7. Bố cục của luận án
2.1.1. Bối cảnh quốc tế và khu vực
vực Bối cảnh quốc tế
Bước sang thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản phát triển với tốc độ nhanh chóng. Trong công nghiệp, các công xưởng và nhà máy lớn được thiết bị những máy móc hiện đại, phức tạp đã thay thế cho các công trường thủ công. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dẫn tiến tới toàn thắng và giữ địa vị thống trị trên thế giới. Đặc biệt, ba mươi năm cuối thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản chuyển từ cạnh tranh tự do sang giai đoạn độc quyền, dưới tác động trực tiếp của cách mạng công nghiệp lần thứ hai, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở châu Âu và Bắc Mỹ tăng trưởng với tốc độ chưa từng có. Từ năm 1870 đến năm 1900, sản xuất thép tăng từ 250.000 tấn lên tới 28,3 triệu tấn; sắt tăng từ 14 triệu tấn lên 41 triệu tấn. Số lượng máy móc năm 1914 so với những năm 70 của thế kỷ XIX đã tăng gấp 5,5 lần. Trên đà đó, tới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc đã hình thành. Do lượng của cải vật chất được tạo ra trong sản xuất ngày càng nhiều, quy mô sản xuất được mở rộng. Nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, đặt ra yêu cầu bức thiết về về nguyên liệu, thị trường và nhân công: “Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản xâm lấn khắp toàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi” [6; tr.78]. Cùng với việc xuất hiện các tổ chức độc quyền trong công nghiệp và trong ngân hàng, tư bản tài chính xuất hiện. Với lượng tư bản thừa tương đối ở các nước đế quốc khiến cho xuất khẩu tư bản trở thành nhu cầu tất yếu. Đồng thời, để tăng cường thế lực và phạm vi ảnh hưởng, các nước tư bản phương Tây ồ ạt tiến hành xâm chiếm các quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước phương Đông, biến các quốc gia này thành thuộc địa.
Cuộc chạy đua xâm lược thuộc địa giữa các nước đế quốc diễn ra căng thẳng trong suốt cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đến năm 1914, về cơ bản, các nước đế quốc đã hoàn thành công cuộc xâm lược thuộc địa. Nhưng đó là sự phân chia rất không công bằng, và hệ quả tất yếu là Chiến thế giới thứ nhất (1914 - 1918) bùng nổ. Về thực chất chỉ là một cuộc chiến tranh phân chia thế lực, khu vực ảnh hưởng và
thuộc địa giữa các cường quốc đế quốc. Chiến tranh đã kết thúc, nhưng hậu quả của nó để lại cho nhân loại hết sức nặng nề. Khoảng 10 triệu người chết và 20 triệu người tàn phế do chiến tranh. Các khoản chi trực tiếp về quân sự của các nước tham chiến đã lên tới 200 tỷ đô la. Chiến tranh đã tàn phá hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp, đường giao thông, nhà cửa, trường học, đồng thời đẩy nhiều nước tư bản vào tình trạng suy kiệt về tài chính, trong đó có nước Pháp.
Tình hình khu vực Đông Nam Á
Khi cơn sốt thuộc địa đã bùng lên ở khắp các nước tư bản Âu - Mỹ, Đông Nam Á - khu vực giàu tài nguyên, nguyên liệu bậc nhất thế giới, đã kích thích sự thèm khát của các nước tư bản phương Tây và trở thành đối tượng xâm lược của chúng. Cùng với đó, tình trạng suy yếu về mọi mặt của các nước trong khu vực thời kỳ này là điều kiện thuận lợi cho tư bản phương Tây bành trướng thuộc địa. Và cũng từ đó, cuộc chạy đua để tranh giành ảnh hưởng ở đây diễn ra một cách quyết liệt. Ngay từ cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI, thực dân phương Tây đã bắt đầu quá trình xâm nhập. Cho đến cuối thế kỷ XIX, các nước Đông Nam Á từ chế độ phong kiến hoặc tiền phong kiến đều lần lượt trở thành thuộc địa hoặc nửa thuộc địa của thực dân phương Tây. Indonesia đất nước của 3000 hòn đảo, sau những trận chiến đấu quyết liệt chống lại sự xâm lăng của tư bản Hà Lan trong thế kỷ XVII, cuối cùng vẫn không giữ được nền độc lập, bị Hà Lan độc chiếm, thành lập Đông Ấn Độ thuộc Hà Lan. Đến trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, Myanmar cùng toàn bộ vùng lãnh thổ ngày nay của Malaysia, Singapore, Brunei đã rơi vào tay thực dân Anh. Hoa Kỳ cũng được chiếm quần đảo Philippines từ tay Tây Ban Nha. Riêng bán đảo Đông Dương đã bị Pháp chiếm trọn. Duy chỉ có Xiêm không bị thôn tính nhưng vẫn phải ký với Anh, Pháp và các nước tư bản khác những hiệp ước bất bình đẳng.
Song song với việc bành trướng lãnh thổ, chủ nghĩa tư bản không ngừng thâm nhập, thâu tóm kinh tế thuộc địa trên toàn cầu: đầu tư, khai thác, mở cửa buôn bán; qua đó chuyển lợi tức, nguyên liệu, phẩm vật cần thiết từ thuộc địa về làm giàu chính quốc. Các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam, trở thành thị trường rộng lớn của chủ nghĩa tư bản, bị cuốn vào quá trình trao đổi buôn bán giữa hai phần thế giới, hoàn toàn chịu sự chi phối bởi thế lực và mục đích của các nước thực dân.