1.2.2.1 Tác động thông qua kênh thương mại
Chiến tranh thương mại tạo ra hiệu ứng chuyển dịch thương mại do dịch chuyển dòng thương mại từ quốc gia phải chịu thuế sang quốc gia không chịu thuế. Do đó, chiến tranh thương mại làm giảm hấp dẫn trong thu hút FDI tại các quốc gia trong cuộc chiến.
Đối với dòng vốn FDI thay thế thương mại đến từ các công ty FDI tìm kiếm thị trường, mục địch chính là tìm thị trường rộng lớn cho sản phẩm đầu ra của họ, tuy nhiên “thị trường” không phải yếu tố duy nhất. Các doanh nghiệp FDI này cũng tính
đến các yếu tố hiệu quả trong đầu tư, họ sẽ cân nhắc lựa chọn quốc gia nào đem đến cho họ một thị trường rộng lớn và đồng thời họ có thể tự do nhập các linh kiện hoặc bán thành phẩm về để sản xuất hàng hoá của mình. Trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay, một sản phẩm mang mác “Made in XX” nhưng thường sẽ có thành phần từ nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, một quốc gia đang trọng giai đoạn chiến tranh thương mại sẽ khiến chi phí nhập khẩu các linh kiện tăng lên khiến cho sản xuất của các công ty tìm kiếm thị trường gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khi các công ty trong nước không xuất khẩu được hàng ra nước ngoài do gặp rào cản bảo hộ, họ sẽ chuyển hướng vào thị trường trong nước, điều này cũng gián tiếp làm cho mức độ cạnh tranh trên thị trường nội địa tăng lên và doanh nghiệp FDI sẽ vất vả hơn để trụ lại trong thị trường này. Điều này có thể dẫn đến xu hướng chuyển dịch đầu tư của FDI sang các thị trường khác tiềm năng hơn và không chịu rào cản thuế cao.
Đối với dòng vốn FDI bổ sung cho thương mại đến từ các công ty tìm kiếm hiệu quả. Các công ty này không chỉ tìm nơi sản xuất hàng hoá của mình với chi phí thấp mà còn tìm nơi để xuất khẩu sản phẩm của mình sang nước thứ ba thuận lợi và xu hướng dòng vốn FDI bổ sung cho thương mại này ngày càng nhiều. Với mục tiêu như vậy, một cuộc chiến thương mại sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho công ty khi làm tăng chi phí đầu ra cho hàng xuất khẩu với một mức thuế cao. Những công ty này sẽ tìm tới nơi hàng hoá của mình có thể được tự do lưu thông sang nước thứ ba mà không gặp phải những rào cản thương mại đáng kể. Vì vậy, nếu công ty đang ở trong giai đoạn thăm dò và tìm kiếm nơi sản xuất, họ sẽ tìm tới một lựa chọn khác. Với những công ty đã và đang sản xuất, khi mức thuế tăng lên đến một mức nhất định, chi phí xuất khẩu tăng cao hơn chi phí đầu tư cho máy móc nhà xưởng mới, họ sẽ tìm cách dịch chuyển sản xuất sang nước khác hoặc trì hoãn không gia tăng đầu tư. Đặc biệt, dòng vốn FDI sẽ có xu hướng chuyển dịch sang các quốc gia có chi phí sản xuất thấp, có lợi thế so sánh trong lĩnh vực đó.
Chiến tranh thương mại gây suy giảm thương mại toàn cầu, dẫn đến suy giảm đầu tư. Nếu tự do thương mại có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế thì chiến tranh thương mại dựng nên các hàng rào thuế quan và làm hạn chế tự do thương mại. Điều này đồng nghĩa với tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế dẫn đến suy giảm
đầu tư. Khi chiến tranh thương mại xảy ra, hạn chế thương mại giữa một vài quốc gia gây ra đổ vỡ một vào mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế của những quốc gia trong cuộc chiến mà còn gây hiệu ứng domino cho các nước khác trong cùng chuỗi giá trị. Điều này gây sụt giảm nhu cầu thương mại toàn cầu và có thể gây ra xu hướng hạn chế đầu tư ra nước ngoài trong khu vực và trên thế giới.
1.2.2.2 Tác động thông qua kênh tiền tệ, tỷ giá
Chiến tranh thương mại có thể là nguyên nhân hoặc hệ quả của chiến tranh tiền tệ. Việc các quốc gia tăng cường sử dụng những công cụ bảo hộ thương mại trong các cuộc chiến tranh thương mại sẽ làm giảm lượng hàng hoá xuất nhập khẩu giữa hai nước. Khi đó, để duy trì hoặc tăng kim ngạch xuất khẩu, các nước trong cuộc chiến có thể sử dụng công cụ tiền tệ, cụ thể hơn là phá giá đồng tiền của nước mình. Phá giá đồng nội tệ sẽ làm hàng hoá xuất khẩu của các quốc gia đó trở nên rẻ hơn và xuất khẩu được nhiều hơn, dù vẫn bị hạn chế bởi các công cụ bảo hộ thương mại.
Ngược lại, khi một nước phá giá đồng nội tệ sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt cán cân thương mại của quốc gia nhập khẩu nhiều từ nước phá giá đồng tiền đó. Tình trạng thâm hụt cán cân thương mại kéo dài có thể dẫn đến việc quốc gia bị thâm hụt tăng cường sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, là tiền đề dẫn đến chiến tranh thương mại.
Như vậy, chiến tranh tiền tệ vừa có thể là nguyên nhân, vừa có thể là công cụ của chiến tranh thương mại.
Tác động của tỷ giá đến khả năng thu hút dòng vốn FDI của các nước: Khi chiến tranh thương mại diễn ra, các quốc gia trong cuộc chiến có thể sử dụng biện pháp phá giá tiền tệ để duy trì lợi thế cho hàng xuất khẩu của mình, nhằm bù đắp phần thiệt hại do các biện pháp bảo hộ thương mại do nước còn lại gây ra. Đồng nội tệ có giá trị thấp sẽ khiến hàng hoá xuất khẩu của nước đó trở nên rẻ hơn và xuất khẩu được nhiều hàng hoá hơn. Việc một quốc gia phá giá đồng nội tệ sẽ gây hiệu ứng domino tới các quốc gia khác. Lý do là vì các quốc gia đều muốn duy trì và tăng kim ngạch xuất khẩu, nên sẽ phải kiểm soát giá hàng hoá của mình không đắt hơn các nước khác. Vì thế, các quốc gia khác ngoài cuộc chiến cũng có thể phải phá giá đồng tiền để duy trì
sức cạnh tranh co hàng xuất khẩu của quốc gia mình. Bên cạnh đó, nếu các quốc gia không phá giá đồng nội tệ theo, không chỉ kim ngạch xuất khẩu của nước đó giảm, mà kim ngạch nhập khẩu từ các nước đã phá giá cũng tăng theo, làm trầm trọng thêm tình trạnh thâm hụt cán cân thương mại quốc gia.
Tuy nhiên việc phá giá đồng nội tệ sẽ có cả tác động tích cực và tiêu cực đến khả năng thu hút dòng vốn FDI vào các quốc gia đó. Ở khía cạnh tích cực, các quốc gia có giá trị đồng nội tệ thấp sẽ có chi phí đầu tư, chi phí nhân công và chi phí sản xuất giảm so với các nước khác, nhớ đó làm tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư nước ngoài. Ở khía cạnh tiêu cực, việc tỷ giá của một nước biến động mạnh sẽ khiến việc dự đoán chi phí và lợi nhuận từ các khoản đầu tư trở nên không chính xác, cũng như khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại vì sự bất ổn của tỷ giá có thể làm giảm dòng vốn FDI vào quốc gia đó. Ước tính giá trị của đồng tiền có ảnh hưởng đến chi phí và lợi nhuận hoạt động dự kiến của các doanh nghiệp, vì thế, khi lựa chọn quốc gia để thực hiện đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp sẽ muốn tránh sự biến động của tỷ giá. Sự ổn định tỷ giá của một quốc gia đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có quan hệ tỷ lệ thuận với dòng vốn FDI vào quốc gia đó.
1.2.2.3 Tác động thông qua các kênh khác
Niềm tin tụt giảm và sự không chắc chắn trên thị trường làm giảm đầu tư nói chung và FDI nói riêng. Niềm tin có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động đầu tư. Các doanh nghiệp tiến hành đầu tư, mở rộng sản xuất khi họ cảm thấy lạc quan vào thị trường và tin tưởng vào khả năng sinh lời của sản xuất. Dưới góc độ đó, chiến tranh thương mại tạo nên sự bất ổn trong chính sách ngoại thương và trong quan hệ quốc tế gây ra tâm lý lo lăng cho các nhà đầu tư và sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Trong cuộc chiến thương mại, doanh nghiệp tại cac quốc gia trong cuộc chiến đều bị tổn thương do hàng rào thuế quan và phi thuế quan liên tục được dựng lên cùng với sự bất ổn trong chính sách thương mại giữa các nước này. Sự không ổn định này ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của công ty, vì thế, thông thường các doanh nghiệp sẽ có xu hướng tạm dừng hoặc trì hoãn các hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất để nghe ngóng thông tin. Nếu có xu hướng chuyển dịch dòng vốn, các
nhà đầu tư cũng thường thận trọng hơn để tìm kiếm điểm đến an toàn nằm ngoài vòng xoáy của cuộc chiến tranh. Do đó, hoạt động đầu tư có xu hướng bị hạn chế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại các nước nằm ngoài cuộc chiến đang có ý định tìm kiếm nơi đầu tư cũng thường có xu hướng trì hoãn lại để nghe ngóng thông tin và xem xét các quyết định. Trong bối cảnh thiếu tính ổn định như vậy, sự lo lắng của các nhà đầu tư và sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng khiến cho dòng vốn đầu tư tăng trường chậm lại và dè dặt hơn.
Chiến tranh thương mại giữa hai nước có thể lây lan sang các quốc gia khác. Điều này khiến quy mô của cuộc chiến mở rộng hơn làm dòng vốn đầu tư ra nước ngoài có sụt giảm do lo ngại ảnh hưởng của các hàng rào thuế quan và phi thuế quan này. Tuy các rào cản thương mại trong cuộc chiến thường chỉ áp dụng đối với một số quốc gia nhất định nhưng cũng không loại trừ khả năng các hàng hoá của nước thứ ba có nguồn gốc từ quốc gia trong cuộc chiến cũng bị áp thuế. Thậm chí, hàng rào thuế quan có thể lan sang các nước khác trong tính toán chính trị.
Ngược lạo, khi các hàng rào phi thuế quan được dựng lên để đáp trả thì phạm vi và đối tượng áp dụng sẽ rộng hơn nhiều so với các biện pháp phòng vệ thương mại truyền thống và những quốc gia bên ngoài cũng sẽ chịu tác động. Điều này dẫn đến khả năng hàng hoá của các nước có thể gặp khó khăn hơn trong quá trình trao đổi, thương mại khiến cho các nhà đầu tư lo ngại và dòng vốn FDI có thể giảm.