II. Tỷ phần đóng góp trong tốc độ NSLĐ chung của nền KTQD
2.2.2. Đóng góp của TFP đối với tăng trưởng kinh tế
Năng suất lao động gia tăng chậm chạp trong khi hiệu quả đầu tư có xu hướng giảm sút trong giai đoạn 2004-2008 đã cho chúng ta một cái nhìn khá rõ về chất lượng tăng trưởng dưới góc độ hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, việc tính toán năng suất của lao động và vốn như trên không tách được tác động riêng phần của từng nhân tố với tăng trưởng. Cụ thể hơn, năng suất của nhân tố này cũng chịu tác động từ sự thay đổi của nhân tố kia. Ví dụ, năng suất lao động có thể tăng lên do
đầu tư gia tăng. Để đánh giá được chất lượng của tăng trưởng kinh tế cũng như đánh giá các nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế, ta phải xem xét đến năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
Qua kết quả phân tích xác định mức độ đóng góp của các yếu tố vốn, lao động, và năng suất tổng hợp đối với tốc độ tăng trưởng của một số nước châu Á trong bốn thập kỷ cuối của thế kỷ qua, người ta nhận xét rằng: tỷ lệ đóng góp của lao động và vốn càng nhiều thì sự phát triển của nền kinh tế càng thiên về chiều rộng, bằng cách sử dụng các nguồn lực vật chất. Trái lại, tỷ lệ đóng góp của TFP càng lớn thì tăng trưởng càng mang tính chất phát triển theo chiều sâu và yếu tố bền vững càng có cơ sở đảm bảo. Kết quả cho thấy, mặc dù tỷ lệ đóng góp của TFP của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới cao hơn một số nước trong khu vực như Malaysia, Indonexia, Philippines và Hàn Quốc, song thua kém hẳn các nước khác như Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.
Tăng trưởng TFP thể hiện cả hiệu quả khoa học – công nghệ lẫn hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Kết quả nghiên cứu của Lê Dân trong bài viết giới thiệu bản chất của TFP và phương pháp nghiên cứu sự biến động của nó cho thấy: trong giai đoạn 1991-1996, tăng trưởng TFP là nhân tố quyết định tăng trưởng GDP, nhưng trong giai đoạn 1997 – 2004, tăng trưởng GDP được quyết định bởi tăng vốn là chủ yếu.
Trong giai đoạn 1991 -1996, tăng trưởng TFP đóng góp khoảng 50-57% tăng trưởng GDP, trong khi đóng góp của sự tăng vốn chiếm khoảng 10- 40%, còn lao động chỉ đóng góp 2-20% tăng trưởng GDP. Trong giai đoạn 1997-2004, vốn là yếu tố quyết định tăng trưởng GDP còn TFP dần mất vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, giai đoạn này chịu tác động nặng nề của yếu tố chu kỳ kinh tế đi xuống. Nếu loại bỏ yếu tố chu kỳ ra khỏi tăng trưởng GDP thì đóng góp thực của tăng trưởng TFP lại cao hơn nhiều so với thời kỳ trước đó.
Từ năm 1996 đến 2004, tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP của yếu tố vốn đã tăng từ 34.6 lên tới 61.5% , của yếu tố lao động đã tăng từ 1.5% lên
21.9%, của yếu tố TFP giảm từ 62.1% xuống còn 16.6%. Kể cả khi xét tới tác động của yếu tố chu kỳ kinh doanh, qua đó làm tăng đáng kể sự đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP, thì chúng ta vẫn thấy rõ rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nghiêng nhiều về số lượng hơn là chất lượng, nghiêng về chiều rộng hơn là chiều sâu. Tính trung bình, tỷ trọng đóng góp của yếu tố vốn và lao động cao gấp trên 3 lần tỷ trọng đóng góp của yếu tố TFP. Ngay cả trong tăng trương chiều rộng thì sự tăng trưởng của nước ta cũng nghiêng về yếu tố vốn hơn là yếu tố lao động (tỷ trọng đóng góp của vốn cao gấp 3 lần tỷ trọng đóng góp của yếu tố lao động). Trong khi đó, vốn là yếu tố mà nước ta còn thiếu, còn lao động là yếu tố mà nước ta rất dồi dào. Kéo dài tình trạng này, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ không bền vững, chất lượng tăng trưởng không được cải thiện, cuối cùng sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bài học cho thấy là nhiều quốc gia Đông Á đã trải qua thời kỳ tăng trưởng cao, sau đó lại chìm sâu vào khủng hoảng do năng suất thấp.