Hệ thống đổi mới, hệ thống đổi mới quốc gia

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) xây dựng mô hình liên kết giữa trường đại học viện nghiên cứu doanh nghiệp dưới tiếp cận hệ thống đổi mới (Trang 46 - 50)

9. Kết cấu của Luận án

2.1. Hệ khái niệm công cụ

2.1.2. Hệ thống đổi mới, hệ thống đổi mới quốc gia

Tiếp cận HTĐM là sự phủ định mô hình tuyến tính của đổi mới được xây dựng trên nền tảng lý thuyết tân cổ điển. Theo Cristina Chaminade năm 2010, mô hình tuyến tính của đổi mới có xuất phát từ hoạt động R&D -> thiết kế -> chế tạo -> tiếp thị -> bán hàng [7, 2008]. Tiếp cận HTĐM đưa ra những giả định gần như ngược hẳn lại, coi phi tuyến, tình trạng mất cân bằng, thông tin không hoàn hảo là bản chất. Theo đó, đổi mới được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không nhất thiết phải là kết quả trực tiếp của R&D mà có thể là giải pháp dựa trên cách khai thác mới những công nghệ đã có sẵn. Công nghệ là động lực chính của tăng trưởng.

Tiếp cận HTĐM coi đổi mới là trung tâm, là kết quả của học hỏi mang tính tương tác, qua tích lũy, xây dựng năng lực chuyên môn, qua học hỏi dựa trên khoa học và học hỏi dựa trên kinh nghiệm. Tiếp cận HTĐM chú trọng đến việc khai thông, tăng cường tương tác giữa các thực thể, phát triển những thể chế hỗ trợ cho tương tác học hỏi, phát triển môi trường thân thiện cho đổi mới, tăng khả năng ứng phó của hệ thống trước những thay đổi hay cơ hội.

Theo Nguyễn Võ Hưng, ý tưởng trung tâm trong lý thuyết hiện đại về HTĐM là: “Thứ được xem là đổi mới xét ở mức vĩ mô thực ra là kết quả của quá trình tương tác bao gồm nhiều tác nhân ở mức vi mô và rằng bên cạnh những lực thị trường thì nhiều trong số những tương tác này lại bị qui định bởi các thể chế phi thị trường” [6, 2013]. Hiệu quả của quá trình tương tác này khi quan sát ở mức vĩ mô lại phụ thuộc vào hành vi của từng tác nhân riêng lẻ và các thể chế qui định tương tác giữa chúng, do vậy phát sinh vấn đề điều phối. Theo quan điểm của các nhà kinh tế học vào thập kỷ 80, 90, HTĐM là một quá trình liên tục, nơi các thể chế (thói quen và cách hành xử), việc học hỏi, mạng lưới tác nghiệp đóng một vai trò trung tâm tạo ra đổi mới và sự thay đổi công nghệ.

HTĐM được xem xét theo tầm bao quát khác nhau: (1) HTĐMQG tập trung xem xét những tổ chức, thể chế có tầm ảnh hưởng vĩ mô tới các thực thể trong phạm vi biên giới quốc gia; (2) HTĐM vùng chú trọng tương tác của các thực thể trong một vùng không gian địa lý với sự tập trung các doanh nghiệp cùng ngành, các cụm doanh nghiệp và những tổ chức hỗ trợ liên quan, những tập quán mang tính khu vực; (3) HTĐM ngành tập trung vào những vấn đề công nghệ cốt lõi của ngành, những liên kết theo chuỗi giá trị, những tương tác nhà cung cấp – người sản xuất – khách hàng.

Khái niệm HTĐMQG xuất hiện lần đầu vào khoảng cuối thập kỷ 1980 trong một nghiên cứu của Freeman nhằm mô tả sự tương hợp trong xã hội Nhật Bản giữa những dạng khác nhau của các mạng lưới thể chế. Freeman năm 1982 tuyên bố một hệ thống quốc gia là: “... Mạng các thể chế trong các lĩnh vực công cộng và tư nhân những hoạt động và tác động qua lại của những ai tiếp thu, nhập khẩu, thay đổi và truyền bá các công nghệ mới.” Ông là người đầu tiên nhấn mạnh nhân tố thể chế giữa hàng loạt các nhân tố của HTĐMQG. Ông thừa nhận rằng nguyên nhân tại sao Nhật Bản và CHLB Đức đã thành công trong việc tiến hành đổi mới là do những thể chế mang tính đổi mới. Freeman nhấn mạnh bốn yếu tố của HTĐMQG là: (1) Vai trò của chính sách; (2) Vai trò R&D của doanh nghiệp, đặc biệt là cách thức R&D được sử dụng để tiếp nhận tri thức và tạo ra một loạt lợi thế về công nghệ, (3) Vai trò của vốn con người và việc tổ chức công việc ở các doanh nghiệp và các ngành; (4) Cấu trúc đoàn hội để tránh được cạnh tranh.

Lundvall năm 1992 đã giải thích chi tiết khái niệm HTĐMQG, theo đó: HTĐMQG là một hệ thống xã hội trong đó việc học tập, nghiên cứu và khai thác là những hoạt động trung tâm, liên quan đến việc tác động qua lại giữa con người và

việc tái sản xuất tri thức của những cá nhân hoặc tập thể qua việc nhớ và quên. Ông đồng ý rằng tài nguyên thiết yếu nhất trong các nền kinh tế hiện đại là tri thức và quá trình quan trọng nhất là việc học tập những gì dễ ảnh hưởng tới một quá trình liên quan đến xã hội và những tác động qua lại.

Như vậy, tiếp cận của Lundvall về HTĐM mang tính lý thuyết hơn các học giả khác và tập trung vào ba vấn đề:

- Nguồn gốc của đổi mới: Lundvall phân biệt học hỏi với tìm kiếm và khai phá, nhấn mạnh vai trò của học hỏi trong đổi mới. Học hỏi gắn với những hoạt động thường nhật như sản xuất, phân phối, tiếp thị, tiêu dùng... Thông qua những hoạt động này, kinh nghiệm và tri thức được tích lũy và có thể được truyền dạy.

- Bản chất của đổi mới

- Những thể chế phi thị trường trong hệ thống: Tương tác giữa người dùng và nhà sản xuất và những qui tắc bất thành văn trong hành xử.

Nelson và Rosenberg trong một nghiên cứu năm 1993 thì đơn giản nói rằng HTĐMQG là việc tạo lập những yếu tố thể chế, đồng thời đóng một vai trò chính trong việc ảnh hưởng tới tiến trình đổi mới. Thậm chí, họ đã chấp nhận khái niệm đổi mới rộng hơn là những hoạt động R&D, bao gồm các hãng và các phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghiệp, các trường đại học, phòng thí nghiệm quốc gia [7, 2008]. Cách nhìn hẹp này về cơ bản nhìn nhận đổi mới đồng nghĩa với KH&CN, đổi mới được thực hiện theo mô hình: Khoa học – Công nghệ - Đổi mới. HTĐM do vậy đồng nghĩa với hệ thống khoa học quốc gia, chính sách công nghệ quốc gia.

Phòng Công nghiệp và KH&CN của Australia năm 1996 đã xác nhận khái niệm HTĐMQG với việc đưa ra tất cả các nhân tố liên quan đến đổi mới kinh doanh. Nó tập hợp thành 4 lĩnh vực chung với tư cách là tâm điểm của các vùng nơi mà đòn bẩy chính sách có thể được áp dụng: Thứ nhất, là động lực đổi mới bao trùm các nhân tố năng động tác động trực tiếp đến hoạt động đổi mới của các hãng; Thứ hai, là việc chuyển các cơ quan mà ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu quả của những liên kết, các luồng thông tin và các kỹ năng, sự say mê học tập. Thứ ba, là nền tảng khoa học và kỹ thuật bao gồm các thể chế KH&CN. Thứ tư, là phạm vi thể chế rộng lớn của các nhân tố quốc gia và cơ cấu cũng như luật pháp, tài chính, giáo dục được nhóm lại để tạo nên những thước đo và hàng loạt các cơ hội cho những người năng nổ.

Hiện nay, quan điểm về HTĐM theo cách nhìn rộng được sử dụng rộng rãi hơn cách nhìn hẹp. Xét bối cảnh của các nước đang phát triển, Lundvall, Chaminade và Vang năm 2009 đã đề xuất một khái niệm về HTĐMQG như sau:

HTĐMQG là một hệ thống mở, tiến hóa và phức tạp, bao gồm những quan hệ bên trong mỗi tổ chức và giữa các tổ chức, thể chế và cấu trúc kinh tế - xã hội, qui định tốc độ và đường hướng đổi mới cũng như việc xây dựng năng lực chuyên môn xuất phát từ quá trình học hỏi dựa trên khoa học và học hỏi dựa trên kinh nghiệm [7,2008].

Khái niệm vi mô của HTĐM đã được phát triển nhiều cũng như để đóng góp cho việc thiết lập chính sách đổi mới. Tuy nhiên, khái niệm vi mô có một giới hạn trong việc ứng dụng cho chính sách đổi mới vĩ mô. Khái niệm HTĐMQG dường như là một công cụ hữu dụng để đạt được những hàm ý cho một chính sách đổi mới vĩ mô như vậy.

Theo Vũ Cao Đàm, sử dụng tiếp cận hệ thống thì hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới được nhận diện như sau:

- HTĐM sẽ hàm ý đến mục đích của hệ thống. Mục đích đó là “đổi mới”. - Hệ thống KH&CN liên quan đến phương tiện để đổi mới. Phương tiện đó là KH&CN.

- Khi nói “hệ thống nghiên cứu và triển khai” là liên quan đến phương tiện cốt lõi để đổi mới. Phương tiện cốt lõi đó là R&D.

Theo quan niệm này, có thể hiểu: HTĐM = R&D + Đổi mới

Trong đó, R&D chủ yếu do trường đại học và viện nghiên cứu thực hiện, đổi mới được tiến hành trong doanh nghiệp. HTĐM là một hệ thống với đầy đủ mục đích đổi mới, có phương tiện là KH&CN và đổi mới dựa trên phương tiện cốt lõi là nghiên cứu và triển khai (R&D).

Tựu chung lại, Luận án thống nhất cách hiểu HTĐMQG là tập hợp hay mạng lưới các yếu tố và tương tác giữa các yếu tố, các hoạt động, tổ chức và thiết chế liên quan trong quá trình tạo ra, áp dụng và phổ biến các tri thức mới trong một quốc gia, luôn được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh tương quan quốc tế.

Hệ thống về mặt logic không chỉ bao gồm yếu tố và quan hệ giữa các yếu tố mà còn có sự bền vững, khó thay đổi một cách dễ dàng để dẫn tới sự sụp đổ hệ thống. Do đó hệ thống luôn có sự điều chỉnh để duy trì cân bằng giữa các yếu tố và đảm bảo sự tồn tại của hệ thống. HTĐMQG bao gồm tất cả các yếu tố (các loại

hoạt động, các tổ chức, các chính sách, sự liên kết và tương tác giữa các yếu tố), các tổ chức và chính sách trực tiếp và gián tiếp tham gia vào quá trình đổi mới sản phẩm, đổi mới công nghệ trong phạm vi quốc gia. Các HTĐMQG khác nhau chính là ở mối quan hệ và vai trò của từng loại tổ chức trong hệ thống, đặc biệt là vai trò của các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu và triển khai do các thiết chế của chính phủ quy định. Xét riêng trong lĩnh vực KH&CN, HTĐMQG không chỉ bao gồm các tổ chức KH&CN (đại diện bên cung các giải pháp KH&CN) mà còn bao gồm doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự, cơ quan Chính phủ (đại diện bên cầu). Trên quan điểm tiếp cận HTĐMQG, đầu ra của hoạt động KH&CN là các sản phẩm mới, dịch vụ mới được thị trường chấp nhận. Để đạt được điều này, tri thức KH&CN phải được gắn kết và tham gia trực tiếp vào hoạt động làm ra sản phẩm mới, dịch vụ mới tại các doanh nghiệp và tạo ra những giá trị mới được thị trường chấp nhận và chi trả.

Như vậy, trong Luận án “tiếp cận HTĐM” được hiểu là việc sử dụng các tri thức về HTĐM (cấu trúc của HTĐM, mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành, v.v) để xây dựng một mô hình liên kết đảm bảo được hiệu quả liên kết giữa trường đại học – viện nghiên cứu – doanh nghiệp, đạt mục tiêu của HTĐM và phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) xây dựng mô hình liên kết giữa trường đại học viện nghiên cứu doanh nghiệp dưới tiếp cận hệ thống đổi mới (Trang 46 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)