6. Phương pháp nghiên cứu
2.4. Hướng dẫn sử dụng hệ thống bài tập theo hướng tiếp cận PISA trong dạy
dạy học
Việc sử dụng hệ thống bài tập đã thiết kế theo tiếp cận PISA trong dạy học môn Toán chủ yếu dưới dạng gợi động cơ gây hứng thú học tập; ôn tập, củng cố kiến thức; trong xây dựng nội dung ngoài giờ lên lớp và trong kiểm tra, đánh giá HS.
2.4.1. Sử dụng trong quá trình gợi động cơ học tập
Khi giảng bài mới ngoài mục đích trang bị kiến thức, phát triển kĩ năng cho HS, GV cần tạo nên một điểm nhấn trong bài học để làm đọng lại ở HS một sự thú vị dưới hình thức sinh một mâu thuẫn cần tháo gỡ hay một vấn đề thực tiễn xưa nay chưa biết hay hiểu chưa đầy đủ. Một trong những cách để đạt tới điều đó là GVcần thực hiện việc gợi động cơ học tập (mở đầu, trung gian hay kết thúc) một cách hấp dẫn đối với HS. Tùy theo mức độ cần lĩnh hội GV có thể đưa một số tình huống các bài toán dưới dạng tình huống gợi vấn đề để thôi thúc HS tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề đó một cách sáng tạo.
Quá trình sử dụng hệ thống các bài toán theo tiếp cận PISA như vậy chính là quá trình “vừa giảng vừa luyện”. Điều đó không chỉ giúp HS nắm vững kiến thức cơ bản một cách vững chắc mà còn tăng cường khả năng vận dụng, xử lý các vấn đề về lý thuyết và thực tiễn sáng tạo và linh hoạt.
2.4.2. Sử dụng trong ôn tập, củng cố kiến thức
Trong dạy học Toán ở Tiểu học, việc ôn tập, củng cố kiến thức chủ yếu diễn ra dưới các hình thức: Luyện tập, đào sâu, ứng dụng, hệ thống hóa và ôn tập.
GV có thể sử dụng những bài toán thiết kế theo tiếp cận PISA để HS tập dượt cách ôn tập hệ thống hóa, vận dụng kiến thức, tập phản ứng nhanh trước các
tình huống của bài toán, tập dượt việc phát hiện và giải quyết vấn đề đối với các tình huống kiến thức, quen với sự đa dạng trong vận dụng kiến thúc đối với các lĩnh vực của đời sống thực tiễn.
2.4.3. Sử dụng trong xây dựng nội dung ngoài giờ lên lớp
Nội dung ngoài giờ lên lớp (hoạt động ngoại khóa) là hoạt động giáo dục rất cần được khuyến khích trong dạy học môn Toán bởi mục đích của nó là:
- Gây hứng thú cho quá trình học tập môn Toán. - Bổ sung, đào sâu và mở rộng kiến thức chính khóa.
- Tạo điều kiện gắn liền nhà trường với đời sống, lí luận liên hệ với thực tiễn, học đi đôi với hành.
- Rèn cách thức làm việc tập thể.
- Tạo điều kiện phát triển và bồi dưỡng năng khiếu.
Ta có thể khai thác một số các bài toán theo tiếp cận PISA mà khóa luận đã thiết kế vào dạy học các tiết (buổi) ngoài giờ lên lớp theo các hướng như:
+ Khai thác việc vận dụng các kỹ năng toán học gần gũi thực tế: kỹ năng tính toán, ước lượng, kỹ năng đọc biểu đồ, đồ thị… vào dạy học theo hình thức nói chuyện ngoại khóa kết hợp với thực hành.
+ Khai thác một số các bài tập phù hợp để tổ chức ngoại khóa toán học theo mạch kiến thức hoặc theo kiến thức từng khối lớp.
Một trong những đặc điểm nổi bật của những tiết ngoài giờ lên lớp là dễ tạo hứng thú cho HS bởi vì những tiết học ngoài giờ lên lớp không quá gò bó về thời gian, cũng như chuẩn nội dung, kiến thức nên ta có thể đưa vào các câu hỏi với hình thức đa dạng (câu hỏi tự luận, câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi mở) giúp tạo hứng thú, phát triển tư duy, nâng cao hiểu biết cho HS.
Tùy theo mục đích, thời lượng của nội dung ngoài giờ lên lớp ta có thể thêm, bớt, thay đổi hình thức, đưa ra bài toán tương tự hoặc bài toán có nội dung thực tế nhằm giúp HS cảm thấy thích thú, đồng thời có điều kiện vận dụng toán học vào thực tế một cách tự nhiên, mở rộng vốn hiểu biết về thế
giới xung quanh cũng như bồi dưỡng lòng yêu thích với việc học và tìm hiểu về môn Toán.
2.4.4. Sử dụng trong kiểm tra, đánh giá.
Kiểm tra, đánh giá là công đoạn cuối cùng và rất quan trọng trong quá trình giảng dạy và học tập. Căn cứ vào kết quả kiểm tra đánh giá, GV biết được hiệu quả phương pháp dạy học của mình để từ đó có kế hoạch điều chỉnh phương pháp dạy học, HS biết được kết quả học tập của mình từ đó điều chỉnh và tìm ra phương pháp học tập hợp lí.
Kết quả kiểm tra đánh giá phản ánh kết quả dạy và học của GV và HS. Vì thế để kiểm tra đánh giá được công bằng, khách quan, chính xác thì nội dung và phương pháp kiểm tra đánh giá phải đa dạng và được tiến hành với nhiều hình thức khác nhau.
Về nội dung kiểm tra đánh giá: phải kiểm tra đánh giá theo mục tiêu chương trình toán 5, căn cứ vào trình độ nhận thức, năng lực tư duy của học sinh và điều kiện giáo dục.
Về phương pháp kiểm tra đánh giá: Có thể áp dụng nhiều phương pháp kiểm tra đánh giá khác nhau:
+ Kiểm tra thường xuyên:
+ Kiểm tra định kỳ: Kiểm tra học kỳ, kiểm tra cuối năm
GV có thể sử dụng hệ thống bài tập đã xây dựng để thiết kế đề bài kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS một cách khách quan và hiệu quả.
Kết luận chương 2
Trong chương 2, đề tài nghiên cứu về việc thiết kế hệ thống bài tập theo tiếp cận Chương trình đánh giá học sinh quốc tế và vấn đề sử dụng hệ thống các bài tập đó vào quá trình dạy học môn Toán lớp 5.
- Xác định được 6 nguyên tắc thiết kế bài toán theo tiếp cận PISA, ngoài nguyên tắc căn bản đảm bảo mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng, nội dung chương trình, kế hoạch dạy học môn Toán lớp 5, đề tài đã nghiên cứu và làm rõ nguyên tắc đảm bảo lí luận về hình thức đề theo tiếp cận PISA, bởi lẽ, nếu bỏ đi nguyên tắc này thì các bài toán mà khóa luận thiết kế không còn mang màu sắc, tư tưởng của các bài toán PISA, đề tài đã quan tâm tới những định hướng đổi mới giáo dục tiểu học nước ta hiện nay. Cụ thể đưa ra các nguyên tắc: Chú trọng việc tích hợp kiến thức nhiều môn học ở tiểu học. Chứa đựng tiềm năng tổ chức các hoạt động thực hành nhằm rèn luyện các kĩ năng thực hành toán học gần gũi thực tế. Trong đó đặc biệt chú trọng nguyên tắc tăng cường đưa những tình huống trong cuộc sống thực vào dạy học môn Toán, đây chính là thước đo khả năng ứng dụng Toán học của HS. Hơn nữa, để góp phần làm nên hiệu quả của đề tài chúng tôi cũng đã đề ra nguyên tắc cần đảm bảo tính khả thi trong dạy học hiện nay.
- Nêu rõ trình tự các việc cần thực hiện khi thiết kế một bài tập theo tiếp cận PISA từ đó cần linh hoạt trong việc chọn chủ đề bài toán cũng như phát triển các bài toán mới sao cho phù hợp với ý đồ sư phạm.
- Thiết kế được một số các bài toán theo tiếp cận PISA trong dạy học môn Toán lớp 5 đảm bảo các nguyên tắc đã xác định và trình tự các việc cần thực hiện trong thiết kế bài toán PISA, mức độ khó của câu hỏi trong mỗi bài toán tăng dần giúp đánh giá năng lực của HS qua các bài toán, kiến thức cần ứng dụng để giải quyết những vấn đề đặt ra trong các bài toán mà khóa luận thiết kế phản ánh một cách đầy đủ chương trình môn Toán lớp 5.
- Đưa ra hướng dẫn sử dụng cho hệ thống bài tập đã thiết kế nhằm đem lại hiệu quả cho những tiết học bài mới, luyện tập, ôn tập, giúp kiểm tra, đánh giá năng lực HS qua môn Toán, giúp HS nhận ra những điều lí thú về môn Toán trong những tiết ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp.
Chương 3: THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM 3.1. Mục đích thực nghiệm
TNSP được tiến hành nhằm mục đích:
- Điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện hệ thống bài tập được xây dựng theo tiếp cận PISA, các bài toán, các câu hỏi toán học nhằm kiểm tra mức độ hứng thú, khả năng ứng dụng, liên hệ của HS trong dạy học môn Toán lớp 5 theo chuẩn kiến thức, kỹ năng với nhu cầu và nhận thức của HS, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy học.
- Bước đầu đánh giá tính khả thi và hiệu quả của hệ thống bài tập theo tiếp cận PISA, vấn đề sử dụng hệ thống bài tập đó, các đề kiểm tra, các bài toán, câu hỏi toán học đã thiết kế trong khóa luận thông qua các nội dung sau:
+ Hệ thống bài tập Toán 5 đã được thiết kế trong khóa luận theo tiếp cận PISA phải đảm bảo mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Toán lớp 5; Phù hợp với đặc điểm nhận thức, khả năng học tập của HS; Đảm bảo tính phổ quát, liên môn, tích hợp theo yêu cầu của chương trình và vấn đề đổi mới giáo dục tiểu học nước ta.
+ Hệ thống bài tập và hướng dẫn sử dụng hệ thống bài tập đó có thể thực hiện được trong quá trình dạy học môn Toán lớp 5 không? Thực hiện giảng dạy với các bài tập tiếp cận PISA đã thiết kế có giúp đánh giá một HS cách toàn diện về kiến thức, kỹ năng, năng lực qua môn Toán không? Có làm kết quả học tập và khả năng ứng dụng toán học vào đời sống thực tiễn của HS lớp 5 tốt hơn và linh hoạt, nhạy bén hơn không? Các em có cảm thấy hứng thú và sẵn sàng tâm thế chờ đón những giờ học Toán với các bài toán mà khóa luận xây dựng hay không?