Nợ xấu tăng cao

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 57 - 59)

Sự phát triển “ồ ạt” và vượt “quá sức” của nhiều NHTM trong thời gian vừa qua đã bộc lộ những vấn đề hết sức “tối kỵ” của hệ thống ngân hàng nói chung và từng ngân hàng nói riêng đó là nợ xấu.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn rất nhiều so với GDP (30% năm trong ba năm từ 2008 đến 2010), các ngân hàng đã tạo ra một lượng cung tiền cực kỳ lớn ra nền kinh tế và hậu quả là lạm phát cao. Các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn rẻ trước đó đã đầu tư tràn lan kém hiệu quả và vấn đề nợ xấu đang là vấn đề thời sự nhất của ngành ngân hàng.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu toàn ngành ngân hàng (Non Performing Loan - "NPL") vào thời điểm tháng 8-2011 là 3,1% tổng dư nợ (tương đương gần 4 tỷ USD), tăng so với mức 2,16% (có thông tin là 2,42%) vào cuối năm 2010 và có khả năng lên tới

5% vào cuối năm 2011. Nếu tính con số cụ thể, đến tháng 11/2010 nợ xấu

toàn hệ thống vào khoảng 51.085 tỷ VNĐ, hay 2,42% tổng dư nợ. Theo tính toán của các chuyên gia, nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) lên đến 1,58% tổng dư nợ hay 37.000 tỷ VNĐ và như vậy nguy cơ mất trắng là rõ…

Từ thực tế gần đây về các vụ vỡ nợ tại nhiều địa phương thì dự báo tỷ lệ NPL sẽ gia tăng mạnh. Theo công bố của NHNN, các ngân hàng Việt Nam có 12% dư nợ tương đương với hơn 12 tỷ USD nằm trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Đây là hai ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng khoảng kinh tế. Giả sử 1/3 trong số này có vấn đề, thì NPL sẽ tăng thêm 4 tỷ USD nữa.

Hơn nữa, chỉ riêng Vinashin đang trong quá trình tái cấu trúc đã có tổng công nợ khoảng 4 tỷ USD. Và mức công nợ này tương đương với tổng lợi nhuận sau thuế của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam trong ba năm gần đây(2008-2010) và chiếm khoảng 4% của dư nợ của toàn hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Dĩ nhiên để tính dư nợ của Vinashin cần phải loại bỏ khoản trái phiếu quốc tế hơn 1,35 tỷ USD và các khoản nợ thương mại.

Chính vì lẽ đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings lại cho rằng nợ xấu của các NHTM Việt Nam đã tăng cao và đạt 13%. Fitch Ratings chỉ ra các khối NHTM nợ xấu đều tăng, cụ thể: nhóm NHTM nhà nước tăng 66,18%, nhóm các NHTM cổ phần tăng 44,29%, nhóm NHTM 100% vốn nước ngoài tăng 59,23%...so với cuối 2010. Điều đáng nói là từ năm 2010 đến nay, các tổ chức quốc tế như Fitch Rating, S&P và Moody’s thường xuyên có

đánh giá không thiện cảm đối với một số NHTM và toàn hệ thống với lý do tăng trưởng tín dụng “nóng” và nợ xấu cao.

Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN qui định phân loại nợ theo 5 nhóm. Trong đó, nợ nhóm 3 là “nợ dưới tiêu chuẩn”, nhóm 4 là “nợ nghi ngờ” và nhóm 5 là “có khả năng mất vốn”. Thực tế không phải NHTM nào cũng phân loại nợ theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN một cách nghiêm túc và số nợ nhóm 5 cũng chỉ ở mức “tương đối”. Nói một cách tổng quát, nợ xấu của các NHTM Việt Nam đã ở mức “báo động”, cần phải xử lý trước khi quá muộn.

Tại Hội nghị các nhà tài trợ diễn ra tại Hà Nội ngày 6/12/2011, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, nhận định: "Các ngân hàng Việt Nam hiện đang không có đủ vốn để cho vay, trong khi đó tỉ lệ nợ xấu và mức độ rủi ro tăng, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cải cách khu vực này là phải giải quyết các vấn đề mang tính cơ cấu, làm sao để hệ thống ngân hàng Việt Nam có đủ vốn, đáng tin cậy, hoạt động nghiêm túc, giảm nợ xấu và các nguy cơ rủi ro được quản lý trên cơ sở vững chắc". Nói chung, các nhà tài trợ cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam cần nâng cấp các tiêu chuẩn lên cho ngang bằng với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về kế toán và kiểm toán và minh bạch. Việc tái cơ cấu phải được tiến hành theo hướng bảo đảm tính vững chắc của hệ thống ngân hàng Việt Nam để ngân hàng thật sự là động lực cho tái cơ cấu nền kinh tế và qua đó thu hút đầu tư nước ngoài.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)