quốc, đạo với đời,… Đó cũng chính là cơ sở hình thành nên truyền thống khoan dung Việt Nam, cội nguồn tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh.
Như vậy, Hồ Chí Minh được sinh ra và được dưỡng dục trong môi trường văn hóa gia đình giàu lòng yêu nước, nhân ái, sống có tình, có nghĩa, cùng với sự kế thừa những giá trị tốt đẹp từ truyền thống khoan dung của dân tộc, đó chính là nền tảng cơ bản để Hồ Chí Minh tiếp nhận những giá trị của tinh thần khoan dung Đông - Tây - Kim - Cổ, hình thành tư tưởng khoan dung ở Người. Giáo sư Đặng Xuân Kỳ viết: “Những đặc trưng cơ bản nhất thu được từ tinh hoa của nhân loại đã góp phần quan trọng vào việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam. Nhưng trước hết phải nói rằng, những tinh hoa ấy chỉ có sức sống và phát huy tác dụng khi gắn liền với truyền thống Việt Nam, với di sản tinh thần của dân tộc qua hàng ngàn năm”[64, tr.138]. Đây là nhận xét giúp chúng ta có cơ sở xác đáng để lý giải về nguồn gốc hình thành và những yếu tố chi phối đặc điểm của tư tưởng, tư duy Hồ Chí Minh, đồng thời, cũng chỉ rõ cội nguồn tư tưởng khoan dung ở Người.