7. Bố cục của luận án
1.1.2. Nhóm các công trình nghiên cứu về Bắc Kỳ
Những nghiên cứu của các tác giả nước ngoài
Cuốn “Xứ Bắc Kỳ ngày nay” của Henri Cucherousset (1924), bản dịch tiếng Việt của Trần Văn Quang, đã trình bày sơ lược tình hình Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX. Vấn đề về tình hình giao thông, phương tiện và cách thức đi lại của cư dân Bắc Kỳ nói chung và cư dân miền thượng du Bắc Kỳ nói riêng được đề cập đến trong chương 2: Quốc dân ngày một thêm sung túc, chương 6: Về những cách vận tải và chương 14: Về giao thông đường bộ. Theo tác giả Henri Cucherousse, trước khi thực dân Pháp đặt nền bảo hộ việc đi lại hạn chế, nhất là giữa vùng trung du và thượng du vì không có đường, hoặc đường có nhưng khó di chuyển, vận tải do là đường đất và đường rất hẹp. Sau đó đường sá được mở rộng, lát đá. Về đường giao thông ở khu vực thượng du, tác giả trình bày các tuyến đường đã và đang được Pháp làm là đường lên Cao Bằng qua Lạng Sơn, Na Chàm và Thất Khê; đường thông suốt Bắc Kạn, đi qua Thái Nguyên; đường từ Lạng Sơn đi Tiên Yên; từ Tuyên Quang đến Hà Giang. Phương tiện đi lại của cư dân là ô tô và xe đạp, xe bò. Các phương tiện vận tải thay đổi góp phần phát triển việc buôn bán và đời sống của nhân dân [7].
Công trình “Une histoire économique du Viet Nam, 1850 - 2007. La palanche et le camion” của P.Brocheux đã phân tích và làm sáng tỏ những biến đổi của các yếu tố kinh tế và mối liên hệ giữa các yếu tố đó trong nền kinh tế Việt Nam từ năm 1850 đến năm 2007 dưới sự tác động đầu tư của người Pháp vào Việt Nam (một quốc gia nông nghiệp và ít hướng ra thế giới bên ngoài), trong đó có giao thông vận tải. Tác giả cho rằng người Pháp xem giao thông là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng để có thể khai thác thuộc địa một cách triệt để nhất. Công trình giúp luận án có cái nhìn tổng thể về tình hình giao thông trong bức tranh cơ cấu kinh tế, dân số, hệ thống sản xuất và mạng lưới thương mại truyền thống [140].
Những nghiên cứu của các tác giả trong nước
Sách “Hoàng Việt nhất thống dư địa Chí” (1806), do Lê Quang Định biên soạn, được Phan Đăng dịch và xuất bản vào năm 2003. Đây là bộ địa chí đầu tiên của
nhà
Nguyễn, ghi chép một cách tường tận về hệ thống giao thông của nước ta vào đầu thế kỷ XIX. Bộ sách gồm 10 quyển, ghi chép đầy đủ, chính xác về đường đi, các dịch
trạm, các địa danh, sông núi, khe suối, ngòi rạch, cửa biển, kèm theo lời chú giải mặt mạnh mặt yếu, chỗ hiểm, chỗ thuận lợi của từng địa phương rất cụ thể [12].
Tác giả Ngô Văn Hoà, Dương Kinh Quốc trong cuốn “Giai cấp công nhân Việt Nam những năm trước khi thành lập Đảng” (1978), khi trình bày về lịch sử hình thành, phát triển và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt nam trước năm 1930 đã đề cập tới bộ phận công nhân Việt Nam làm việc ở các công trường xây dựng đường giao thông. Thời đó, họ được gọi là công nhân giao thông công chính, hầu hết là các phu bắt ở các địa phương, trả theo công nhật rẻ mạt [19]
Luận án tiến sĩ “Nội thương Bắc Kỳ thời kỳ 1919 - 1939”, bảo vệ năm 2002 tại Viện Sử học của tác giả Vũ Thị Minh Hương đã trình bày về những yếu tố tác động đến nội thương Bắc Kỳ 1919 - 1939; thực trạng nội thương ở Bắc kỳ giai đoạn này và hệ thống giao thông, các phương tiện chuyên chở hàng hoá phục vụ nội thương ở Bắc Kỳ, trong đó có hệ thống giao thông ở các tỉnh miền núi vùng Đông Bắc. Tác giả dành chương 3 để trình bày về hệ thống giao thông và các phương tiện chuyên chở hàng hóa ở Bắc Kỳ. Với nguồn tài liệu lưu trữ phong phú, tác giả nhận định sự phát triển, cải thiện các phương tiện giao thông vận tải là một trong những biến đổi lớn trong xã hội Việt Nam, góp phần thúc đẩy hoạt động trao đổi, giao lưu, buôn bán hàng hóa giữa các tỉnh thành phố ở Bắc Kỳ, thúc đẩy nội thương phát triển. Loại hình giao thông phục vụ trực tiếp cho nội thương gồm đường sắt, đường sông, đường biển và đường bộ. Trong đó, đường bộ có sự phát triển mạnh mẽ thể hiện ở mạng lưới được mở rộng, số lượng phương tiện tăng, loại hình phương tiện phong phú (xuất hiện tàu điện ở các đô thị lớn), nhiều hãng vận tải ô tô ra đời. Nhờ đó, kinh tế Bắc Kỳ phát triển về cả tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, nội thương và ngoại thương [21].
Trong cuốn “Chế độ thuế của thực dân Pháp ở Bắc Kỳ từ 1897 đến 1945”
(2004), tác giả Hồ Tuấn Dung trình bày một cách có hệ thống toàn bộ chính sách thuế mà nhà nước thực dân đã ban hành và thực thi trên địa bàn Bắc kỳ từ năm 1897 bắt đầu chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất đến năm 1945. Qua đó, chúng ta có thể khai thác nội dung về việc thu thuế từ lĩnh vực giao thông vận tải [10]
Về địa chí các địa phương, có Địa chí Lạng Sơn (Nxb Chính trị Quốc gia, 1999), Địa chí Quảng Ninh (3 tập, Nxb Thế giới, 2003), Địa chí các xã tỉnh Cao Bằng (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2006), Địa chí Thái Nguyên (Nxb Chính trị Quốc gia, 2009), Địa chí Vĩnh Phúc (Nxb Khoa học Xã hội, 2012), Địa chí Tuyên Quang (Nxb Chính trị Quốc gia, 2015)... Các cuốn địa chí đã tổng kết và giới thiệu một cách khoa học, đầy đủ về vị trí địa lý, diên cách, đất đai, núi sông, khí hậu, tài
nguyên, sản vật, dân cư, dân tộc, phong tục, tín ngưỡng, lịch sử, văn hóa, kinh tế xã hội... của từng địa phương, trong chừng mực nhất định có đề cập đến tình hình giao thôn vận tải tại địa phương. Ví dụ như trong “Địa chí Lạng Sơn” (1999) có đề cập tới sự kiện năm 1885, Pháp mở đường quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn, việc dân phu làm đường trên đường bộ 1A bỏ trốn [50].
Về lịch sử đảng bộ, hiện nay các tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và nhiều xã vùng Đông Bắc đã có lịch sử đảng bộ của địa phương mình. Mặc dù, các cuốn sách tập trung chủ yếu viết về lịch sử hình thành, phát triển và sự chỉ đạo, truyền thống đấu tranh cách mạng của đảng bộ địa phương nhưng tất cả đều có chương khái quát giới thiệu về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, diên cách, dân cư, phong tục tập quán... của đơn vị. Có thể kể đến một số cuốn lịch sử đảng bộ như: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (1985), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Giang (1995), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, tập I (2000), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940 - 1975) (2000), Lịch sử Đảng bộ Thái Nguyên tập I (1936 - 1965) (2003), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2000) (2003)... Các cuốn sách này là tài liệu bổ trợ để nghiên cứu về lịch sử xã hội các địa phương vùng Đông Bắc trên nhiều phương diện trong đó có một phần về sự tác động của hệ thống giao thông đến kinh tế Bắc Kỳ thời thuộc Pháp.
Bên cạnh dó, các nghiên cứu về lịch sử một số tỉnh cũng đề cập đến giao thông ở mức độ nhất định. Đáng kể có cuốn “Thị xã Lạng Sơn xưa và nay” xuất bản năm 1990, khi trình bày về lịch sử của thị xã Lạng Sơn đã đề cập tới những tình hình chính trị, quân sự diễn ra trên tuyến đường 1A (đoạn qua thị xã Lạng Sơn) [49]. Cuốn “Lịch sử tỉnh Cao Bằng” (2009) trình bày về điều kiện tự nhiên, lịch sử chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh từ thời tiền và sơ sử cho đến năm 2009. Trong đó, có nêu khái quát về chế độ phu phen, tạp dịch của Pháp và nỗi khổ chủa người đi phu làm đường. Để xây dựng đường giao thông, Pháp huy động rất nhiều sức lao động của nhân dân. Những người đi phu không những phải tự túc lương thực, làm không công mà còn thường xuyên bị cai, ký đánh đập [46].
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về Bắc Kỳ trong thời thuộc Pháp của các tác giả đã cung cấp một số thông tin về địa lý, thổ nhưỡng, dân cư và đời sống xã hội của vùng đất. Thông tin từ các công trình nghiên cứu này giúp cho tác giả luận án hiểu rõ hơn về các điều kiện tự nhiên, tình hình chính trị - xã hội của vùng Đông Bắc mà thực dân Pháp đã tận dụng, khắc phục trong việc hình thành và phát triển hệ thống giao thông đường bộ thuộc địa ở vùng Đông Bắc.