1.1. Cơ sở lý luận
1.1.3. Các khái niệm và định nghĩa của các hình thức FDI
Xét từ chiến lược đầu tư, các công ty đầu tư ra nước ngoài theo hai hình thức chủ yếu: đầu tư mới (greenfield investment-GI) và mua lại & sát nhập (mergers and acquisitions-M&A). Đầu tư mới là các chủ đầu tư thực hiện đầu tư ở nước ngoài thông qua việc xây dựng các doanh nghiệp mới. Đây là kênh đầu tư truyền thống của FDI và cũng là kênh chủ yếu để các nhà đầu tư ở các nước phát triển vào đầu tư ở các nước đang phát triển. Ngược lại, không giống như GI, kênh M & A là các chủ đầu tư tiến hành đầu tư thông qua việc mua lại & sát nhập các doanh nghiệp hiện có ở nước ngoài.
Mục tiêu cơ bản của đầu tư qua hình thức GI là xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới ở nước ngoài và mở rộng (dịch chuyển hoặc phát triển thêm) mạng lưới sản xuất, phân phối của công ty trên phạm vi toàn cầu. Hình thức đầu tư này thường có tư cách pháp nhân và hoạt động theo qui định của luật pháp nước chủ nhà. Trong khi đó mục tiêu chủ yếu của đầu tư qua hình thức M & A là tiếp cận thị trường mới (mở rộng mạng lưới phân phối), tăng sức cạnh tranh và giảm chi phí quản lý. Các công ty xuyên quốc gia thường thực hiện hỗn hợp giữa hai hình thức đầu tư GI và M & A trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài.
Xét theo mục đích đầu tư, đầu tư trực tiếp của các công ty ra nước ngoài được phân làm các loại: đầu tư theo chiều ngang (horizontal integration-HI) và đầu tư theo chiều dọc (vertical integration-VI). Hình thức đầu tư HI là chủ đầu tư có lợi thế cạnh tranh (công nghệ, kỹ năng quản lý,...) trong sản xuất một loại sản phẩm nào đó. Với lợi thế này, họ có thể kiếm lợi nhuận cao khi chuyển sản xuất sản phẩm ra nước ngoài. Mục đích của hình thức này là mở
rộng và thôn tính thị trường ở nước ngoài đối với cùng loại sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở nước ngoài, do đó thường dẫn tới cạnh tranh độc quyền.
Khác với hình thức đầu tư HI, hình thức VI là đầu tư ra nước ngoài với mục đích khai thác nguồn nguyên liệu tự nhiên và các yếu tố sản xuất đầu vào rẻ (lao động, đất đai,...). Khi đầu tư ra nước ngoài, các chủ đầu tư thường chú ý đến khai thác các lợi thế cạnh tranh của các yếu tố đầu vào giữa các khâu sản xuất ra một loại sản phẩm trong phân công lao động quốc tế. Do đó, các sản phẩm thường được hoàn thiện qua các khâu lắp ráp ở nước nhận đầu tư. Sau đó, các sản phẩm này có thể lại được nhập khẩu về nước đầu tư hoặc xuất khẩu sang các nước khác. Đây là hình thức đầu tư ra nước ngoài điển hình của Nhật Bản (theo kiểu mô hình đàn nhạn bay) và được thực hiện khá phổ biến ở các nước đang phát triển.
Xét từ khía cạnh pháp lý của nước chủ nhà, các nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn đầu tư dưới nhiều hình thức: Doanh nghiệp liên doanh; Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng; Hợp đồng xây dựng-kinh doanh- chuyển giao (BOT); M & A; Công ty mẹ-con (Holding company); Công ty cổ phần; Công ty hợp doanh;....
Doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp được thành lập tại nước chủ nhà trên cơ sở hợp đồng liên doanh ký kết giữa Bên hoặc các Bên nước chủ nhà với Bên và các Bên nước ngoài để đầu tư, kinh doanh tại nước chủ nhà. Về mặt pháp lý, doanh nghiệp liên doanh là một dạng công ty trách nhiệm hữu hạn, có tư cách pháp nhân theo pháp luật của nước chủ nhà; mỗi bên liên doanh chịu trách nhiệm với bên kia, với doanh nghiệp liên doanh trong phạm vi vốn góp của mình vào vốn pháp định. Về phương diện kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh do các bên tham gia góp vốn, cùng quản lý, cùng phân phối lợi nhuận và cùng chia sẻ rủi ro phát sinh. Lợi nhuận thu được và rủi ro gánh chịu được phân chia dựa theo tỷ lệ góp vốn.
Thông qua hình thức liên doanh, nước nhận đầu tư sẽ kiểm soát và học được trực tiếp kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời họ còn được chia sẻ lợi nhuận với các chủ đầu tư nước ngoài. Còn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư dưới dạng doanh nghiệp liên doanh giúp họ tận dụng được hệ thống phân phối có sẵn của các đối tác nước chủ nhà, được đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh dễ thu lời, lĩnh vực bị cấm hoặc hạn chế đối với hình thức khác. Họ cũng không mất thời gian và chi phí cho việc nghiên cứu thị trường mới và xây dựng các mối quan hệ đồng thời chia sẻ được chi phí và rủi ro đầu tư với đối tác nước chủ nhà.
Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, do nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại nước chủ nhà, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Về mặt pháp lý, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, có tư cách pháp nhân theo pháp luật của nước chủ nhà, chịu sự kiểm soát của pháp luật nước sở tại. Về mặt kinh doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động theo sự điều hành, quản lý của chủ đầu tư nước ngoài nhưng vẫn phải tùy thuộc vào các điều kiện về môi trường kinh doanh nước sở tại như các điều kiện về chính trị, kinh tế, luật pháp, văn hóa, mức độ cạnh tranh…
Ưu điểm trước tiên của hình thức này đối với nước chủ nhà là nhà nước thu được ngay tiền thuê đất, tiền thuế mặc dù doanh nghiệp bị lỗ. Ngoài ra, với hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nước chủ nhà có thể giải quyết được công ăn việc làm mà không cần bỏ vốn đầu tư cũng như có thể tập trung thu hút vốn, công nghệ nước ngoài vào những lĩnh vực khuyến khích xuất khẩu. Tuy nhiên, nước chủ nhà khó tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ nước ngoài để nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật ở các doanh nghiệp trong nước như so với hình thức liên doanh.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, hình thức đầu tư 100% khiến họ có thể chủ động trong quản lý điều hành doanh nghiệp, chủ động tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực, triển khai nhanh dự án đầu tư để thực hiện chiến lược toàn cầu của tập đoàn. Nhưng đồng thời, chủ đầu tư cũng phải gánh chịu toàn bộ rủi ro và phải chi phí nhiều hơn cho nghiên cứu tiếp cận một thị trường mới.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp doanh) là văn bản được ký kết giữa hai bên hoặc nhiều bên (gọi tắt là các bên hợp doanh) quy định trách nhiệm và phân chia kết quả kinh doanh cho mỗi bên (nước ngoài và sở tại) để tiến hành đầu tư kinh doanh ở nước chủ nhà mà không thành lập pháp nhân.
Về mặt pháp lý, hợp doanh là một thực thể kinh doanh hoạt động theo pháp luật của nước sở tại, chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước sở tại. Về mặt kinh doanh, các bên thực hiện các hoạt động kinh doanh trên cơ sở ký kết một hợp đồng hợp tác mà không hình thành một pháp nhân mới. Với kết quả kinh doanh thu được, hình thức hợp doanh phân chia theo tỷ lệ góp vốn hoặc theo thỏa thuận giữa các bên. Nghĩa vụ tài chính đối với nước sở tại được các bên hợp doanh thực hiện một cách riêng rẽ.
Hình thức này có ưu điểm giúp nước nhận đầu tư giải quyết tình trạng thiếu vốn, thiếu công nghệ, tạo ra thị trường mới nhưng vẫn đảm bảo được an ninh quốc gia và nắm được quyền điều hành dự án. Tuy nhiên, rất khó thu hút được đầu tư dưới hình thức này, và chỉ thực hiện được đối với một số ít lĩnh vực dễ sinh lời.
Đối với bên nước ngoài, hình thức hợp doanh giúp tận dụng được hệ thống phân phối có sẵn của đối tác nước sở tại, vào được những lĩnh vực hạn chế đầu tư và thâm nhập được những thị trường truyền thống của nước chủ nhà. Nhà đầu tư cũng không mất thời gian và chi phí cho việc nghiên cứu thị trường mới, xây dựng các mối quan hệ, không bị tác động lớn do khác biệt về văn hóa, chia sẻ được chi phí và rủi ro đầu tư. Tuy nhiên, nhược điểm chính
của hình thức này là: nhà đầu tư nước ngoài không được trực tiếp quản lý điều hành dự án và mối quan hệ hợp tác với đối tác nước sở tại thiếu tính chắc chắn. Điều này làm họ trở nên e dè hơn khi đầu tư theo hình thức này.
Hợp đồng BOT là văn bản ký kết giữa các nhà đầu tư nước ngoài với các cơ quan có thẩm quyền của nước chủ nhà để đầu tư xây dựng, mở rộng nâng cấp, khai thác công trình kết cấu hạ tầng trong một thời gian nhất định (thu hồi vốn và có lợi nhuận hợp lý), sau đó chuyển giao không bồi hoàn toàn bộ công trình cho nước chủ nhà. Đặc trưng quan trọng của hình thức này là: cơ sở pháp lý là hợp đồng, vốn đầu tư của nước ngoài, hoạt động dưới các hình thức doanh nghiệp liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài, chuyển giao không bồi hoàn cho Việt Nam, đối tượng hợp đồng là các công trình cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, BOT còn có một số dạng thức khác như: BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) được hình thành cũng tương tự như BOT, nhưng sau khi xây dựng xong công trình, nhà đầu tư nước ngoài giao lại cho nước chủ nhà, chính phủ nước chủ nhà dành cho nhà đầu tư nước ngoài quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận hợp lý. Hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) được hình thành cũng giống như BOT và BTO, nhưng sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư nước ngoài bàn giao lại công trình cho nước chủ nhà, chính phủ nước chủ nhà trả cho nhà đầu tư nước ngoài chi phí liên quan tới công trình và một tỷ lệ thu nhập hợp lý.
Qua hình thức đầu tư này, nhiều quốc gia nhận đầu tư có thể thu hút được vốn đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn lớn, do đó, giảm được sức ép cho ngân sách nhà nước, đồng thời nhanh chóng có được công trình kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, giúp khai thác các nguồn lực trong nước và thu hút thêm FDI để phát triển kinh tế. Nhược điểm của hình thức này là là
khó tiếp nhận kinh nghiệp quản lý và khó kiểm soát được công trình. Nhà nước cũng phải chịu mọi rủi ro ngoài khả năng kiểm soát của nhà đầu tư.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, do được chủ động quản lý điều hành và tự chủ kinh doanh, hiệu quả đồng vốn đầu tư của họ được đảm bảo và lợi nhuận không bị chia sẻ. Ngoài ra, các dự án đầu tư được Nhà nước sở tại đảm bảo và tránh được rủi ro bất thường ngoài khả năng kiểm soát.
Công ty cổ phần là doanh nghiệp trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần khác nhau được gọi là cổ phần, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi vốn góp. Cổ đông có thể là tổ chức, các nhân có số lượng tối đa không hạn chế, từ ba trở lên. Công ty có quyền phát hành chứng khoán ra công chúng và các cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.
Công ty cổ phần có đại hội cổ đông, hội đồng quản trị và giám đốc. Đại hội cổ đông gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất. ở một số nước, công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo cách: thành lập mới, cổ phần hóa doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) đang hoạt động, mua lại cổ phần của doanh nghiệp trong nước cổ phần hóa.
M&A là hình thức đầu tư mà các nhà đầu tư chủ yếu tiến hành đầu tư thông qua việc mua lại và sáp nhập các doanh nghiệp hiện có ở nước ngoài. Đầu tư theo hình thức M&A là xu hướng phổ biến hiện nay và hình thức này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng FDI trên thế giới. Phần lớn các vụ M&A được thực hiện giữa các TNCs lớn và tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp ôtô, dược phẩm, viễn thông và tài chính ở các nước phát triển.
Xét từ quan điểm của nước chủ nhà, M&A có những ưu điểm và hạn chế. Hình thức M&A chủ yếu chuyển sở hữu từ các doanh nghiệp đang tồn tại ở nước chủ nhà cho các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, về dài hạn, hình thức
này cũng sẽ thu hút mạnh nguồn vốn từ bên ngoài cho nước chủ nhà nhờ mở rộng quy mô hoạt động. Về mặt tạo công ăn việc làm, nếu như hình thức GI tạo ngay việc làm cho nước chủ nhà trong khi hình thức M&A không tạo được việc làm ngay, mà thậm chí còn tăng thêm tình trạng căng thẳng về việc làm (tăng thất nghiệp) cho nước chủ nhà.
Hình thức GI tác động ngay đến thay đổi cơ cấu kinh tế thông qua xây dựng các doanh nghiệp mới, trong khi M&A lại không tác động như vậy trong giai đoạn ngắn hạn. M&A tuy không tác động đáng kể tới cạnh tranh về ngắn hạn, nhưng trong dài hạn có thể làm tăng cạnh tranh độc quyền. Mặt khác, M&A có thể ảnh hưởng đến an ninh của nước chủ nhà vì tài sản của nước chủ nhà rơi vào tay người nước ngoài.
Còn đối với nhà đầu tư, họ tiến hành mua lại & sát nhập với mục đích khai thác lợi thế thị trường mới, giúp công ty có cơ hội mở rộng nhanh chóng hoạt động ra thị trường nước ngoài. Khi các TNCs sáp nhập với nhau thành công ty khổng lồ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ tăng lên rất đáng kể. Ngoài ra, thông qua hình thức M&A, các công ty có thể giảm chi phí trong lĩnh vực R&D, sản xuất, phân phối và lưu thông.
Holding Company là một trong những mô hình tổ chức quản lý được thừa nhận rộng rãi ở hầu hết các quốc gia có nền kinh tế thị trường. Theo định nghĩa được thừa nhận rộng rãi, holding company là một công ty sở hữu vốn trong một công ty khác ở mức độ đủ để kiểm soát hoạt động quản lý và điều hành công ty đó thông qua việc gây ảnh hưởng hoặc việc lựa chọn thành viên hội động quản trị.
Thông thường trên thế giới, các holding company được thành lập dưới dạng công ty cổ phần và chỉ giới hạn hoạt động trong việc sở hữu vốn, quyết định chiến lược và giám sát hoạt động quản lý của các công ty con. Các công
ty con vẫn duy trì quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng ngày của mình một cách độc lập.
Chi nhánh công ty nước ngoài. Khác với công ty con 100% vốn nước ngoài, hình thức chi nhánh không phải là một pháp nhân độc lập và nếu như trách nhiệm của công ty con chỉ giới hạn trong phạm vi tài sản của nước sở tại thì trách nhiệm của chi nhánh, theo quy định của một số nước, không chỉ giới hạn trong phạm vi tài sản của chi nhánh, mà còn được mở rộng đến cả phần tài sản của công ty mẹ ở nước ngoài.
Công ty hợp danh là doanh nghiệp phải có ít nhất hai thành viên hợp danh, ngoài các thành viên hợp danh có thể là thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân có trình độ chuyên môn, uy tín nghề nghiệp và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về nghĩa vụ của công ty; thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của công ty, còn thành viên góp vốn có quyền