Trong cuộc sống trẻ luôn phải đối mặt với những tình huống có vấn đề. Nếu trẻ thường xuyên giải quyết được các vấn đề thì trẻ sẽ cảm thấy tự tin, thấy mình là người thành công. Ngược lại, nếu trẻ không giải quyết được vấn đề, tình huống xảy ra trong cuộc sống, bản thân trẻ sẽ cảm thấy tự ti, không tin tưởng vào khả năng của mình.
* Mục đích:
Giáo viên sử dụng các tình huống có vấn đề trong quá trình tổ chức hoạt động khám phá MTXQ giúp trẻ vận dụng những kinh nghiệm, kĩ năng của bản thân để xử lí, giải quyết các vấn đề đó một cách có hiệu quả. Thông qua đó, trẻ có cơ hội rèn luyện để phát triển nhận thức bản thân.
* Ý nghĩa:
Việc sử dụng các tình huống có vấn đề tạo cho trẻ cơ hội để trải nghiệm và rèn luyện kĩ năng tự nhận thức bản thân thông qua tình huống gắn liền với thực tế cuộc sống thường ngày.
Trong quá trình tổ chức hoạt động khám phá MTXQ, tùy vào từng nội dung khám phá mà giáo viên có thể đưa ra những tình huống có vấn đề một cách phù hợp.
Các tình huống giáo viên lựa chọn cần đảm bảo phù hợp với khả năng nhận thức, kinh nghiệm, vốn hiểu biết của trẻ. Trẻ có thể nhận ra ngay những tình huống đó và đưa ra các phương án giải quyết.
Giáo viên nên hướng dẫn trẻ cách giải quyết tình huống có vấn đề theo trình tự sau:
+ Nhận diện vấn đề để nhận ra tình huống có vấn đề. Đó chính là việc giúp trẻ xác định đúng sự xuất hiện của các tình huống trong quá trình trẻ hoạt động và khám phá môi trường xung quanh. Giáo viên có thể định hướng cho trẻ trả lời câu hỏi: “Mình đang gặp vấn đề gì?”, “Điều gì xẽ xảy ra nếu không giải quyết được vấn đề này?”
+ Giáo viên giúp trẻ xác định nguyên nhân của tình huống có vấn đề. Giáo viên cần giúp trẻ bình tĩnh và dành thời gian tập trung suy nghĩ để tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại xuất hiện tình huống đó.
+ Giáo viên giúp trẻ lựa chọn các cách giải quyết tình huống có vấn đề: Khi trẻ xác định được nguên nhân xảy ra tình huống đó. Giáo viên cần khuyến khích đưa ra một số cách để giải quyết tình huống đó. Tuy nhiên, cần hướng trẻ đến cách giải quyết tối ưu nhất, hiệu quả nhất. Ngoài ra, trẻ có thể tham khảo ý kiến từ giáo viên, các bạn để cùng bàn bạc đưa ra phương án một cách tốt nhất.
Ví dụ:
- Trong chủ đề: “Gia đình”: Tình huống đặt ra: Trong gia đình trẻ có người thân, họ hàng từ xa về chơi. Khi gặp những người họ hàng từ xa mới về, trẻ sẽ chào hỏi và xưng hô với mọi người như thế nào. Trẻ biết gì về mối quan hệ của những người họ hàng đó với người thân trong gia đình mình?.
- Trong khi tham gia hoạt động góc: Tình huống đặt ra: Khi chơi trò chơi bán hàng, giáo viên cung cấp cho trẻ rất nhiều loại đồ chơi. Nhưng trong những món đồ chơi đó chỉ có một chiếc tạp dề dành cho người mẹ nấu cơm. Bé Lan và Bé Oanh đều thích mặc bộ quần áo đó, hai bé tranh giành quần áo với nhau, bé nào cũng muốn “làm mẹ”, trong khi chỉ có một bộ quần áo. Khi xảy ra tình trạng tranh giành đồ chơi, quần áo… trong khi chơi trẻ sẽ phản ứng và xử lí như thế nào?
- Tình huống giúp trẻ bảo vệ bản thân:
Nếu trẻ đang ở nhà một mình, có người đến gọi mở cửa trẻ sẽ làm gì?. Giáo dục trẻ tuyệt đối không mở cửa, kể cả đó có thể là người quen của bố mẹ,
người thu tiền điện, nước. Nếu có người lớn ở trên gác chưa biết thì gọi xuống, còn nếu không có ai ở nhà thì hẹn họ nhắn lại gì hoặc tối đến gặp bố mẹ.
- Tình huống trong khi chơi: Tất cả các trẻ đều tham gia vui chơi rất vui vẻ. Bỗng nhiên, có một bạn khóc òa lên, không ai biết tại sao bạn đó khóc. Trẻ phản ứng như thế nào khi gặp tình huống đó? Liệu trẻ có nhận ra bạn đó đang khóc không? Trẻ có quan tâm tới bạn của mình không? Trẻ sẽ làm gì?
* Điều kiện vận dụng:
- Giáo viên chỉ lựa chọn và đưa vào các tình huống có vấn đề liên quan đến nội dung, đến việc rèn luyện kĩ năng TNTBT cho trẻ 4 - 5 tuổi.
- Tình huống có vấn đề được lựa chọn rèn luyện kĩ năng tự nhận thức bản thân gắn liền với hoạt động khám phá MTXQ
- Các tình huống có vấn đề được sử dụng phù hợp với khả năng của trẻ. - Nên sử dụng đa dạng các tình huống có vấn đề, tránh lặp lại khuôn mẫu.