Mô hình, mô hình liên kết

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) xây dựng mô hình liên kết giữa trường đại học viện nghiên cứu doanh nghiệp dưới tiếp cận hệ thống đổi mới (Trang 57 - 58)

9. Kết cấu của Luận án

2.1. Hệ khái niệm công cụ

2.1.5. Mô hình, mô hình liên kết

2.1.5.1. Khái niệm mô hình

Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, thuật ngữ mô hình được hiểu theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Theo nghĩa hẹp, mô hình là khuôn, mẫu, tiêu chuẩn theo đó mà chế tạo ra sản phẩm hàng loạt; là thiết bị, cơ cấu tái hiện hay bắt chước cấu tạo và hoạt động của cơ cấu khác (của nguyên mẫu hay cái được mô hình hoá vì mục đích khoa học và sản xuất). Theo nghĩa rộng, mô hình là hình ảnh (hình tượng, sơ đồ, sự mô tả,vv...) ước lệ của một khách thể (hay một hệ thống các khách thể, các quá trình hoặc hiện tượng) [9, 2005, tr.932].

Theo Đặng Bá Lãm, "mô hình là một đối tượng được tạo ra tương tự với một đối tượng khác về một số mặt nào đó. Nếu gọi a là mô hình của A, thì a là cái thể hiện, còn A là cái được thể hiện. Giữa cái thể hiện và cái được thể hiện có một sự phản ánh không đầy đủ" [10, 2006, tr.113].

Tuỳ theo đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu, người ta có thể xây dựng các loại mô hình sau đây:

Loại thứ nhất: Mô hình và cái được thể hiện đều là những đối tượng vật chất cụ thể, và do đó, mô hình được gọi là mô hình cụ thể. Chẳng hạn hình mẫu của một cái nhà có chất liệu khác với cái nhà thật, nhưng cấu trúc, tỷ lệ của nó giống như cái nhà thật. Mô hình có thể còn là "mô hình ký hiệu", nó không phải là một vật thể mà là những hình vẽ, sơ đồ...nói chung là những ký hiệu tượng trưng cho cấu trúc và các mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành của các đối tượng được thể hiện.

Loại thứ hai: Cái được thể hiện là một đối tượng rất trừu tượng, cái thể hiện lại là những đối tượng cụ thể có cấu trúc cơ bản giống với cấu trúc của cái được thể hiện. Đây là các mô hình của các tiên đề trong toán học (thường gọi vắn tắt là "mô hình toán học".

Loại thứ ba: Cái được thể hiện là một đối tượng trừu tượng tồn tại phổ biến trong nhiều đối tượng vật chất cụ thể (các nguyên lý, quy luật tự nhiên hay xã hội), còn cái thể hiện là một mô hình ký hiệu (ngôn ngữ, sơ đồ, hình vẽ,...). Đây là trường hợp của các mô hình được tạo ra trong quá trình nghiên cứu xây dựng các lý thuyết khoa học.

Loại thứ tư: Cái được thể hiện là một đối tượng vật chất có những thuộc tính và chức năng mong muốn, nhưng chưa tồn tại trong thực tế, người ta đang muốn tạo ra. Cái thể hiện là một mô hình ký hiệu của đối tượng được thể hiện, bao gồm các cấu trúc cơ bản (các yếu tố cấu thành, các mối quan hệ, cơ chế vận động) được thể hiện trong các bản thiết kế kỹ thuật hay trong các đề án về tổ chức trong lĩnh vực kinh tế, xã hội (mô hình tổ chức hợp tác xã, xí nghiệp, mô hình tổ chức giáo dục, đào tạo: trường chuyên đến mô hình một chế độ xã hội).

Qua phân tích bốn loại mô hình trên đây, ta thấy điểm chung nhất của các mô hình là: Sự mô tả một thực thể, một quá trình, một quy trình...(gọi chung là đối tượng) bằng một thực thể khác dưới dạng tổng hợp và khái quát bởi những đặc trưng cơ bản, phản ánh đầy đủ các thuộc tính của đối tượng, nhờ đó người ta có thể dễ dàng nhận thức về đối tượng ấy một cách bản chất, toàn diện và đúng đắn [24, 2008].

Từ các quan niệm về mô hình trên đây, có thể rút ra khái niệm mô hình như sau: Mô hình là hình ảnh vật chất hoặc tư duy của đối tượng thực, được đơn giản hóa song vẫn phản ánh một số tính chất quan trọng của đối tượng thực trong quá trình nghiên cứu. Xét theo tiếp cận hệ thống thì mô hình được xem là một hệ thống mà việc nghiên cứu nó là phương tiện cho ta nhận biết thông tin về hệ thống khác. Mô hình có thể được thể hiện dưới dạng toán học, vật lý học, biểu tượng, hình vẽ-sơ đồ hoặc mô tả bằng lời. Mô hình luôn luôn là sự hình dung đơn giản hóa về đối tượng thực.

2.1.5.2. Khái niệm mô hình liên kết

Từ cách hiểu về mô hình và liên kết, trong khuôn khổ Luận án thống nhất khái niệm: Mô hình liên kết là hình ảnh tư duy đơn giản hóa về cơ chế tham gia của các chủ thể (ở đây là trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, Chính phủ và yếu tố liên quan khác) trong việc hỗ trợ nhau để tạo ra, phổ biến hoặc/và thương mại hóa sản phẩm KH&CN. Một mô hình liên kết hiệu quả có tác dụng thúc đẩy nhiều hơn những đóng góp của các thực thể cho sự phát triển của xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) xây dựng mô hình liên kết giữa trường đại học viện nghiên cứu doanh nghiệp dưới tiếp cận hệ thống đổi mới (Trang 57 - 58)