1.5.1 .Vai trò của việc bảo hộ bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc
2.2. Kinh nghiệm một số quốc gia trong việc bảo hộ quyền tác giả đố
2.2.1. Kinh nghiệm của Hàn quốc
bảo vệ bản quyền sẽ giúp cho ngành công nghiệp dựa trên bản quyền phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Nhận thức được điều này, Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ bản quyền, thông qua một loạt các hoạt động, từ việc xây dựng chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các bên liên quan; tuyên truyền, nâng cao nhận thức công chúng về vấn đề tôn trọng và bảo vệ bản quyền, hỗ trợ các ngành công nghiệp bản quyền phát triển.
Là một quốc gia có nền âm nhạc phát triển mạnh, đi cùng với sự phát triển của thời đại công nghệ kỹ thuật số, việc bảo hộ bản quyền đối với các tác phẩm âm nhạc pháp luật ghi nhận và tạo lập một hành lang pháp lý rất chặt chẽ. Đặc biệt, pháp luật về quản lý các tổ chức đại diện tập thể của Hàn quốc là một kinh nghiệm Việt Nam có thể học hỏi trong vấn đề quản lý hoạt động của các tổ chức này nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhà sáng tác nhạc cũng như giảm thiểu các vi phạm trong lĩnh vực âm nhạc.
2.2.1.1. Chính sách và pháp luật bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc
Lịch sử của Luật quyền tác giả Hàn Quốc hiện đại được bắt đầu với sự xuất hiện của Luật quyền tác giả Hàn Quốc năm 1957. Luật quyền tác giả được thiết lập với một hệ thống quy định về việc sản xuất cá nhân đối với các tác phẩm, tiểu thuyết, âm nhạc, vẽ, v.v… Cùng với sự phát triển của thời đại công nghệ, kỹ thuật số, khả năng sao chép thông tin được đẩy mạnh và đáng chú ý là sự tăng lên về chất lượng thông tin theo sự phân phối kết quả sao chép một cách phong phú đã dẫn tới “sự tràn ngập về thông tin”.
Kể từ khi ban hành vào năm 1957, Luật Bản quyền của Hàn Quốc đã trải qua 20 lần sửa đổi, bổ sung, trong đó có sửa đổi đầy đủ vào năm 1986 và 2006, để chủ động thích ứng và đối phó với sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số, môi trường thay đổi để sử dụng tác phẩm có bản quyền, và xu hướng quốc tế về bảo vệ bản quyền.
Trên thực tế, việc Luật quyền tác giả năm 1957 đã không được sửa đổi trong khoảng 30 năm có thể cho thấy một cách rõ ràng về thực tế quyền tác giả tại Hàn Quốc trong suốt giai đoạn này. Luật Quyền tác giả năm 1957 là một đạo luật với nhiều điểm không hợp lý bởi những ý kiến cho rằng việc sao chép sách không hoàn
toàn là “ăn cắp” và nó được coi như một sự tiếp cận “mềm” cưỡng chế thi hành luật quyền tác giả.
Chính phủ Hàn Quốc đã cải thiện Luật Quyền tác giả lần đầu tiên năm 1986 với sự thay đổi chi tiết và tuân theo các quy định của các điều ước quốc tế. Từ những năm 1970, việc sửa đổi bắt đầu được xúc tiến nhằm bảo vệ chặt chẽ quyền tác giả. Các yếu tố này đã đóng góp vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế ở Hàn Quốc với sự phát triển của văn hóa, công nghiệp và công nghệ, đi kèm theo đó là sự phát triển của chương trình máy tính. Sự phát triển của nền văn hóa Hàn Quốc đã đưa tới sự nhìn nhận về việc cần thiết có một hệ thống bảo vệ quốc tế đối với quyền tác giả. Trong khi đó, các tác giả cũng có nhận thức cao về việc bảo vệ quyền tác giả của mình và các tác phẩm được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Những sự thay đổi này đã dẫn tới kết quả của việc sửa đổi, cải thiện Luật Quyền tác giả Hàn Quốc.
Năm 1995 Hàn Quốc đã cam kết thực hiện các quy định của Hiệp định TRIPS và năm 1996 Hàn Quốc đã gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tiếp đó, quyền tác giả Hàn Quốc đã không ngừng được cải thiện để phù hợp với những quy định tại Hiệp định TRIPS và Công ước Berne.
Bên cạnh đó, công nghệ số ngày càng phát triển và đòi hỏi tiến tới những bổ sung, sửa đổi hợp lý của Luật quyền tác giả. Ước tính tới tháng 06 năm 1997 có khoảng 5,4 triệu máy tính được phân phối tại Hàn Quốc, số tài khoản sử dụng các dịch vụ trực tuyến vào khoảng 2,6 triệu tính tới tháng 08 năm 1997. Đây là giai đoạn phát triển nhanh và số người sử dụng internet ngày càng tăng, chúng ta đã từng chứng kiến những tiến bộ công nghệ mang tính chất cách mạng, và ý thức được sự cần thiết của việc bảo vệ bản quyền. Sự phát triển của công nghệ số mang tính cách mạng tuy nhiên luật bản quyền vẫn còn nhiều lỗ hổng đối với công nghệ số.
Với sự sửa đổi năm 2006, ngoài việc sắp xếp các quy định một cách rõ ràng hơn thì Luật quyền tác giả năm 2006 cũng được chỉnh sửa phần nhiều những nội dung đã được quy định trước đó. Luật quyền tác giả Hàn quốc đã được sửa đổi nhiều về nội dung để có thể đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển về công nghệ số
đồng thời cũng quy định đa dạng hơn về việc bảo vệ quyền của chủ sở hữu và đảm bảo sự công bằng đối với các tác phẩm; chế độ bản quyền được thiết lập và phát triển nền văn hóa công nghiệp.
Để đối phó với những thay đổi trong môi trường chính sách bản quyền toàn cầu, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành tầm nhìn chính sách "tạo ra một hệ sinh thái bản quyền cân bằng và tăng cường chia sẻ", với bốn nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng một hệ thống bản quyền linh hoạt và chia sẻ; xây dựng một mạng lưới bảo vệ bản quyền thông suốt; thúc đẩy hệ thống sử dụng và phân phối bản quyền; và nâng cao nhận thức về bản quyền trong cuộc sống hàng ngày.
Hiện nay khi mà các mô hình kinh tế đang được chuyển từ công nghiệp qua mô hình kinh tế nơi mà các nguồn tạo ra giá trị lao động, học vấn và kiến thức cho nền kinh tế sáng tạo, dựa trên trí tuệ và sáng tạo. Bản quyền giữa vị trí trung tâm của những thay đổi này. Bản quyền là nền tảng vì sự tiến bộ của nền văn hóa và nghệ thuật, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung, thông qua việc pháp luật bảo vệ bản quyền, tác giả, chủ sở hữu được hưởng lợi ích từ thành quả lao động của họ sẽ khuyến khích họ nỗ lực sáng tạo ra các nội dung có chất lượng cao. Chính vì vậy, việc mở rộng tuyên truyền, giáo dục về bản quyền, thiết lập hệ thống bảo hộ, tạo thuận lợi cho việc sử dụng hợp pháp của công chúng đối với các đối tượng được bảo hộ bản quyền sẽ tạo nền móng cho việc thúc đẩy sáng tạo những nội dung có chất lượng cao, các hoạt động này như là điểm khởi đầu cho việc đạt được sự phục hưng văn hóa và hiện thực hóa nền kinh tế sáng tạo.
Những năm vừa qua Chính phủ Hàn quốc đã thực hiện một loạt các chính sách để tạo điều kiện cho sáng tạo, bảo vệ và sử dụng tác phẩm, từ đó đặt nền tảng cho Hàn Quốc gia nhập hàng ngũ các quốc gia hàng đầu về bản quyền.
Trước hết, chính phủ Hàn Quốc vận hành "hệ thống đăng ký webhard” để giảm sự phân phối trực tuyến các bản sao bất hợp pháp. Đồng thời cũng vận hành một hệ thống thu thập và phân tích các bằng chứng liên quan đến xâm phạm bản quyền kỹ thuật số, tăng cường đáng kể khả năng điều tra của lực lượng cảnh sát tư pháp đặc biệt bảo vệ bản quyền. Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc tiến hành "Dự án
giám sát mở của công dân", bằng cách tuyển dụng nhân viên giám sát, trong đó có người tàn tật, những người này làm việc tại nhà, thông qua việc sử dụng máy vi tính để theo dõi các hành vi vi phạm bản quyền. Những nỗ lực này đã góp phần không chỉ để ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến và ngoại tuyến, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người khuyết tật.
Theo thông tin từ KCC, với một loạt nỗ lực để bảo vệ bản quyền, tỷ lệ vi phạm bản quyền của Hàn Quốc đã giảm từ 21,6% năm 2009 xuống còn 16,2% năm 2012.
Bản quyền cũng là một trong những động lực hàng đầu của kỷ nguyên kinh tế sáng tạo. Trong một xã hội nếu bản quyền không được tôn trọng, lợi ích của các nhà sáng tạo không được đảm bảo do tình trạng vi phạm bản quyền thì sẽ không thể nhận ra được giá trị cốt lõi của nền kinh tế sáng tạo.
Việt Nam và Hàn quốc đã tiến hành hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bản quyền. Ngày 04/9/2013 Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2 nước đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về bảo hộ bản quyền. Thông qua những hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về chính sách, pháp luật, cơ cấu quản lý và hệ thống pháp luật bản quyền giữa hai bên sẽ thúc đẩy hoạt động hợp tác về bảo hộ bản quyền giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
2.2.1.2. Hệ thống cơ quan quản lý và thực thi bản quyền
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc quản lý bản quyền trên phạm vi cả nước.
Cơ quan chính sách bản quyền Hàn Quốc
Từ năm 1987, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập cơ quan bản quyền, sau nhiều lần cải tổ, nay cơ quan bản quyền gồm 3 phòng và một ban. Cơ quan chính sách bản quyền (Phòng chính sách Bản quyền, Phòng Công nghiệp bản quyền, Phòng Bảo vệ Bản quyền và Ban Văn hóa & Thương mại) hiện nay có trên 60 cán bộ công chức.
Với sự ra đời của thời đại kỹ thuật số, việc tạo ra, phân phối và sử dụng các tác phẩm có bản quyền đã trở nên đa dạng hơn, dẫn đến sự tăng nhu cầu và chức năng của các chính sách liên quan, cũng như việc mở rộng các các đơn vị có liên
quan. Ban đầu, chỉ có một bộ phận mà giải quyết các vấn đề về bản quyền, nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (khi đó là "Bộ Văn hóa Thông tin công cộng”). Khoảng 20 năm sau đó, nó đã tăng trưởng có ba bộ phận và một nhóm phụ trách các vấn đề quyền tác giả và số lượng cán bộ công chức cũng tăng từ 10 lên đến trên 60. Sự gia tăng nguồn nhân lực chủ yếu là do việc bổ nhiệm một đội ngũ cảnh sát tư pháp đặc biệt về bản quyền. Các nhân viên cảnh sát làm việc tại văn phòng khu vực tại các thành phố lớn của Hàn Quốc (Seoul, Busan, Daejeon, Gwangju và Daegu) và trách nhiệm chính của họ là để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền.
Phòng chính sách bản quyền với chức năng: hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bản quyền; giám sát Ủy ban Quyền tác giả Hàn Quốc; thúc đẩy các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức công chúng về bản quyền; tăng cường bảo vệ bản quyền ở nước ngoài;
Phòng Công nghiệp bản quyền với chức năng: đặt nền tảng cho giao dịch bản quyền [đăng ký/chứng thực]; Tiêu chuẩn hóa các biện pháp công nghệ quản lý và bảo hộ bản quyền; hướng dẫn và giám sát các tổ chức quản lý tập thể và các tổ chức đại diện bản quyền; quản lý việc cấp phép theo luật định và hệ thống cho tặng bản quyền, v.v…
Phòng bảo hộ bản quyền với chức năng: ngăn chặn việc phân phối các bản sao bất hợp pháp trực tuyến hoặc ngoại tuyến; hỗ trợ hoạt động của Trung tâm bảo hộ bản quyền; ra lệnh đình chỉ truyền trực tuyến các bản sao bất hợp pháp, lệnh gỡ bỏ, phạt tiền và tiến hành các biện pháp thích hợp; hỗ trợ sự phát triển và hoạt động của hệ thống truy tìm và quản lý các bản sao bất hợp pháp, v.v…
Ban Văn hóa và Thương mại thực hiện kế hoạch/điều phối các chính sách thương mại trong lĩnh vực văn hóa bao gồm các FTA/hợp tác với các tổ chức bản quyền quốc tế như WIPO, các chính phủ và các cơ quan nước ngoài.
Ủy ban Bản quyền Hàn quốc (sau đây gọi là KCC)
KCC là cơ quan quốc gia về bản quyền, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo hộ bản quyền, thúc đẩy việc sử dụng hợp pháp tác phẩm và phát triển công
nghiệp bản quyền. KCC có chức năng xem xét giải quyết tranh chấp về bản quyền, nghiên cứu chính sách và pháp luật về bản quyền, thực hiện chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức công chúng về bản quyền, thực hiện việc đăng ký bản quyền; hỗ trợ việc khai thác và bảo vệ tác phẩm của Hàn Quốc ở nước ngoài.
KCC thành lập 23/7/2009, hiện nay có trên 100 cán bộ.
Ngày 1/7/1987: Thành lập Ủy ban bản quyền để hòa giải và giải quyết tranh chấp (tiền thân của “Ủy ban bản quyền”); Tháng 8/2000: Bổ sung chức năng: đăng ký bản quyền, cấp phép theo luật định, quyết định mức tiền đền bù chuẩn; Ngày 29/12/1987: Thành lập Ủy ban giải quyết tranh chấp chương trình máy tính (tiền thân là “ủy ban bảo hộ chương trình máy tính”; Tháng 1/2005: Thành lập Trung tâm bảo vệ sử dụng nội dung số thuộc CPPC (Ủy ban bảo hộ chương trình máy tính); Tháng 4/2007: Thành lập Trung tâm báo cáo về các bản sao phần mềm bất hợp pháp thuộc CPPC (Ủy ban bảo hộ chương trình máy tính); Ngày 23/7/2009: Hợp nhất 2 ủy ban thành Ủy ban Bản quyền Hàn Quốc.
KCC có các chức năng, nhiệm vụ chính như: Tiến hành hệ thống giải quyết tranh chấp, bao gồm cả hòa giải và phán quyết tranh chấp bản quyền; Xem xét về lệ phí và tiền bản quyền của các tổ chức quản lý tập thể; Khuyến khích sử dụng hợp pháp và hợp lý tác phẩm; Hợp tác quốc tế để bảo vệ bản quyền; Giáo dục và đào tạo về bản quyền, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, các chương trình nâng cao nhận thức; Hỗ trợ xây dựng chính sách bản quyền và thực hiện các nhiệm vụ ủy thác cho KCC theo pháp luật, vv; Hỗ trợ xây dựng chính sách về các biện pháp bảo hộ bằng công nghệ và quyền thông tin quản lý; Thiết lập và vận hành hệ thống quản lý thông tin bản quyền nhằm cung cấp thông tin về bản quyền; Nghiên cứu công nghệ thông tin bản quyền; Thẩm định về hành vi vi phạm bản quyền, vv; Gửi các khuyến nghị để điều chỉnh tới các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cung cấp các bản sao vi phạm và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành lệnh khắc phục; Đăng ký bản quyền, chứng thực bản quyền, và quản lý quyền kinh tế được tặng; Lưu trữ Mã nguồn chương trình máy tính và dữ liệu kỹ thuật; Tiến hành các cuộc điều tra về tình trạng thương mại và công nghiệp bản quyền và thống
kê; Nghiên cứu và phát triển công nghệ bản quyền và tiến hành các hoạt động phân tích điều tra liên quan đến bản quyền kỹ thuật số.
Trung tâm Bảo vệ bản quyền Hàn Quốc
Trung tâm Bảo vệ bản quyền thành lập tháng 4/2005, với 65 cán bộ.
Trung tâm bảo vệ bản quyền có chức năng chính: Tháo gỡ các bản sao bất hợp pháp trực tuyến hoặc ngoại tuyến theo quy định về thông báo và ủy thác của các tổ chức được chỉ định để tháo gỡ các bản sao bất hợp pháp”; Thành lập hệ thống thực thi trên cơ sở công nghệ thông tin; Thực hiện “Dự án làm sạch” nhằm mục đích bảo vệ bản quyền và tiến hành nghiên cứu và tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức công chúng.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn có một hệ thống các tổ chức quản lý tập thể quản lý quyền tác giả, quyền liên quan hoạt động hiệu quả, thay mặt các chủ sở hữu quyền thực hiện việc khai thác và bảo vệ quyền cho các chủ sở hữu quyền.
2.2.1.3. Chủ thể được bảo hộ bảo quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc