Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
3.3. Tư tưởng của Rousseau về ý chí chung, chủ quyền tối cao và khế ước
Về ý chí chung
Ngay trong bài viết Về kinh tế chính trị năm 1755, Rousseau đã phân tích khái niệm ý chí chung. Theo ông, cơ thể chính trị là một xã hội quy ước có ý chí chung, luôn hướng đến việc duy trì và đảm bảo sự bình an của toàn bộ cơ thể và mỗi bộ phận của nó. Ý chí chung này là nguồn gốc của các bộ luật, là thước đo của công bằng hay bất công cho tất cả các thành viên của nhà nước. Tất nhiên, ý chí chung này chỉ là chung và được vận dụng trong một cộng đồng xã hội nhất định. Theo Rousseau, thước đo cho sự công bằng được đảm bảo trong mối quan hệ với tất cả các công dân trong nước này, có thể là sai khi vận dụng cho các công dân nước khác [Xem: 185].
Xem xét các cấp độ khác nhau của ý chí chung, Rousseau cho rằng, ý chí của các cộng đồng riêng được thể hiện trong hai mối quan hệ: đó là ý chí chung đối với các thành viên của cộng đồng nhất định, nhưng có thể là ý chí riêng đối với cộng đồng lớn hơn. Ông viết: "Ý chí riêng này, một mặt là đúng với cộng đồng nhỏ, nhưng mặt khác lại sai với cộng đồng lớn. Một quyết định có thể có lợi cho cộng đồng nhỏ, nhưng lại
rất nguy hiểm cho cộng đồng lớn. Các cộng đồng nhỏ phải phục tùng cộng đồng lớn. Trách nhiệm công dân là quan trọng hơn trách nhiệm nghị sĩ. Trách nhiệm con người quan trọng hơn trách nhiệm người công dân. Nhưng tiếc thay, lợi ích cá nhân lại luôn tỷ lệ nghịch với nghĩa vụ và gia tăng khi quy mô của cộng đồng càng nhỏ hơn và các trách nhiệm trở nên ít thiêng hơn"[185]. Tư tưởng này của Rousseau có ý nghĩa đáng ghi nhận trong việc phê phán bản chất của các lợi ích nhóm trong xã hội hay của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đề cao lợi ích dân tộc mình, của quốc gia mình, không đếm xỉa đến công ước quốc tế và làm phương hại đến lợi ích của các dân tộc khác, của quốc gia khác. Trong bài viết Về kinh tế chính trị, Roussseau đi đến nhận định quan trọng về ý chí chung: “Ý chí chung nhất luôn là ý chí công bằng nhất và tiếng nói của nhân dân trên thực tế là tiếng nói của Thượng Đế” [185].
Tư tưởng này được Rousseau tiếp tục phát triển trong tác phẩm Bàn về khế
ước xã hội. Câu hỏi được Rousseau đặt ra ở đây là: Con người cá thể tự do và hoang
dại về bản tính có thể giữ gìn tự do của mình như thế nào, khi con người từ trạng thái tự nhiên bước vào xã hội hay xây dựng xã hội cùng với những người khác? Rousseau đã đưa ra một quan niệm nhân học bi quan, hướng vào giai đoạn tiến hóa tiền lịch sử của nhân loại. Theo ông, giữa con người và giới tự nhiên thực vật và động vật có cái chung, đó là trong sạch và cao thượng. Ông lại không đề cao những đặc điểm và khả năng đích thực của con người. Mỗi người đều có một ý chí có tính bản năng của mình trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Sự tổng hợp của các ý chí riêng biệt đó được Rousseau gọi là ý chí chung (volonté générale). Ý chí chung bao hàm trong nó cả lý tính và sự công bằng.
Theo Rousseau, ý chí chung chính là tiền đề của khế ước xã hội. Ông viết: "Muốn cho công ước [khế ước] xã hội không trở thành một công thức suông, nó phải ngầm bao hàm điều ràng buộc đối với cá nhân. Chỉ có sự ràng buộc mỗi cá nhân mới tạo ra sức mạnh cho mọi cá nhân khác, ai cưỡng lại ý chí chung liền bị toàn bộ cơ thể chống lại" [95, tr. 72]. Chỉ khi con người có lý tính và có đạo đức, chỉ khi con người đã hoàn thiện được bản chất của mình, thì con người mới thành công trong việc đạt được khế ước xã hội, tức là đạt được việc xây dựng một nhà nước có lý tính và có đạo lý. Mặt khác, ý chí chung được hiện thực hóa, chỉ được tìm thấy ở trong một nhà nước chính đáng. Chỉ có một nhà nước chính đáng mới dựa vào ý chí chung phổ biến, không thể bị huỷ hoại.
Ý chí chung của nhân dân được công bố lên sẽ là luật pháp. Trong xã hội công dân, luật pháp có vai trò quan trọng trong việc xác lập mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng và quan hệ giữa các cá nhân với nhau. Theo khế ước xã hội, ý chí chung phản ánh lợi ích chung của cộng đồng và về phần mình chính lợi ích chung của cộng đồng phải trở thành nền tảng của luật pháp. Như vậy luật pháp phải được kết tinh từ ý chí chung của cộng đồng. Ý chí chung là căn nguyên của luật pháp
và là cơ sở để đo lường và phân định những việc phải trái trong quan hệ giữa các thành viên xã hội [Xem: 139, tr. 118-124].
Vậy ý chí chung được xác định như thế nào? Ý chí chung là gì? Theo Rousseau, mặc dù những người dân có những nguyện vọng khác nhau, nhưng người ta vẫn có thể rút ra được những điểm chung và lợi ích chung, sau khi loại bỏ đi các điểm cực đoan mang tính cá nhân. Rousseau gọi những điểm chung là lợi ích chung
đó là ý chí chung.
Ý chí chung được xác định khi xã hội thi hành trọng trách của mình ở vai trò tối thượng trong xã hội. Xã hội sẽ khám phá ra lợi ích chung của cộng đồng để xác định ý chí chung. Để xác định ý chí chung, phải loại bỏ tất cả những ý kiến khác biệt của các thành viên trong xã hội để có thể tổng hợp được ý muốn chung. Tất nhiên, Rousseau cũng ý thức được khả năng khác biệt của ý chí cá nhân so với ý chí chung. Ông nhận xét trong chương 1, quyển thứ hai của tác phẩm Bàn về khế ước xã hội như sau: "Nếu ý chí cá nhân có thể nhất trí với ý chí chung trên một số điểm thì nó cũng không thể nhất trí lâu dài và thường xuyên được; vì ý chí cá nhân, do bản chất của nó, hướng về ưu tiên bản thân mình, còn ý chí chung lại hướng tới sự đồng đều bình đẳng" [95, tr. 80]. Trong chương 3, quyển thứ hai của tác phẩm này, Rousseau bổ sung thêm: "Cũng thường khi có sự khác nhau giữa ý chí của mỗi người và ý chí chung. Ý chí chung chỉ tính đến lợi ích chung; ý chí của mỗi người lại nhìn vào lợi ích riêng và chỉ là tổng số những ý chí riêng lẻ. Nếu trừ đi những ý chí riêng lẻ xung khắc nhau quá quắt thì số dư sẽ là ý chí chung" [95, tr. 84].
Rousseau phân biệt một cách rạch ròi ý chí chung (la volonté generale) với ý
chí của tất cả mọi người (la volonté de tous). Ý chí chung chỉ hướng đến lợi ích
chung, còn ý chí của mọi người lại hướng đến các lợi ích cá nhân và là tổng số những ý chí riêng lẻ. Ý chí của tất cả mọi người chỉ là sự tập hợp thuần túy những ý chí và quyền lợi riêng rẽ, trong khi đó ý chí chung được hình thành bằng cách loại bỏ
trong tập hợp đó những quyền lợi triệt tiêu nhau. Ý chí chung là nơi tất cả các ý chí
cá nhân hay ý chí cục bộ trùng hợp và quy tụ nhau. Sự trùng hợp như vậy cần phải
có. Nếu như không tồn tại một điểm như vậy, nơi tất cả các lợi ích quy tụ nhau, thì không một xã hội nào có thể tồn tại. Xã hội cần được điều hành chỉ bằng lợi ích chung này. Khi phân tích khái niệm "ý chí chung" trong tác phẩm Bàn về khế ước xã hội, Rousseau đã đưa ra một đoạn chú thích khá thú vị ở như sau: "Muốn cho một ý chí trở thành ý chí chung, không nhất thiết lúc nào cũng phải tuyệt đối trăm người như một; nhưng điều cần thiết là mọi tiếng nói đều được đếm xỉa tới. Nếu loại bỏ, dù là một cách hình thức một số tiếng nói nào đó, thì ý chí chung sẽ bị tan rã" [95, tr. 81]. Khác với ý chí chung, ý chí của tất cả chỉ là tổng số của các ý chí cục bộ; mỗi ý chí cục bộ lại theo đuổi mục đích đặc thù riêng rẽ của mình. Nếu mọi người vứt bỏ những bất đồng từ "ý chí của tất cả", thì sẽ xuất hiện ý kiến trung bình nào đó và đó sẽ là "ý chí chung". Có thể nói rằng, ý kiến trung bình là ý chí chung và nó luôn luôn
chính đáng. Ý chí chung ở đây được hiểu là một mối liên hệ, một sợi dây gắn kết của
các ý chí riêng, chứ không phải là tổng số các ý chí riêng.
Đằng sau những suy luận toán học này là một vấn đề chính trị quan trọng: đó là vấn đề hòa hợp những quyền lợi mâu thuẫn với nhau giữa các cá nhân, đẳng cấp và toàn xã hội. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể thành công khi mà mọi người đều đưa ra ý kiến riêng với tư cách công dân của quốc gia thay vì với tư cách thành
viên của một thế lực riêng. Rousseau coi lĩnh vực của ý chí chung tức là lĩnh vực mà
trong đó ý chí chung được khẳng định, không phải là tổng số cơ học giản đơn của các lợi ích cá nhân, mà trước hết là lĩnh vực của quyền lập pháp trong bộ máy quyền lực nhà nước.
Vấn đề mà Rousseau đặt ra tiếp theo là: Liệu ý chí chung có thể nhầm lẫn được hay không? Đề cập đến khả năng nhầm lẫn của ý chí chung, Rousseau cho rằng, "ý chí chung bao giờ cũng thắng và luôn hướng tới lợi ích chung, nhưng không phải mọi điều luận giải của dân chúng đều là đúng đắn" [95, tr. 84]. Theo ông, ý chí chung của toàn thể dân chúng được công bố lên sẽ là một hành động của chủ quyền
tối cao, đó tức là luật. Luật này phải có sự tham gia ý kiến của tất cả dân chúng và
chỉ có hiệu lực khi được đa số thông qua. Nhưng Rousseau cũng đề cập đến việc bảo
lưu ý kiến của thiểu số. Ông cũng cho rằng đa số chưa chắc đã đúng và thiểu số không hẳn là sai.
Để cho đa số không bị nhầm lẫn ông cho rằng, phải công khai cung cấp đầy đủ thông tin cho dân chúng để họ tự bàn bạc và quyết định. Ông cũng lên tiếng cảnh báo thủ đoạn lợi dụng số đông, núp bóng tập thể để mưu lợi cho cá nhân. Theo ông, mỗi người phải bỏ qua quyền lợi bè phái và hành động như một công dân của quốc gia khi đóng góp ý kiến; và xã hội phải loại bỏ những nhóm hay tổ chức với các mục tiêu phục vụ quyền lợi riêng biệt.
Ý chí chung là biểu hiện của những lợi ích chung, luôn khao khát phúc lợi chung, vì vậy nó luôn luôn là chính đáng hay có chính nghĩa. Nhưng kinh nghiệm chỉ ra rằng, nhân dân có thể bị lừa dối. Nhân dân có thể bị mắc phải những phán xét sai lầm. Trong các trường hợp đó, người ta có thể cảm tưởng rằng, nhân dân không mong muốn cái mà nhân dân đáng ra mong muốn.
Ý chí chung chỉ được duy trì theo đúng ý nghĩa của nó, khi điều kiện thực thi nó được thỏa mãn. "Ý chí chung muốn thực sự là ý chí chung, thì phải là ý chí chung từ trong đối tượng và trong bản chất của nó; phải từ tất cả và ứng dụng cho tất cả. Ý chí chung sẽ mất đi sự đúng đắn tự nhiên khi nó thiên về một đối tượng riêng lẻ nhất định" [95, tr. 87-88].
Ý chí chung và ý chí của các phe nhóm. Theo Rousseau, ý chí của các phe
nhóm luôn chỉ là ý chí cục bộ. Vì vậy, không một phe nhóm nào được tuyên bố tham vọng về vị thế thượng phong. Nếu trong một quốc gia, cuộc đấu tranh giữa các phe nhóm được cho phép, thì ý chí chung sẽ biến mất. Vì thế, để thể hiện đúng ý chí chung sao cho trong quốc gia không có các bộ phận cục bộ và các phe nhóm cục bộ,
mỗi công dân cần phải bỏ phiếu chỉ theo ý kiến riêng của mình. Khi biểu quyết, cần
phải tránh mọi sự thỏa thuận với những người khác. Chỉ trong trật tự như vậy, theo
Rousseau mới đạt được sự thể hiện ý chí chung. Đồng thời, cần làm sao để nhân dân không bao giờ có thể bị lừa dối. Ngoài ra, Rousseau còn đưa ra một giải pháp để tránh việc ý chí chung của dân chúng rơi vào nhầm lẫn hay tránh việc chuyển ý chí chung sang ý chí cục bộ: đó là "tăng số lượng các nhóm lên" và "ngăn tránh sự không đồng đều giữa các phe nhóm" [95, tr. 85].
Tóm lại, ý chí chung và khế ước xã hội là nền tảng không thể thiếu được cho
sự tồn tại và phát triển của một nhà nước chính đáng. Nhưng ý chí chung chỉ có thể
được thực hiện thông qua "các lực lượng nhà nước" nhất định với tư cách là cơ quan quyền lực tối cao, thông qua chủ quyền nhân dân hay quyền lực tối cao.
Coi ý chí chung là hiện thân của chủ quyền nhân dân, Rousseau đã xem xét con người không chỉ với tính cách là đối tượng của các mối quan hệ quyền lực nhà nước mà còn với tư cách là chủ thể, khi con người vừa là công dân - người đặt lợi ích của quốc gia lên trên tất cả, vừa là cá nhân - người theo đuổi các mục đích riêng của mình.
Về chủ quyền tối cao hay chủ quyền nhân dân
Bàn về khế ước xã hội cũng có thể được coi là một tác phẩm lý luận về nhà
nước. Trong tác phẩm này, khi lý giải mối quan hệ giữa nhà nước và các công dân, Rousseau đã cố gắng xác định các quyền của họ đối với nhà nước. Theo ông, trụ cột của mối quan hệ này là "chủ quyền tối cao" hoặc có chỗ ông gọi là "quyền lực tối cao" hay "chủ quyền nhân dân". Theo chúng tôi, các thuật ngữ này được Rousseau coi như đồng nghĩa với nhau, mặc dù chúng có những sắc thái khác nhau nhất định. Chủ quyền tối cao hay quyền lực tối cao chính là cơ sở pháp lý cho mọi sự biểu quyết của nhân dân và cho các cuộc bầu cử chung.
Theo Rousseau, chủ quyền tối cao chính là sự thực hiện ý chí chung nhằm phục vụ lợi ích chung, tạo ra sự hài hòa về lợi ích và đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Chủ quyền tối cao này được trao cho cơ quan quyền lực tối cao với tính cách là "một con người tập thể", bởi vì theo Rousseau, "quyền hành thì có thể trao được lắm, nhưng ý chí thì không" [95, tr. 79]. Nói khác đi, "ý chí chung chỉ có thể điều khiển các lực lượng nhà nước theo mục đích của cơ chế nhằm phục vụ lợi ích chung" [95, tr. 79].
Rousseau cho rằng, chủ quyền tối cao hay quyền lực tối cao chỉ có thể là sự thực hiện ý chí chung ở hiện tại, chứ không phải ở tương lai. "Quyền lực tối cao có thể nói: bây giờ ta muốn cái mà người kia đang muốn, chứ không thể nói: ta cũng sẽ muốn cái mà người kia ngày mai sẽ muốn. Bởi vì, nói rằng ý chí chung tự trói buộc mình vào tương lai thì thật là mơ hồ... Nếu dân chúng hứa hẹn một cách giản đơn là sẽ phục tùng vô điều kiện thì dân chúng không còn tính cách là dân chúng nữa; lúc đó sẽ chỉ có ông chủ chứ không còn quyền lực tối cao nữa, và toàn bộ cơ thể chính trị sẽ phải tan rã" [95, tr. 80].
Chủ quyền tối cao hay quyền lực tối cao được thiết lập bởi khế ước xã hội sẽ là vô hạn và tuyệt đối. Chỉ có nhà nước mới là người có thẩm quyền quyết định xem nhà nước đòi hỏi gì ở các công dân của mình. Trong khi đó, sự liên kết các cá nhân
riêng lẻ thành liên minh chính trị tất yếu đòi hỏi sự tương thân tương ái vô điều kiện. Để ý chí chung có thể được thực thi một cách đúng đắn, cần làm sao để mỗi người