Cùng với sản phẩm của các ngành Công nghệ thông tin, Công nghiệp điện tử, các sản phẩm của ngành Dệt May cũng mang lại giá trị xuất khẩu cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Hơn nữa ngành Dệt May còn giải quyết một số lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành Dệt May Việt Nam đóng góp 10% giá trị sản lượng công nghiệp toàn quốc, tạo công ăn việc làm cho 2,5 triệu lao động, chiếm tỷ lệ 25% tổng số lao động
trong ngành Công nghiệp, chiếm 5% trong tổng số lực lượng lao động. Tính đến năm 2017, tổng số doanh nghiệp dệt may đạt gần 6000 doanh nghiệp. (Trần Bá Thọ & Nguyễn Hữu Lộc, 2020).
Đó là những thành quả đạt trong thời gian vừa qua, nhưng hiện nay ngành Dệt May chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia cùng sản xuất chung mặt hàng.
• Điểm mạnh
- Với nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ, các công ty dệt may Việt Nam có thể sản xuất các sản phẩm dệt may chất lượng cao.
- 90% các thiết bị trong ngành may mặc được hiện đại hóa, đáp ứng các yêu cầu của các nhà nhập khẩu dệt may nước ngoài.
- Nhiều doanh nghiệp dệt may được tổ chức tốt và có quy mô lớn, có kinh nghiệm trong sản xuất và xuất khẩu, có thể tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý và xã hội. Hơn nữa các công ty này còn có mối quan hệ chặt chẽ và ổn định với rất nhiều nhà nhập khẩu và bán lẻ trên thế giới.
- Việt Nam có vị trí địa lý gần với các nguồn nguyên liệu (vải, phụ kiện chính cho ngành) trên thế giới.
• Điểm yếu
- Ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành còn yếu, 70% nguyên liệu phục vụ cho ngành được nhập khẩu từ nước ngoài, dẫn đến việc công việc sản xuất còn thụ động, hạn chế khả năng phản ứng nhanh chóng.
- Quản lý sản xuất và công nghệ vẫn còn yếu, năng suất lao động còn thấp, và các sản phẩm không đa dạng.
- Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) với các nguồn vốn đầu tư thấp và hạn chế khả năng về đổi mới công nghệ và thiết bị. Khả năng đào tạo nguồn nhân lực quản lý trung và cao cấp, thiết kế thời trang vẫn còn thấp.
- Công tác marketing và xúc tiến thương mại vẫn còn hạn chế. Công tác thiết kế thời trang, xây dựng và phát triển thương hiệu không được chú trọng. Lợi thế cạnh tranh của ngành Dệt May Việt Nam
• Nguồn nhân lực
Với dân số hơn 96 triệu người (năm 2019), Việt Nam là một nước đang ở trong giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động chiếm tỷ lệ cao trong tổng dân số trên 50% (TCTK 2019), tốc độ tăng dân số trung bình giai đoạn hiện nay khoảng 1,33%. Nguồn nhân lực trẻ gắn với những điểm mạnh như sức khỏe tốt, năng động, tiếp thu nhanh những công nghệ mới, di chuyển dễ dàng. Nếu được bồi dưỡng về văn hóa, đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn sẽ góp phần tăng năng suất lao động cùa Việt Nam. Như vậy có thể thấy, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện tại chỉ có thể đem lại lợi thế cạnh tranh về mặt số lượng và ở phẩm chất nghề nghiệp. Hai lợi thế này tạo tiền đề để phát triển về mặt chất lượng, phát triển yếu tố cơ bản thành cao cấp, phổ thông thành chuyên biệt, đây sẽ là một vấn đề cấp thiết cần được ưu tiên giải quyết.
• Nguồn tài sản vật chất và cơ sở hạ tầng
Theo báo cáo về mức độ cạnh tranh toàn cầu “Global Competitiveness” của Diễn đàn Kinh tế thế giới, điểm cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã cải thiện trong những năm gần đây, cho thấy sức tăng trưởng mạnh và được hỗ trợ bởi các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chỉ xếp thứ 77 ở hạng mục cơ sở vật chất trong tổng số 141 quốc gia trong báo cáo mới nhất. (Nguyễn Văn Thành, 2020).
Những cơ sở vật chất tạo nên lợi thế của Việt Nam thể hiện ở: hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế và vị trí giao thương quốc tế. Theo thống kê của Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước hiện có hơn 330 khu công nghiệp và 17 khu kinh tế, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ. (Trần Bá Thọ & Nguyễn Hữu Lộc, 2020).
Các khu công nghiệp và khu kinh tế này đã có đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động, bên cạnh đó cũng góp phần hiện đại hóa công nghệ sản xuất nước nhà, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm bớt thủ tục hành chính cũng như chi phí vận hành quản lý và thúc đẩy liên kết mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế. Kết hợp với sự phát triển hệ thống đường cao
tốc những năm gần đây, điển hình là tuyến Láng - Hòa Lạc, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Long Thành - Dầu Giây, Sài Gòn - Trung Lương đã trở thành những yếu tố thuận lợi, giúp việc giao thương giữa các tỉnh thành, vùng kinh tế được dễ dàng hơn, việc lưu chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu trong ngành Dệt May cũng nhờ thế được nhanh chóng và hiệu quả.
Ngoài ra, Việt Nam có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho việc giao thương quốc tế. Lãnh thổ nước ta có hai mặt giáp biển, hai mặt giáp lục địa với tổng chiều dài đường biên giới hơn 4500 km và đường biển hơn 3200 km. Việt Nam là trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế trên trục giao thương Châu Á - Thái Bình Dương, có đủ điều kiện để mở rộng giao thương với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
2.1.2.2. Các điều kiện về cầu
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, với dân số hơn 96 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may hiện nay chiếm khoảng 5-6% chi tiêu của người dân, tương đương khoảng 3,5 tỷ USD, cho thấy đây là thị trường rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp nội địa. (Trần Bá Thọ & Nguyễn Hữu Lộc, 2020).
Thời gian qua chúng ta tập trung sản xuất phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu, không chú ý đến thị trường trong nước nên thị phần của hàng dệt may trong nước chiếm tỷ trọng khiếm tốn dưới 10%. Gần đây đã có một số doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao do phải cạnh tranh với rất nhiều nguồn hàng đến từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần có các giải pháp phát triển dài hơi cùng với các chiến lược tiếp thị sản phẩm phù hợp để từng bước giành lại thị trường đã mất.
Mặt khác, cùng với Nhật Bản, New Zealand, Việt Nam là một nền kinh tế hướng ngoại, hoạt động xuất nhập khẩu là một trong những nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt xấp xỉ 517 tỷ USD (Bộ Công Thương), trong khi đó GDP năm 2019 đạt khoảng 266,5 tỷ USD (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Do đó, ngoài thị trường tiềm năng trong nước, ngành Dệt May còn có thị trường tiêu thụ rộng lớn ở nước ngoài. Đặc biệt, chúng ta đã tham
gia CPTPP và vừa ký hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU là điều kiện hết sức quan trọng để hai ngành tạo sự đột phá về kim ngạch xuất khẩu trong tương lai. Việt Nam hiện nằm trong danh sách 10 nước xuất khẩu sản phẩm dệt may lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 là 32,58 tỷ USD. Thị trường chính của sản phẩm dệt may Việt Nam bao gồm các quốc gia: Mỹ, Nhật Bản, Hàn quốc, EU, … Ngoài ra, các nước trong khu vực ASEAN cũng là một thị trường đang được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh nhờ vào các chính sách ưu đãi từ các thành viên trong tổ chức này. Với những lợi thế cạnh tranh do chúng ta tạo ra và những lợi thế được tạo ra từ việc thâm nhập vào các thị trường lớn trên thế giới đã góp phần đưa hai ngành này thành những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
2.1.2.3. Các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan
Theo Bộ Công Thương về công nghiệp hỗ trợ hiện nay, Việt Nam mới chỉ cung cấp được 0,2% nhu cầu về bông, 30% nhu cầu xơ, còn lại là phải nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan,… Sản lượng sợi đạt 1,4 triệu tấn một năm nhưng hơn 70%, trong đó là xuất khẩu do chất lượng thấp, không đáp ứng được nhu cầu trong nước; mặt khác lại phải nhập khẩu sợi chất lượng cao từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,… Khâu dệt vải tạo ra khoảng 1,4 tỉ mét vải/năm (chiếm 15-16% nhu cầu), vẫn phải nhập khẩu 7 tỷ mét vải từ các nước ngoài TPP như Trung Quốc và Hàn Quốc (chiếm hơn 70%). (Trần Bá Thọ & Nguyễn Hữu Lộc, 2020).
Như vậy, dệt may xuất khẩu lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu, mà chủ yếu không phải từ các nước CPTPP. Đáng chú ý, 70-80% nguyên vật liệu dệt may hiện nay vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và các nước ngoài khu vực FTA. Sản phẩm sợi và vải sản xuất nội địa chưa đa dạng, chất lượng chưa cao nên chỉ sử dụng được 20-25% sản lượng cho ngành Dệt May xuất khẩu. Trong khi đó, hai hiệp định FTA lớn nhất của Việt Nam là CPTPP và Việt Nam - EU đều có những quy định khá khắt khe đối với hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế.
Từ thực tế nêu trên, chúng ta nhận thấy ngành Công nghiệp hỗ trợ, liên quan đến ngành Dệt May còn nhiều bất cập, yếu kém, chưa phát triển tương xứng với ngành Dệt May Việt Nam. Việc sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành
Dệt May quá ít về số lượng, kém về chất lượng đã kìm hãm sự phát triển của ngành này.
2.1.2.4. Các chiến lược, cơ cấu kinh doanh và môi trường cạnh tranh
Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang gia nhập các hiệp định thương mại lớn với thế giới, doanh nghiệp ngành Dệt May trong nước được đánh giá có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít thách thức. Muốn cạnh tranh với các ngành Dệt May nước ngoài đòi hỏi chúng ta cần liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn.
Đối với ngành Dệt May, các doanh nghiệp trong nước cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm hạn chế tình trạng nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh về giá. Bởi để đầu tư nhà máy sản xuất nguyên liệu thì các doanh nghiệp phải bỏ ra hàng chục triệu USD, trong khi hầu hết các doanh nghiệp dệt may trong nước có quy mô vừa và nhỏ. Liên kết thành chuỗi là bước đi cần thiết và mang tính tất yếu. Thế nhưng, các doanh nghiệp cần thực hiện theo lộ trình từng bước nâng dần lên, đồng thời liên kết chuỗi phải có sự ràng buộc và mang lại lợi ích kinh tế cho từng doanh nghiệp.
2.1.2.5. Các yếu tố khác
Trước mắt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hoành hành tại các quốc gia, tăng trưởng kinh tế thế giới có phần bị suy giảm, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa hàng hóa gặp khó khăn. Về lâu dài, khi kinh tế thế giới được phục hồi và tăng trưởng, lượng công ăn việc làm gia tăng, thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình nhiều hơn, thị trường hàng hóa nói chung, hàng dệt may nói riêng dần dần được cải thiện. Đây là điều kiện thuận lợi khách quan cho ngành Dệt May Việt Nam.
Mặt khác, việc chúng ta tham gia CPTPP sẽ giúp cho ngành Dệt May Việt Nam có một số lợi thế khách quan so với các đối thủ không nằm trong CPTPP như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia. Một số quốc gia trong CPTPP là thị trường xuất khẩu tiềm năng to lớn như ngoài Nhật Bản còn có Canada, Úc. Hàng dệt may Việt Nam, nếu đạt một số điều kiện ràng buộc sẽ được ưu đãi về thuế khi xuất khẩu sang các nước này. Hiệp định thương mại Việt Nam - EU vừa được ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Dệt May Việt Nam phát triển hơn nữa.