2.1. Thực trạng các hình thức FDI theo pháp luật đầu tưở Việt Nam
2.1.2. Hình thức Doanh nghiệp liên doanh
Doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh ký giữa hai bên hoặc nhiều bên để tiến hành đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Về mặt pháp lý, doanh nghiệp liên doanh là một thực thể pháp lý độc lập hoạt động theo luật pháp Việt Nam. Doanh nghiệp liên doanh có tư cách pháp nhân. Quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia liên doanh được ghi trong hợp đồng liên doanh. Doanh nghiệp liên doanh được thành lập dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Mỗi bên tham gia liên doanh vừa có tư cách pháp lý riêng - chịu trách nhiệm pháp lý với bên kia và tư cách pháp lý chung - chịu trách nhiệm với toàn thể liên doanh.
Xét trên phương diện kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh có những đặc trưng chủ yếu sau đây:
- Cùng góp vốn. - Cùng quản lý
- Cùng phân phối lợi nhuận - Cùng chia sẻ rủi ro.
Như vậy, xét trên góc độ lợi ích kinh tế về phía Việt Nam, hình thức doanh nghiệp liên doanh có những ưu điểm chính là: giúp giải quyết tình trạng thiếu vốn, giúp đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới công nghệ, tạo ra thị
trường mới và tạo cơ hội cho người lao động làm việc và học tập kinh nghiệm quản lý của nước ngoài. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này bộc lộ một số nhược điểm: (i) Mất nhiều thời gian thương thảo các vấn đề liên quan đến dự án đầu tư, thường xuất hiện mâu thuẫn trong quản lý điều hành doanh nghiệp, (ii) Đối tác nước ngoài thường quan tâm đến lợi ích toàn cầu, vì vậy, đôi lúc liên doanh phải chịu thua thiệt vì lợi ích ở nơi khác, (iii) Thay đổi nhân sự ở công ty mẹ có ảnh hưởng lớn tới tương lai phát triển của liên doanh.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, hình thức doanh nghiệp liên doanh có ưu điểm: tận dụng được hệ thống phân phối có sẵn của đối tác Việt Nam; được đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh dễ thu lời, lĩnh vực bị cấm hoặc hạn chế đối với hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; thâm nhập được những thị trường truyền thống của Việt Nam. Không mất thời gian và chi phí cho việc nghiên cứu thị trường mới và xây dựng các mối quan hệ. Chia sẻ được chi phí và rủi ro đầu tư.
Khó khăn thường gặp phải khi đầu tư theo hình thức này ở Việt Nam là: khác biệt về nhìn nhận chi phí đầu tư giữa hai bên đối tác; mất nhiều thời gian thương thảo mọi vấn đề liên quan đến dự án đầu tư, định giá tài sản góp vốn, giải quyết việc làm cho người lao động của đối tác trong nước; không chủ động trong quản lý điều hành doanh nghiệp (do phải tuân thủ nguyên tắc nhất trí trong một số vấn đề quan trọng), dễ bị mất cơ hội kinh doanh; khó giải quyết khác biệt về tập quán, văn hóa.