2.1. Thực trạng các hình thức FDI theo pháp luật đầu tưở Việt Nam
2.1.8. Hình thức Mua lại và sát nhập (M&A)
Các hoạt động M&A không làm hình thành nên chủ thể pháp lý mới trong đời sống kinh tế mà thông thường nó làm mất đi một chủ thể đang tồn tại (với tư cách là một chủ thể độc lập) trong trường hợp mua lại hoặc sáp nhập được diễn ra trọn vẹn (mua lại toàn bộ hoặc sáp nhập toàn bộ). Các giao dịch được diễn ra giữa các chủ thể đang hoạt động (khác với hình thức đầu tư mới là nhằm hình thành một tổ chức kinh tế trong tương lai).
Trong hoạt động mua lại và sáp nhập, các tài sản vô hình (thương hiệu, thị phần, hệ thống phân phối,...) chiếm vị trí trọng tâm và trong đó, thương hiệu là vấn đề được cân nhắc nhiều nhất. Đặc biệt là khi mà hoạt động M&A diễn ra giữa các doanh nghiệp có những sản phẩm và dịch vụ tương tự.
Hoạt động M&A thường được diễn ra trên 3 xu hướng sau:
- M&A theo chiều ngang xảy ra khi hai công ty hoạt động trong cùng một lĩnh vực sản xuất kinh doanh muốn hình thành một công ty lớn hơn để tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường của cùng một loại mặt hàng mà trước đó hai công ty cùng sản xuất.
- M&A theo chiều dọc diễn ra khi hai công ty hoạt động ở hai lĩnh vực khác nhau nhưng cùng chịu sự chi phối của một công ty mẹ, loại hình M&A này thường xảy ra ở các công ty xuyên quốc gia.
- M&A theo hướng đa dạng hóa hay kết hợp thường xảy ra khi các công ty lớn tiến hành sáp nhập với nhau với mục tiêu tối thiểu hóa rủi ro và tránh thiệt hại khi một công ty tự thâm nhập thị trường.
Như vậy, xét trên góc độ lợi ích kinh tế về phía Việt Nam, hình thức này sẽ thu hút mạnh được nguồn vốn từ bên ngoài cho Việt Nam nhờ mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp sau khi các hoạt động M&A diễn ra. Tuy nhiên, trong khi các hình thức đầu tư truyền thống ( thành lập doanh nghiệp mới) bổ sung ngay một lượng vốn FDI nhất định cho đầu tư phát triển thì hình thức M&A chủ yếu chuyển sở hữu từ các doanh nghiệp đang tồn tại ở nước chủ nhà cho các công ty nước ngoài; không tạo được việc làm ngay mà còn có thể làm tăng thêm tình trạng căng thẳng về việc làm (tăng thất nghiệp) cho nước chủ nhà; có thể ảnh hưởng đến an ninh của nước chủ nhà nhiều hơn hình thức đầu tư truyền thống, bởi vì tài sản của nước chủ nhà được chuyển cho người nước ngoài.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, có thể khai thác lợi thế của thị trường mới mà hoạt động thương mại quốc tế hay đầu tư mới theo kênh truyền thống không mang lại hiệu quả mong đợi. Bằng con đường M&A, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tăng khả năng cạnh tranh và lấp chỗ trống trong hệ thống phân phối trên thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, sản xuất, phân phối và lưu thông.