6. Phương pháp nghiên cứu
2.1.2. Đảm bảo lí luận về hình thức đề và các dạng câu hỏi trong môn Toán
theo PISA
Như đã nói, cách đánh giá năng lực Toán học phổ thông của HS theo PISA không nghiêng về đánh giá hệ thống kiến thức toán học phổ thông
truyền thống mà nhấn mạnh đánh giá kiến thức toán học được HS sử dụng như thế nào để tạo ra khả năng suy xét lập luận và hiểu được ý nghĩa thực tiễn của kiến thức toán học. Do đó, các câu hỏi đánh giá năng lực toán học của HS theo PISA chủ yếu nhằm kiểm tra khả năng phân tích, lập luận, truyền đạt ý tưởng một cách hiệu quả qua việc hình thành và giải quyết vấn đề trong các tình huống thực tiễn bằng kiến thức toán học. Việc đánh giá các mức năng lực HS đạt được chủ yếu được tiến hành qua kiểm tra HS bằng đề kiểm tra.
Bộ đề kiểm tra của PISA bao gồm nhiều bài tập, cơ cấu mỗi bài tập gồm hai phần chính:
+ Phần một: Phần nội dung tình huống (có thể trình bày dưới dạng văn bản, bảng, biểu đồ…);
+ Phần hai: Phần câu hỏi nhằm giải quyết các vấn đề trong tình huống bằng kiến thức toán học.
Thông thường sẽ có nhiều câu hỏi ứng với một tình huống được đưa ra. Bài tập của PISA xoay quanh những tình huống nội bộ toán học cũng như những tình huống thực tế mô tả khái niệm, cấu trúc hoặc ý tưởng về toán học. Trong PISA những điều này được gọi là “ý tưởng bao trùm”.
Các dạng câu hỏi thường được sử dụng trong các bài tập của PISA là: câu hỏi nhiều lựa chọn, câu trả lời đóng, câu trả lời ngắn và câu điền tiếp. Mỗi tình huống của một bài toán tiềm ẩn một hay nhiều tri thức toán học đòi hỏi học sinh phải phát hiện và vận dụng linh hoạt để giải quyết.