2.3 ĐÁNH GIÁ CHUNG
2.3.3 Nguyên nhân của tồn tại
* Nguyên nhân khách quan:
- Dự án Hiện đại hóa thu NSNN có nhiều bên tham gia, có phạm vi triển khai rộng và có tác động lớn đến toàn thể xã hội nên việc triển khai thực hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc, phức tạp. Thời gian tới cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo về thu NSNN qua hệ thống NHTM gồm các thành phần là đại diện của Bộ Tài chính, KBNN, cơ quan thuế, hải quan, Ngân hàng Nhà nước và một số NHTM, cần có sự đồng bộ của các bên liên quan, do đó cần có Ban Chỉ đạo do Bộ Tài chính chủ trì.
- Việc phối hợp giữa Kho bạc với cơ quan Thuế, NHTM ở những vùng sâu, vùng xa chưa được quan tâm đúng mức.
- Hệ thống cơ chế, chính sách chưa phù hợp, đồng bộ, đặc biệt là các tiêu chuẩn,định mức chi tiêu hầu như chưa có sự thay đổi căn bản nào so với trước đây, cộng thêm tỷ lệ trượt giá, lạm phát qua các năm tăng lên làm cho hệ thống tiêu chuẩn đã lạc hậu càng lạc hậu hơn, không phù hợp với biến động giá cả thị trường. Một số tiêu chuẩn, định mức chi giữa Trung ương và tỉnh còn có sự không đồng nhất. Vì vậy đã gây không ít khó khăn, vướng mắc
trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN của KBNN cũng như việc quyết định chi tiêu của các ĐVSDNS.
- Quy trình kiểm soát chi do KBNN cấp trên ban hành còn nhiều bất cập, đồng thời chưa có điều chỉnh kịp thời khi có những thay đổi lớn trong cơ chế chính sách.
- Hiện nay vẫn chưa có cơ chế quy định một cách cụ thể việc xử lý vi phạm của các đơn vị mà chỉ dừng lại ở mức KBNN từ chối thanh toán.
* Nguyên nhân chủ quan:
- Các đơn vị Kho bạc nhà nước cơ sở đóng trên địa bàn huyện miền núi, doanh số thu ít, chỉ có Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn đóng trên địa bàn, nguồn nhân lực, hạ tầng thông tin còn hạn chế nên chưa chủ động phối hợp.
- Các NHTM chưa đầu tư công nghệ và phát triển được các dịch vụ gia tăng đi kèm các hình thức thu nộp NSNN khác, nên chưa thu hút được đông đảo các đối tượng nộp thuế tham gia sử dụng. Cùng với đó là công tác thông tin truyền truyền chưa phát huy hiệu quả, cũng như còn do thói quen nên NNT vẫn nộp thuế tại KBNN mà chưa nộp tại NHTM.
- Các đơn vị KBNN, NHTM chưa đảm bảo khả năng đối chiếu số liệu với cơ quan ra quyết định thu, chưa đảm bảo an toàn khi sử dụng chương trình TCS-NHTM. Bên cạnh đó còn do sự chần chừ, chậm chạp thay đổi khi đã hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin, vẫn sử dụng phương thức thủ công nhiều.
- Năng lực lập dự toán của một số ĐVSDNS còn hạn chế, thiếu căn cứ khoa học, chưa thật sự chú trọng đến nguyên tắc lập từ cơ sở và tổng hợp từ dưới lên, kế hoạch được lập mang nặng tính chủ quan, khả năng thực thi còn hạn chế.
- Công tác tự kiểm tra, kiểm soát của một số cán bộ lãnh đạo chưa thực sự chú trọng, chất lượng tự kiểm tra còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện tồn tại, sai só trong đơn vị để uốn nắn, chấn chỉnh.
- Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, tác phong làm việc của một số CBCC tại một số đơn vị KBNN chưa nghiêm túc.
Tóm lại, qua chương 2, tôi đã đi sâu vào phân tích thực trạng quản lý ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước tỉnh Nghệ An trong giai đoạn 2011 - 2014. Cụ thể đi sâu vào việc phân tích các nội dung: kết quả thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước tỉnh Nghệ An, quy trình quản lý thu và kiểm soát chi ngân sách nhà nước. Nguồn thu NSNN ngày càng tăng, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý nguồn thu, quy trình và thủ tục được cải tiến, tạo điều kiện cho người dân. Bên cạnh đó, Kho bạc cũng đã kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, cấp phát kịp thời nhu cầu vốn của các đơn vị. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được khăc phục. Nguyên nhân cơ bản là do cơ chế, chính sách chưa phù hợp, đội ngũ cán bộ còn hạn chế về trình độ và năng lực. Từ những ưu điểm và hạn chế về quản lý ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước tỉnh Nghệ An trong thời gian qua để làm cơ sở đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý NSNN tại KBNN tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NGÂN SÁCH