Hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của Sở giao dịch

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá (Trang 100 - 102)

3.2 Giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hoạt động mua bán hàng

3.2.2Hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của Sở giao dịch

hàng hoá

3.2.2.1 Sửa đổi quy định về khái niệm “Sở giao dịch hàng hoá”

SGDHH theo pháp luật Việt Nam và pháp luật một số nước trên thế giới có thể là pháp nhân, được tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp độc lập, hoạt động vì mục đích lợi nhuận; có thể là doanh nghiệp hoạt động phi lợi nhuận, cung cấp cơ sở vật chất cũng như điều kiện kỹ thuật để tiến hành giao dịch. Quy định của pháp luật Việt Nam là theo mô hình thứ nhất khi quy định SGDHH tồn tại dưới hình thức doanh nghiệp chứ không phải cơ quan Nhà nước. Quy định này là phù hợp với thực trạng nền kinh tế Việt Nam và tương đồng với pháp luật nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc xác định còn khá chung chung, chưa lột tả được những đặc trưng của SGDHH – thị trường giao dịch hàng hóa tương lai tập trung và chủ thể trung gian trong mọi giao dịch – và chưa giúp phân biệt SGDHH với các chủ thể kinh doanh khác. Do vậy, trong tương lai, các nhà làm luật cần sửa đổi, bổ sung khái niệm SGDHH để phản ánh đúng chức năng và bản chất của SGDHH, tạo tiền đề cho việc quy định chuẩn các quy phạm liên quan đến SGDHH. Cụ thể như sau: SGDHH là (1) thị trường hàng hóa tập trung, nơi tổ chức, vận hành các giao dịch hàng hóa tương lai; (2) trung gian trong mọi giao dịch, chịu trách nhiệm về các dịch vụ như nhận lệnh, khớp lệnh, giao hàng, thanh toán hay tất toán hợp đồng; (iii) pháp nhân, tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp do các nhà đầu tư góp vốn thành lập.

3.2.2.2 Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của Sở giao dịch hàng hoá

Mặc dù các quy định về cơ cấu tổ chức quản lý của SGDHH theo pháp luật Việt Nam về cơ bản là tương đồng với pháp luật các nước, nhưng SGDHH là một chủ thể kinh doanh đặc biệt, không hoàn toàn giống với các loại hình doanh nghiệp như công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn nên nếu pháp luật Việt Nam

94

áp dụng chung mô hình quản lý thì sẽ không thích hợp với SGDHH, qua đó không phảt huy được vai trò điều chỉnh của các quy phạm. Do đó, SGDHH cần được tổ chức quản lý theo mô hình riêng. Theo quy định của pháp luật hầu hết các quốc gia trên thế giới, SGDHH bao gồm các bộ phận cơ bản là: bộ phận quản lý, bộ phận tham gia trực tiếp vào các giao dịch và bộ phận phục vụ, hỗ trợ các giao dịch. Các bộ phận này cùng phối hợp với nhau theo những nguyên tắc nhất định để quản lý, vận hành các giao dịch hàng hóa tương lai. Vì vậy, trong tương lai, khi sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành hay ban hành đạo luật riêng về mua bán hàng hóa qua SGDHH, các nhà làm luật cần quy định rõ các bộ phận cấu thành đặc thù của SGDHH theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới như: ban giám đốc, sàn giao dịch, trung tâm thanh toán, trung tâm giao nhận, bộ phận thông tin…

3.2.2.3 Bổ sung chức năng của Sở giao dịch hàng hoá

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chức năng của SGDHH mới dừng ở việc cung cấp các điều kiện vật chất – kỹ thuật cần thiết để giao dịch mua bán hàng hóa; điều hành các hoạt động giao dịch và niêm yết giá hình thành trên thị trường giao dịch từng thời điểm (Khoản 1 Điều 67 Luật Thương mại năm 2005). Tuy nhiên, quy định này chưa mô tả đầy đủ các chức năng của SGDHH bởi lẽ theo pháp luật của các quốc gia trên thế giới, SGDHH có hai chức năng cơ bản là: (1) tạo lập thị trường hàng hóa tương lai; và (2) làm trung gian cho mọi giao dịch. Quy định của Luật Thương mại năm 2005 mới mô tả được một chức năng của SGDHH, đó là chức năng tạo lập thị trường giao dịch hàng hóa tương lai tập trung, nhưng chưa thật đầy đủ. Do vậy, trong tương lai, cần phải sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng này cũng như chức năng cung cấp dịch vụ giao dịch hàng hóa tương lai của SGDHH theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để các quy định pháp luật phản ánh đầy đủ bản chất của SGDHH và làm cho pháp luật Việt Nam tương thích với pháp luật quốc tế.

95

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá (Trang 100 - 102)