Quan niệm về chiến tranh thương mại và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (Trang 35 - 38)

Có rất nhiều tác giả nghiên cứu các cuộc chiến tranh thương mại song không có định nghĩa chính thức về chiến tranh thương mại. Dưới đây là một số quan niệm về chiến tranh thương mại.

Theo tác giả Nguyễn Lê Đình Quý (2018), chiến tranh thương mại hay còn gọi là chiến tranh mậu dịch là hiện tượng trong đó hai hay nhiều quốc gia tạo ra thuế hoặc các loại rào cản thương mại với nhau nhằm đáp trả những rào cản thương mại của

các nước đối lập. Rào cản thương mại bao gồm: Giấy phép xuất nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, viện trợ đối với các ngành sản xuất trong nước/ nội địa, hạn chế nhập khẩu tự nguyện, yêu cầu khắt khe đối với hàng hoá nhập vào nội địa, lệnh cấm vận, hạn chế thương mại, và sự mất giá tiền tệ.

Theo Business Dictionary, chiến tranh thương mại là chiến tranh giữa hai hay nhiều quốc gia về thuế quan thương mại với nhau. Loại chiến tranh này thường phát sinh do các quốc gia liên quan đang cố gắng cải thiện nhập khẩu hoặc xuất khẩu của quốc gia mình. Chiến tranh thương mại có tiềm năng tăng chi phí nhập khẩu nhất định nếu các quốc gia liên quan từ chối thoả hiệp.

Theo BBC, chiến tranh thương mại là khi một quốc gia áp đặt thuế quan hoặc hạn ngạch lên hàng hoá nhập khẩu và các nước đối tác trả đũa bằng các hình thức bảo hộ thương mại tương tự. Chiến tranh thương mại leo thang sẽ làm giảm thương mại quốc tế.

Theo Investopedia, chiến tranh thương mại là một tác dụng phụ của chủ nghĩa bảo hộ xảy ra khi một quốc gia (Quốc gia A) tăng thuế nhập khẩu của quốc gia khác (Quốc gia B) để đáp trả cho Quốc gia B tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Quốc gia A. Thuế quan là thuế áp dụng đối với hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu. Theo các tác giá Mandel và Anderson (2018), chiến tranh thương mại khác các việc bảo hộ thương mại thuần tuý ở sự leo thang mạnh mẽ và gay gắt trong các rào cản thương mại.

Tuy có nhiều quan niệm khác biệt, nhưng có thể rút ra một số đặc điểm chính của chiến tranh thương mại là: (i) Có sự cạnh tranh trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia; (ii) Biện pháp chính được sử dụng trong chiến tranh thương mại là sự gia tăng thuế quan trên diện rộng; (iii) Có thể dẫn đến sự leo thang của hàng rào phi thuế quan; (iv) Có sự đáp trả giữa các bên; (v) Có nguy cơ leo thang thành các cuộc chiến khác.

Chiến tranh thương mại thường có nguyên nhân chính từ các cạnh tranh về lợi ích trong thương mại giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại cũng có thể chỉ là hình thức của nhiều mâu thuẫn hay cạnh tranh lợi ích khác nữa giữa các quốc gia trong cuộc. Nhưng về bản chất, có 2 loại nguyên nhân chính của chiến tranh

thương mại là nguyên nhân xuất phát từ cạnh tranh lợi ích trong thương mại và các nguyên nhân phi thương mại khác.

Thứ nhất, nguyên nhân từ cạnh tranh lợi ích trong thương mại:

Phần lớn các cuộc chiến tranh thương mại bắt nguồn từ vệc gia tăng các hình thức bảo hộ thương mại xuất phát từ cạnh tranh lợi ích trong thương mại giữa các quốc gia. Trong thời đại mới, khi quá trình toàn cầu hoá diễn ra nhanh chóng, các quốc gia có độ mở kinh tế ngày càng cao và xu hướng tự do thương mại diễn ra trên diện rộng, việc cạnh tranh trên thị trường không còn là việc cạnh tranh giữa hai hay nhiều doanh nghiệp trong nước, mà nó trở thành cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau và thậm chí là cạnh tranh giữa các quốc gia với nhau. Khi một hoặc một vài quốc gia cảm thấy bị “thiệt thòi” hơn các nước đối tác, họ sẽ tìm cách để phòng vệ và giảm thiệt hại cho mình bằng các hình thức bảo hộ thương mại.

Bảo hộ thương mại được hiểu là việc áp đặt một số tiêu chuẩn hay áp đặt thuế cao đối với một số mặt hàng nhập khẩu nào đó để bảo về ngành sản xuất trong nước và giảm cạnh tranh. Lý do mà các nước cảm thấy thua thiệt thường là họ chịu nhập siêu nhiều từ đối tác hoặc họ cảm thấy cần bảo vệ nền sản xuất non trẻ trong nước trước áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Khi một quốc gia tạo ra những rào cản thương mại để bảo hộ nền sản xuất trong nước, các quốc gia đối tác thường có động thái đáp trả bằng việc tạo ra các rào cản thương mại tương tự cho các hàng hoá nhập khẩu vào nước họ. Khi các hàng rào này liên tục được dựng nên thì nó tạo ra chiến tranh thương mại.

Thứ hai, những nguyên nhân phi thương mại khác:

Trong một số trường hợp, bên cạnh nguyên nhân từ việc cạnh tranh lợi ích trong thương mại, chiến tranh thương mại có thể là hệ quả của những bất đồng lợi ích sâu xa hơn giữa hai quốc gia với nguyên nhân tương tự như các cuộc chiến tranh dùng vũ lực hay chiến tranh lạnh khác.

Lịch sử cho thấy quan hệ quốc tế và lợi ích giữa các quốc gia luôn là một vấn đề phức tạp. Việc cạnh tranh lợi ích giữa các nước hoặc cạnh tranh tầm ảnh hưởng với nhau là điều không thể tránh khỏi. Và khi những cạnh tranh lợi ích này ngày càng

lớn và cần được giải quyết, nó có thể biểu hiện ra dưới hình thức của cuộc chiến thương mại – một dạng chiến tranh không súng đạn nhưng có cùng những nguyên nhân sâu xa với các cuộc chiến tranh thông thường trong lịch sử là bất đồng lợi ích giữa các quốc gia. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến chiến tranh thương mại bao gồm:

Nguyên nhân chính trị trong nước: đây là nguyên nhân khá phổ biến trong các cuộc chiến tranh thương mại đã diễn ra trong lịch sử, nhất là khi phía Mỹ tham gia. Bản chất là các chính trị gia tìm cách “đánh bóng” hình ảnh của mình bằng cách nêu cao khẩu hiệu tranh cử, hoặc giành lấy sự ủng hộ của một nhóm cử tri trong nước bằng cách đưa ra các chính sách kinh tế mang lại lợi ích cho nhóm cử tri đó. Đặc biệt, dưới tác động của thương mại quốc tế, mỗi quốc gia sẽ có những ngành hưởng lợi và những ngành bị thu hẹp, do đó, trong các chiến dịch tranh cử, các chính trị gia thường “hứa hẹn” sẽ bảo hộ những ngành bị thu hẹp để tranh thủ phiếu bầu. Điều đó cũng ảnh hưởng tới phản ứng của phía đối địch khi áp dụng các biện pháp trả đũa này có thể nhằm vào một ngành hay nhóm ngành nhất định nhằm mục đích tác động lên một nhóm cử tri, gián tiếp gây áp lực lên Chính phủ của quốc gia đối địch.

Nguyên nhân chính trị quốc tế: xuất phát từ cạnh tranh địa chính trị chiến lược mà các nước, thường là các nước lớn, tiến hành chiến tranh thương mại, qua đó làm giảm tiềm lực kinh tế, giảm sức mạnh và ảnh hưởng chính trị, gây chia sẽ nội bộ của quốc gia đối thủ. Những nguyên nhân sâu xa có thể là lo ngại về tầm ảnh hưởng quốc tế của mình, về vấn đề công nghệ, về nguy cơ mất an ninh quốc phòng…

Một phần của tài liệu Thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (Trang 35 - 38)