Chƣơng 1 : Tổng quan tình hình nghiên cứu
3.2. Thế giới thiên nhiên vùng cao
3.2.1. Thiên nhiên kỳ vĩ, sinh động, trữ tình
Như một ưu thế nổi bật, tự thân tạo lập được đặc trưng riêng so với các tác phẩm thuộc mảng đề tài khác, truyện viết về đề tài dân tộc và miền núi bao giờ cũng có sự xuất hiện rất dày đặc của yếu tố thiên nhiên chốn đại ngàn hùng vĩ với sông suối, núi non, đèo dốc, cỏ cây, muông thú... Thiên nhiên trong các truyện về mảng đề tài này tồn tại như một nhân vật đặc biệt bởi đó là môi trường bao bọc, trực tiếp chi phối, ảnh hưởng, quyết định đến cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao. Bức tranh thiên nhiên miền núi trong mỗi tác phẩm có thể khác nhau do đặc trưng riêng của mỗi vùng đất nhưng một điểm chung dễ nhận thấy đó là cảnh vật bao giờ cũng có xuất phát điểm từ hiện thực với những mảng màu đầy ý nghĩa, cùng tỏa sáng bằng sự hòa quyện của những sắc màu văn hóa mang tính đặc trưng của mỗi vùng đất. Ở khía cạnh này thì thiên nhiên chính là đối tượng khách thể bộc lộ khuynh hướng thẩm mỹ và quan niệm sáng tạo của mỗi nhà văn, hay nói một cách khác là qua việc miêu tả thiên nhiên trong các tác phẩm đã bộc lộ rõ nét phong cách văn của từng tác giả. Nếu như trong những trang truyện đường rừng trước năm 1945, các nhà văn như Thế Lữ, Lan Khai, Tchya... thông qua việc miêu tả thế giới thiên nhiên huyền bí, kỳ ảo để từ đó mở ra những trường liên tưởng cho người đọc “bước vào một thế giới lạ lùng, đầy rẫy những hình trạng nhiệm màu đột thú” thì đến các truyện về đề tài dân tộc và miền núi giai đoạn 1945 - 1975, thế giới thiên nhiên lại được khai thác theo một cách nhìn, cảm hứng mới mẻ. Đó chính là những bức tranh thiên nhiên mang đặc trưng của khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên sau Cách mạng, không còn
nét hoang dại của cảnh vật, con người với vẻ bí hiểm của non ngàn theo kiểu những truyện đường rừng. Với nhà văn Tô Hoài, ông không dùng những gam màu đậm gắt hoặc gây ấn tượng dữ dội, bí hiểm để miêu tả thiên nhiên trong các tác phẩm mà ưa dùng những gam màu sáng nhẹ, dịu dàng. Những màu ấm như màu đỏ, màu vàng đi kèm một số từ tố như “hoe”, “lơ”... được ông yêu thích. Sự đối sắc, hoà sắc thường được thiết lập trong một hay một vài câu: “Hồng Ngài năm ấy Tết đến giữa lúc gió thổi vào cỏ tranh vàng ửng, gió rét dữ dội. Nhưng trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá, xoè như con bướm đậu. Cái hoa thuốc phiện vừa nở trắng lại ra màu đỏ hau, đỏ thậm, rồi sang màu tím man mát...” [27, tr.209]. Cấu trúc câu được nhà văn quan tâm nên đường nét khi nào cũng cân xứng, hài hoà: “Chống Bla vào mùa này đương đẹp. Hoa mận vừa tan, trắng mịn, rụng đầy những quãng đường ẩm ướt. Hoa đào đương độ hồng say lạ lùng…” (Lên Sùng Đô). Dựng lại bức tranh thiên nhiên chốn đại ngàn, nhà văn cũng rất lưu tâm đến các yếu tố như màu sắc, âm thanh, hương vị mang đặc trưng riêng của núi rừng, ở từng thời điểm trong ngày. Đây là thời gian buổi trưa nên màu sắc ấm kết nối với âm thanh êm và hương vị dịu: “Giữa trưa, nắng hanh đọng vàng từng vũng trong rừng trám cao vút, im lặng. Một chiếc cuống lá gãy cũng nghe tiếng. Bó lá hương nhu trên tảng đá thoảng mùi thơm dịu dịu trong nắng...” [27, tr.116]. Nhưng trong một buổi sáng mùa xuân thì không gian lại khác: “...Buổi sáng, sương nặng hạt rơi buốt như mưa nay. Dưới thung, vườn mận nở hoa trắng tinh...” [28, tr.249]. Vẫn là một buổi bình minh nhưng khi mùa đông đến thì: “Buổi sáng rét ngọt. Hơi núi ngùn ngụt thở xuống cánh đồng, đọng trên đầu người đi, trên mái nhà, trong các làng người Thái...” [27, tr.109]. Ở một số truyện viết về miền Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp, mặc dù thiên nhiên không phải là nhân vật chính được nhà văn Tô
Hoài dụng công miêu tả nhưng người đọc vẫn được chiêm ngưỡng không gian mùa xuân với đầy đủ hương, sắc, âm thanh và cả hồn của tạo vật: “...Dưới thung, đương giữa cữ hoa mận nở tròn như mâm xôi gạo vừa mới dỡ....” [28, tr.276] rồi “...thật Tết đến. Mọi nhà trong làng dựng lên đầu lán một cành tre buộc cái hoa chuối rừng đỏ chói. Người ta xuống suối thịt lợn. Nhà khá ăn cả con, nhà nghèo thì hai ba nhà chung nhau mổ một con. Năm nay chỉ có một đám còn ở một khoảng ruộng gần rừng (năm ngoái thì còn bay khắp đồng như bươm bướm). Quả còn đuôi tím, đuôi đỏ, nhịp nhàng lượn bên trai sang bên gái, bên gái về bên trai. Những tà áo, những thắt lưng, những nếp váy chàm tím đỏ. Những con mắt đung đưa...” [28, tr.250].
Chỉ bằng không nhiều những nét chấm phá, miêu tả của những ngòi bút tài năng, từ bầu trời trên cao đến những mỏm rừng xa ngái trong các truyện về đề tài dân tộc miền núi giai đoạn 1945 - 1975 đều ánh lên một sức quyến rũ kỳ lạ. Dù đâu đó phía chợ Phủ, thỉnh thoảng vẫn vọng đến “tiếng moocchiê xa xa, lịm vào sương mờ và rừng hoa mận trắng xóa” [28, tr.249] nhưng chỉ cần một tiếng chim kỳ, một đàn bướm ngang nương hay một vạt hoa rừng nở rộ... cũng đủ tạo ra cho người đọc cảm giác thi vị, trữ tình. Ngay cả khi màn đêm buông xuống các bản làng thì không gian vẫn được soi sáng bởi ánh trăng tuyệt đẹp: “Ánh trăng rét ngọt. Dòng suối mờ mờ giữa những tảng đá đen sẫm...” [28, tr.250]. Ta thấy rằng, hiện lên qua những trang truyện ngắn là hình ảnh thiên nhiên với những nét hùng vĩ, nguyên sơ với đặc điểm rất riêng của núi rừng. Ở chốn đó, thiên nhiên, muôn loài được tắm trong sắc màu tươi sáng, vàng thẫm của bình minh, xanh non của da trời, biêng biếc của màu mây, mơn mởn của cỏ cây và hoa lá. Dường như mỗi cảnh, mỗi vật của các vùng non ngàn đất Việt xa xôi đều được tác giả mã hóa bằng ngôn từ để đưa nó về gần hơn với thế giới của người đọc. Thả hồn
vào với cảnh sắc thiên nhiên vùng cao, các tác giả đã đưa vào trong tác phẩm của mình cả tiếng nhạc rừng rộn rã vui tươi. Đó là tiếng gió rít, thác reo trong văn của Nguyễn Tuân; tiếng sương rơi, mưa rừng, chim hót trong văn Tô Hoài, tiếng bão nổi, rừng reo, tiếng đại ngàn rung chuyển trong truyện của Nguyên Ngọc và hàng chục tác giả khác. Những âm thanh của núi rừng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên được phản ánh vào các tác phẩm trong giai đoạn này không đơn thuần chỉ bằng giác quan của các nhà văn mà bằng chính cả trái tim và tâm hồn họ.
Trong bức tranh thiên nhiên vùng cao của các nhà văn người đọc còn được thưởng thức những âm thanh của thế giới thiên nhiên giàu nhạc tính, sôi động muôn hình, muôn vẻ giống như chính tạo vật đang trực tiếp va đập vào các giác quan con người. Hãy cùng nghe tiếng “mưa tầm tã. Mưa trắng núi, trắng trời. Bộ đội từ bên kia đèo về làng. Họ đi dưới trời mưa như một dòng kiến bò vắt qua ruộng, qua rừng, qua đèo, về từ trưa, mãi tới chiều ngớt mưa mới hết người... “ [28, tr.255] rồi thì “những ngày đêm mưa tầm tã trên núi, tưởng chừng không bao giờ dứt cũng đã qua. Đám mây lốm đốm xám như đuôi con sóc nối nhau bay quẩn sát ngọn cây, lê thê đi mãi, bây giờ cứ loáng thoáng nhạt dần, thỉnh thoảng đứt quãng, đã thấy lồ lộ đằng xa một bức vách đá trắng toát...” [27, tr.99] và khi đêm về thì “...Lửa đường rừng rực quanh tiếng hát của một toán em nhỏ... Ánh giăng suông, đuốc đóm, tiếng ngáy, tiếng rên rét, tiếng hoan hô, tiếng ho, hỗn loạn trên bãi, rừng, núi đá mù mịt...” [28, tr.268]. Có thể nói, thiên nhiên, cảnh vật đẹp đẽ của miền Tây Bắc xa xôi đã được nhà văn vẽ lên rất sinh động, trữ tình qua những trang truyện bằng những rung động đầy chất thơ. Chất thơ ấy toát ra không chỉ từ dáng dấp, ngôn ngữ của các nhân vật mà còn hiển hiện rất rõ qua những hình tượng thiên nhiên với sắc màu tươi sáng cùng những đường nét uyển chuyển, hùng vĩ tạo nền cho những cảnh sinh hoạt độc đáo, đậm đà chất vùng
cao. Đó là những đêm mùa xuân, cảnh đi chơi tết, tiếng sáo gọi bạn nơi đầu núi, những đám chơi pao, thổi khèn, uống rượu bên bếp than rực hồng hoặc đống lửa ngùn ngụt cháy của sơn nam, sơn nữ H’Mông, Thái, Dao, Tày... Những bức tranh thiên nhiên thơ mộng ấy đôi khi đã giúp cho không chỉ các nhân vật trong truyện mà cả người đọc tạm quên đi thực tại khốc liệt của cuộc kháng chiến mà khu vực dân tộc, miền núi của đồng bào vùng cao cũng chính là mặt trận trực tiếp...
Từ cảnh sắc, âm thanh sâu lắng, da diết của mưa rừng, sương núi miền Tây Bắc trong cảm nhận của nhà văn Tô Hoài và một số tác giả khác chuyển sang bóng dáng kỳ vĩ, dữ dội của thiên nhiên vùng Tây Nguyên trong các truyện của Nguyên Ngọc - Nguyễn Trung Thành là cả một sự biến đổi lớn, hằn rõ vết tích của không gian địa lý, thời gian lịch sử: “…Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó, vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê. Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt, cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời...” (Rừng xà nu). Rồi ngay cả đến những cơn mưa rừng cũng được tác giả vẽ lên với đầy đủ sự khốc liệt của nó “…Mưa như thác đổ. Đường thăm thẳm dốc, cua tay áo liên tiếp, be bét bùn đất đỏ như máu, suốt mấy chục cây số toàn một bên vách đứng một bên vực sâu đen ngòm...” (Tháng Ninh Nông). Mưa ở núi rừng Tây Nguyên thì vậy, còn ở núi rừng phía Bắc, trong trang viết của nhà văn người Tày Nông Minh Châu thì cơn mưa lại đến như một sự giải tỏa cho những ngóng đợi đau đáu của cả bản mường: “...Đám mây đen cướp ngọn núi, nuốt hẳn cái mặt trời. Trống trời lại nổi lên ầm ầm... Trời tối sẫm lại. Cơn
mưa đầu hạ đã đổ xuống. Màn trời một màu trắng đục. Mọi người đem ống bương ra hứng nước, nét mặt mừng rỡ...” [67, tr.219].
Mặc dù không phải là đối tượng chính được đầu tư dụng công cả về thời gian miêu tả và dung lượng văn bản trong các truyện về đề tài dân tộc, miền núi giai đoạn 1945 - 1975, nhưng hình ảnh thiên nhiên vùng cao vẫn hiện lên khá nổi bật với đầy đủ dáng vẻ hoang sơ, kỳ vĩ và đôi khi còn dung chứa cả những điều bí ẩn như chúng ta vẫn tưởng tượng về chốn “thâm sơn cùng cốc”. Không đơn thuần chỉ dừng lại ở mức độ miêu tả, kể lại, các tác phẩm còn là sự kết hợp, giao thoa của nhiều nguồn cảm hứng nhằm khám phá những điều mới lạ, kỳ bí của thế giới sơn lâm, đáp ứng trí tưởng tượng phong phú của độc giả. Trên cơ sở bức tranh hiện thực của đời sống, cảnh vật vùng cao, ngòi bút của các nhà văn đã thỏa sức sáng tạo, liên tục mở ra trước mắt bạn đọc những trường liên tưởng về một môi trường sống nguyên sơ, rộng lớn và khắc nghiệt đến tận cùng: “... Rết hổ kéo đàn lũ hành quân qua rừng, qua núi, tiếng vang ào ào như một trận mưa rào. Nhưng khi rình mồi, lũ rết ghê hồn lại nằm im thin thít. Một con rết hổ to bằng mái chèo, dài bằng sải tay, có hàng trăm rết nhỏ đi theo… Người già bảo nọc của lũ rết hổ độc khủng khiếp...” [67, tr.345]. Thiên nhiên ấy đôi khi cũng dự báo cả những điềm lành để người ta yên lòng dạ: “...Một buổi sớm nghe tiếng chim kỳ cuốn dài theo gió từ khe Mông Mang đưa ra. Ai cũng như thấy mùa đông đương trở lại. Có những điều tốt lành lại theo. Đấy là mùa gặt hái sắp tới. Mùa gặt hái lại đã đến trên khu du kích...” [27, tr.91], nhưng cũng có thể chất chứa cả những dự cảm không lành về thời tiết hạn hán: “Trời vẫn nắng. Nắng ngày này sang ngày khác. Khi ngọn núi sau nhà nuốt xong mặt trời, ai đã lên đỉnh núi quét lên bốn chân trời một màu hồng nhạt. Đêm đêm chị Hằng ngồi trong thúng vàng, không còn một đám mây trắng, mây đen nào bạn cùng…” [67,
tr.216]. Cũng là viết về khí hậu, thời tiết nhưng không giống với cách tiếp cận của tác giả Nông Minh Châu, nhà văn Nguyễn Thành Long lại có một cách tiếp cận cẩn trọng, cầu kỳ theo phong cách của một nhà khoa học: “Dưới hai nghìn mét vẫn là rừng nhiệt đới, như ở đây thôi, chưa có gì thật lạ. Sồi, thông reo, pơ mu, lanh sam, thiết sam... Và gió. Sao nhiều gió thế! Gió và mây. Cứ leo lên một nấc lại cảm thấy rất rõ mây đặc hơn một chút. Nhiều lúc bất giác đưa tay vơ một nắm, không biết trong tay là gió hay mây...” (Núi Đỗ Quyên). Trong truyện
Lặng lẽ Sa Pa, những đặc điểm của thiên nhiên nơi mảnh đất cực Bắc của Tổ
quốc đã được nhà văn miêu tả rất tỉ mỉ, nghệ thuật: “Rời cầu cây số 4 một quãng, xe trèo lên núi. Mây hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng... ” rồi thì “... Nắng bây giờ bắt đầu lèn tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kính thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cả lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe...”. Địa danh Sa Pa đẹp và đầy chất thơ, mảnh đất ấy không hề hoang vu trái lại rất hữu tình và rất tráng lệ. Sa Pa với những rặng đào, những đàn bò lang cổ đeo chuông như dẫn hồn du khách lạc vào miền đất đẹp kỳ thú... Đó là phông nền thiên nhiên thuận lợi để từ đó con người nổi lên với tình yêu Tổ quốc và hết mình cống hiến cho đất nước.
Có thể khẳng định rằng, thế giới thiên nhiên kỳ vĩ, sinh động, trữ tình trong các truyện viết về đề tài dân tộc và miền núi giai đoạn 1945 - 1975 đã tạo cho người đọc một cảm quan mới, một sự hình dung đa dạng, phong phú hơn về hiện thực cuộc sống của vùng cao nước ta trong những năm tháng cả dân tộc đều hướng ra mặt trận. Với vai trò, trọng trách của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, các nhà văn bên cạnh việc xây dựng lên những bức tranh hiện
thực cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao trong kháng chiến còn không quên thế giới thiên nhiên đại ngàn với sức sống diệu kỳ. Mặc dù trong hầu hết các tác phẩm, dung lượng văn bản dành cho miêu tả thiên nhiên không nhiều nhưng mỗi khi nhắc đến thiên nhiên thì nó như cả một thế giới sống động muôn màu, muôn vẻ và luôn có những biến đổi diệu kỳ. Chính từ những bức tranh thiên nhiên vùng cao đó đã góp phần tôn thêm chất nghệ thuật của các tác phẩm, làm giàu thêm cho vẻ đẹp vốn có của chốn đại ngàn được “lọc” qua tâm hồn những người nghệ sỹ…