6. Cấu trúc luận văn
2.2. Sức mạnh phương Tây trong nhận thức của người Nhật Bản
2.2.3. Trên phương diện khoa học quân sự
Nhật Bản là một quốc gia có lòng tự tôn dân tộc rất cao. Thất bại của họ trước uy quyền và sức mạnh của phương Tây mà điển hình là của Đề đốc Perry cùng hạm đội của Mỹ năm 1854 luôn bị coi là nỗi xỉ nhục đối với một dân tộc Nhật thượng võ. Vậy làm sao để có thể đòi lại thể diện và quan trọng hơn là có được sức mạnh để mở rộng ảnh hưởng của Nhật Bản ra thế giới? Những nhà cầm quyền Nhật Bản trong thế kỷ XIX đã tìm ra câu trả lời: học tập những tri thức phương Tây, xây dựng mô hình quân đội mạnh mẽ và đương nhiên cả việc dùng quân sự xâm lược các quốc gia khác.
Thật ra, việc xung đột trên biển giữa Nhật Bản và các quốc gia khác trong khu vực đã có từ xa xưa, trong đó có việc chuyển quân giữa Triều Tiên và Nhật Bản, bắt đầu từ thời kỳ Kofun vào thế kỷ thứ III. Tiếp đó là những cuộc hải chiến với Trung Quốc, bọn cướp biển và thậm chí giữa các lãnh chúa Nhật Bản với nhau. Tuy nhiên phải tới thế kỷ XVI, Nhật Bản mới có lực lượng hải quân quy mô khi những lãnh chúa phong kiến tranh nhau xây dựng những đội thủy quân khổng lồ lên tới vài trăm chiến thuyền. Đây là thời kỳ tranh giành quyền lực đẫm máu giữa các lãnh chúa trên vùng đất Nhật Bản. Nhờ những tri thức học hỏi được qua quá trình giao lưu, giao thương với các cường quốc phương Tây như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh... mà vào năm 1576, Nhật Bản đã đóng được những chiếc thiết giáp hạm đầu tiên khi Oda Nobunaga yêu cầu đóng sáu chiếc thiếp giáp hạm Oatakebune. Tới thế kỷ XVII, Nhật Bản đóng được tàu chiến lớn có khả năng vượt đại dương. Vào năm 1613, Mạc phủ Tokugawa đã cho đóng chiếc Date Maru, một dạng tàu chiến 500 tấn thường được trang bị vũ khí kết hợp với các công nghệ phương Tây, để đưa đại sứ Nhật Bản Hasekura Tsunenaga đến Mỹ, sau đó đến châu Âu. Loại tàu này sau đó được Mạc phủ ủy nhiệm dùng chủ yếu cho giao thương với Đông Nam Á.
Trong hơn 200 năm tiếp theo đó, Nhật Bản chọn chính sách "toả quốc", ngăn cấm mọi tiếp xúc với Phương Tây, bài trừ đạo Kitô, và ngăn cấm việc đóng
66
thuyền có thể đi biển với hình phạt gắt gao là đánh đòn hoặc xử tử. Tuy nhiên, việc giao lưu với thế giới phương Tây vẫn được duy trì thông qua tô giới Hà Lan tại Deshima, cho phép chuyển giao một khối lượng lớn kiến thức liên quan đến kỹ thuật Phương Tây và cuộc cách mạng khoa học. Việc học tập các môn khoa học Phương Tây, gọi là "Hà Lan học", cho phép Nhật Bản cập nhật kiến thức trong những lĩnh vực liên quan đến khoa học hàng hải, như khoa bản đồ, quang học hay các môn khoa học cơ khí. Sự học hỏi đầy đủ kỹ thuật đóng tàu Phương Tây vẫn diễn ra hết sức mạnh mẽ.
Ngay sau khi Nhật Bản bị ép phải mở cửa năm 1854, Mạc phủ Tokugawa đã đưa ra một loạt các chính sách tích cực để hấp thu các kỹ thuật hải quân Phương Tây. Năm 1855, dưới sự giúp đỡ của Hà Lan, Mạc phủ đã có được chiếc tàu chiến chạy hơi nước đầu tiên Kanko Maru, dùng để huấn luyện, và thành lập Trung tâm Huấn luyện Hải quân Nagasaki. Năm 1857, Nhật Bản có được chiếc tàu chiến chạy hơi nước đầu tiên Kanrin Maru. Năm 1859, Trung tâm Huấn luyện Hải quân được chuyển đến Tsukiji ở Tokyo. Học viên hải quân được gửi đi học tại các trường hải quân Phương Tây trong nhiều năm, như trường hợp Takeaki Enomoto, người trở thành Đô Đốc sau đó, đã học tại Hà Lan từ 1862 đến 1867. Đây là khởi đầu cho một truyền thống các chỉ huy hải quân tương lai được đào tạo ở nước ngoài.
Năm 1863, không đầy 10 năm sau khi mở cửa đất nước, Nhật Bản đã đóng thành công chiếc tàu chiến hơi nước Chiyodagata. Đó là chiếc pháo hạm đầu tiên đóng trong nước. Năm 1865, kỹ sư hải quân người Pháp Léonce Verny được thuê để xây dựng các xưởng hải quân hiện đại đầu tiên tại Yokosuka và Nagasaki. Trong các năm 1867-1868, một phái đoàn Hải quân Anh do thuyền trưởng Tracey dẫn đầu được gửi đến Nhật để giúp phát triển Hải quân và tổ chức Trường Hải quân Tsukiji. Cuối thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, hạm đội của Mạc phủ đã là hạm đội lớn nhất khu vực Đông Á, với lực lượng chủ chốt bao gồm 8 tàu chiến hơi nước kiểu Phương Tây và kỳ hạm Kaiyo Maru.
67
Từ năm 1868, Nhật hoàng Minh Trị sau khi nắm quyền tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách công nghiệp hóa và quân sự hóa Nhật Bản nhằm ngăn ngừa tình trạng Hoa Kỳ và các thế lực phương Tây lấn át họ. Ngày 17-1-1868, Binh bộ tỉnh được thành lập, với Tomomi Iwakura, Tadayoshi Shimazu và Hoàng tử Akihito Komatsu là các Bí thư đầu tiên.
Ngày 26-3-1868, buổi duyệt binh Hải quân đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản được tổ chức tại vịnh Osaka, với sự tham gia của 6 tàu chiến từ các lực lượng hải quân của 6 phiên Saga, Chōshū, Satsuma, Kurume, Kumamoto và Hiroshima. Chúng có tải trọng tổng cộng là 2252 tấn, vẫn còn nhỏ hơn tải trọng của một chiếc tàu ngoại quốc duy nhất của Hải quân Pháp cùng tham gia duyệt binh. Vào năm sau, tháng 7-1869, Hải quân Đế quốc Nhật Bản được chính thức thành lập.
Tháng 7-1869, lực lượng hải quân của các lãnh địa bị giải tán, và 11 chiếc tàu của các phiên đó được sát nhập với 7 chiếc còn lại của lực lượng hải quân Mạc phủ Tokugawa để tạo nên nòng cốt của Hải quân Đế quốc Nhật Bản mới. Tháng 2- 1872, lực lượng quân sự được tách thành Lục quân tỉnh và Hải quân tỉnh. Tháng 10-1873, Kaishu Katsu trở thành Quốc vụ Đại thần Hải quân tỉnh. Chính quyền mới thảo một kế hoạch đầy tham vọng xây dựng một lực lượng hải quân gồm 200 tàu chiến tổ chức thành 10 hạm đội. Không đầy một năm sau kế hoạch này bị bỏ dở vì không có tiềm lực.
Quân đội Nhật Bản lúc này được tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây. Lục quân theo mô hình Lục quân Đức, Hải quân theo mô hình Hải quân Anh, các công xưởng và nhà máy vũ khí theo mô hình công binh Pháp, hệ thống hậu cần học hỏi rất nhiều từ Hoa Kỳ. Quân đội Nhật Bản áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự thay cho chế độ trưng binh và tăng cường mua và sản xuất vũ khí, đạn dược. Kèm theo đó là mời các giảng viên quân sự nước ngoài về để giảng dạy và đưa các sinh viên sĩ quan đến một số nước như Anh, Pháp học tập.
Trong khi Phái bộ Iwakura sang thăm và học tập ở các nước Âu – Mỹ, ở trong nước quyền lực chính trị tập trung trong tay Okuma, Saigo và Itagaki. Nhằm TIEU LUAN MOI download : skknchat@gmail.com
68
tìm ra một lối thoát trong việc giải quyết những vấn đề chính trị trong nước đặc biệt là tình trạng bất mãn của đẳng cấp võ sĩ đồng thời muốn mở rộng ảnh hưởng của Nhật Bản sang các quốc gia khu vực, một số thế lực trong chính quyền Minh Trị đã chuẩn bị cho một kế hoạch xâm lược Triều Tiên để “trừng phạt” nước này với nguyên cớ không mở cửa đất nước theo yêu cầu của Nhật Bản. Nhưng, kế hoạch trên đã bị Phái bộ Iwakura sau khi về nước ngăn chặn. Theo chủ trương của Phái bộ thì Nhật Bản cần phải tập trung giữ thế ổn định chính trị trong nước và cần dồn nguồn kinh phí để phát triển công nghiệp. Tuy nhiên đến tháng 9-1875, tức chỉ 2 năm sau, Nhật Bản đã đưa tàu chiến sang Kanghwa-do (Giang hoa đảo), đảo phòng thủ Seoul, thị uy và tấn công đánh chiếm đảo này. Kết quả của cuộc tấn công đó đã buộc triều đình Choson phải ký điều ước Kangwa vào tháng 2-1876 chấp nhận mở cửa cảng Pusan, Inchon và Wonsan cho Nhật Bản vào buôn bán, công nhận đặc quyền ngoại giao và chế độ quan thuế do Nhật Bản áp đặt.
Cũng trong thời gian đó, nhận thấy sự suy yếu của nhà Thanh, Nhật Bản chủ trương mở rộng ảnh hưởng xuống phương Nam. Năm 1874, chính quyền Minh Trị phái Saigo Tsugumichi (1843-1902), em ruột của Saigo Takamori, một trong những người hăng hái nhất thuộc phe chủ chiến, đưa quân sang Đài Loan để “trừng phạt” Đài Loan với lý do đã giết hại 54 thủy thủ người Ryukyu (Lưu Cầu) bị nạn trôi dạt vào đảo này năm 1871. Với chiến thắng này, nhà Thanh đã phải chấp nhận bồi thường chi phí chiến tranh cho Nhật Bản đồng thời qua đó gián tiếp chấp nhận “chủ quyền” của Nhật Bản ở Ryukyu. Nhân cơ hội đó, chính quyền Minh Trị cũng sáp nhật Ryukyu vào lãnh thổ Nhật Bản và biến Lưu Cầu quốc thành Lưu Cầu phiên và năm 1879 chính thức đổi Phiên Ryukyu thành huyện Okinawa của Nhật Bản.
Việc Nhật Bản buộc Triều Tiên phải ký điều ước thông thương năm 1876 đã khiến quan hệ Trung – Nhật trở nên hết sức căng thẳng. Với lý do Triều Tiên là một nước thần thuộc không có quyền tự ý ký hiệp ước về ngoại giao, triều đình Bắc Kinh phủ nhận điều ước Kanghwa. Tình thế chính trị đó đã đẩy Triều Tiên trở
69
thành nơi tranh giành quyền lực của hai nước lớn trong khu vực. Năm 1889, vì mất mùa, chính quyền Choson ra lệnh cắm xuất khẩu gạo và đậu nành sang Nhật. Nhật Bản phản ứng quyết liệt và đòi Triều Tiên triệt hồi lệnh này. Không còn cách nào khác, chính quyền Seoul phải yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ để chống lại áp lực của Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, nền chính trị Triều Tiên trở nên hỗn loạn và phân hóa sâu sắc. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đưa quân sang Triều Tiên can thiệp. Ngày 1-8-1894, chiến tranh Nhật – Trung bùng nổ. Nhờ có chiến thuật quân sự phương Tây, lực lượng hải quân mạnh, vũ khí hiện đại và sự cổ vũ tinh thần mạnh mẽ mà quân đội Nhật Bản đã mau chóng giành được thắng lợi trên đất Triều Tiên và dự định tiến quân về uy hiếp Bắc Kinh. Khiếp sợ trước những tham vọng của Nhật Bản, chính quyền Bắc Kinh phải yêu cầu “giảng hòa” và chấp thuận ký hòa ước Shimonoseki (Hạ quan) giữa Ito Hirobumi và Lý Hồng Chương vào ngày 17- 4-1895. Theo đó, nhà Thanh phải công nhận Triều Tiên là một nước độc lập mà trên thực tế là công nhận ảnh hưởng của Nhật Bản, cắt bán đảo Liêu Đông và các đảo Đài Loan, Bành Hồ cho Nhật, bồi thường 200 triệu lạng (khoảng 360 triệu yên) cho Nhật Bản, ký điều ước thông thương và hàng hải với những điều kiện Nhật Bản đã phải ký với phương Tây đồng thời công nhận Nhật Bản là nước được quyền ưu đãi tối đa và cuối cùng là mở các cảng Sa Thị, Trùng Khánh, Tô Châu, Hàng Châu để tàu thuyền của Nhật đi lại trên sông Dương Tử.
Trong khi Nhật Bản đang say sưa với thắng lợi, bất ngờ ngày 23-4-1895, ba nước Nga, Pháp, Đức vì những lợi ích đế quốc, đã ép Nhật trả lại bán đảo Liêu Đông cho Trung Quốc. Lượng thấy không thể đương đầu đồng thời với ba nước phương Tây, Nhật Bản phải nhượng bộ. Đến năm 1898, Nga chính thức gây áp lực buộc Trung Quốc nhường bán đảo Liêu Đông cho Nga trong thời hạn 25 năm. Như vậy, tham vọng của Nga là bành trướng về phía Đông đã rõ. Đối với Nga, Liêu Đông là một vị trí có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Chiếm được bán đảo này có thể khống chế được tình hình chính trị ở Trung Quốc, Triều Tiên... Ở đây còn có cảng Lữ Thuận (Port Arthur) không đóng băng vào mùa đông, thuận lợi cho
70
các tàu Nga hoạt động. Nhận thấy “khu vực lợi ích” của Nhật Bản bị đe dọa và chiến tranh Nhật – Nga sớm muộn cũng nổ ra, Nhật Bản đã ra sức xây dựng lực lượng hải quân mạnh. Đến năm 1903, Nhật Bản đã có tất cả 76 tàu chiến từ khu trục hạm trở lên và hàng trăm tàu quân sự, vận tải khác. Mặt khác, chính quyền Minh Trị chủ trương liên minh với Anh để chống lại Nga. Về phần mình, Anh cũng không muốn Nga tăng cường ảnh hưởng ở vùng Đông Á và tăng cường ưu thế hải quân ở khu vực này nên cũng muốn mượn tay Nhật để ngăn chặn tham vọng của Nga. Kết quả là tháng 7-1902, “Hiệp ước đồng minh Nhật - Anh” đã được ký kết với nội dung cơ bản là hai nước sẽ tham gia giao chiến nếu một trong hai nước có chiến tranh với nước thứ ba. Đây là hiệp ước bình đẳng đầu tiên mà Nhật Bản có thể ký với phương Tây đồng thời tạo vị thế ngoại giao cho Nhật Bản, tránh rơi vào tình trạng phải đối chọi với đồng thời nhiều nước phương Tây khi chiến tranh xảy ra.
Ngày 8-2-1904, áp dụng chiến thuật quân sự hiện đại, hải quân Nhật Bản bất ngờ tấn công hạm đội Viễn Đông của Nga ở cảng Lữ Thuận đồng thời cho lục quân chiếm bán đảo Liêu Đông và vượt sông Ấp Lục tràn vào Mãn Châu. Mặc dù có ưu thế về binh lực hơn Nhật nhưng do đường tiếp vận xa xôi nên quân Nga cũng gặp nhiều khó khăn. Các trận đánh giữa hai bên diễn ra hết sức quyết liệt, gây nên những tổn thất nghiêm trọng về sinh mạng nhưng Nhật Bản vẫn chưa thực sự giành được thắng lợi căn bản trên chiến trường. Phải đến ngày 27-5-1905, với việc đánh tan hạm đội Baltic của Nga ở vùng biển Tsushima (Đối Mã), Nhật Bản mới giành được thắng lợi quyết định. Với vai trò trung gian của Mỹ, đặc biệt là sự dàn xếp của tổng thống Theodore Roosevelt nên mặc dù Nga có thái độ cứng rắn nhưng cuối cùng ngày 5-9-1905, bản “Hòa ước Nhật - Nga” đã được ký kết tại Portsmouth, New Hampshire, Mỹ. Hòa ước công nhận đặc quyền kinh tế và chính trị của Nhật ở Triều Tiên (Đại Hàn) và Nhật sẽ bảo hộ Triều Tiên từ nay về sau, buộc Nga phải giao lại hai nhượng địa là Lữ Thuận và Đại Liên, đường xe lửa Trường Xuân – Lữ Thuận (tức đường xe lửa nam Mãn Châu) và các mỏ khoáng TIEU LUAN MOI download : skknchat@gmail.com
71
sản trong vùng cho Nhật Bản. Thay cho việc bồi thường chiến phí, Nga công nhận từ vĩ độ bắc 50 độ trở về phía nam của đảo Sakhalin là lãnh thổ của Nhật Bản, đồng thời công nhận quyền đánh cá của Nhật ở Bắc Băng Dương.
Mặc dù Nga đã phải nhân nhượng Nhật Bản ở nhiều điểm quan trọng trong “Hòa ước Portsmouth” nhưng nhiều bộ phận dân chúng Nhật Bản vẫn cho rằng đó là một bản hòa ước không thỏa đáng so với những thắng lợi quân sự mà Nhật Bản giành được trên chiến trường cùng những tổn thất nặng nề về sinh mạng và kinh tế trong chiến tranh. Phía Nga đã không chịu bồi thường chiến phí. Khu vực lãnh thổ mà Nga trao trả cho Nhật cũng hạn chế.
Trên thực tế, sau khi chiếm đóng Đài Loan, Ryukyu và tiến hành chiến tranh Nhật – Thanh rồi Nhật – Nga, Nhật Bản tự mình đã trở thành một nước đế quốc trong khu vực. Nhật Bản đã thiết lập được một khu vực ảnh hưởng và thuộc địa rộng lớn ở một số quốc gia châu Á. Qua các cuộc chiến tranh, Nhật Bản cũng vươn lên trở thành cường quốc mạnh nhất châu Á, làm sụp đổ vị thế chính trị trung tâm truyền thống vốn đã tồn tại hàng ngàn năm của đế chế Trung Hoa. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản xuất thân từ đẳng cấp Samurai đã hăng hái lao mình vào con đường của chủ nghĩa đế quốc châu Âu và đã sớm bỏ xa các đế quốc phương Tây trong quyết tâm chinh phục thuộc địa. Họ thấy rằng một nước Nhật nghèo và nhỏ bé cần phải có nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn để có thể sớm trở thành một