2.1.3.1 Các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Sở giao dịch hàng hoá
Theo tinh thần của Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các nguyên tắc tổ chức hoạt động của SGDHH bao gồm [17, tr.70]:
(i) Nguyên tắc trung gian
Như đã phân tích ở mục 1.1.2, một trong những điểm đặc biệt của hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH chính là việc người mua và người bán thông qua chủ thể thực hiện dịch vụ trung gian để hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH. Cụ thể, khách hàng muốn mua, bán hàng hóa qua SGD không được trực tiếp giao dịch với nhau mà phải uy thác cho thành viên kinh doanh của SGD (Khoản 13 Điều 3 Nghị định 158/2006/NĐ-CP). Thành viên kinh doanh nhận lệnh ủy thác của khách hàng chuyển lên SGDHH để khớp lệnh. Nếu khớp lệnh thành công, hợp đồng mua bán hàng hóa qua SGDHH được hình thành, nhưng hợp đồng này không phải là giao kết trực tiếp giữa người bán và người mua, mà giữa những chủ thể được ủy thác thông qua SGDHH. Trường hợp thành viên kinh doanh hoạt động tự doanh, mua bán hàng hóa qua SGDHH để tìm kiếm lợi nhuận, thành viên này cũng không giao dịch trực tiếp với đối tác trong hợp đồng mà bắt buộc phải thông qua SGDHH. Như vậy, SGDHH là chủ thể trung gian cuối cùng hoặc duy nhất, có vai trò kết nối lệnh mua, lệnh bán tương thích giữa những người có nhu cầu giao dịch.
Do đó, có thể thấy nguyên tắc trung gian chính là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức hoạt động của SGDHH, nơi một số lượng lớn các nhà đầu tư không quen biết tìm nhau mà tham gia giao dịch, vậy nên các giao dịch không thể diễn ra trực tiếp giữa họ, mà phải thông qua SGD. Hơn nữa, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ không đủ khả năng, độ tin cậy và uy tín để chịu trách nhiệm về các giao dịch của
41
mình trước nhau mà thông qua SGD – chủ thể trung gian với tiềm lực tài chính và độ tín nhiệm của mình, sẽ chịu trách nhiệm trước các bên tham gia trong mọi giao dịch phát sinh.
(ii) Nguyên tắc công khai
Nguyên tắc công khai có nghĩa là mọi thông tin liên quan đến chỉ số giá giao dịch, biến động giá hàng hoá, các mức giá được khớp… đều phải được SGDHH công bố minh bạch và trung thực trong các phiên giao dịch (theo Điều 38 Nghị định 158/2006/NĐ-CP). Đặc biệt, với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật, thông tin được cập nhật và công bố rộng rãi để mọi nhà đầu tư, dù có mặt ngày trên SGD hay không có mặt ở đó đều nắm được mọi thông tin về diễn biến giao dịch tại SGDHH và có thể đưa ra các các quyết định riêng của mình. Điều này góp phần đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đằng giữa các nhà đầu tư; bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, tránh việc họ lâm vào tình trạng thua lỗ vì không đủ thông tin hoặc thông tin sai lệch, không rõ ràng.
(iii) Nguyên tắc đấu giá
Nguyên tắc đấu giá có nghĩa là giá cả hàng hóa được hình thành trên SGD phải được hình thành tự do, hoàn toàn tuỳ thuộc vào các lực lượng cung cầu, không ai có quyền định giá hoặc can thiệp vào việc hình thành giá hàng hoá [4, tr. 26]. Vì vậy, giá cả hàng hóa được hình thành hoàn toàn khách quan, hay nói cách khác, thị trường SGDHH là nơi phản ánh chính xác giá cả hàng hóa trên thị trường. Nguyên tắc này giúp thị trường hoạt động công khai, minh bạch, tránh tình trạng ép giá hay bán phá giá đối với hàng hóa, đồng thời giúp bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ trên thị trường.
Việc thực hiện các nguyên tắc này cùng các quy định của SGDHH về đăng ký hàng hoá; giám định hàng hoá; đăng ký bán – đấu giá bán và đăng ký mua – đấu giá mua; giao kết hợp đồng, thanh toán… giúp gắn kết các nhu cầu mua bán một cách công bằng, an toàn, cho phép tiết kiệm thời gian và chi phí.
42
2.1.3.2 Cơ cấu tổ chức của Sở giao dịch hàng hoá
Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành không đưa ra mô hình cơ cấu tổ chức quản lý SGDHH. Tuy nhiên, theo định nghĩa tại Nghị định 51/2018/NĐ-CP thì SGDHH hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp nói chung chứ không giới hạn loại hình hoạt động của SGDHH chỉ trong hai hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần như trong Nghị định 158/2006/NĐ-CP nên cơ cấu tổ chức quản lý của SGDHH tuân theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Tuy nhiên, với những ưu điểm của loại hình công ty đối vốn như: chế độ trách nhiệm hữu hạn, cổ đông hoặc các thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài khoản khác trong phạm vi vốn góp nên chế độ rủi do không cao; có khả năng hoạt động rất rộng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề; khả năng huy động vốn và chuyển nhượng vốn tương đối linh hoạt… nên trên thực tế, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên là hai loại hình doanh nghiệp phổ biến, thường được lựa chọn khi thành lập SGDHH.
Cụ thể, nếu được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần thì cơ cấu tổ chức thông thường theo hai mô hình như sau: (1) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát; (2) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.
Còn nếu được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cơ cấu tổ chức bao gồm: Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát (nếu có). Các bộ phận này có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau trong quản lý, điều hành và kiểm tra giám sát hoạt động của các bộ phận chức năng SGDHH, có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện
43
hành và Điều lệ tổ chức hoạt động của SGDHH. Tuy nhiên, vì SGDHH là chủ thể kinh doanh đặc thù và phức tạp, có chức năng tạo lập thị trường giao dịch hàng hóa tương lai tập trung, nên dù tồn tại dưới hình thức nào nhưng tổ chức quản lý của SGDHH cần có những quy định riêng, phù hợp với chức năng của SGD. Do vậy, pháp luật cần có những quy định cụ thể về tổ chức quản lý SGDHH mà không nên áp dụng một cách rập khuôn mô hình quản lý theo Luật Doanh nghiệp hiện hành.
Theo hướng dẫn của Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ- CP, ngoài các bộ phận quản lý như các loại hình doanh nghiệp thông thường, cơ cấu tổ chức của SGDHH còn bao gồm hai trung tâm là Trung tâm thanh toán bù trừ và Trung tâm giao nhận hàng hóa – những bộ phận cung cấp dịch vụ thanh toán và nhận hàng, giao hàng do SGDHH thành lập hoặc ủy thác cho tổ chức khác thành lập nhưng vẫn đại diện cho sở.
(i) Trung tâm thanh toán bù trừ
Nếu như Luật Thương mại năm 2005 không đề cập tới địa vị pháp lý của Trung tâm thanh toán bù trừ, còn Nghị định 158/2006/NĐ-CP chưa xác định đúng chức năng của Trung tâm này thì Khoản 23 Điều 1 Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã đưa ra định nghĩa và xác định cụ thể địa vị pháp lý của tổ chức này: “Trung tâm thanh toán bù trừ mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (dưới đây gọi tắt là Trung tâm thanh toán bù trừ) là tổ chức trực thuộc Sở Giao dịch hàng hóa thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ bù trừ các giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng
hóa”. Trung tâm thanh toán bù trừ phải hoạt động độc lập với các thành viên của
SGDHH; có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Khoản 24, 25 Điều 1 Nghị định 51/2018/NĐ-CP.
Như vậy, từ quy định trên, có thể hiểu Trung tâm thanh toán bù trừ là chủ thể trung gian cung cấp dịch vụ giao dịch hàng hóa tương lai cho khách hàng. Theo đó, một hợp đồng giữa người bán và người mua bất kỳ đều được chuyển thành hai hợp đồng: Một hợp đồng giữa người bán và Trung tâm và một hợp đồng giữa người mua và Trung tâm. Người bán thực hiện thanh toán phần chênh lệch theo hợp đồng (nếu
44
phát sinh) cho Trung tâm chứ không phải cho người mua. Và người mua cũng không thanh toán tiền theo hợp đồng trực tiếp cho người bán mà phải thông qua Trung tâm. Nhờ vậy, các bên tham gia mua bán trên SGDHH không nhất thiết phải xem xét khả năng thực tế của bên kia. Người mua không phải lo ngại về chuyện hàng hóa là đối tượng của hợp đồng có đảm bảo hay không, ngược lại, người bán cũng không phải lo ngại về khả năng thanh toán thực tế của người mua.
Đồng thời, với quy chế ký quỹ giao dịch cho mỗi hợp đồng được ký kết, SGDHH đứng ra đảm bảo khả năng thực hiện nghĩa vụ của các bên tham gia mua bán tại sở, vì nếu không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, nguy cơ gánh chịu trách nhiệm còn nặng nề hơn đối với bên vi phạm. Việc ký quỹ giao dịch nhằm đảm bảo khả năng thực hiện nghĩa vụ chứ không phải bảo đảm khả năng thanh toán cho hợp đồng.
So sánh với Luật về SGDHH nông sản Thái Lan (2001) [28], có thể thấy pháp luật của quốc gia này cũng quy định những chức năng tương tự đối với Trung tâm thanh toán bù trừ, nhưng Trung tâm thanh toán bù trừ còn đảm nhận thêm cả chức năng của Trung tâm giao nhận hàng hóa: “Phòng thanh toán được thành lập ở SGD có các nhiệm vụ sau: (i) Là trung tâm thanh toán các tài khoản giao dịch, điều chỉnh tài khoản ký quỹ theo trị giá giao dịch, giao hay nhận hàng hóa nông sản; (ii) Thu và
giữ khoản tiền ký quỹ…” (Điều 89).
(ii) Trung tâm giao nhận hàng hóa
Trung tâm giao nhận hàng hóa là tổ chức thực hiện chức năng lưu giữ, bảo quản và giao nhận hàng hóa cho tất cả các hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH. Trung tâm giao nhận hàng hóa có thể do SDGHH thành lập hoặc ủy quyền cho tổ chức khác thực hiện; có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật (Điều 30, 31 Nghị định 158/2006/NĐ-CP).
Nếu việc giao và nhận hàng thực xảy ra trên SGD, người bán sẽ đưa hàng đến Trung tâm giao nhận hàng hóa của SGD mà không giao trực tiếp cho người mua; người mua sẽ nhận hàng tại Trung tâm giao nhận hàng hóa được chỉ định bởi SGD mà không nhận trực tiếp từ người bán. Trung tâm giao nhận hàng hóa là chủ thể chịu
45
trách nhiệm trước khách hàng về đối tượng, chất lượng, chủng loại, phẩm cấp… của hàng hóa theo chuẩn chất lượng do SGD ban hành. Nếu có vi phạm liên quan đến hàng hóa, người bán không chịu trách nhiệm mà SGDHH là chủ thể chịu trách nhiệm mọi vấn đề liên quan đến hàng hóa được giao nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, tại các SGDHH trên thế giới, việc giao và nhận hàng thực qua sở rất hiếm khi xảy ra, vì giao dịch mua bán hàng hóa diễn ra trên các SGD chủ yếu là giao dịch phái sinh. Do vậy, mặc dù là chủ thể tham gia trực tiếp vào các giao dịch qua sở, nhưng Trung tâm giao dịch hàng hóa không tham gia một cách thường xuyên, mà chỉ tham gia khi khách hàng có nhu cầu giao và nhận hàng thực qua SGD.
Như vậy, có thể thấy Trung tâm thanh toán bù trừ và Trung tâm giao nhận hàng hóa có trách nhiệm đảm bảo sự liên kết và phối hợp chặt chẽ để giao dịch của khách hàng được thực hiện nhanh chóng và thông suốt.
Các quy định về tổ chức hoạt động của SGDHH theo pháp luật Việt Nam khá tương đồng với pháp luật các nước trên thế giới. Chẳng hạn như theo Luật mua bán hàng hóa tương lai hay Luật về SGDHH các nước, các bộ phận cấu thành SGDHH có thể không hoàn toàn giống nhau về tên gọi, nhưng nhìn chung đều bao gồm: Ban giám đốc, Sàn giao dịch, Phòng thanh toán bù trừ, Hệ thống kho, Trung tâm thông tin, Phòng môi giới và Ban niêm yết giá. Mỗi bộ phận đảm nhận một chức năng khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng phối hợp để tổ chức, vận hành các giao dịch. Các bộ phận này có thể do SGD bỏ vốn thành lập, có thể có bộ phận do SGD ủy thác cho chủ thể khác thực hiện nhưng vẫn đại diện cho sở trong việc thực hiện các chức năng theo quy định của pháp luật.
Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy các quy định về cơ cấu tổ chức hoạt động của SGDHH theo pháp luật Việt Nam tương đối đầy đủ và tiệm cận với xu hướng phát triển chung của pháp luật thế giới. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, do SGDHH là một chủ thể kinh doanh đặc biệt, không hoàn toàn giống như các doanh nghiệp thông thường như công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn, nên trong
46
tương lai, pháp luật Việt Nam cần có những quy định đặc thù về tổ chức quản lý SGDHH.