7. Bố cục của luận án
3.1.3. Tình hình Việt Nam
Từ năm 1919 đến năm 1929, thực dân Pháp thực hiện cuộc khai thuộc địa lần thứ hai ở Việt Nam. Chương trình khai thác lần này do Albert Sarraut, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa khởi xướng nhằm góp phần phục hồi nền kinh tế chính quốc một cách nhanh chóng. Trong giai đoạn khai thác thuộc địa này, lĩnh vực nông nghiệp được tư bản Pháp chú trọng đầu tư và khai thác với số lượng nhiều hơn. Bên cạnh đó, sau chiến tranh thế giới thứ nhất, nhờ được tăng cường đầu tư vốn và mở rộng quy mô sản xuất, tư bản Pháp tiếp tục gia tăng tốc độ đầu tư khai thác mỏ, đặc biệt là các mỏ than ở các tỉnh Bắc Kỳ. Diện tích thăm dò khai thác mỏ tăng nhanh qua các năm. Nếu như năm 1911, diện tích khai thác mỏ chỉ có 6 vạn ha, đến năm 1930 đã tăng lên 43 vạn ha, tức tăng hơn 7 lần. Tất cả các số quặng, mỏ khai thác này đều đem đi xuất khẩu. Ngoài các công ty khai thác than và khoáng sản thì nhiều cơ sở sản xuất, chế biến cũng được thành lập thêm trong giai đoạn này như: nhà máy xi-măng Hải Phòng, nhà máy tơ sợi và dệt Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, nhà máy xay xát lúa gạo…
Cùng với hai lĩnh vực trên, lĩnh vực thương mại và dịch vụ trong giai đoạn này cũng phát đạt. Đến năm 1928, thực dân Pháp ra nghị định mới nhằm đánh thuế nặng vào hàng hóa của nước ngoài, nhất là hàng hóa nhập từ Trung Quốc và Nhật Bản. Vì vậy mà tư bản Pháp đã chiếm lại thị trường Việt Nam để độc quyền cho hàng hóa Pháp nhập cảng vào đây. Đến những năm 1929 - 1930, hàng nhập cảng của Pháp đã lên tới 63%. Thuộc địa Việt Nam trong giai đoạn này trở thành nơi xuất siêu hàng hóa và là một trong những thuộc địa sinh nhiều lợi nhuận nhất của tư bản Pháp ở châu Á Thái Bình Dương.
Từ đây, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển trong quan hệ mâu thuẫn giữa hai xu hướng gần như đối lập nhau: một xu hướng tăng cường sự phụ thuộc của thuộc địa đối với chính quốc; một xu hướng khác tạo nên sự phát triển nhất định về kinh tế, điều này có thể thực hiện được trong khuôn khổ của chế độ thuộc địa [23; tr.68]. Đồng thời, sự phát triển của kinh tế Việt Nam thời kỳ này có xu hướng giao lưu và gắn chặt dần với thị trường nước ngoài, trước hết là thị trường lúa gạo và nguyên liệu cao su. Chính vì thế, ngay sau chiến tranh thế giới I, giao thông tiếp tục được mở rộng để phục vụ cho hoạt động thương mại đó.
Về chính trị, tình hình chính trị của Việt Nam nhìn chung “ổn định” với chính quyền thực dân và các nhà tư bản. Phong trào yêu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu tân tiến lần lượt bị thất bại. Dường như mọi “lộn xộn”, phản ứng của người “bản xứ” đều đã bị "dẹp yên”. Ở Bắc Kỳ vào năm 1923: Tình hình chính trị hiện nay rất tốt, với tất cả niềm tin, chúng ta có thể tiếp tục sự nghiệp tiên bộ và
khai hóa văn minh của mình bằng việc dựa vào sự khôn ngoan và tình trạng tinh thần hiện nay của người bản xứ [110].
Khi cả thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế những năm 1929 đến 1933 khiến cho Việt Nam cũng cũng bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới. Giá lúa gạo của Việt Nam bị sụt giá thê thảm. Năm 1929, giá 1 tạ gạo hơn 11 đồng thì đến năm 1933 giảm còn 3 đồng. Đời sống người nông dân ngày càng cơ cực, bần cùng hơn. Công thương nghiệp thì đình đốn, các công ty khai khoáng bị phá sản, giải thể và sáp nhập rất nhiều. Hàng hóa ứ động không thể giao dịch mua bán với các nước. Trước tình hình đó, chính quyền thực dân Pháp đã thực thi một loạt các biện pháp kinh tế-tài chính. Tư bản Pháp cho rút vốn đầu tư về Pháp, đặc biệt là Ngân hàng Đông Dương. Đây chính là một đòn nặng nề, bóp nghẹt huyết mạch của nền kinh tế Đông Dương, khiến cho nó ngay sau đó rơi vào tình trạng suy sụp và rối loạn. Song song đó, Chính quyền thực dân Pháp còn sử dụng ngân sách của Chính quyền Liên bang Đông Dương để trợ cấp cho các công ty, xí nghiệp của Pháp quốc đang làm ăn mua, bán tại đây, nhằm giúp các công ty, xí nghiệp này cầm cự, vượt qua cơn khó khăn, khủng hoảng. Trong khi đó, hàng trăm doanh nghiệp khác của tư sản Việt Nam, Hoa kiều và của cả người Pháp, trong đó có những doanh nghiệp vận tải, làm thầu khoán đã không được chính quyền thực dân hỗ trợ, đều phải tự vật lộn trong cơn khủng hoảng.
Từ năm 1935 trở đi, với nỗ lực của chính quyền thực dân, nền kinh tế Việt Nam về cơ bản đã phục hồi trở lại nhưng còn rất chậm. Ruộng đất bị hoang hóa trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đã được khai thác trở lại. Năm 1936, Thống sứ Bắc Kỳ ra Nghị định cấp ruộng cho những công dân Pháp làm đơn xin khẩn hoang với diện tích dưới 500 ha. Tính đến năm 1937, Việt Nam có 902 đồn điền. Về công nghiệp, ngành khai thác mỏ, đặc biệt là mỏ than được phục hồi trở lại. Tổng sản lượng than đá khai thác được từ năm (1936-1939) là 9,344 triệu tấn, tăng gấp 1,5 lần trước thời kỳ khủng hoảng kinh tế xảy ra. Ngoài ngành khai thác mỏ, thì các ngành công nghiệp khác như: thiếc, vàng, bạc, đồng; các ngành công nghiệp dệt may, vải sợi, công nghiệp nấu rượu, chế biến thực phẩm, xây dựng... cũng có dấu hiệu phục hồi nhưng đều vẫn còn rất khó khăn, chủ yếu do thiếu vốn đầu tư. Thương mại bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại. Mua bán giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á và khu vực Đông Bắc Á được mở rộng. Thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống xuất khẩu gạo, cá khô, nguyên liệu thuốc đông y,... và ngược lại nhập khẩu các mặt hàng máy móc, sản phẩm tiêu dùng để phục vụ cho cuộc sống và phát triển kinh tế của người dân.
Sự tăng trưởng này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn rồi lại bị đình đốn, ngưng trệ khi thuộc địa Đông Dương rơi vào vòng xoáy của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra từ năm 1939 đến 1945. Mặc dù trong suốt những năm đầu của cuộc chiến, Việt Nam không phải là chiến trường nhưng không vì thế mà nhân dân Việt Nam không phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc của chiến cuộc. Khi Jean Decoux được cử sang làm Toàn quyền Đông Dương, ông liền thực hiện ngay chính sách vơ vét nhằm huy động tối đa các nguồn lực tại thuộc địa, phục vụ cho chính quốc Pháp. Tiếp theo đó, phát xít Nhật đến xâm lược Việt Nam. Kể từ thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam có thêm sự chỉ huy của phát xít Nhật. Dưới sức ép của phát xít Nhật, Chính quyền Liên bang Đông Dương đã tạo điều kiện để các công ty Nhật được vào làm ăn kinh doanh tại thuộc địa. Các công ty này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khai thác khoảng sản để phục vụ cho nhu cầu chiến tranh của nước Nhật. Về thương mại, dịch vụ, trong giai đoạn này ghi nhận sự xuất siêu kỉ lục của thuộc địa Đông Dương trong thời Pháp thuộc. Sở dĩ có tình trạng này là vì Nhật Bản yêu cầu Chính quyền Liên bang Đông Dương phải để 50% giá trị nhập khẩu và 15% giá trị xuất khẩu của thuộc địa Đông Dương cho các công ty thương mại của Nhật phụ trách. Vì vậy, hầu như toàn bộ hàng xuất khẩu chính của thuộc địa Đông Dương trong hai năm 1942 và 1943 như: gạo, cao su, than đá, sắt, thép, xi măng,... đều được xuất cảng sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, Nhật Bản còn cưỡng ép thực dân Pháp phải cho mình mua thêm nhiều sản phẩm khác tại Đông Dương, như: mangan, apatit, crom, thiếc, đồng, chì, cà phê,... với giá rẻ so với giá trên thị trường thế giới. Mặc dù xuất siêu, nhưng tình hình kinh tế của Việt Nam lại hết sức kiệt quệ. Do đó, Việt Nam không còn đủ tài chính để chi trả cho các hoạt động kinh tế, trong đó có xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải.
Về tình hình chính trị, trong những năm 1920, thực dân Pháp đã tiến hành một số cải cách nhằm đối phó với những biến động đang diễn ra trong xã hội Việt Nam. Mục tiêu của cuộc cải cách này là mở rộng cơ sở xã hội của thực dân Pháp, nhưng không đụng chạm tới nền tảng thống trị ở thuộc địa. Xuất phát từ đó, Pháp kiên trì đường lối nhượng bộ đối với các giai cấp có của, đồng thời tăng cường đàn áp chống lại quần chúng lao động. Điểm đáng chú ý trong tình hình chính trị ở Việt Nam là sau chiến tranh, thông qua hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc và nhiều người Việt Nam yêu nước khác, các sách báo cách mạng đã bắt đầu được truyền bá vào trong nước. Các tờ báo Người cùng khổ, Việt Nam hồn… cũng như các tác phẩm của chủ nghĩa Mác-Lê nin đã lọt qua lưới sắt của thực dân Pháp đến với giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lê nin đã thôi thúc, lôi
cuốn công nhân Việt Nam vùng dậy đấu tranh, trước hết là chĩa mũi nhọn vào bọn tư bản thực dân Pháp. Phong trào dâng lên sôi nổi và phát triển đến đỉnh cao vào những năm 1925-1926. Từ trong cao trào đấu tranh yêu nước ấy đã dần dần xuất hiện các tổ chức tiến bộ và cách mạng, tiêu biểu nhất là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên,
Tân Việt Cách mạng Đảng và Việt Nam Quốc dân Đảng. Sự ra đời của các tổ chức cách mạng này đánh dấu bước tiến mới của phong trào dân tộc, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy công cuộc giải phóng đất nước tiếp tục tiến lên. Từ khoảng giữa năm 1929 trở đi không khí đấu tranh của các tầng lớp dân chúng ngày càng trở nên sôi sục. Theo thống kê của Nha Tổng thanh tra lao động Đông Dương thì từ tháng 4 năm 1929 đến tháng 4 năm 1930 có tổng số 43 cuộc bãi công của công nhân, trong đó riêng Bắc Kỳ đã nổ ra tới 22 cuộc. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra một giai đoạn phát triển mới, tạo tiền đề thiết yếu cho bước nhảy vọt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Khoảng thời gian từ 1936 đến 1939 là một thời kỳ lịch sử rất đặc biệt của lịch sử cận đại Việt Nam, trong đó đã diễn ra một cuộc vận động vô cùng rộng lớn và mạnh mẽ vì các quyền dân sinh, dân chủ với sự tham gia của hàng triệu quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặc dù trong suốt những năm đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam không phải là nơi đối đầu trực tiếp giữa các bên tham chiến, nhưng không vì thế mà nhân dân Việt Nam không phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc của chiến cuộc. Thông qua chính sách vơ vét, bóc lột tàn bạo, phát-xít Nhật và thực dân Pháp đã tìm cách trút mọi gánh nặng của hậu quả chiến tranh lên đầu nhân dân bản xứ. Cuối năm 1944, sang đầu năm 1945, khi nhiệt độ ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ thường xuyên xuống tới mức dưới 10oC, cá biệt xuống tới 6oC, đó là lúc mà hàng triệu nông dân đói rách tả tơi bị chết rét và chết đói. Do đó, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị ngoại bang và lật đổ chế độ quân chủ mục nát đã trở thành mục tiêu thôi thúc nhân dân Việt Nam nhất tề đứng lên.
Nhìn chung, trong giai đoạn 1919 - 1945, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động. Tất cả những diễn biến thăng trầm đó đã tác động đa chiều đến hoạt động kinh tế - xã hội của Bắc Kỳ nói chung và vùng Đông Bắc nói riêng, trong đó có giao thông đường bộ.
3.2. Bước phát triển của hệ thống giao thông đường thuộc địa ở vùng Đông Bắc ViệtNam (1919 - 1945)