Dệt May Việt Nam chưa thực sự được hồi phục khi bị ảnh hưởng gián tiếp từ chiến tranh Thương mại Mỹ-Trung thì đã phải bước qua tiếp một thực tế không mấy sáng sủa do dịch bệnh Covid-19 mang lại.
Thứ nhất, doanh số bán lẻ ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt giảm mạnh đã
ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong toàn bộ các chuỗi cung ứng. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng COVID-19 đã tác động nặng nề đến ngành dệt may ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nhà máy tại 10 nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất trong khu vực bao gồm: Bangladesh, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam; nhập khẩu từ các nước là khách hàng lớn của các nước xuất khẩu hàng dệt may ở châu Á đã giảm đến 70% trong nửa đầu năm 2020 do nhu cầu
của người tiêu dùng giảm mạnh, các biện pháp phong tỏa mà chính phủ áp dụng và do gián đoạn trong nhập khẩu nguyên liệu thô phục vụ sản xuất hàng dệt may. (ILO, 2020).
Tiếp nối những khó khăn ở cuối năm 2019 đến từ biến động chính trị và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung, sang đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành Dệt May Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam 2020 đạt 29,81 tỷ USD (Báo cáo thống kê tình hình xuất nhập khẩu của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam), giảm 9,25% so với 2019.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch (từ ngày 31/12/2019 đến ngày 11/3/2020), dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, ngành Dệt May Việt Nam chủ yếu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhưng doanh thu tiêu thụ chưa bị tác động nhiều, các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động với các đơn đặt hàng trước đó. Doanh thu quý 1/2020 của các doanh nghiệp Dệt Maycó sự sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 như CTCP May Sông Hồng giảm 3,4%, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG giảm 4,1%, ... Trong khi đó, CTCP Sợi Thế Kỷ vẫn duy trì được hoạt động với mức tăng trưởng 1,9%.
Tuy nhiên, từ quý 2/2020, dịch bệnh Covid-19 lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, 2 thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và EU bị cuốn vào cuộc khủng hoảng một cách nhanh chóng. Chính phủ Mỹ và EU thực hiện giãn cách xã hội và thực thi lệnh đóng cửa. Điều này khiến nhu cầu các sản phẩm dệt may tại 2 thị trường này giảm mạnh. Đơn hàng giảm mạnh dẫn đến hàng tồn kho tăng cao, cùng với áp lực chi trả tiền lương, nhân công khiến doanh nghiệp Dệt May gặp nhiều khó khăn. Doanh thu quý 2/2020 của các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam bị sụt giảm mạnh mẽ do tình trạng khan hiếm đơn hàng: CTCP Mirae giảm 32%, CTCP Sợi Thế Kỷ giảm 49%, CTCP Garmex Sài Gòn giảm 31% so với cùng kỳ năm 2019. (Trần Huỳnh Kim Thoa, Lê Thị Minh & Lê Nguyễn Trà Giang, 2021).
Thứ hai, về chi phí nguyên vật liệu. Hiện nay, ngành Dệt May Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc chưa chủ động được nguồn nguyên, phụ liệu trong nước và
phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nước ngoài. Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may nước ta trong năm 2020 đạt 29,81 tỷ USD, nhưng chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất của Ngành lên tới 21,38 tỷ USD (Bộ Công Thương, 2020). Trong đó, Trung Quốc là thị trường cung cấp nguyên phụ liệu lớn nhất cho ngành Dệt May Việt Nam. Ngoài ra, các công ty may nhập khẩu hơn 63% nhu cầu vải trong khi sợi sản xuất ra phải xuất khẩu 2/3 sản lượng (báo cáo thống kê của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, 2020). Điều này cho thấy giá nguyên vật liệu đầu vào đã tác động đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp ngành Dệt May.
Vào quý 1 năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu của ngành Dệt may và giá nhập khẩu nguyên liệu tăng. Trong giai đoạn này, một số công ty may mặc trong nước đã dự trữ sẵn nguyên vật liệu trước đó, nên chi phí nguyên liệu chưa ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành. Bên cạnh đó, các nhà máy dệt Trung Quốc phải ngừng hoạt động từ 10-15 ngày vì dịch bệnh lan rộng khắp Trung Quốc trong quý 1/2020. Điều này tạo lo ngại thiếu hụt nguyên liệu sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi lượng dự trữ cạn kiệt vào quý 2/2020.
Trong quý 2/2020, dịch Covid-19 xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu ngành Dệt May và giá nguyên liệu nhập khẩu vẫn chưa giảm nhiệt. Ngoài ra, do việc nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc còn nhiều khó khăn nên các công ty may mặc Việt Nam chuyển đổi nguồn cung sang thị trường Hàn Quốc. Điều này làm tăng chi phí nguyên vật liệu của một số doanh nghiệp trong quý 2, do giá thành nhập vải từ Hàn Quốc cao hơn so với vải Trung Quốc. Số liệu tính toán của nhóm tác giả từ báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp may mặc quý 2/2020 cho thấy, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng như sau: CTCP Dệt May Đầu tư và Thương mại Thành Công tăng 41,6%, CTCP SXKD & XNK Bình Thạnh tăng 21,65%, CTCP Garmex Sài Gòn tăng 10,05%, CTCP May Sông Hồng tăng 3,9% so với quý 1/2020.
Đến quý 3/2020, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tại Trung Quốc, các nhà máy dệt tại đây hoạt động trở lại đã nối lại nguồn cung nguyên liệu cho ngành Dệt May Việt Nam, giá các loại sợi và nguyên liệu giảm liên tục và duy trì ở mức thấp. Vì
vậy, chi phí nguyên liệu đầu vào của một số doanh nghiệp giảm mạnh trong quý 3 (CTCP Garmex Sài Gòn giảm 32,59%, CTCP May Sông Hồng giảm 28,41%, CTCP Dệt May Đầu tư và Thương mại Thành Công giảm 26,93% so với quý 2/2020). Bước vào quý 4/2020, dịch Covid-19 dần được kiểm soát, một số quốc gia gỡ bỏ phong tỏa, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và may mặc của người dân. Điều này đã tác động đến giá nguyên liệu sợi có xu hướng hồi phục, nhu cầu sợi bắt đầu tăng trở lại. Một số doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng từ việc tăng chi phí sản xuất do giá nguyên liệu đầu vào tăng như CTCP May Sông Hồng tăng 32,84%, CTCP Dệt May Đầu tư và Thương mại Thành Công tăng 9,48% so với chi phí nguyên liệu quý 3. Ngoài ra, theo báo cáo của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, chỉ 2 tháng đầu quý
1/2021, giá bông nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam tăng 0,87% so với năm 2020. Nguyên nhân giá sợi tăng cao trong quý 1/2021, do vụ mùa bông nguyên liệu năm qua của thế giới cho sản lượng thu hoạch thấp và ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nên lượng tồn kho của thế giới thấp. Chính điều này đã thúc đẩy giá sợi tăng 25%, tuy nhiên chuỗi cung ứng chưa tăng giá vải bán ra (Báo cáo của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, 2020). Chi phí nguyên vật liệu của một số doanh nghiệp ngành Dệt May trong quý 1/2021 tăng cao hơn so với quý 4/2020 như CTCP Garmex Sài Gòn tăng 63,3%, Công ty Sợi Thế Kỷ tăng 3,09%. Từ đó cho thấy thị trường ngành Dệt May Việt Nam hiện nay đang đối mặt với áp lực lớn về giá nguyên liệu đầu vào và tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu do nguồn cung chưa ổn định. (Trần Huỳnh Kim Thoa, Lê Thị Minh & Lê Nguyễn Trà Giang, 2021).
Thứ 3, về lợi nhuận: Từ năm 2020 cho đến nay, các doanh nghiệp Dệt May
phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Một lợi ích duy nhất từ dịch bệnh là nhu cầu khẩu trang, đồ bảo hộ và đồ mặc ở nhà tăng cao ở cả trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ có một số ít doanh nghiệp tận dụng được cơ hội này, do các khó khăn về nguồn nguyên liệu. Những lợi ích này cũng chỉ giúp giảm bớt chứ không thể bù đắp được những thiệt hại dịch bệnh gây ra đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Do vậy, xét về mặt tổng thể, lợi nhuận của các doanh nghiệp Dệt May đều giảm trong thời gian từ năm 2020 đến hết quý 1/2021, nổi bật lên vài doanh nghiệp
duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận dương, như: CTCP Sản xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL), CTCP Dệt May Đầu tư và Thương mại Thành Công (TCM). Tuy nhiên, đến quý 1/2021, các chỉ số đang cho thấy sự sụt giảm trở lại, mặc dù doanh thu quý 1/2021 đã dần phục hồi, nhưng chi phí đầu vào gia tăng từ nguồn cung nguyên vật liệu vẫn là gánh nặng đối với các công ty và giá bán đầu ra vẫn chưa được điều chỉnh tăng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với các rủi ro dịch bệnh trong nước. Nếu doanh nghiệp để xảy ra dịch bệnh trong nhà máy hoặc nhà máy nằm trong vùng dịch thì doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, ngừng sản xuất và gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải trả lương cơ bản cho người lao động, chưa kể đến các khoản phạt nếu không thực hiện đúng hợp đồng xuất khẩu đã ký kết. (Trần Huỳnh Kim Thoa, Lê Thị Minh & Lê Nguyễn Trà Giang, 2021).
Thứ tư, hiện tại với ngành May tình trạng hủy đơn hàng hoặc không đặt hàng
bắt đầu diễn ra, khi người tiêu dùng tại Mỹ, EU thắt chặt chi tiêu bởi dịch bệnh; với ngành Sợi tình hình cũng không diễn biến khá hơn do cầu từ Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh. Nhìn chung bức tranh xuất khẩu cho dệt may Việt Nam năm 2020 chưa đón nhận tin tức tốt đẹp, mà phủ bằng gam màu u ám. Với tình trạng hủy đơn hàng ngày càng lan rộng, áp lực về tài chính và lao động là rất lớn đối với doanh nghiệp bắt đầu diễn ra vào những tháng đầu tiên của Quý 2/2020. Nguyên nhân của mức sụt giảm trên là do là đại dịch diễn ra quá đột ngột và rộng, khiến thế giới không kiểm soát được và điều này ảnh hưởng đến sức mua toàn cầu, mọi người trên thế giới bị ảnh hưởng do phải cách ly toàn xã hội dẫn đến thu nhập của người dân giảm. Người dân ưu tiên việc mua nhu yếu phẩm, thực phẩm hơn là quần áo. (ILO, 2020). Với ngành Dệt May Việt Nam, nhất là đối với ngành may mặc, tình trạng hủy đơn hàng, giãn đơn hàng rất nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã chứng kiến ngay mức doanh thu giảm 20% trong quý I/2020, thời gian mở LC cũng kéo dài, trước kia là 60 ngày thì nay là 120 ngày. Doanh nghiệp càng làm nhiều FOB thì càng khó khăn do vốn đọng ở nguyên phụ liệu và trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng. Cùng với tình trạng hủy đơn hàng là tình trạng giãn đơn hàng, với các đơn hàng
giao trong tháng 3 đều bị lùi xuống tháng 4, tháng 5. Nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu giờ chỉ hoạt động trong trạng thái cầm cự trong tháng 4, còn đến tháng 5 hoàn toàn chưa có đơn hàng mới. Nhiều doanh nghiệp còn chuyển sang may khẩu trang với hy vọng sẽ duy trì được việc làm cho công nhân, tuy nhiên hiện nay khi thị trường trong nước đã bão hòa, khẩu trang chỉ là giải pháp tạm thời, không đảm bảo được cho các doanh nghiệp may sống sót được hết năm 2020.
Với tình hình trên, có thể ước tính nhanh thiệt hại do dịch bệnh đối với toàn ngành dệt may:
- Về tiền lương: 30% công nhân thiếu việc tháng 4, 50% thiếu việc tháng 5 với mức lương tối thiểu theo luật, bình quân 4,2 triệu đồng/tháng, dẫn đến tổng thiệt hại ước tính 5.040 tỷ đồng. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài thêm, mỗi tháng thiệt hại trung bình khoảng 3.000 tỷ đồng.
- Về nguyên liệu nhập về bị hủy đơn hàng không dùng đến: giá trị nguyên liệu nhập khẩu mỗi tháng là 1,5 tỷ USD, nếu giả thiết có 20% hủy đơn hàng thì sẽ có 300 triệu USD vật tư nhập về không được sử dụng, tiểm ẩn thành hàng tồn kho khó luân chuyển. Ước đến hết năm 2020, số hàng tồn của 2 tháng 4 và 5 sẽ mất giá trị khoảng 300 triệu USD (tương đương 50% giá trị hàng tồn kho). (Việt Nga, 2020).
Thứ năm, tính đến tháng 9 năm 2020, gần một nửa số việc làm trong các
chuỗi cung ứng dệt may đều phải phụ thuộc vào nhu cầu hàng dệt may của người tiêu dùng tại các nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất mà tại đó doanh số bán lẻ đã giảm mạnh. Năm 2019, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tuyển dụng khoảng 65 triệu công nhân dệt may, chiếm 75% tổng số công nhân dệt may trên toàn thế giới. Mặc dù các chính phủ trong khu vực đã chủ động ứng phó khủng hoảng, nghiên cứu chỉ ra rằng vẫn có hàng nghìn các nhà máy trong khu vực đã phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tình trạng cho công nhân nghỉ việc tạm thời và sa thải nhân công tăng mạnh; còn những nhà máy có thể hoạt động trở lại đa phần chỉ hoạt động với số lượng nhân công đã bị cắt giảm so với trước. Nguyên nhân của mức sụt giảm trên là do là đại dịch diễn ra quá đột ngột và rộng, khiến thế giới không kiểm soát được và điều này ảnh hưởng đến sức mua toàn cầu,
mọi người trên thế giới bị ảnh hưởng do phải cách ly toàn xã hội, các nhà máy, doanh nghiệp không có đơn hàng đã phải cắt giảm nhân sự, hoặc chuyển chế độ nghỉ luân phiên, dẫn đến thu nhập của người dân giảm. Người dân ưu tiên việc mua nhu yếu phẩm, thực phẩm hơn là quần áo. Veston, sơ mi cao cấp của nam nữ vốn được xem là mặt hàng xuất khẩu chiến lược, có giá trị cao nay bị “thất sủng” khi sức tiêu thụ giảm tới 80%. (ILO, 2020).
Bên cạnh đó, báo cáo cũng xác định đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến phụ nữ, vốn là đối tượng chiếm số đông trong lực lượng lao động trong ngành này. Điều đó làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng vốn đã hiện hữu về thu nhập, trong khối lượng công việc, phân biệt nghề nghiệp và phân chia công việc chăm sóc không được trả công. Ông Christian Viegelahn, chuyên gia Kinh tế Lao động của Văn phòng ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương, cho biết: “Trung bình, một nữ công nhân dệt may trong khu vực đã mất ít nhất hai đến bốn tuần làm việc, và ghi nhận chỉ có 3/5 số đồng nghiệp của mình được gọi trở lại làm việc khi nhà máy mở cửa hoạt động trở lại. Tình trạng giảm thu nhập và chậm trả lương cũng là tình trạng phổ biến của các công nhân dệt may vẫn có việc làm trong năm 2020”.
Giám đốc Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bà Chihoko Asada Miyakawa cho biết tác động to lớn mà đại dịch Covid-19 gây nên đối với ngành dệt may ở mọi cấp độ. Vấn đề quan trọng là các chính phủ, người lao động, người sử dụng lao động và các bên liên quan khác trong ngành phải cùng nhau tìm cách xử lý những tình huống chưa từng có tiền lệ này và giúp tạo dựng một tương lai chú trọng hơn đến con người cho ngành dệt may. (ILO, 2020).
Qua phân tích trên, có thể thấy được ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới, sản xuất và tiêu thụ hàng hoá gặp nhiều khó khăn. Chuỗi cung ứng dệt may từ khâu sản xuất nguyên liệu đầu vào cho tới mắt xích cuối xuất khẩu, thương mại hoá đều bị ảnh hưởng rất lớn, văn hoá tiêu dùng của người dân thay đổi, chuyển sang chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu làm sức mua toàn cầu giảm mạnh.
Tác động của đại dịch đến chuỗi cung ứng ngành diễn ra trên cả mặt tích cực