Tư tưởng của Rousseau về sự phân định và kiểm soát các quyền lực

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) triết học chính trị j j rousseau và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam hiện nay (Trang 97 - 106)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

4.2.Tư tưởng của Rousseau về sự phân định và kiểm soát các quyền lực

4.2.1. Sự tương đồng và khác biệt của giữa quan niệm của Rousseau và Montesquieu về phân chia quyền lực

Học thuyết triết học chính trị của Rousseau và Montesquieu đã để lại dấu ấn sâu sắc trong sự phát triển của nhà nước hiện đại đặc biệt thông qua tác phẩm Bàn

về khế ước xã hộiTinh thần pháp luật. Các học thuyết này đã có ảnh hưởng

đáng kể đến các mô hình nhà nước pháp quyền khác nhau, cạnh tranh với nhau sau này. Việc so sánh những điểm tương đồng và khác biệt của hai mô hình phân quyền này là cần thiết và có giá trị gợi mở đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay.

Có thể tìm thấy những điểm tương đồng căn bản giữa học thuyết của Rousseau về chủ quyền tối cao hay chủ quyền nhân dân và học thuyết của Montesquieu về sự cân bằng giữa các quyền lực: hai nhà tư tưởng này có quan điểm giống nhau về bản chất của các quyền lực nhà nước, về việc nhà nước phải đảm bảo tự do chính trị cho các công dân và về sự cần thiết phải phân chia các quyền lực chính trị như quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp [Xem: 165, tr. 693].

Mặt khác, cũng có thể nhận ra những khác biệt căn bản giữa Rousseau và Montesquieu đặc biệt liên quan đến sự phân chia quyền lực giữa quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.

Thứ nhất, triết học chính trị của Rousseau và Montesquieu xuất phát từ những

cơ sở nhân học triết học khác nhau về nguyên tắc. Cơ sở của toàn bộ triết học chính trị của Rousseau là niềm tin sâu sắc vào tính không thể sai lầm của ý chí chung của

nhân dân, rằng tiếng nói của nhân dân chính là tiếng nói của Thượng Đế trên trái

đất. Nếu tiếng nói của nhân dân càng được lắng nghe một cách thường xuyên, càng được lan truyền một cách trực tiếp hơn và tự do hơn, nhà cầm quyền và các công dân càng tuân thủ nó nhiều hơn, thì nhà nước sẽ càng được tổ chức tốt hơn và tự do chính trị sẽ được đảm bảo tốt hơn trong nhà nước đó. Ngược lại, xuất phát từ sự không tin tưởng vào bản chất con người, triết học chính trị của Montesquieu lại cố gắng kiểm soát những người đại diện của các quyền lực, những người được coi là luôn có xu hướng lạm dụng quyền lực của mình và hạn chế tự do của các công dân

[Xem: 139, tr. 146-151].

Thứ hai, Rousseau và Montesquieu dựa vào các nguyên tắc khác nhau trong

việc phân chia quyền lực tối cao. Theo Rousseau, toàn bộ quyền lực tối cao trong

nhà nước thuộc về nhân dân; nhân dân thực hiện quyền lực của mình hoặc trực tiếp

hoặc gián tiếp thông qua các “công bộc” của mình; chủ quyền nhân dân gắn liền với

quyền lập pháp, bộ phận lập pháp; bộ phận này có quyền lực bị hạn chế một cách

trực tiếp bởi các quy tắc nhất định phải tuân thủ. Còn theo Montesquieu, trong nhà nước, không có một bộ phận nào gắn với chủ quyền tối cao và quyền lực tối cao như vậy, mà có một số bộ phận được phân chia các chức năng khác nhau của quyền lực tối cao, sao cho không một bộ phận nào, một cơ quan nào trong số đó có quyền lực

vô hạn, và quyền lực của mỗi bộ phận đó (mỗi cơ quan đó) là yếu tố kiềm chế, hạn

chế và kiểm soát quyền lực của bộ phận khác (cơ quan khác). Montesquieu viết: “Cơ

quan cầm quyền vừa là kẻ thi hành luật vừa tự cho mình là kẻ lập pháp. Họ có thể tàn phá quốc gia bằng những ý chí chung sai lầm của họ. Mà họ còn nắm cả quyền xét xử nữa thì họ có thể đè nát mỗi công dân theo ý muốn của họ” [73, tr. 107].

Nếu với niềm tin vào ý chí chung của nhân dân, Rousseau cho rằng, đảm bảo cho nhân dân quyền lực vô hạn trong nhà nước có nghĩa là đảm bảo sự thống trị cho các bộ luật công bằng và ổn định, thì Montesquieu lại coi mọi quyền lực vô hạn, cho dù nằm trong tay bất cứ ai, đều có nguy cơ của cái ác không thể chấp nhận được trong một nhà nước có kỷ cương. Ưu thế của tổ chức nhà nước, theo Montesquieu, không phụ thuộc vào việc quyền lực đó nằm trong tay ai, mà vào tính hiện thực của các điều kiện kiểm soát và hạn chế quyền lực đó. Tuy nhiên, cả Montesquieu và Rousseau đều phân biệt quyền lập pháp và quyền hành pháp và trao các quyền lực đó cho các bộ phận hay các cơ quan khác nhau. [Xem: 139, tr. 146-151].

Thứ ba, Rousseau và Montesquieu có những quan điểm khác nhau về vị thế

của quyền lập pháp và quyền hành pháp. Coi sự thống trị tuyệt đối của ý chí chung của nhân dân như là nguồn gốc của các bộ luật, Rousseau đã thừa nhận quyền lập pháp thuộc về nhân dân, gắn liền với nghị viện hay quốc hội là quyền lực tối cao. Theo ông, quyền hành pháp gắn liền với chính phủ, chỉ có chức năng phụ thuộc hay

chức năng chấp hành đối với quyền lập pháp. Sự thực hiện chức năng đó được trao

cho các cơ quan dưới luật được thiết lập bởi chủ quyền nhân dân. Các cơ quan này có được các quyền hạn của mình từ chủ quyền nhân dân và thực thi chúng dưới sự giám sát của chủ quyền nhân dân.

Trong khi đó, Montesquieu cho rằng, quyền tối cao được biểu hiện không chỉ trong quyền lập pháp, mà còn cả trong quyền hành pháp, rằng cả quyền lập pháp

lẫn quyền hành pháp là ngang nhau và bình đẳng với nhau. Theo ông, quyền lập

pháp và quyền hành pháp được thực thi một cách tự do và độc lập với nhau trong phạm vi thẩm quyền của mình. Quyền lập pháp và quyền hành pháp kiểm soát cũng như hạn chế lẫn nhau bằng các quyền hạn của mình. Với Montesquieu, quyền hành pháp gắn liền với chính phủ không có chức năng phụ thuộc hay chấp hành đối với quyền lập pháp là cơ quan lập pháp. [Xem: 139, tr. 146-151].

Thứ tư, Montesquieu và Rousseau có những điểm khác biệt trong quan niệm về mô hình nhà nước, trong đó có quan niệm về bản chất của quyền hành pháp, về tổ chức của quyền lập pháp và về quan hệ giữa quyền hành pháp và quyền lập pháp.

Trong mô hình nhà nước của Rousseau, quyền hành pháp được trao cho các cơ quan chấp hành cấp dưới được lựa chọn bởi nhân dân từ số các đại biểu của mình cho một thời hạn nhất định; các cơ quan hành pháp này, cho dù là quân vương, là thiểu số quý tộc, là đa số dân chủ hay ở bất kỳ hình thức nào, thực chất, chỉ được coi là những công

bộc của nhân dân và thực thi quyền lực của mình theo ý chí chung của nhân dân. Các

cơ quan này phải tuyệt đối tuân theo ý chí chung của nhân dân và thực hiện các quyền hạn của mình, chừng nào còn tuân theo ý chí của nhân dân. Về phần mình, nhân dân có quyền thay đổi các nhà cầm quyền và ngay cả chính hình thức cầm quyền, nếu

những người cầm quyền không tuân thủ ý chí chung của nhân dân.

Còn trong mô hình nhà nước của Montesquieu, quyền hành pháp tối cao thuộc về cơ quan có tính độc lập, trực tiếp và ngang hàng (chính phủ), chứ không phải là cơ quan chấp hành của quyền lập pháp tối cao (nghị viện). Bản thân quân vương cũng chỉ tồn tại trong cơ cấu nhà nước, nhận được các quyền hạn của mình không phải từ cơ quan lập pháp hay bất cứ ai, mà cai trị theo quyền độc lập của mình.

Khác với Rousseau chỉ thừa nhận chính phủ là hợp pháp, khi chính phủ đó được nhân dân lựa chọn từ các đại biểu nghị viện của mình, Montesquieu cho rằng, việc lựa chọn các nhà hành pháp từ các nhà lập pháp (nghị viện) là vi phạm yêu cầu cơ bản của cơ cấu nhà nước, yêu cầu phân quyền nhằm đảm bảo tự do chính trị của công dân, bởi vì khi đó cả hai quyền hành pháp và quyền lập pháp nhập thành một, không có sự phân lập, điều đó đe dọa tự do chính trị của các công dân. Montesquieu viết: “Nếu nhà vua tham gia việc lập pháp với chức năng quy định luật, thì sẽ không còn tự do. Nhưng dầu sao thì nhà vua cũng phải tham gia lập pháp để tự bảo vệ, nên ông chỉ tham gia với chức năng ngăn cản mà thôi… Quyền hành pháp chỉ tham gia việc lập pháp bằng chức năng ngăn cản, chứ không chen vào bàn cãi công việc, mà cũng không phải làm các kiến nghị" [73, tr. 117]. Như vậy, trong mô hình nhà nước ―tam quyền phân lập‖ của Montesquieu, những người tham gia chính phủ và thực thi quyền hành pháp không được phép là đại biểu quốc hội hay nghị sĩ.

Thứ năm, Montesquieu và Rousseau có những điểm khác biệt trong quan niệm về kiểm soát quyền lực. Theo Rousseau, quyền lập pháp không cần bị kiểm soát, nó không thể mang đến nguy cơ cho tự do chính trị, bởi vì với tính cách là ý chí chung, phán xét về các đối tượng trên cơ sở lợi ích chung, quyền lập pháp luôn luôn thể hiện sự công bằng. Theo Rousseau, nguy cơ cho tự do chính trị xuất hiện chủ yếu

từ phía quyền hành pháp, khi những người đại diện của nó luôn có xu hướng lạm

dụng quyền lực vì các lợi ích của mình và gây thiệt hại cho các lợi ích chung. Chính vì vậy, cần phải hạn chế quyền hành pháp bằng một loạt tiêu chí để buộc nó tuân

thủ và chấp hành quyền lập pháp.

Còn theo Montesquieu, các quyền lực kể cả quyền lập pháp và quyền hành pháp đều chứa đựng nguy cơ đe dọa tự do chính trị, vì vậy cần phải kiềm chế cả hai

quyền lực này. Theo ông, về bản chất của mình, quyền hành pháp bị hạn chế, còn

quyền lập pháp là tự do, nên thậm chí nó càng cần phải kiềm chế nhiều hơn.

Về mối quan hệ của quyền lập pháp với quyền hành pháp, khác với Rousseau cho rằng, nhà lập pháp là người chủ, người nắm chủ quyền, còn nhà hành pháp chỉ là người chấp hành, là công bộc, là người đày tớ của nhân dân, Montesquieu lại cho rằng, quyền lập pháp và quyền hành pháp là bình đẳng và ngang nhau, rằng quyền tối cao biểu hiện trong cả hai quyền lực đó ở mức độ như nhau. Khác với Rousseau đưa ra các tiêu chí để khiến quyền hành pháp phải tuân thủ quyền lập pháp, Montesquieu đặt các quyền lực đó cạnh nhau, một mặt nhằm đảm bảo tính độc lập và tính tự chủ, mặt khác duy trì khả năng kiềm chế và hạn chế lẫn nhau. Montesquieu viết: “Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, hoặc của quý tộc, hoặc của dân chúng nắm luôn cả ba thứ quyền lực nói trên thì tất cả sẽ mất hết” [73, tr. 106].

4.2.2. Sự phân định giữa các quyền lực chính trị và sự ngăn chặn nguy cơ lạm quyền của các cơ quan hành pháp và tư pháp

Có thể nói, Rousseau đã kế thừa một số nội dung cơ bản của quan niệm của Montesquieu về phân chia quyền lực. Bàn về sự cần thiết phải phân lập giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp, Montesquieu viết: "Quyền lực hành pháp phải vận dụng chức năng ngăn cản để tham gia việc lập pháp, nếu không nó sẽ bị tước mất ưu quyền. Nhưng trái lại, nếu quyền lực lập pháp tham gia vào việc hành pháp thì quyền

hành pháp sẽ bị thủ tiêu" [73, tr. 117]. Cũng như vậy, Rousseau đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tách bạch các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp như những quyền lực độc lập không thể để trong tay một người, một tổ chức. Ông cảnh báo nguy cơ mất tất cả nếu ba thứ quyền lực ấy nằm trong tay một người hay một tổ chức dù của quý tộc hay của dân chúng. Tuy nhiên, khác với Montesquieu, Rousseau không hề nói đến đặc quyền dành cho những kẻ giàu sang, danh vọng. Ông không bàn đến việc thiết lập Nghị viện quý tộc (thượng nghị viện) bên cạnh nghị viện dân chúng (hạ nghị viện) [Xem: 95, tr. 250-251].

Bàn về vai trò của nhà lập pháp trong quan hệ với nhà hành pháp và nhà tư pháp, Rousseau đã làm phép so sánh một cách dễ hiểu như sau: "Nhà lập pháp là kỹ sư sáng chế ra máy; ông vua chỉ là người thợ dựng máy lên và vận hành máy... Người lập pháp quyết không phải là một vị pháp quan hay một quốc vương" [95, tr. 100-101]. Ông vua hay quốc vương ở đây được Rousseau hiểu chỉ với tính cách là nhà hành pháp, chứ không phải là với tính cách là ông vua chuyên chế thâu tóm trong tay cả quyền lập pháp, quyền hành pháp và tư pháp. Nhà lập pháp hay nghị sĩ không thể là đồng thời là ông vua trực tiếp cai trị, cũng như không thể đồng thời là nhà tư pháp, người trực tiếp xét xử trong các phiên tòa. Cũng như Montesquieu, Rousseau không chấp nhận tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa là cầu thủ bóng đá, vừa là trọng tài, vừa là người thay đổi tùy tiện luật bóng đá trên sân bóng [Xem: 139, tr. 151-159].

Trong các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, Rousseau coi "lập pháp là đỉnh cao nhất của sự hoàn thiện mà sức mạnh tập thể có thể đạt tới" [95, tr. 100]. Khi bàn về quyền lập pháp, Rousseau coi "đó là một chức năng đặc biệt và cao cả, không giống với chức năng của một con người cụ thể" [95, tr. 101] và cho rằng, việc sử dụng nhà lập pháp đồng nghĩa với việc tạo lập ra nền cộng hòa. Việc phân định các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, theo Rousseau, là vô cùng cần thiết. Giải thích nguyên nhân của sự phân định này, ông viết: "Bởi vì ai đã truyền lệnh cho người thì không được truyền lệnh cho pháp luật. Và kẻ đã truyền lệnh cho pháp luật cũng không nên truyền lệnh cho người. Không như thế thì luật pháp vốn là công cụ chế ngự tham vọng sẽ trở thành công cụ để duy trì bất công, sẽ không tránh khỏi tình trạng các quan điểm cá nhân làm mờ nhạt sự trong sáng của tác phẩm" [95, tr. 101]. Việc phân định giữa quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp là

công cụ hữu hiệu để tránh sự chi phối của yếu tố chủ quan và lợi ích cá nhân nhân danh ý chí chung trong việc thực thi và bảo vệ pháp luật [Xem: 139, tr. 151-158].

Theo Rousseau, người chấp pháp tức là người thực thi pháp luật hay người hành pháp thì "không nên có quyền lập pháp và dân chúng dầu muốn cũng không thể trao quyền lập pháp cho người chấp pháp" [95, tr. 102]. Bởi vì các cá nhân chỉ tuân theo khế ước cơ bản tức là hiến pháp. Nhưng điều quan trọng là ở chỗ: "Người ta không bao giờ chắc rằng, ý chí cá nhân tự nó phù hợp với ý chí chung. Chỉ có thể tin như thế sau khi đã đặt ý chí cá nhân dưới cuộc đầu phiếu tự do của dân chúng" [95, tr. 102]. Đây có thể coi là tư tưởng có giá trị của Rousseau về nền dân chủ trực tiếp: bầu nguyên thủ quốc gia thông qua tổng tuyển cử.

Coi các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp với tư cách là những nội dung cốt lõi của việc tổ chức bộ máy nhà nước, Rousseau luôn đặt quyền lực nhân dân với tính cách là quyền lực tối cao ở vị trí cao nhất, chi phối các quyền lực khác. Không ai có quyền đứng trên quyền lực này. Quyền lập pháp mới là sự thể hiện trực tiếp nhất ý chí nhân dân, của quyền lực tối cao. Chủ quyền nhân dân thể hiện trong quyền lập pháp của nhân dân. Đây chính là đóng góp của Rousseau trong sự hình thành và phát triển một loại mô hình nhà nước pháp quyền khá gần gũi với mô hình nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa theo Hiến pháp năm 1946. Điều này sẽ được phân tích chi tiết hơn trong tiết 5.2.

Cơ quan lập pháp có trách nhiệm phản ánh ý chí chung của toàn dân, chứ không phải ý kiến cá nhân của các nghị sĩ, các vị đại diện nhân dân. Cũng như cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp cũng phải chịu trách nhiệm trước dân chúng,

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) triết học chính trị j j rousseau và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam hiện nay (Trang 97 - 106)