Những điều kiện kinh tế xã hội cho sự ra đời triết học chính trị

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) triết học chính trị j j rousseau và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam hiện nay (Trang 29)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

2.1.Những điều kiện kinh tế xã hội cho sự ra đời triết học chính trị

Thế kỷ XVI - XVIII có thể coi là thời đại có tính bước ngoặt cơ bản trong lịch sử cận đại, thời đại cách mạng tư sản và xác lập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Những dấu ấn quan trọng đầu tiên của thời đại này là cuộc cách mạng Hà Lan (1566), cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới và tiếp đến là cuộc cách mạng tư sản Anh (1640-1688) mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở châu Âu. Vào thế kỷ XVIII, nước Pháp trở thành vũ đài của cuộc đấu tranh gay gắt giữa chế độ phong kiến đã trở nên lỗi thời và chủ nghĩa tư bản đang hình thành và phát triển trong lòng nó.

Sau hai trăm năm tồn tại, chế độ chuyên chế phong kiến ở Pháp bắt đầu suy vong từ những thập kỷ cuối thế kỷ XVII. Nguyên nhân sâu xa của sự suy vong đó là ở chỗ, chế độ phong kiến đã trở nên lỗi thời, không đáp ứng được các nhu cầu phát triển của đất nước về kinh tế và xã hội, mà ngược lại trở thành thế lực gây trở ngại, kìm hãm và ngăn chặn sự phát triển của lực lượng sản xuất mới tư bản chủ nghĩa đang hình thành và phát triển. Phát sinh vào thế kỷ XVI, chủ nghĩa tư bản ở Pháp đã dần dần phát triển trong lòng xã hội phong kiến và sau đó đã trở nên chín muồi. Điều này đưa đến những mâu thuẫn gay gắt với trật tự phong kiến đang thống trị [Xem: 65, tr. 7].

Nhờ sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, giai cấp tư sản đã kịp trở thành một lực lượng kinh tế hùng hậu. Trong khi đó, toàn bộ quyền lực vẫn tiếp tục nằm trong tay giai cấp phong kiến quý tộc và tăng lữ. Vào thế kỷ XVIII, mặc dù là một nước tiên tiến nhất ở châu Âu, chỉ kém Anh ở phương diện kinh tế, nước Pháp về cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp với 90% nông dân và nền nông nghiệp của Pháp vẫn còn rất lạc hậu. Khoảng 30% đất đai bị bỏ hoang. Hình thức địa tô chiếm ưu thế ở Pháp vào thời kỳ này. Tuy chỉ chiếm không đến một phần trăm dân số, giới quý tộc và tăng lữ này lại nắm trong tay hơn một phần ba đất đai cùng với hàng triệu nông nô. Giai cấp phong kiến đã khiến các vùng thôn quê Pháp trở nên kiệt quệ, tiêu điều xơ xác bởi vô vàn thứ thuế nặng nề và chế độ lao dịch hà khắc.

Trong khi đó, nền công nghiệp Pháp đã có những bước tiến đáng kể, trong đó phải kể đến công nghiệp bông trẻ tuổi chủ yếu ở vùng Rouen và Le Havre, công nghiệp dệt tơ lụa ở Lyon, ngành luyện kim ở Alsace, Lorraine, Ardennes, v.v.. Thương nghiệp (nội thương và ngoại thương) ở Pháp thời kỳ này cũng phát triển mạnh mẽ: tổng ngạch kinh doanh của ngoại thương Pháp tăng gấp bốn lần trong thời gian từ 1715 đến 1792. Bordeau, Le Havre, Marceille, Nantes trở thành những thương cảng phồn thịnh với những xưởng đóng tàu lớn [Xem: 65, tr. 8-17].

Tầng lớp quý tộc phong kiến đã trở thành suy thoái, không đủ khả năng giải quyết những vấn đề của quốc gia dân tộc. Đa số những người thuộc giai cấp phong kiến đã rời bỏ các thái ấp về sống trong các thành phố, trao mọi chức năng kinh tế cho những kẻ điều hành được thuê mướn. Giới quý tộc thôn quê thì lại chẳng hề quan tâm gì đến việc tổ chức một cách hợp lý nền nông nghiệp hay đến việc trang bị các công cụ lao động tốt hơn. Các bộ luật khi đó thì lại cấm đoán giới quý tộc được tham gia các hoạt động thương nghiệp và công nghiệp. Sự tồn tại của giai cấp phong kiến thống trị ăn bám được đảm bảo không chỉ bằng quyền hành và những đặc quyền đặc lợi phong kiến, mà còn bởi những khoản tiền lớn được nhà nước bao cấp. Họ còn được miễn nhiều khoản thuế. Triều đình phong kiến Pháp loại bỏ quyền bình đẳng của con người trước luật. Mọi thứ quyền và tự do về chính trị chỉ dành riêng cho tầng lớp thống trị. Càng thua kém hơn so với giai cấp tư sản đang lớn dần lên trong vị thế kinh tế, giai cấp phong kiến càng cố tìm cách duy trì các quyền lực chính trị và càng kiên quyết chống lại mọi tư tưởng "nổi loạn" đòi bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trước pháp luật [Xem: 40, tr. 76-82].

Phong trào phản phong ngày càng lớn mạnh nhằm thủ tiêu quan hệ sản xuất phong kiến và thiết lập chế độ xã hội mới tư bản chủ nghĩa. Để duy trì tòa nhà cũ nát của chế độ phong kiến, chế độ quân chủ đã thẳng tay đàn áp nhiều cuộc nổi dậy của nông dân, ra lệnh đốt các sách báo "phản loạn", tống giam các tác giả của chúng. Các chính sách đối nội và đối ngoại được đưa ra, nhất là dưới thời của vua Lu-i XV trên thực tế đã thúc đẩy nhanh chóng sự suy vong của nền chuyên chế phong kiến.

Như vậy, vào thế kỷ XVIII, chế độ chuyên chế phong kiến đã trở thành lực lượng phản động, kìm hãm sự phát triển và tiến bộ xã hội. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Pháp cũng như ở châu Âu đòi hỏi xóa bỏ lực lượng này. Bối cảnh lịch sử xã hội Pháp thế kỷ XVIII là những điều kiện khách quan cho phép giai cấp tư sản

trở thành người lãnh đạo có khả năng tập hợp xung quanh mình đông đảo quần chúng nông dân, công nhân, thợ thủ công trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến. Giai cấp tư sản đã trở thành lực lượng có thể đại diện cho lợi ích của những người bị áp bức trong chế độ phong kiến.

Cuộc đấu tranh gay gắt giữa những người bảo vệ và những người phản kháng chế độ phong kiến đã trở nên ngày càng sâu sắc. Những chuyển biến lớn lao về chính trị xã hội diễn ra ở Pháp được thể hiện rõ nét nhất là trong lĩnh vực tư tưởng. Vào những năm 40 của thế kỷ XVIII, chủ nghĩa duy vật của Montesquieu, La Mettri, Voltaire, Diderot, Helvetius, Holbach... được hình thành mở đầu cho sự xuất hiện phong trào Khai sáng Pháp. Các nhà tư tưởng vĩ đại này đã giương cao ngọn cờ tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái. Trào lưu này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển tư tưởng của của nhân loại và thể hiện sự thắng lợi của khoa học, của lý tính và của chủ nghĩa duy vật trước thế giới quan duy tâm, phi khoa học và tôn giáo thần bí chống lại chế độ quân chủ chuyên chế đang suy đồi [Xem: 177, tr. 3-4]. Bối cảnh này tác động mạnh mẽ đến sự hình thành tư tưởng triết học chính trị của J.J. Rousseau.

2.2. Những tiền đề tư tưởng cho sự ra đời triết học chính trị Rousseau

2.2.1. Tư tưởng triết học chính trị của N. Machiavelli

N. B. Machiavelli (1469 - 1527) là nhà triết học chính trị Italia, một trong những nhà sáng lập của nền khoa học chính trị hiện đại. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình quý tộc có truyền thống tôn trọng tri thức, đạo đức và pháp luật, ông được hưởng một nền giáo dục tốt và sớm tham gia các hoạt động chính trị thực tiễn. Năm 29 tuổi, ông giữ chức bộ trưởng ngoại giao của chính quyền của cộng hòa Florence, sau đó là sứ thần đi nhiều nước ở châu Âu, có nhiều mối quan hệ mật thiết với các chính khách nổi tiếng đương thời.

Trong số các tác phẩm chính của ông, phải kể đến cuốn sách Quân Vương

(1513), Luận bàn về sách lịch sử La Mã của Livy (1517), Nghệ thuật chiến tranh

(1520). Tư tưởng triết học chính trị của Machiavelli thể hiện rõ nhất trong tác phẩm

Quân Vương, tác phẩm nổi tiếng bàn về nghệ thuật cai trị, về phương thức củng cố

quyền lực, về nhà nước, các phẩm chất và các thủ thuật chính trị của người cầm quyền. Tác phẩm này được coi là đã đặt nền tảng cho chính trị học hiện đại.

Một trong những tư tưởng cơ bản của Machiavelli là luận điểm coi hoạt động sống của con người là dựa trên cơ sở lợi ích vật chất của cá nhân. Ông đưa ra tư tưởng về thói ích kỷ tự nhiên và về tính quy định của thói ích kỷ của con người gắn liền với các lợi ích vật chất, nhất là với sở hữu tư nhân, về các lợi ích vật chất và sở hữu tư nhân như là động lực của đời sống xã hội, là chìa khóa lý giải cho bí mật của những gắn kết xã hội. Theo ông, chính sở hữu tư nhân có thể tạo ra định hướng cho các quá trình xã hội, đưa đến những xung đột xã hội và quy định hành vi thực tiễn của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, từ quan điểm này của ông, các lợi ích vật chất và nhu cầu của mọi người là khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau. Để tránh xung đột, theo Machiavelli, cần có những lực lượng và ý chí vượt lên trên mọi cá nhân ngăn cản các cá nhân khỏi các cuộc đối đầu với nhau. Đối với ông, các lực lượng và ý chí ấy không thể là tôn giáo hay đạo đức, mà chỉ có thể là nhà nước với tính cách là thể chế điều tiết các quan hệ lợi ích, các cuộc tranh cãi của những người có tài sản hay các chủ sở hữu tư nhân. Cuộc sống con người, theo ông, cần phải hướng đến chỗ ở chỗ phục vụ nhà nước và củng cố vị thế của nhà nước như là sự đảm bảo cho hạnh phúc của con người.

Là người đầu tiên phân biệt rạch ròi giữa xã hội và nhà nước, Machiavelli cho rằng, xã hội là rộng hơn nhà nước về quy mô, ngược lại nhà nước chỉ là một bộ phận hợp thành, nhưng là bộ phận cốt lõi về mặt tổ chức của xã hội. Ông được coi là người sáng lập thực sự của khoa học chính trị.

Bác bỏ học thuyết tôn giáo về nhà nước, Machiavelli luận giải quan niệm về quyền lực nhà nước với tính cách là một tổ chức hợp pháp hoạt động trên cơ sở các bộ luật nhất định. Việc giải phóng học thuyết nhà nước khỏi tôn giáo này đã đặt cơ sở đối với việc xem nhà nước bằng lăng kính của con người, phân tích các quy luật tự nhiên cho sự phát triển của nhà nước dựa vào kinh nghiệm, lý tính và nhận thức, chứ không phải vào thần học. Ông là người đầu tiên bác bỏ mô hình nhà nước thần quyền, đồng thời xây dựng mô hình nhà nước dựa trên lợi ích vật chất của con người.

Bàn về sự cần thiết của kiểm soát quyền lực, ông viết: “Nếu người chỉ huy được cử ra không tài giỏi, anh ta phải bị thay thế; nếu người đó có năng lực, anh ta phải được kiềm chế bằng luật pháp sao cho anh ta không làm gì vượt quá quyền hạn của mình” [64, tr. 112-113]. Tư tưởng cải cách của Machiavelli về xây dựng nhà

nước thế tục tách rời giáo hội, về nhà nước với tính cách là tổ chức pháp lý hoạt động theo luật pháp hay về kiểm soát quyền lực sau này đã được kế thừa trong tư tưởng triết học chính trị của J.J. Rousseau.

Là một trong những người đầu tiên bàn đến chính trị như một lĩnh vực đặc biệt của đời sống con người, Machiavelli đã luận chứng cho nghệ thuật chính trị đặc biệt nhằm thiết lập quyền lực nhà nước vững chắc bằng mọi phương tiện, bất chấp mọi nguyên tắc đạo đức theo phương châm “mục đích biện minh cho phương tiện”. Theo ông, không phải nhà nước tồn tại vì đạo đức, mà trái lại đạo đức, nếu có, tồn tại vì nhà nước. Đạo đức không thể tồn tại ngoài cộng đồng xã hội. Ông viết: “Bậc quân vương phải biết học hỏi từ bản tính của dã thú, biết kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo. Sư tử không thể tự bảo vệ mình tránh các cạm bẫy, còn cáo thì lại không thể chống lại sói. Vì thế, cần phải là cáo để nhận ra những cạm bẫy và là sư tử để dọa sói” [64, tr. 143]. Từ đây, Machiavelli ủng hộ vai trò của người cầm quyền mạnh mẽ, người có thể sử dụng mọi phương tiện đấu tranh thậm chí như giết người, phản bội, dối trá nhân danh mục tiêu vĩ đại, chẳng hạn vì sự nghiệp thống nhất nước Italia. Tuy nhiên, Machiavelli chỉ sử dụng các biện pháp này trong các trường hợp cực đoan và phải cân nhắc tất cả các tình huống, phải lắng nghe tiếng nói của nhân dân và sống thuận hòa với nhân dân [Xem: 143, tr. 85-90].

Machiavelli đề cao vai trò của pháp luật trong việc đảm bảo quyền lực của quốc vương. Ông viết: “Bởi vậy, ngài cần biết có hai phương pháp đấu tranh: cách thứ nhất bằng pháp luật, cách thứ hai bằng vũ lực. Cách thứ nhất thích hợp với người, cách thứ hai dành cho dã thú. Nhưng cách thứ nhất trong nhiều trường hợp vẫn chưa đủ nên cần đến cách thứ hai” [64, tr. 142]. Hơn nữa, Machiavelli đề cao vai trò của của nghị viện và cơ quan tư pháp trong việc đảm bảo sự ổn định của chính thể và sự an toàn của quân vương. Khi đánh giá cao hình thức cai trị của nước Pháp đương thời, ông cho rằng tại quốc gia này, ta có thể tìm thấy nhiều thiết chế tốt đẹp làm chỗ dựa cho sự tự do và an toàn của quốc vương, trong đó có nghị viện và cơ quan tư pháp có vai trò trung gian để kiềm chế quý tộc và che chở dân lành mà không tạo ra áp lực đối với quốc vương. Tư tưởng này sau này là mầm mống cho tư tưởng triết học chính trị Rousseau sau này về phương thức phân chia và kiểm soát các quyền lực chính trị.

Có nhiều quan điểm rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau trong việc đánh giá di sản của N. Machiavelli. Một số nhà lý luận tìm thấy ở ông sự biện minh cho bạo lực và sự tàn bạo trong các công việc nhà nước. Phương pháp đấu tranh bằng bạo lực đã ảnh hưởng đến xu hướng tư tưởng chính trị của Rousseau, khi chính phủ toàn trị chống lại ý chí chung của nhân dân và xóa bỏ khế ước xã hội. Một số người lại coi ông là người thực tế cả về lý luận và về chính trị. B. Mussolini và A. Hitler cũng thường dựa vào tư tưởng của Machiavelli. Một số khác lại phê phán sự biện minh cho bạo lực, sự phản trắc và tính hai mặt trong tư tưởng chính trị của ông.

2.2.2. Tư tưởng triết học chính trị của T. Hobbes và J. Locke

Ở nước Anh, trước và trong quá trình diễn ra cách mạng tư sản, đã hình thành “phương án Anh” của các nhà duy vật như Thomas Hobbes và John Locke. Ngoài các vấn đề bản thể luận và nhận thức luận, các nhà tư tưởng này đều dành cho triết học chính trị một sự quan tâm đặc biệt, phản ánh nhu cầu của một xã hội đang đi vào kỷ nguyên phát triển mới.

Thomas Hobbes (1588-1679) là một nhà triết học người Anh nổi tiếng, người đã thiết lập nền tàng cho nền triết học chính trị phương Tây qua luận thuyết về khế ước xã hội. Tư tưởng chính trị của ông được thể hiện chủ yếu trong những tác phẩm như: Những cơ sở triết học cho học thuyết về công dân (1642), Các yếu tố tự nhiên

và chính trị của pháp luật (1650), Bản chất con người: hay những yếu tố nền tảng

của chính trị (1650), Leviathan, hay là vật chất, hình dạng và quyền lực nhà nước

(thường gọi tắt là Leviathan - 1651), Về tự do và tất yếu (1654). Triết học của T. Hobbes là một trong những nguồn gốc lý luận cho sự ra đời tư tưởng triết học chính trị của Rousseau.

Các tư tưởng triết học chính trị của ông được thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm Leviathan (1651), một trong những công trình đầu tiên về triết học chính trị, mặc dù bản thân ông chưa sử dụng khái niệm này. Trong tác phẩm này, Hobbes đã phân tích những nền tảng của nhà nước và chính phủ hợp pháp. Đặt tên tác phẩm này là Leviathan nghĩa là con thủy quái biển hung dữ theo thần thoại Hy Lạp cổ đại, bởi vì Hobbes muốn ám chỉ quyền lực vô biên của nhà nước giống như con thủy quái

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) triết học chính trị j j rousseau và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam hiện nay (Trang 29)