2.1. Thực trạng các hình thức FDI theo pháp luật đầu tưở Việt Nam
2.1.3. Hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT,BT,BTO (gọi chung là hình thức
thức BOT)
Cơ sở pháp lý là hợp đồng, vốn đầu tư của nước ngoài, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Các hợp đồng BOT, BTO, BT tuy đa dạng và trình tự các khâu có khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là: (i) Cùng một tính chất là hợp đồng
giữa Chính phủ và nhà đầu tư tư nhân; (ii) Luôn bao gồm hai khâu xây dựng và chuyển giao (B,T), có thể có hoặc không có khâu vận hành kinh doanh (O); (iii) Cùng một mục đích là áp dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng có liên quan đến tiêu dùng và sinh hoạt công cộng, cần có sự can thiệp và bảo đảm của chính phủ.
Nội dung chủ yếu của hợp đồng là: chính phủ cam kết dành những đảm bảo, ưu đãi và điều kiện thỏa đáng để nhà đầu tư có thể thực hiện được dự án. Nhà đầu tư cam kết bỏ vốn đầu tư xây dựng theo những quy định và điều kiện của chính phủ (công suất, chất lượng, mức giá, phí tối đa...); cam kết tuân thủ pháp luật, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định và nghĩa vụ chuyển giao công trình theo hợp đồng.
Doanh nghiệp được thành lập để thực hiện hợp đồng BOT, BTO, BT (doanh nghiệp BOT, BTO, BT) mặc dù hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhưng đối tác cùng thực hiện hợp đồng là các cơ quan quản lý nhà nước (các bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh); lĩnh vực hoạt động hẹp hơn các doanh nghiệp FDI khác, chủ yếu áp dụng cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng; được hưởng các ưu đãi đầu tư cao hơn so với các hình thức đầu tư khác và điểm đặc biệt là khi hết hạn hoạt động, phải chuyển giao công trình cơ sở hạ tầng đã được xây dựng cho nhà nước Việt Nam (không bồi hoàn đối với dự án BOT hoặc có bồi hoàn đối với dự án BTO, BT)
Như vậy, xét trên góc độ lợi ích kinh tế về phía Việt Nam, thu hút được vốn đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, do đó, giảm được sức ép cho ngân sách nhà nước, đồng thời nhanh chóng có được công trình kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh giúp khơi dậy các nguồn lực trong nước và thu hút thêm FDI để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi thu hút đầu tư theo hình thức này, Việt Nam khó tiếp nhận kinh nghiệm quản lý và khó kiểm soát được
công trình. Mặt khác, Nhà nước phải chịu mọi rủi ro ngoài khả năng kiểm soát của nhà đầu tư.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được đảm bảo, được chủ động quản lý điều hành và tự chủ kinh doanh, lợi nhuận không bị chia sẻ và được Nhà nước Việt Nam đảm bảo, tránh được những rủi ro bất thường ngoài khả năng kiểm soát.
Trở ngại của hình thức đầu tư này là: chi phí đầu tư cao, việc đàm phán và thực thi hợp đồng BOT thường gặp nhiều khó khăn, tốn kém nhiều thời gian và công sức, nhất là đàm phán và ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào và khách hàng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.