Tình hình nghiên cứu truyện của các tác giả là người dân tộc thiểu số

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) ruyện viết về đề tài dân tộc và miền núi giai đoạn 1945 - 1975 (Trang 26)

Chƣơng 1 : Tổng quan tình hình nghiên cứu

1.2.2. Tình hình nghiên cứu truyện của các tác giả là người dân tộc thiểu số

thiểu số

Văn học Việt Nam hiện đại là một nền văn học phong phú, đa dạng và giàu bản sắc, trong đó tác phẩm của các tác giả là người dân tộc cũng đóng góp

một phần không nhỏ để làm nên đặc điểm này. Ở lĩnh vực văn xuôi mà chủ yếu là loại hình truyện ngắn, truyện vừa phải đến những thập niên 60, 70 của thế kỷ XX thì các tác phẩm đầu tiên của đội ngũ các tác giả là người dân tộc mới chính thức được công chúng, độc giả biết đến mà theo cách nói của một số nhà nghiên cứu thì đây mới là lúc văn xuôi hiện đại các dân tộc thiểu số hình thành rõ nét. Truyện Ché Mèn được đi họp của nhà văn Nông Minh Châu ra mắt công chúng năm 1959 được xem như sự khởi đầu cho những tác phẩm văn xuôi hiện đại của các tác giả là người dân tộc thiểu số. Và cũng bắt đầu từ những năm 60, 70 của thế kỷ XX thì các tác phẩm thuộc nhóm này mới thường xuyên xuất hiện và khẳng định một cách vững chắc sự có mặt của mình trong đời sống văn xuôi Việt Nam hiện đại. Song song với sự ra đời ngày càng đều đặn của các tác phẩm văn xuôi dân tộc thiểu số đó cũng đã xuất hiện một số bài viết đánh giá, phê bình, nhận định có giá trị đúc rút, tổng kết những thành tựu, hạn chế của mảng văn học này. Đa số những bài viết đều tập trung vào việc khái quát những vấn đề cơ bản nhất của văn học dân tộc thiểu số nói chung, các tác phẩm truyện nói riêng trong đó nhấn mạnh đến việc phản ánh, thể hiện các giá trị truyền thống và hiện đại, vấn đề bản sắc văn hóa các dân tộc, lời ăn, tiếng nói, chữ viết, phong tục, nếp sống… của các bản làng được đưa vào trong tác phẩm. Có thể nói cuốn sách 40

năm văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (1945 - 1985) do Nhà

xuất bản Văn hóa, Hà Nội xuất bản năm 1985 là cuốn sách đầu tiên mang tính chất tổng hợp khá đầy đủ các ý kiến nhận xét, đánh giá các tác phẩm truyện của đội ngũ các nhà văn dân tộc thiểu số. Những gương mặt tiêu biểu phải kể đến như Phong Lê, Lâm Tiến, Vi Hồng… và nội dung các tác giả này tập trung nghiên cứu nhất đó là: đánh giá thành tựu của văn xuôi các dân tộc thiểu số từ hoàn cảnh ra đời, đội ngũ tác giả, tác phẩm cùng những hạn chế, những vấn đề

đặt ra. Trong bài viết Sự hình thành văn xuôi, nhà nghiên cứu Phong Lê đã đánh giá rằng, sự sống thực và tình cảm thực, cách nhìn và cách nghĩ thực, ngôn ngữ chủ động tự nhiên cùng chất thơ, chất trữ tình là những nét chung của mảng văn học này, khiến nó có được vẻ đẹp riêng không dễ lẫn và “thành tựu của văn xuôi miền núi đã được xác định ở những cố gắng của người viết nhằm đi sâu, nắm bắt cho được những nét riêng trong cảnh sắc sinh hoạt, nét đi đứng, ngôn ngữ, tâm lý của người dân tộc…”. Ông cho rằng “các truyện không có sự đan chéo của nhiều tuyến, nhiều tầng truyện, không có những phục hiện, những đồng hiện, không có nhiều và rối rắm…”. Đối chiếu tất cả các mặt của vấn đề, nhà nghiên cứu Phong Lê đánh giá rằng, chính sự đơn giản trong nghệ thuật ấy lại phù hợp với tư duy và cảm xúc của cả người viết lẫn độc giả chính là đồng bào các dân tộc vùng cao mà theo cách quan niệm của ông thì nó được coi như “con đường thẳng - cũng tức là con đường ngắn nhất đi đến với hiện thực dân tộc”… Ngoài những yếu tố chung nhất về vấn đề tác giả, tác phẩm văn học dân tộc và miền núi giai đoạn 1945 - 1975, có một nội dung mà hầu hết các nhà nghiên cứu, phê bình đều ít nhiều đề cập đến mặc dù chưa khai thác sâu, phân tích một cách triệt để đó là bản sắc dân tộc và vấn đề truyền thống - hiện đại trong các tác phẩm. Tác giả Vũ Minh Tâm có lẽ là nhà phê bình đầu tiên đề cập đến hiện tượng mờ nhạt bản sắc dân tộc cả ở nội dung và hình thức các tác phẩm thông qua bài viết Văn xuôi miền núi, một thắng lợi mới trong văn học các dân tộc thiểu số công bố năm 1972. Đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, nhà phê bình Đinh Văn Định trong bài viết Văn học các dân tộc thiểu số mười năm qua với vấn đề truyền thống và hiện đại đã tiếp tục đặt ra những biểu hiện cơ bản của tính hiện đại trong các truyện và sự kế thừa truyền thống trong cách cảm, cách viết của các tác giả. Bàn kỹ hơn về vấn đề này nhưng ở góc độ nghiên cứu tiểu thuyết, năm 1981 tác giả

Nguyễn Văn Toại trong bài viết Một vài biểu hiện đặc điểm dân tộc qua một số

tiểu thuyết miền núi đã thông qua cách tiếp cận văn hóa học để tìm hiểu yếu tố

bản sắc cũng như những nét đặc trưng dân tộc qua một số tác phẩm tiêu biểu. Năm 1988, cuốn sách Nhà văn các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại của Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ra mắt độc giả đã giới thiệu các bài viết về 16 nhà văn, nhà thơ dân tộc thiểu số trong đó có 8 cây bút văn xuôi tiêu biểu, gồm: Vi Hồng, Triều Ân, Hoàng Hạc, Nông Minh Châu, Y Điêng, Vi Thị Kim Bình, Mã A Lềnh, Nông Viết Toại. Những bài viết trong cuốn sách này đã phân tích khái quát về những ưu điểm cũng như hạn chế, giá trị nội dung và đặc điểm nghệ thuật trong tác phẩm của các tác giả là người dân tộc thiểu số. Nhà nghiên cứu Nông Quốc Thắng nhận xét truyện của Nông Minh Châu “đôi chỗ mới chỉ là sự ghi chép sơ lược các sự kiện”, còn tác giả Phạm Phú Phong thì lại phát hiện ra truyện của Y Điêng “không có tình huống bất ngờ hoặc những thử thách quyết liệt”, nổi bật hơn cả là “lối diễn đạt, giọng điệu mang bản sắc đặc trưng, phù hợp với tâm lý của đồng bào dân tộc...”. Với nhà nghiên cứu Hoàng Thi thì các nhân vật trong truyện của Vi Hồng “đều nói năng bóng bẩy, giàu hình ảnh như lối nói của dân ca, khúc chiết như tục ngữ, thành ngữ”, trong khi đó tác giả Lê Kim Vinh lại thể hiện sự tâm đắc đặc biệt với một phong cách truyện độc đáo khi tác giả này nhận định về những tác phẩm của nhà văn Mã A Lềnh mang “nồng nàn hơi thở của dân tộc mình, ngắn gọn, mạnh mẽ nhưng vẫn rất phóng túng”. Mặc dù với những bài viết trong sách Nhà văn các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, các nhà nghiên cứu đã bước đầu thể hiện sự quan tâm rất đúng mức đến văn xuôi trong đó có truyện ngắn của các nhà văn là người dân tộc tuy nhiên đa phần dẫn chứng trong các bài viết đều sử dụng từ các tác phẩm được sáng tác sau năm 1975, các truyện của đội ngũ tác giả này từ năm 1975 trở về trước chỉ được điểm

qua một cách khái mang tính chất như đó là một thời kỳ bước đệm, có ý nghĩa tiền đề.

Dựa trên số lượng đầu sách cũng như các công trình công bố, tính đến thời điểm hiện tại, những bài nghiên cứu về mảng văn xuôi các dân tộc thiểu số giai đoạn 1945 - 1975 nói chung, truyện nói riêng chưa nhiều, còn tản mạn và chưa thành hệ thống. Một tên tuổi khá nổi tiếng mà chúng tôi muốn nhắc đến ở đây đó là nhà nghiên cứu người dân tộc Nùng - Lâm Tiến. Ông chính là tác giả của hai công trình quy mô đó là Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1995) và Văn học và miền núi (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2002). Những công trình này của ông theo đánh giá của giới chuyên môn “mặc dù còn chưa đầy đủ, còn một số mảng trắng” cần được tiếp tục bổ sung tuy nhiên đóng góp lớn nhất của nhà nghiên cứu là đã “phác họa được một góc nhìn khái quát toàn diện về toàn bộ nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại”. Trong nội dung của cuốn Văn học các dân tộc

thiểu số Việt Nam hiện đại, tác giả Lâm Tiến đã có một dung lượng trang đáng

kể để giới thuyết một số phương diện cơ bản của văn xuôi các dân tộc vùng cao nói chung trong đó có truyện giai đoạn 1945 - 1975 nói riêng. Về đặc trưng nghệ thuật của các tác phẩm này, nhà nghiên cứu cũng đã bước đầu chỉ ra những mặt hạn chế như: nhân vật không định hình rõ về tính cách, cốt truyện còn giản đơn, yếu tố hư cấu nghệ thuật chưa được sử dụng hiệu quả nên khó phân biệt được đâu là truyện, đâu là ký... Tuy nhiên tác giả công trình cũng khẳng định rằng, sự kế thừa hiệu quả lối nói giàu hình ảnh của văn học truyền thống chính là điểm sáng nổi bật về nghệ thuật của mảng văn xuôi này. Tiếp đó, ở bài viết có tính chất nhận diện văn xuôi miền núi thế kỷ XX mang tên Một mảng văn học đặc sắc đăng trong cuốn Văn học và miền núi, tác giả Lâm Tiến đã chỉ ra những mặt

mạnh, mặt hạn chế của một số nhà văn dân tộc thiểu số, trong đó đi sâu vào nhận diện một số thành công nổi bật mang bản sắc riêng của truyện Vi Hồng, Hlinh Niê, Mã A Lềnh… Nhà nghiên cứu nhận xét rằng, truyện của Vi Hồng có phong cách rất riêng, đậm đà bản sắc văn hóa Tày, tuy nhiên do cách sử dụng lối ví von truyền thống khá dày đặc nên đôi lúc người đọc có cảm giác truyện nặng nề, mạch kể có phần đơn điệu. Ở nội dung nhận xét về truyện thuộc thời kỳ đầu (1957 - 1980) của Vi Hồng, nhà nghiên cứu cho rằng, do chịu ảnh hưởng khá sâu đậm từ văn học dân gian nên chất văn xuôi chưa rõ nét, âm hưởng các tác phẩm thiên về hướng trữ tình nhiều hơn tự sự, các nhân vật thường bị khuôn theo mô típ nhân vật chức năng của truyện dân gian, tính cách thường đơn tuyến, thiếu đi chiều sâu biện chứng. Cũng chính thông qua khảo sát, phân tích truyện của một số nhà văn là người dân tộc thiểu số, nhà phê bình Lâm Tiến đã đi đến nhận xét rằng, truyện của các tác giả người Tày thuộc thế hệ trước bao giờ cũng bộc lộ bản sắc dân tộc rõ nét hơn trong khi đó lớp nhà văn sau này, cách viết đã phần nào chịu ảnh hưởng của “văn phong thành thị”, có đoạn ngôn ngữ truyện chưa giống với ngôn ngữ, lời nói của đồng bào lao động vùng cao đích thực, mặc dù vậy, thế mạnh tiêu biểu có thể nhận thấy trong tác phẩm của họ lại chính là chất văn xuôi tự sự nghệ thuật rõ nét, đậm hơn.

Xuất hiện sau này một thời gian, tác giả Phạm Duy Nghĩa được giới chuyên môn và đồng nghiệp đánh giá là nhà nghiên cứu có những sản phẩm nghiên cứu một cách khá tổng thể, chi tiết về mảng văn xuôi Việt Nam hiện đại chủ đề dân tộc và miền núi. Cuốn sách Văn xuôi Việt Nam hiện đại về dân tộc và

miền núi do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 2012 đã góp một phần

không nhỏ vào việc hoàn thiện, bổ sung thêm những mảng khuyết trong các thành tựu nghiên cứu đã có về văn xuôi dân tộc và miền núi, một bộ phận cơ

hữu, không thể tách rời trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Trong công trình của Phạm Duy Nghĩa, thông qua việc khái quát diện mạo văn xuôi Việt Nam hiện đại về dân tộc và miền núi trong cả giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám nhưng đặc biệt tập trung vào thời kỳ đương đại (tức là khoảng 30 năm trở lại đây), tác giả đã tiếp cận nền văn xuôi này từ các bình diện về con người để qua đó khám phá nghệ thuật văn xuôi miền núi và vấn đề truyền thống - hiện đại đồng thời nhận diện một số phong cách văn xuôi miền núi. Bên cạnh đó, thời gian gần đây các nhà nghiên cứu văn học dân tộc miền núi thuộc Đại học Sư phạm Thái Nguyên cũng đã công bố thêm một số công trình khá quy mô như cuốn Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số

của tác giả Đào Thủy Nguyên (xuất bản năm 2014) hay cuốn Văn học dân tộc

thiểu số Việt Nam truyền thống và hiện đại của nhóm tác giả Trần Thị Việt

Trung, Nguyễn Đức Hanh (xuất bản năm 2014)... Những công trình nghiên cứu đó đã có những nhận định khái quát về thành tựu của văn xuôi các dân tộc thiểu số kể từ khi hình thành cho đến nay thông qua tác phẩm của một số nhà văn tiêu biểu như Nông Minh Châu, Vi Hồng, Triều Ân, Cao Duy Sơn...

Bên cạnh những công trình có giá trị tổng hợp, đánh giá tổng quan về truyện đề tài dân tộc và miền núi mà chúng tôi điểm qua ở trên đây, trong những năm qua, còn có những bài viết theo hình thức nghiên cứu, đánh giá độc lập về từng tác phẩm, tác giả cụ thể. Chúng ta có thể kể đến các tác giả với những bài viết tiêu biểu như: nhà nghiên cứu Chu Nga với Muối lên rừng của Nông Minh Châu, tác giả Ngọc Anh với Ké Nàm, bước phát triển mới của văn xuôi miền núi, tác giả Nguyễn Anh Tuấn với Đọc Đất bằng của Vi Hồng… cùng khá nhiều những bài viết về các cây bút trẻ là người dân tộc thiểu số miền núi mới được biết đến trong những năm vừa qua. Những bài viết này hầu hết được công bố

dưới hình thức các bài giới thiệu tác phẩm hoặc giới thiệu chân dung tác giả và một số ít đi vào phân tích giá trị nội dung của truyện gắn với yếu tố thời điểm lịch sử tác phẩm được sáng tác. Đáng chú ý là sự ra đời của cuốn sách Triều Ân -

tác giả, tác phẩm và dư luận do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành đã tập

hợp tương đối đầy đủ các bài viết, ý kiến đánh giá về cây bút Triều Ân, nhà văn người dân tộc thuộc thế hệ đầu tiên của văn học dân tộc và miền núi Việt Nam...

Tiểu kết chƣơng 1

Có thể khẳng định, truyện viết về đề tài dân tộc và miền núi giai đoạn 1945 - 1975 đã có những đóng góp nổi bật về nhiều mặt cho nền văn học cách mạng Việt Nam thông qua các thành tựu sáng tác từ quan niệm nghệ thuật, thực tiễn đề tài, nghệ thuật, ngôn ngữ, thể loại. Ý thức được tầm quan trọng của mảng văn học này, thời gian qua các nhà nghiên cứu, phê bình của chúng ta đã trăn trở, dụng công để bước đầu công bố được một số công trình khoa học có giá trị, lý giải một cách khá toàn diện, sâu sắc các truyện về đề tài dân tộc và miền núi được sáng tác trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, để từ đó đánh giá những đóng góp ở nhiều phương diện của các tác giả truyện (bao gồm cả những tác giả là người Kinh và là người dân tộc).

Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa những kết quả nghiên cứu mà các nhà khoa học đi trước đã đạt được thông qua những công trình đã công bố, tác giả luận án sẽ tiếp tục tập trung khai thác một cách chuyên sâu, khảo sát một cách hệ thống thế giới nhân vật, thế giới nghệ thuật trong các truyện về đề tài dân tộc và miền núi giai đoạn 1945 - 1975 để từ đó giải quyết từng nhiệm vụ mà đề tài đã đặt ra. Chúng tôi xác định, đây là công trình nghiên cứu toàn diện các vấn đề đặt ra của truyện viết về đề tài dân tộc và miền núi giai đoạn 1945 - 1975.

Chƣơng 2

TRUYỆN VỀ ĐỀ TÀI DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI TRONG TIẾN TRÌNH VĂN XUÔI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1945 - 1975

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) ruyện viết về đề tài dân tộc và miền núi giai đoạn 1945 - 1975 (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)