3.2 Giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hoạt động mua bán hàng
3.2.3 Hoàn thiện các quy định pháp luật về các chủ thể tham gia giao dịch qua
Sở giao dịch hàng hoá
3.2.3.1 Huỷ bỏ các quy định về thành viên môi giới
Pháp luật hiện hành quy định hai loại thành viên của SGDHH là thành viên kinh doanh và thành viên môi giới. Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm một quyền hạn mới cho thành viên kinh doanh là thực hiện hoạt động môi giới hàng hoá qua SGDHH. Như vậy, có thể thấy vai trò và chức năng của thành viên kinh doanh có nhiều điểm trùng lắp với thành viên môi giới. Trong khi đó, pháp luật hiện hành không quy định về chức năng và các trường hợp cụ thể mà thành viên môi giới tham gia vào hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH, vì thế vai trò của thành viên này tương đối mờ nhạt.
Qua kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, thành viên SGDHH thường chỉ gồm hai loại: (1) Thành viên chỉ có quyền hoạt động tự doanh; và (2) Thành viên vừa có quyền nhận uỷ thác của khách hàng, vừa có quyền tự doanh; không quy định về thành viên chỉ thực hiện vai trò môi giới.
Vì vậy, trong tương lai, khi sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành; hoặc ban hành đạo luật riêng điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH, các nhà làm luật nên xem xét, cân nhắc về việc huỷ bỏ quy định về thành viên môi giới, mà chỉ cần giữ lại thành viên kinh doanh.
3.2.3.2 Sửa đổi quy định về tư cách tham gia quan hệ mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá của thành viên kinh doanh
Quy định hiện hành cho phép thành viên kinh doanh vừa có tư cách chủ thể hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá qua SGDHH với khách hàng; vừa có tư cách chủ thể hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn trong quan hệ mua bán hàng hoá qua SGDHH. Quy định này có thể dẫn đến trường hợp thành viên kinh doanh đóng vai trò là cả hai bên trong một hợp đồng, tức là vừa là người mua, vừa là người bán trong
96
cùng một quan hệ mua bán hàng hoá qua SGDHH, có khả năng dẫn tới việc thành viên kinh doanh lạm dụng vị thế của mình gây thiệt hại cho khách hàng.
Vì vậy, khi sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành; hoặc ban hành đạo luật riêng điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH, các nhà làm luật nên xem xét, cân nhắc về quy định: (1) Khi hoạt động tự doanh, thành viên kinh doanh là chủ thể của hợp đòng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn do họ xác lập qua SGDHH; (2) Khi thực hiện dịch vụ cho khách hàng, họ là người môi giới hoặc là đại diện của khách hàng tiến hành giao dịch mà không nên cùng lúc là người nhận uỷ thác. Đồng thời, thành viên kinh doanh chỉ là chủ thể thực hiện dịch vụ nhận lệnh của khách hàng, chuyển lệnh lên SGDHH để khớp lệnh nhằm hưởng thù lao dịch vụ, không là chủ thể thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH. Quy định như vậy vừa tránh sự mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật, vừa tránh việc lạm dụng vị thế của mình thành viên kinh doanh, và đồng thời trả lại đúng vị trí của khách hàng với tư cách là người có nhu cầu mua, bán hàng hoá qua SGDHH.
3.2.3.3 Sửa đổi quy định về điều kiện vốn điều lệ của thành viên kinh doanh
Một trong những điều kiện để doanh nghiệp trở thành thành viên kinh doanh của SGDHH là đảm bảo vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng trở lên. Mức vốn cố định như vậy một mặt có thể không thu hút được nhiều đói tượng trở thành thành viên kinh doanh của SGDHH; mặt khác, nó cũng chưa hẳn đảm bảo được khả năng tài chính của thành viên kinh doanh trước khách hàng và SGD, vì không có quy định nào hạn chế việc thành viên kinh doanh không được phép mua bán lượng hàng hoá có giá trị gấp nhiều lần khoản vốn điều lệ của họ. Đồng thời, một vấn đề nữa các nhà làm luật nên tính đến chính là trường hợp thành viên kinh doanh có thể gian lận, tạo lập hồ sơ giả để chứng minh tài chỉnh của mình vào thời điểm thành lập.
Không thể phủ nhận được quy định về vốn là cần thiết, nhưng các nhà lập pháp trong tương lai nên sửa đổi theo hướng quy định vốn điều lệ linh doanh và giới hạn mức giao dịch mà mỗi thành viên kinh doanh có quyền thực hiện; đồng thời, yêu cầu
97
thành viên kinh doanh chứng minh khả năng tài chính thông qua việc đáp ứng các yêu cầu về điều kiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao dịch. Quy định như vậy sẽ khiến thành viên có khả năng tài chính thực sự để đáp ứng được yêu cầu giao dịch, đặc biệt là giao dịch điện tử. Hơn nữa, nó có thể tạo điều kiện khuyến khích nhiều chủ thể trở thành thành viên kinh doanh của SGDHH hơn và bảo đảm tính an toàn, bình ổn cho các chủ thể khi giao dịch qua SGDHH.
3.2.3.4 Xây dựng quy định về chứng chỉ hành nghề trong hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá
Việc kinh doanh, đầu tư trên SGDHH rất phức tạp, đòi hỏi những kỹ năng nghề nghiệp nhất định như phân tích xu hướng thị trường, đánh giá rủi ro, phân tích cách thức thực hiện việc đầu tư phái sinh… Vì vậy, đối với các chủ thể đăng ký làm thành viên kinh doanh của SGDHH thì phải có chứng chỉ hành nghề mua bán qua SGDHH. Các cá nhân muốn được cấp chứng chỉ hành nghề phải tham gia khoá đào tạo tại các cơ sở được cấp phép và đáp ứng yêu cầu của kỳ kiểm tra kết thúc khoá học. Đồng thời, Bộ Công thương với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH sẽ cấp chứng chỉ hành nghề cho những người quản lý điều hành SGDHH, người quản lý điều hành thành viên kinh doanh của SGD và các nhân viên của thành viên kinh doanh.
3.2.3.5 Mở rộng đối tượng cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước được giao dịch trực tiếp để mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá
Khoản 13 Điều 3 của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP quy định: “Khách hàng là tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa, thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa thông qua việc uỷ thác cho
thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch hàng hóa”. Còn Khoản 1 Điều 17 Nghị định
này quy định thành viên của Sở Giao dịch hàng hóa bao gồm: a) Thành viên kinh doanh; b) Thành viên môi giới.
Như vậy, chỉ doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện trở thành thành viên kinh doanh mới có thể trực tiếp thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH.
98
Các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên kinh doanh khi muốn tham gia giao dịch hàng hóa bắt buộc phải ký hợp đồng ủy thác giao dịch với thành viên kinh doanh. Thành viên kinh doanh chịu trách nhiệm đặt lệnh giao dịch (do khách hàng ủy thác) vào hệ thống giao dịch của SGDHH. Việc ủy thác giao dịch khiến cho người nông dân, nhà sản xuất không phải là thành viên của SGDHH chỉ được phép “gián tiếp” mà không được “trực tiếp” thực hiện giao dịch.
Hiện nay, có rất nhiều nhà sản xuất, nhà bán buôn, bán lẻ, hoặc doanh nghiệp chế biến, trồng trọt, chăn nuôi có nhu cầu mua bán hàng hóa qua SGDHH, thực tiễn của các SGDHH trên thế giới cũng thể hiện điều nay. Nhóm đối tượng này dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động về giá của thị trường hàng hóa, tỷ giá và lãi suất. Vì thế họ sử dụng công cụ bảo hiểm giá (là các hợp đồng kỳ hạn trên thị trường hàng hóa) để giảm thiểu tác động của các diễn biến thị trường, quản lý và hạn chế rủi ro.
Tuy nhiên, quy định tại Khoản 13 Điều 3 của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và cơ chế ủy thác giao dịch đang hạn chế việc chủ động giao dịch trực tiếp hợp đồng kỳ hạn của các cá nhân, tổ chức không phải là thành viên của SGDHH. Khi các chủ thể trên đặt lệnh thông qua ủy thác, các thao tác do con người thực hiện phát sinh độ trễ nhất định. Độ trễ này xảy ra khi nhà đầu tư đặt lệnh qua thành viên kinh doanh bằng điện thoại, email, tin nhắn điện tử. Nhân viên của thành viên kinh doanh tiếp nhận lệnh, thao tác ghi nhận lệnh vào hệ thống. Do độ trễ trong thời gian đặt lệnh, nhà đầu tư thường không chốt được mức giá như ý muốn trong khi thị trường hàng hóa biến động không ngừng. Nếu nhà đầu tư chủ động đặt lệnh, lệnh giao dịch được ghi nhận trực tiếp vào hệ thống của SGDHH, không phụ thuộc vào bên thứ ba để đặt lệnh như hiện nay thì độ trễ chắc chắn ngắn hơn thao tác đặt lệnh qua thành viên kinh doanh, giảm thiểu được rủi ro, tăng hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, hợp đồng kỳ hạn mua bán hàng hóa qua SGDHH tại Việt Nam hiện là một công cụ hiệu quả để bảo vệ người nông dân, nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến… trước các chuyển biến bất lợi của thị trường hàng thực, phù hợp với thị
99
trường của Việt Nam hiện nay. Đồng thời công cụ này cho phép các cá nhân, tổ chức này tự thiết lập một mức giá có lợi trước khi bán hàng hóa của mình ra thị trường.
Do đó, cần có cơ chế cho phép tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước không phải là thành viên kinh doanh của SGDHH, giao dịch trực tiếp để tạo thế chủ động cho các chủ thể này, đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước nhằm kéo giá Việt Nam tiệm cận với mặt bằng giá thế giới, tránh tình trạng “được mùa mất giá”.
Vì vậy, tác giả kiến nghị cần xem xét sửa đổi khoản 13 Điều 3 của Nghị định 158/2006/NĐ-CP theo hướng mở rộng hơn, cho phép cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài không phải là thành viên của SGDHH, được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH thông qua các hình thức: đặt lệnh trực tiếp hoặc ủy thác cho thành viên kinh doanh của SGDHH thực hiện giao dịch.
3.2.3.6 Quy định cụ thể hơn về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá
Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã bổ sung Điều 16a cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch tại SGDHH ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào mở tài khoản và giao dịch trên SGDHH ở Việt Nam, trong khi nhu cầu giao dịch tương đối lớn, đặc biệt đối với các mặt hàng mà Việt Nam sản xuất và xuất khẩu nhiều, như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, gạo. Nguyên nhân là do các quy định pháp luật trong nước có liên quan về hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH của nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng.
Vì vậy, để đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết nhu cầu giao dịch hàng hóa tại SGDHH ở Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước, phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và tuân thủ tinh thần Nghị quyết số 58/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, tác giả cho rằng cần thiết phải xây dựng các quy định chi tiết về hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài mua bán hàng hóa qua SGDHH.
100
Hoạt động mua bán hàng hóa qua SGDHH đang trở thành một kênh đầu tư mới, hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Quy định cụ thể hơn về việc nhà đầu tư nước ngoài mua bán hàng hóa qua các SGDHH tại Việt Nam sẽ giúp tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần cân bằng cán cân thương mại.
3.2.3.7 Dự liệu các trường hợp có khả năng phát sinh trong tương lai
Trong tương lai, khi Nhà nước ban hành nhiều quy định pháp luật và chính sách khuyến khích sự phát triển của SGDHH thì sẽ ngày càng có nhiều SGDHH được thành lập. Khi ấy, các nhà lập pháp nên dự liệu cho các trường hợp như: (1) Liệu thành viên giao dịch của SGDHH này có thể được trở thành thành viên giao dịch của SGDHH khác hay không? Nếu câu trả lời là có thì có phải làm lại các thủ tục đăng ký tư cách thành viên với SGDHH hay giữa các SGD sẽ thừa nhận tư cách thành viên lẫn nhau; và (2) Về mặt nguyên tắc, phương thức giao dịch trên SGDHH có nhiều điểm tương đồng với phương thức giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán vì bản chất các giao dịch trên SGDHH cũng là các dạng công cụ đầu tư phái sinh. Vậy pháp luật có cho phép thành viên giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán đương nhiên có đủ tư cách giao dịch tại SGDHH hay không? Và nếu có thì có phải làm lại các thủ tục đăng ký thành viên không?