cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng làm xuất hiện không ít thách thức đối với việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Để tận dụng cơ
hội và vượt qua thách thức nhằm tăng cường thu hút vốn FDI, nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với 3 vấn đề lớn sau:
Thứ nhất, Khung chính sách thu hút FDI còn chưa đầy đủ, hoàn thiện
Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện và cải tiến thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư, tuy nhiên vẫn còn có nhiều vấn đề chưa rõ ràng, không thống nhất, và nhiều kẽ hở. Việc điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung văn bản pháp luật liên quan đến FDI tạo tâm lý e ngại của nhà đầu tư về môi trường đầu tư không ổn định của Việt Nam. Điều này được thể hiện qua các văn bản pháp luật liên tục được sửa đổi và bổ sung liên quan đến 300 loại giấy phép đầu tư ở Việt Nam; hay việc Luật Đầu tư nước ngoài 1987 được hình thành chỉ trong 9 tháng và sửa đổi hai lần trong 5 năm, tiếp đó các Luật thay thế được ban hành như Luật đầu tư nước ngoài, luật đầu tư năm 1996, 2000, 2005, 2014. Trung bình 4 năm lại có sự thay đổi hoặc điều chỉnh về luật đầu tư. Bên cạnh đó, sự không rõ ràng trong một số khái niệm, cụm từ giữa các văn bản luật khiến các nhà đầu tư lúng túng trong việc thực hiện. Các quy định và hướng dẫn của các cơ quan chức năng kém thống nhất, thậm chí chồng chéo, mẫu thuẫn trong thực thi; một số quy định pháp luật chỉ có tính định hướng, dẫn đến nhận thức và triển khác nhau... là kẽ hở để các doanh nghiệp lách luật, và đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự gia tăng của vấn nạn tham nhũng. Ngoài ra, theo các nhà đầu tư, chính sách FDI của Việt Nam vẫn tạo những rào cản bất hợp lý và gây khó khăn như các quy định về hạn chế ngành nghề cho phép FDI đầu tư, việc bổ sung danh mục FDI có điều kiện, áp đặt tỷ lệ xuất khẩu đối với doanh nghiệp FDI, nâng giá đất và giá đền bù giải tỏa…
Chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng có hiệu quả chưa cao. đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam thực chất ít về giá trị tuyệt đối, lại bị dàn trải nên hệ thống hạ tầng vẫn ở mức lạc hậu trong các nước Đông Nam Á. Theo Khảo sát của Ban Thư Ký Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016, có đến 87,8% doanh nghiệp nước ngoài đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ở mức kém và rất kém.
Chính sách liên quan đến xây dựng lực lượng lao động có trình độ và có quan hệ lao động tốt ở Việt Nam hiện nay mới chủ yếu tập trung ở chiều rộng. Từ Hiến pháp năm 1992, chiến lược phát triển giáo dục trong mọi giai đoạn đều khẳng định
“Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Chính sách phát triển giáo dục đã được thể chế bằng Luật Giáo dục 2005 và sửa đổi năm 2009, Luật Lao động 2012. Đầu tư cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo – dạy nghề ở Việt Nam tăng mạnh qua các năm. Tuy nhiên, hiệu quả chính sách phát triển nguồn nhân lực này vẫn bị đánh giá là vẫn không đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới và phát triển. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cải cách về giáo dục và đào tạo, nhưng nhìn chung chính sách phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam và chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ khu vực FDI mới chỉ tập trung theo chiều rộng và chưa chú trọng đến chiều sâu về chất lượng.
Chính sách tạo điều kiện cho quá trình tư nhân hóa đã được mở rộng, dần hoàn thiện nhưng Nhà nước vẫn muốn giữ quyền kiểm soát nên hiệu quả chính sách về tư nhân hóa chưa rõ ràng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sự kiểm soát của Nhà nước trong quá trình tư nhân hóa vẫn quá lớn, làm cản trở quá trình tư nhân hóa. Có khá nhiều trường hợp sau khi cổ phần hóa xong, Nhà nước vẫn nắm giữ đến trên 90% (như Lilama còn 98%, Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam 95,5%, Tổng công ty Xăng dầu 94,9%, Tổng Công ty Thép 93,9%, Cảng hàng không 92%...). Như vậy, về bản chất doanh nghiệp không có gì thay đổi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản các nhà đầu tư ngoại không muốn vào đầu tư.
Một số chính sách thương mại của Việt Nam vẫn thể hiện sự bảo hộ của mình đối với nền sản xuất. Việt Nam thực hiện cam kết tự do hóa thương mại theo hướng mở rộng quyền tham gia hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tự do hóa thuế quan và phi thuế quan, mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, trong các mối quan hệ tự do hóa thương mại mới, Việt Nam thể hiện sự thiếu chủ động, và không chuẩn bị kỹ lưỡng cho những thay đổi, cơ hội và thách thức mang lại từ các FTA. Cụ thể, Việt Nam xây dựng và sử dụng một số rào cản thương mại thuế quan và phi thuế quan như thuế tối huệ quốc, thuế phi tối huệ quốc, thuế quan ưu đãi phổ cập, giấy phép nhập khẩu, chỉ định đầu mối nhập khẩu và quản lý chuyên ngành,... nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng trong nước và bảo vệ môi trường. Sự chần chừ này của Việt Nam là mộ trong những yếu tố hạn chế dòng vốn FDI chảy vào.
Hỗ trợ tài chính và các ưu đãi tài chính đối với các doanh nghiệp FDI còn có những hạn chế nhất định. Một mặt, những chính sách quá cởi mở đối với doanh nghiệp FDI vô hình tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, một số ưu đãi chưa thực sự thỏa đáng và mang rủi ro cho nền kinh tế. Ví dụ, trong bối cảnh hiện tượng chuyển giá diễn ra tràn lan và khó kiểm soát, việc cho bãi bỏ thuế chuyển lợi nhuận về nước là chưa phù hợp. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi, tuy được rà soát một cách thường xuyên và sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn dàn trải, chưa tập trung đúng mức vào những ngành, lĩnh vực và địa bàn cần thu hút đầu tư. Cụ thể, chính sách ưu đãi đối với đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ chưa có sự khác biệt, đủ sức hấp dẫn so với các ngành khác; chính sách ưu đãi vào những địa bàn cần thu hút đầu tư còn dàn trải giữa các địa bàn khác trong cả nước hoặc có khác thì cũng chưa nổi trội, chưa có tính đột phá. Một số quy định về ưu đãi quá hở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI lợi dụng như các ưu đãi về đất đai, về vay vốn, hay thủ tục xuất nhập khẩu, ... Bên cạnh đó là sự chạy đua về ưu đãi thu hút FDI giữa các địa phương gây tổn hại đến tổng thể nền kinh tế.
Chính sách phát triển các lĩnh vực then chốt, xây dựng các cụm ngành và liên kết trọng yếu còn nhiều hạn chế. Việt Nam mất khá nhiều thời gian để lựa chọn ngành mũi nhọn. Đến năm 2007, Chính phủ mới chính thức phê duyệt Quyết định 55/2007/QĐ-TTg về danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên với các chính sách ưu đãi phát triển. Theo đó, có 3 ngành then chốt được tập trung phát triển là cơ khí chế tạo (ô tô, đóng tàu, thiết bị toàn bộ, máy nông nghiệp, cơ điện tử); thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; sản phẩm từ công nghệ mới (năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp phần mềm, nội dung số). Các ngành công nghiệp này được ưu tiên bố trí đủ nhu cầu về đất khi đầu tư, được hỗ trợ xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, đến nay các ngành này phát triển rất chậm và không có biểu hiện sẽ trở thành động lực để dẫn dắt các ngành kinh tế khác.
Chính sách phát triển các khu vực thương mại tự do, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được hoàn thiện. Các đề xuất ý tưởng về việc xây dựng đặc khu kinh tế, khu vực thương mại tự do cũng đã được đề cập đến từ khá lâu và được ghi lại trong các văn kiện chính thức trong các kỳ họp từ năm 1997, 2002, 2013. Tuy nhiên, Việt
Nam hiện nay mới chỉ có các khu kinh tế chứ chưa có đặc khu kinh tế nào. Bộ luật đặc khu kinh tế hiện mới chỉ đang được soạn thảo, dự định phục vụ cho việc thành lập ba đặc khu kinh tế tại Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong. Nguyên nhân chủ yếu là do việc hình thành các đặc khu kinh tế cần một thể chế kinh tế mạnh hơn để có sức cạnh tranh quốc tế.
Chính sách chống tham nhũng còn mang tính hình thức và không được thực hiện đầy đủ như: công khai quy hoạch sử dụng đất, công khai giá đất; công khai công tác cán bộ; công khai hoạt động thanh tra; minh bạch các quyết định trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... Bên cạnh đó, trong một môi trường không minh bạch và công khai như vậy, việc Việt Nam thực hiện phân quyền trong quản lý hoạt động FDI với cuộc chạy đua giữa các địa phương về thu hút FDI, trong khi năng lực thẩm định dự án của địa phương còn yếu [39], lại đang làm cản trở việc thực thi các chính sách chống tham nhũng.
Chính sách đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư xã hội nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào FDI chưa được cụ thể hóa trong các văn bản luật. Hiện Việt Nam chưa có văn bản pháp luật nào quy định về việc hạn chế sự phụ thuộc vào FDI mà chỉ thể hiện qua quan điểm Nhà nước trong các Nghị quyết đại hội Đảng các khóa 10, 11, 12 về việc nắm quyền kiểm soát đối với việc điều chỉnh, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp FDI.
Thứ hai, môi trường kinh tế vĩ mô chịu ảnh hưởng bất lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đồng thời còn tồn tại những bất cập.
Với xung đột thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, các doanh nghiệp và các ngành kinh tế Việt Nam phải đối mặt với các mối đe dọa trực tiếp chưa rõ ràng, nhưng các tác động của xung đột thương mại đã thể hiện rất rõ trên thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam. Đầu tiên, ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán. Kể từ đầu năm 2018, VN-Index đã giảm 4.43% so với hồi đầu năm 2017. Đặc biệt, ngày 11/07/2018, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 893.16 điểm, mức thấp nhất trong năm 2018 và giảm tới 10.3% so với ngày 02/01/2018. Các nhà đầu tư đều có tâm lý e ngại và tin rằng bất kỳ sự gia tăng nào trong các tranh chấp thương mại sẽ tạo thêm bất ổn trên thị trường tài chính. Tiếp theo, ảnh hưởng đến tỷ giá. Trong giai đoạn từ
tháng 1 đến tháng 10 năm 2018 nếu như USD tăng giá 6.47% so với CNY thì trong cùng giai đoạn USD chỉ tăng giá 2.98% so với VND. Việc CNY mất giá khoảng 3.18% so với VND làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong mối tương quan với hàng hóa Trung Quốc đồng thời gây sức ép trong việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Các động thái mạnh mẽ của cả Mỹ và Trung Quốc trong việc áp thuế lẫn nhau lên các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường nước mình không chỉ tác động mạnh mẽ lên ngoại thương của cả hai nước này, mà còn có thể gây ảnh hưởng lớn đến ngoại thương Việt Nam. Đầu tiên, giá trị xuất khẩu hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc giảm do Trung Quốc tăng cường nội địa hóa. Trung Quốc được nhận định là sẽ biến xung đột thương mại thành động lực để khuyến khích gia tăng tỷ lệ nội địa hóa thay thế hàng nhập khẩu cả về thành phẩm lẫn nguyên vật liệu trung gian. Tiêu biểu, các mặt hàng linh phụ kiện máy móc, thiết bị điện, điện tử, quang học và cơ khí của Việt Nam, vốn có giá trị xuất khẩu đáng kể sang Trung Quốc, sẽ là những dòng sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Mặt khác, khi các thành phẩm máy móc, thiết bị Trung Quốc có những linh kiện trung gian này bị áp thuế trừng phạt của Mỹ, khả năng xuất khẩu các thành phẩm này sang Mỹ cũng sụt giảm. Như vậy, tác động kép của thuế trừng phạt Mỹ lên cả linh kiện và thành phẩm của các dòng hàng máy móc thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ kéo theo sự sụt giảm của giá trị hàng xuất khẩu Việt Nam. Tiếp theo, hàng Trung Quốc gia tăng xuất khẩu sang Việt Nam. Với sức ép của thuế suất trừng phạt đối với hàng hóa vào thị trường Mỹ, Trung Quốc sẽ có xu hướng chuyển hướng thương mại sang các thị trường khác, đặc biệt là các thị trường lân cận như Việt Nam kể cả khi phải thực hiện hành vi bán phá giá. Các mặt hàng xuất sang Việt Nam sẽ là những mặt hàng chịu thuế cao, khó vào thị trường Mỹ, trong đó có cả các linh, phụ kiện máy móc thiết bị lẫn hàng tiêu dùng như đồ gỗ, nội thất, hóa chất, nhựa, cao su, nông thủy sản và thực phẩm chế biến. Đặc biệt, nếu xung đột thương mại diễn ra ngày càng trầm trọng, đồng nhân dân tệ có xu hướng bị mất giá thêm trong khi VND vẫn giữ ổn định so với USD sẽ khiến hàng Việt Nam khó cạnh tranh hơn với hàng Trung Quốc ngay cả tại thị trường nội địa.
Nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn bị đánh giá là không đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới và phát triển: chất lượng giáo dục thấp, hiệu quả giáo dục thấp, mất cân bằng, không tương xứng giữa các cấp độ và vùng miền trong giáo dục, đội ngũ giáo viên yếu kém và chất lượng thấp, cơ sở hạ tầng cho trường học gặp nhiều khó khăn, quản lý giáo dục kém, hệ thống giáo dục nặng về thi cử và bệnh thành tích… Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cải cách về giáo dục và đào tạo, nhưng nhìn chung chính sách phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam và chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ khu vực FDI mới chỉ tập trung theo chiều rộng và chưa chú trọng đến chiều sâu về chất lượng. Đội ngũ lao động của Việt Nam mới chỉ được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về sự chăm chỉ và chi phí lao động thấp. Ở các trường cao đẳng, đại học, số giảng viên có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ còn quá ít (chỉ chiếm khoảng 10% tổng số cán bộ giảng dạy). Phương thức đào tạo chậm đổi mới, chất lượng đào tạo thấp. Bên cạnh đó, ngân sách cho giáo dục còn nhiều hạn chế. Mặc dù ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo tăng lên qua các năm (năm 2010 tỷ lệ % GDP chi cho giáo dục đào tạo gấp đôi năm 2000), nhưng vấn không thể đảm bảo đủ yêu cầu về số lượng và chất lượng. Chính sách huy động và phân bổ nguồn lực cho giáo dục chưa hợp lý giữa các địa phương.
Cơ sở hạ tầng và giao thông là một trong những vấn đề Việt Nam cần cải thiện. So với khu vực ASEAN, chất lượng cơ sở hạ tầng của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của ASEAN ở tất cả các phân khúc. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hiện Việt Nam xếp thứ 79 trong số 137 quốc gia trên thế giới về chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam đa số có quy mô nhỏ bé, chưa đồng bộ và chưa tạo được sự kết nối liên hoàn, khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông và an toàn giao thông còn hạn chế. Chỉ có 20% đường bộ của Việt Nam được trải nhựa, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác như: Malaysia, Ấn Độ và Indonesia. Hệ thống đường