Những kết quả đạt được của hoạt động quản trị RRTD

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro tín dụng tại tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí việt nam (Trang 82 - 84)

2.3. Đánh giá thực trạng quản trị RRTD tại PVFC

2.3.1. Những kết quả đạt được của hoạt động quản trị RRTD

Trong những năm qua, cùng với việc mở rộng quy mô hoạt động, phát triển nhanh trong hoạt động kinh doanh, PVFC cũng dần từng bước nâng cao bộ máy quản trị rủi ro của mình nhằm đảm bảo quá trình hoạt động được an toàn và phòng tránh được rủi ro.

2.3.1.1. Bước đầu hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị RRTD

* Mô hình quản trị RRTD tại PVFC được thiết kế theo hướng phân tách trách nhiệm giữa các cấp quản trị RRTD. Cơ cấu tổ chức của PVFC đã đi theo hướng: HĐQT thực hiện phê duyệt các chiến lược, chính sách quản trị RRTD, Ban điều hành thực thi các chiến lược và chính sách đó, theo dõi và báo cáo tới HĐQT; các đơn vị kinh doanh đánh giá và quyết định chấp nhận rủi ro.

- Tại cấp quản trị RRTD thuộc HĐQT: HĐQT chịu trách nhiệm cuối cùng về bảo đảm thiết lập và duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ. Để hỗ trợ HĐQT trong công tác kiểm soát và giám sát hoạt động quản trị RRTD, các ủy ban quản trị RRTD thuộc cấp HĐQT bước đầu được thành lập, bao gồm Hội đồng ALCO, Hội đồng xử lý rủi ro nhằm thay mặt HĐQT, Ban Điều hành xem xét, phê duyệt, hiệu chỉnh và triển khai các chính sách quản trị RRTD của PVFC.

- Tại cấp quản trị RRTD thuộc Ban điều hành: thống nhất Khối quản trị RRTD tại Hội sở nhằm xây dựng hệ thống quản trị RRTD tập trung có chức năng kiểm soát, theo dõi, quản trị rủi ro độc lập với bộ phận kinh doanh.

- Tại cấp quản trị RRTD thuộc các chi nhánh: hình thành bộ phận cán bộ quản lý rủi ro cấp chi nhánh có nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát các rủi ro ở các đơn vị kinh doanh, theo đó việc quản trị RRTD được thực hiện linh hoạt theo chiều dọc.

* Xây dựng bộ phận kiểm soát RRTD. Hiện tại công tác quản trị RRTD đã được xây dựng tương đối đầy đủ và đồng bộ, trong đó PVFC đã đưa vào vận hành các công cụ quản trị RRTD hiệu quả bao gồm: phần mềm hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, hệ thống xếp hạng và quản lý TSĐB, hệ thống theo dõi khách hàng có lịch sử vi phạm để làm cơ sở xác định khẩu vị chấp nhận rủi ro.

* Xây dựng hệ thống phân cấp phê duyệt khoa học trên cơ sở xác định hạn mức cho phép đối với từng phân cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện tại, hệ thống phân cấp phê duyệt tín dụng tại PVFC được triển khai theo mô hình phê duyệt tín dụng tập trung tại Hội sở nhằm nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện chính sách quản trị RRTD tập trung tại PVFC.

2.3.1.2. Về hệ thống cơ chế, chính sách quy định nội bộ tương đối đầy đủ

PVFC có hệ thống văn bản, chính sách quy trình, hướng dẫn nội bộ khá đầy đủ đối với hoạt động tín dụng. Hiện tại, hoạt động tín dụng của PVFC được tiến hành dựa trên các hướng dẫn bằng văn bản (như sổ tay, chính sách, quy trình công việc) khá cụ thể so với quy định của NHNN.

Thông qua hệ thống văn bản, chính sách nội bộ, chức năng quản trị RRTD được thực thi theo đó chức năng quản trị RRTD được thiết kế nằm trong từng quy trình nghiệp vụ nhằm đảm bảo nguyên tắc độc lập và khách quan trong hoạt động. Về bản chất, chính sách và quy định nội bộ của một tổ chức thể hiện ở mức độ chấp nhận rủi ro của tổ chức đó, các giới hạn rủi ro được phép chấp thuận. Chính vì vậy, việc PVFC xây dựng bộ chính sách, quy định nội bộ được đầy đủ là yếu tố tích cực, then chốt giúp xây dựng nền tảng hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả.

PVFC có đội ngũ cán bộ IT trên 60 cán bộ. Trong đó tập trung tại Hội sở gần 40 cán bộ (Ban Công nghệ tài chính là 18 cán bộ, Ban Corebanking 19 cán bộ). Tại mỗi chi nhánh đều có 1 đến 2 cán bộ. Đội ngũ nhân sự IT có khả năng làm chủ, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin hiện tại và có khả năng tự phát triển 1 số ứng dụng nghiệp vụ. Đồng thời có khả năng để đào tạo nâng cao khi chuyển đổi mô hình.

- Hệ thống ứng dụng nghiệp vụ ngân hàng và cơ sở dữ liệu:

+ Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đầy đủ và có nền tảng tương đối hoàn thiện, hiện đại so với các ngân hàng hiện tại, có năng lực xử lý cao và hoàn toàn có khả năng sẵn sàng mở rộng thêm khi chuyển đổi mô hình.

+ Hệ thống ứng dụng nghiệp vụ Core banking đã đáp ứng được đủ các nghiệp vụ của Công ty tài chính như tín dụng, tiền gửi, kế toán, các mảng nghiệp vụ ngân quỹ (ngoại hối, chứng khoán). Hệ thống phần mềm Core của PVFC đã cung cấp những thông tin minh bạch, nhất quán (các thông tin tài chính và báo cáo tài chính; các báo cáo phục vụ công tác quản trị rủi ro).

+ Ngoài ra, để đáp ứng các yêu cầu quản trị của doanh nghiệp, PVFC đã hoàn thành triển khai 1 số ứng dụng phục vụ cho công tác quản trị của PVFC và tuân thủ quy định của một tổ chức tài chính: hệ thống báo cáo phục vụ Tập đoàn, hệ thống các báo cáo NHNN; hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ; phát triển mới chức năng nhận diện khách hàng có lịch sử vi phạm tại PVFC trên phần mềm xếp hạng tín dụng nội bộ; xây dựng mới hệ thống chấm điểm và xếp hạng TSĐB, quản lý data về TSĐB tập trung.

+ Các mảng nghiệp vụ và chức năng phần mềm được triển khai trên phần mềm hiện đại (nhà cung cấp phần mềm Oracle được đánh giá đứng đầu thế giới về phần mềm ngân hàng).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro tín dụng tại tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí việt nam (Trang 82 - 84)