Hình tượng nhân dân vùng cao trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) ruyện viết về đề tài dân tộc và miền núi giai đoạn 1945 - 1975 (Trang 87 - 92)

Chƣơng 1 : Tổng quan tình hình nghiên cứu

3.1. Thế giới hình tượng nhân vật

3.1.2. Hình tượng nhân dân vùng cao trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới

sống mới

3.1.2.1. Cuộc đấu tranh với những lực cản lạc hậu

Sau gần một thế kỷ sống trong cảnh nô lệ, lầm than dưới ách áp bức, bóc lột của đế quốc, thực dân, nhờ ánh sáng lý tưởng của Đảng với cuộc đổi đời vĩ đại sau Cách mạng tháng Tám (1945), nhân dân ta đã tự tạo lập cho mình một địa vị mới với niềm tin cùng khí thế mới. Trong bức tranh chung của đất nước “thời đại Hồ Chí Minh” với những gam màu lạc quan, tươi sáng đó, khu vực dân tộc, miền núi với những điều kiện, đặc trưng riêng biệt đã cùng hòa nhịp hăng say vào công cuộc xây dựng đời sống mới mặc dù xác định rằng, quá trình này sẽ lâu dài, khó khăn, phức tạp. Cuộc sống mới phải được kế thừa trên nền tảng sẵn có và đó là sự kết hợp nhuần nhị giữa cải tạo, bảo tồn và xây dựng mới đồng thời xóa bỏ những cái cũ đã lạc hậu. Quá trình này không dễ thực hiện, bởi không chỉ đặc điểm địa lý tự nhiên, dân cư ở vùng dân tộc, miền núi vốn khó khăn, phân tán mà điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông thiếu thốn, kém phát triển và đặc biệt là sự lạc hậu mang tính cố hữu trong chính nếp sống, nếp nghĩ, nhận thức của đồng bào các dân tộc nơi đây đã tạo ra những rào cản không nhỏ.

Sự thiếu hiểu biết, tư duy mông muội cùng với nạn mê tín dị đoan chính là một trong những cản lực lớn nhất đến quá trình xây dựng cuộc sống mới ở khu vực dân tộc, miền núi nước ta những năm kháng chiến, kiến quốc. Ngoài bóng đen hữu hình là kẻ thù xâm lược cùng lũ tay sai bán nước phủ lên các bản làng, buôn ấp vùng cao, còn có những bóng đen vô hình ngự trị ngay dưới mỗi mái sàn, trong mỗi suy nghĩ của con người nơi đây, đó là “những bóng ma truyền kiếp”, chỉ cần nhắc đến đã đủ khiến người ta khiếp hãi. Bóng ma ấy bám lấy số phận của cô Mỵ từ cái ngày bị A Sử lừa bắt về nhà Thống lý Pá Tra cúng trình

ma để gạt nợ cho cha mẹ, là sợi xích quàng lên đôi vai vạm vỡ của A Phủ khi bị cha con nhà Thống lý mượn cớ phạt vạ cả trăm bạc trắng theo cách cho sờ vào bạc và “lầm rầm khấn gọi ma về nhận mặt người vay” để rồi phải ở đợ trừ nợ, làm con trâu, con ngựa cho chúng từ đó. Nỗi sợ ấy còn theo Mỵ và A Phủ ngay cả khi đã đến khu du kích Phiềng Sa để có lúc giật mình “chợt nghĩ tới ma nhà Pá Tra nó đã nhận...”. Viết về những hủ tục cùng những lụy nạn của chúng đối với vùng cao những năm sau Cách mạng tháng Tám có lẽ khó có tác giả nào sánh được với chính các nhà văn là người dân tộc thiểu số tả về dân tộc mình. “... Bao đời sống giữa hồng hoang, tăm tối, trong tâm linh mỗi dân tộc ngự trị một loại ma riêng: ma gà của người Tày, ma ếm của người Mường, ma lai của các bộ tộc Tây Nguyên, với người H’Mông thì hàng trăm loại ma như ma nhà, ma rừng,

ma lành, ma ác...” [134, tr.91]. Ma như một lý do hợp thức được đưa ra mỗi khi

con người phải đối diện với những tình huống, cảnh ngộ không thể tự mình giải quyết, giải thích được. Các nhà văn đã chỉ ra những vũng tối của dân trí ấy chính là điều kiện phù hợp để các mo, then, tào, pụt ở vùng dân tộc, miền núi lộng hành với đầy đủ các chiêu trò lừa bịp. Sự u mê, mông muội của nhân vật trong các tác phẩm không chỉ khiến cho lao động, sản xuất và tiến bộ xã hội ở vùng cao bị kéo lùi mà nó còn ảnh hưởng đến cả tính mạng của con người. Đó có thể là một cô bé trong Người ma của Hà Lý bị vu cho là có ma ếm nên cả mường đều tìm để giết; rồi cũng có khi là sự nhẫn tâm chôn sống đồng loại chỉ vì căn bệnh phong trong Hồn ma núi của Kim Nhất và viện lý là ý Giàng, thậm chí người bị vu là có “ma lai” trong Vụ xử ma lai lại chính là một đảng viên, mà người xử là buôn trưởng, thầy cúng cũng là một người đã từng cầm súng ngoài chiến trường...

Mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu chính là những cản lực không nhỏ khiến vùng cao luôn tụt hậu so với miền xuôi và đặc biệt trong công cuộc xây dựng đời sống mới những năm 50, 60 của thế kỷ XX. Một nguyên nhân khác cũng tạo ra lực cản lớn trên nấc thang tiến bộ ở vùng cao chính là sự trì trệ, bảo thủ trong nếp sống, nếp nghĩ của đồng bào nơi đây, nhất là những bậc cao niên trong gia đình, buôn bản. Nhà văn đã thông qua các tác phẩm của mình để phản ánh rõ nét sức cố thủ mạnh mẽ của các hủ tục, sức ì cố hữu của những tín niệm đã “cũ” và lạc hậu gây ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách đổi mới của cách mạng trong giai đoạn mới. Tâm lý ngại thay đổi ấy, ta bắt gặp ở các bậc cao niên như Ké Nàm trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Hoàng Hạc, cả một khoảng thời gian dài đã không sẵn sàng di rời đến bản mới để dành bản cũ làm lòng hồ chứa cho thủy điện Thác Bà với lý luận: “…Chỗ đất này, cha mẹ xưa vừa ăn củ bấu củ mài vừa phát ra cho. Mình sinh ở đây, lớn lên ở đây... cha mẹ nằm xuống ở đây, mồ mả còn ở chân núi đó. Đời cha, rồi đời mình lớn lên, gặp bao nhiêu cay đắng cho thành nơi ăn chốn ở... bây giờ lại để...” [67, tr.269]. Phải đến khi tận mắt trông thấy điều kiện làm ăn, ruộng nương, cơ ngơi dưới bàn tay lao động của “bọn thanh niên bản tiến bộ” ở nơi mà chính quyền chọn làm đất định cư mới cho bà con thì Ké Nàm mới ưng lòng để chuyển nhà, nhường đất cho nhiệm vụ chung. Rồi đến những người già ở bản Chu và ngay cả nhân vật người cha trong truyện Ché Mèn được đi họp của tác giả Nông Minh Châu với niềm tin “như đinh đóng cột” vào kinh nghiệm truyền khẩu dân gian nên kiên quyết phản đối cách thức chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cho phù hợp với thời tiết. Theo các bậc cao niên ở tác phẩm này thì việc Ché Mèn dám đem lúa nương xuống gieo ở ruộng nước là điều cấm kỵ: “Cái đời nào dạy mày thế. Giống nào thuộc giống ấy. Bắt bò đi dầm như trâu có mà trời tha. Cái năm mày còn bú, mẹ mày phát đám

nương Khuổi Bon chỉ vì nương hơi bằng. Gặp mấy trận mưa, năm ấy có hái được bông nào đâu...” [67, tr.217]. Chính cái nhãn quan ấy của người già đã chi phối cách đánh giá của đại đa số dân bản và vô tình đôi khi đẩy những thanh niên tiến bộ, dám đổi mới như Mèn, Thoại trở thành lạc lõng, bị cô lập giữa cộng đồng...

Ngoài những nguyên nhân, hạn chế đến từ yếu tố tự thân, nội sinh trong cộng đồng làng bản, gây khó khăn cho công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao, còn có sự xuất hiện của các nhân vật phản động và đó cũng là kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm đối với nhiệm vụ cách mạng ở nơi mà trình độ dân trí, hiểu biết của đồng bào còn hạn chế. Đối tượng nhân vật kiểu này chúng ta gặp chủ yếu ở những tác phẩm phản ánh thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp ở vùng cao những năm 50, 60 của thế kỷ XX. Trong Miền Tâycủa nhà văn Tô Hoài có nhắc đến sự kiện “đón vua” của một bộ phận những kẻ mông muội nghe theo lời xúi bẩy, tuyên truyền hoang đường từ miệng của bọn biệt kích để từ đó chống phá cách mạng, hủy hoại các thành tựu mà địa phương đã đạt được. Đó còn là những kẻ gian manh cấu kết với nhau để phá hoại cuộc sống định canh, định cư tại Đin Phiêng trong Đất bằng của Vi Hồng, là những lão già xảo quyệt ở Trăng non

của Ma Văn Kháng, chỉ luôn tìm cớ, dựa vào uy thế của dòng tộc để phá rối công cuộc xây dựng khu đặc sản ở vùng cao Sa Pa...

Tuy nhiên, qua khảo sát các truyện về đề tài dân tộc, miền núi giai đoạn 1945 - 1975, chúng ta nhận thấy có một đặc điểm khá rõ nét đó là với sự chi phối của cảm hứng thời đại, sự chiếm ưu thế của khuynh hướng sử thi, ngợi ca nên những nhân vật phản diện, phản động thường xuất hiện rất mờ nhạt và chỉ có tác dụng như “một thứ gia vị” để tác phẩm thêm sinh động. Những nhân vật có chiều hướng “không chính diện” ấy chỉ có tác động tiêu cực đến các nhân vật

chính diện tại một thời điểm nào đó và ít dẫn đến các cao trào mâu thuẫn, ảnh hưởng đến hướng diễn biến của truyện. Ta có thể kể đến ở đây hình ảnh nhân vật cán bộ Minh Thông trong truyện Đi dân công của Tô Hoài. Đây là một đại diện cho kiểu cán bộ mà theo nhận xét của đồng chí, đồng nghiệp thì luôn “dựa dẫm, sợ việc” và luôn nói dối để tránh việc: “...Ôi chao đúng như thế. Minh Thông không cày, không tăng gia. Minh Thông đeo xắc cốt lên huyện, xuống xã, vờ vẫn, trốn tránh không làm gì. Nghĩ cho kỹ: cán bộ như thế chẳng có ích gì cho ai cả…”. Mặc dù có những nhược điểm như vậy, nhưng cuối cùng chính nhân vật cán bộ Minh Thông lại là người vui vẻ nhất khi “buộc” phải tham gia đoàn dân công phục vụ mặt trận để rồi trúng bom mà ngã xuống như bao người con vùng cao anh dũng khác. Đương nhiên, khi gấp trang sách lại, với những nhân vật như Minh Thông, thường ta vừa thương vừa giận nhưng cái thương bao giờ cũng nhiều hơn. Cũng cùng kiểu nhân vật như vậy, Long và Lăng trong Ché Mèn

được đi họp của Nông Minh Châu lại luôn đóng vai là người phản đối, mỉa mai,

bỉ bác những sáng kiến, ý tưởng táo bạo của bạn bè mình. Quả thực, các tác giả không dành nhiều thời gian văn bản cho kiểu nhân vật trên đây, nhưng có những “tín hiệu” khá rõ để chúng ta có thể khẳng định rằng, những Minh Thông, Long, Lăng... sẽ trở thành nhân vật phản diện trong các truyện ở những thời kỳ sau này.

Có thể thấy rằng, thông qua các tác phẩm mà chúng ta đã khảo sát, biểu hiện của những tàn dư ý thức, lối sống tiêu cực luôn tồn tại ở nhiều dạng thức khác nhau và nó chính là lực cản không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc vùng cao. Những nhân vật phản diện hoặc đang manh nha mầm mống phản diện được miêu tả, nhắc đến trong các truyện về đề tài dân tộc và miền núi giai đoạn 1945 - 1975 chính là sự

dự báo cho những kiểu, dạng nhân vật tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam thời kỳ hậu chiến.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) ruyện viết về đề tài dân tộc và miền núi giai đoạn 1945 - 1975 (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)