KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu dao động thẳng đứng của ô tô theo các mô hình khác nhau có tính đến hiện tượng mất liên kết giữa bánh xe và mặt đường (Trang 129 - 131)

Chương 3 đã xây dựng 2 mô hình dao động của ô tô dạng mô hình 1/2 dọc và 1/2 ngang có kể đến hiện tượng mất liên kết, biến dạng của đường và sự thay đổi kích thước vết tiếp xúc. Trên cơ sở các mô hình vật lý, luận án đã thiết lập hệ PTVP dao động của hệ xe - đường kết hợp. Hệ PTVP dao động xuất phát của cơ hệ có chứa phương trình đạo hàm riêng biểu diễn dao động của đường biến dạng trong cả hai trường hợp được chuyển đổi về hệ PTVP thường, có thể giải được bằng phương pháp số. Các chương trình tính toán số trong phần mềm Matlab đã được xây dựng cho phép xác định đáp ứng động lực học của cơ hệ và khảo sát ảnh hưởng của một số yếu tố đến đáp ứng động lực học đó.

Những kết quả khảo sát nhận được có thể khẳng định:

1) Có sự khác biệt rõ rệt về ứng xử của cơ hệ trong trường hợp có tính đến và không tính đến hiện tượng MLK. Do đó việc kể đến hiện tượng MLK trong xây dựng các mô hình dao động của ô tô là cần thiết.

2) Với kích thích từ BDMĐ ở dạng xung thì MLK dễ xảy ra hơn so với kích thích nhiều chu kỳ liên tiếp.

3) Vận tốc chuyển động có ảnh hưởng lớn đến đáp ứng ĐLH xe và hiện tượng MLK, với vận tốc chuyển động lớn thì thời gian xảy ra MLK cũng lớn.

4) Trong cùng điều kiện kích thích và sự tương đồng giữa các thông số của cả xe và đường thì mô hình 1/4 và mô hình 1/2 ngang là hoàn toàn tương thích, do đó trong cùng điều kiện kích thích từ BDMĐ thì mô hình 1/4 có thể thay thế mô hình 1/2 để khảo sát đáp ứng động lực học của xe.

Chương 4

KHẢO SÁT DAO ĐỘNG CỦA Ô TÔ THEO MÔ HÌNH KHÔNG GIAN

Chương 4 sẽ thiết lập mô hình dao động của ô tô theo mô hình không gian (full-car model) trong đó hiện tượng mất liên kết, biến dạng của đường và sự thay đổi kích thước vết tiếp xúc vẫn được kể đến. Ô tô được khảo sát là ô tô hai cầu với hệ thống treo phụ thuộc, được lập mô hình ở dạng một hệ dao động không gian 7 bậc tự do. Đường biến dạng được biểu diễn bằng một tấm đàn hồi hình chữ nhật trên nền đàn hồi nhớt Kelvin chịu liên kết kiểu tựa đơn trên cả 4 cạnh.

Hệ PTVP dao động của hệ xe - đường kết hợp được xây dựng bằng cách thiết lập điều kiện cân bằng động lực cho các khối lượng của ô tô và phân tố tấm biểu diễn đường biến dạng. Hệ PTVP dao động của cơ hệ có chứa phương trình đạo hàm riêng cũng được đưa về hệ PTVP thường (gọi là hệ PTVP dao động chuyển đổi) nhờ áp dụng phương pháp Bubnov-Galerkin. Trình tự giải hệ PTVP dao động chuyển đổi cũng được giới thiệu.

Một số kết quả khảo sát số nhằm so sánh đáp ứng của cơ hệ trong mô hình khảo sát với đáp ứng trong các trường hợp riêng của nó (không kể đến mất liên kết và/hoặc biến dạng của đường) và khảo sát ảnh hưởng của một số yếu tố tiêu biểu đến đáp ứng động lực học của cơ hệ cũng được trình bày.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) nghiên cứu dao động thẳng đứng của ô tô theo các mô hình khác nhau có tính đến hiện tượng mất liên kết giữa bánh xe và mặt đường (Trang 129 - 131)