Hoàn thiện các quy định pháp luật về các hợp đồng liên quan đến hoạt

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá (Trang 107 - 110)

3.2 Giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hoạt động mua bán hàng

3.2.4 Hoàn thiện các quy định pháp luật về các hợp đồng liên quan đến hoạt

động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá

3.2.4.1 Sửa đổi, bổ sung nội hàm khái niệm “hợp đồng kỳ hạn” và “hợp đồng quyền chọn”

Như đã phân tích ở trên, khái niệm “hợp đồng kỳ hạn” theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật Thương mại năm 2005 chưa bao quát đầy đủ các đối tượng mua bán của hợp đồng. Đồng thời, quy định này chỉ hướng đến việc giao nhận hàng thực trong hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH. Nhưng trên thực tế, khi tham gia mua bán hàng hoá qua SGDHH, bên cạnh mục đích bảo hộ giá cả, các bên còn hướng tới mục

101

đích đầu cơ trước những biến động giá cả của hàng hoá. Với cơ chế linh hoạt của SGDHHH, trước khi đến hạn hợp đồng, các bên có quyền mua bán chính hợp đồng kỳ hạn mình đang nắm giữ nêú thấy biến động giá cả có lợi cho mình. Khi ấy, đối tượng của hợp đồng chính là những hợp đồng kỳ hạn (giao dịch gốc).

Hơn nữa, qua nghiên cứu pháp luật các quốc gia trên thế giới cho thấy, các quy định của pháp luật đều hướng tới quy định đối tượng của hợp đồng kỳ hạn bao gồm hàng hoá và mua bán phái sinh hợp đồng. Vì vậy, trong nội hàm khái niệm loại hình hợp đồng này, ngoài việc khẳng định cam kết giao nhận hàng thực vào một thời điểm trong tương lai với giá cả tại thời điểm giao kết hợp đồng, quy định về hoạt động thanh toán khoản tiền chênh lệch khi không giao nhận hàng theo hợp đồng được xác định khá rõ. Đây là quy định hợp lý, xuất phát từ thực tiễn của hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH.

Thiết nghĩ, Việt Nam với tư cách là nước đi sau trong hoạt động thiết lập hình thức mua bán hàng hoá qua SGDHH nên chăng cần phải học tập kinh nghiệm này. Do vậy, trong Luật Thương mại (nếu sửa đổi) hay đạo luật riêng về mua bán hàng hoá qua SGDHH (nếu được ban hành trong tương lai), quy định về loại hợp đồng này cần được sửa đổi theo hướng: (1) Gọi đúng tên hợp đồng là “hợp đồng tương lai” (Tiếng Anh là Futures contract) để lột tả được bản chất của hợp đồng, đồng thời, tiệm cận hơn với pháp luật của các quốc gia tiên tiến; (2) Quy định hợp đồng tương lai hướng tới đối tượng giao dịch là hàng hoá hữu hình và công cụ tài chính phái sinh, đó chính là các hợp đồng tương lai đã được thiết lập trên SGD [17, tr.171]. Qua đó, các bên khi tham gia hợp đồng có thể hướng tới việc giao và nhận hàng thực hay bảo hiểm rủi ro cho hoạt động kinh doanh hàng thực; có thể hướng tới việc kinh doanh hợp đồng, đầu cơ về giá hàng hoá nhằm tìm kiếm khoản tiền chênh lệch. Có như vậy mới khuyến khích ngày càng nhiều nhà đầu tư dùng hợp đồng tương lai để tìm kiếm lợi nhuận và tạo cơ hội cho sự phát triển của thị trường hàng hoá giao sau.

Tương tự như khái niệm “hợp đồng kỳ hạn”, “hợp đồng quyền chọn” theo pháp luật Việt Nam cũng chưa thật sự hoàn thiện. Quy định tại Khoản 3 Điều 64 Luật

102

Thương mại năm 2005 chỉ hướng tới đối tượng của hợp đồng là quyền thực hiện hoặc không thực hiện hợp đồng (hàng hoá); trong khi mua bán phái sinh (hợp đồng) cũng là một trong các đối tượng không thể thiếu trong hợp đồng quyền chọn. Thực tiễn hoạt động mua bán quyền chọn cho thấy, các bên có thể thực hiện mua bán phái sinh hợp đồng quyền chọn đã giao kết trước khi đến hạn khi thấy giá cả hàng hoá biến động theo hướng có lợi cho mình. Và như vậy, hợp đồng quyền chọn lúc này lại trở thành đối tượng của hợp đồng mua bán phái sinh.

Mặt khác, khi nghiên cứu Luật mua bán hàng hoá tương lai hay Luật về SGDHH của hầu hết các nước trên thế giới, khái niệm “hợp đồng quyền chọn” luôn hướng tới việc xác định đối tượng của hợp đồng bao gồm cả quyền thực hiện hoặc không thực hiện hợp đồng (hàng hoá) hoặc mua bán phái sinh (hợp đồng). Điều này có nghĩa là, với một khoản phí bỏ ra, nhà đầu tư có quyền lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện nghãi vụ giao hoặc nhận hàng hoá trong tương lai, khi việc này mang hoặc không mang lại cho họ lợi ích. Song cách thức thứ hai để thực hiện hợp đồng này đó là nhà đầu tư có thể dùng chính hợp đồng quyền chọn đã được tạo ra để mua bán, trao đổi nhằm mục đích lợi nhuận.

Vì vậy, các nhà làm luật Việt Nam nên xem xét, cân nhắc việc bổ sung nội dung này vào nội hàm khái niệm “hợp đồng quyền chọn”. Như vậy, khái niệm này sẽ đầy đủ hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho không chỉ những nhà đầu tư có nhu cầu bảo hiểm rủi ro hàng thực mà còn cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tham gia. 3.2.4.2 Xây dựng quy chuẩn về hàng hoá với tư cách là đối tượng của hợp đồng mua

bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá

Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và trong khu vực có thể thấy, ở các nước có thị trường hàng hoá giao sau phát triển như Mỹ, Australia… thì danh mục hàng hoá được giao dịch qua SGDHH rất phong phú, từ các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, ngũ cốc… cho đến các loại khoáng sản, kim loại quý. Một số nước trong khu vực lại chú trọng đến việc phát triển thị trường giao sau đối với mặt hàng nông sản như Thái Lan, Singapore.

103

Mặc dù Nghị định số 51/2018/NĐ-CP cũng có quy định mở rộng danh mục hàng hóa kinh doanh niêm yết trên SGDHH, nhưng hiện nay, danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện vẫn chưa thực sự thống nhất. Do đó, sẽ hợp lý hơn nếu Nghị định số 51/2018/NĐ-CP liệt kê rõ các loại hàng hóa không được mua bán qua sở giao dịch ngay thay vì dẫn chiếu đến danh mục bị cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh.

Bên cạnh việc quy định các loại hàng hoá được mua bán qua SGDHH, các nhà làm luật cũng cần nghiên cứu và quy định các nguyên tắc trong việc xác định tiêu chuẩn về chất lượng, phẩm cấp của hàng hoá, tạo căn cứ thống nhất cho SGDHH xây dựng Quy chế tổ chức, hoạt động của SGDHH và các hợp đồng giao dịch qua SGDHH.

Tóm lại, các quy định của pháp luật về hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các SGDHH tại Việt Nam mà đó còn là công cụ để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, do các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH còn khá mới mẻ nên trong quá trình áp dụng đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Điều này phần nào tạo ra những rào cản đối với sự phát triển của thị trường mua bán hàng hoá tương lai tại Việt Nam. Vì lẽ đó, việc điều chỉnh kịp thời những bất cập, hạn chế này đòi hỏi cần thiết để thị trường mua bán hàng hoá tương lai phát triển thuận lợi hơn trong tương lai.

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá (Trang 107 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)