2.1. Thực trạng các hình thức FDI theo pháp luật đầu tưở Việt Nam
2.1.5. Hình thức Công ty cổ phần có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài là một thực thể pháp lý độc lập, có tư cách pháp nhân và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Quyền và nghĩa vụ của các cổ đông, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là cổ đông sáng lập (là một trong các nhân tố đề xuất ý tưởng kinh doanh, thành lập công ty) được quy định trong Điều lệ doanh nghiệp. Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa.
Các nhà đầu tư tham gia Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài được xác định vai trò hoàn toàn dựa trên tỷ lệ phần vốn góp của mình. Tổng giá trị cổ phần do cổ đông nước ngoài nắm giữ phải đảm bảo ít nhất 30% vốn điều lệ trong suốt quá trình hoạt động của Công ty. Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài được niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước và được hưởng ưu đãi như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác. Cổ đông của công ty cổ phần chỉ chịu trách nhiệm về nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty, đồng thời có quyền chuyển nhượng cổ phần của mình theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng cổ phần do cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước đầu tư.
Như vậy, xét trên góc độ lợi ích kinh tế về phía Việt Nam, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư, tăng khả năng lựa chọn và quyền tự chủ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cho phép các tổ chức, cá nhân trong nước được tham gia tiếp
cận với các lĩnh vực kinh doanh mới, các kỹ năng, kinh nghiệm quản lý từ phía đối tác nước ngoài thông qua việc mua cổ phần của các doanh nghiệp FDI phát hành cổ phiếu.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, được tiếp cận với một sân chơi chung, bình đẳng về hình thức tổ chức doanh nghiệp. Thông qua đó, tăng cường quyền chủ động, quản trị doanh nghiệp của nhà đầu tư. Dễ dàng huy động vốn thông qua nhiều hình thức khác nhau để tiến hành các dự án đòi hỏi quy mô vốn đầu tư lớn.
Trở ngại khi đầu tư theo hình thức này là khuôn khổ pháp luật ở Việt Nam còn thiếu và chưa rõ ràng, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trường hợp có sự thay đổi của các quy định pháp lý.