2.1. Thực trạng các hình thức FDI theo pháp luật đầu tưở Việt Nam
2.1.9. Hình thức Chi nhánh Công ty nước ngoài
Chi nhánh do doanh nghiệp nước ngoài thành lập tại Việt Nam, là một bộ phận của doanh nghiệp nước ngoài, không có tư cách pháp nhân riêng biệt và có thể hạch toán độc lập. Về pháp lý, trách nhiệm của chi nhánh không chỉ giới hạn trong phạm vi tài sản của chi nhánh tại Việt Nam mà còn được mở rộng đến cả phần tài sản của công ty mẹ ở nước ngoài. Đối với các chi nhánh thương mại, theo quy định của Luật Thương mại 2005, doanh nghiệp nước ngoài phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước nhà nước và pháp luật Việt Nam về mọi hoạt động của chi nhánh do mình thành lập tại Việt Nam.
Trên phương diện kinh doanh, chi nhánh là hình thức đầu tư được các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng ở mức độ hiện diện cao hơn văn phòng đại diện. Thông thường, đây là một trong những giai đoạn nhà đầu tư tiến hành thăm dò các phản ứng của thị trường nội địa đối với các sản phẩm hàng hóa (hay dịch vụ) do doanh nghiệp cung cấp; dò xét tiềm lực của các đối thủ trong nước và các đối thủ tới từ nước khác trên một thị trường hoàn toàn mới. Một số doanh nghiệp lại thường đặt chi nhánh gia công một trong một số các công đoạn sản xuất của mình cần nhiều sức lao động thủ công.
Ngoài các chức năng kinh doanh do công ty mẹ ủy thác, chi nhánh thường đảm nhận vai trò chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống đại lý khách hàng, tập hợp, huấn luyện và xây dựng đội ngũ nhân sự tại chỗ phục vụ cho chiến lược thâm nhập sâu hơn của doanh nghiệp nước ngoài.
Như vậy, xét trên góc độ lợi ích kinh tế về phía Việt Nam, đây cũng là một trong những hình thức thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, là cơ hội để các nhà đầu tư hiểu thêm về nền kinh tế và các chính sách phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, nhà nước Việt Nam có thể không thu được thuế trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài là tổ chức kinh tế của quốc gia có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với nhà nước Việt Nam.