Những tác động tích cực

Một phần của tài liệu Tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động chuỗi cung ứng hàng Dệt may Việt Nam và các giải pháp khắc phục (Trang 80 - 82)

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc năm 2020 đạt 29,81 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, giảm 9,25% so với 2019. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt, may giảm nhưng mức giảm này vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25% do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 thì đây là một nỗ lực rất lớn của Ngành Dệt, may.

Dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm khá, nhưng thị phần dệt may của Việt Nam tại thị trường này vẫn ghi nhận tăng. Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may đứng thứ 2 vào Mỹ, thậm chí có thời điểm Việt Nam là nhà cung cấp hàng dệt may số 1 vào thị trường Mỹ cho thấy sự nỗ lực đáng ghi nhận của ngành dệt may. Dự báo, xuất khẩu dệt may năm 2021 của Việt Nam sang Mỹ có thể đạt 14 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành dệt 11 tháng năm 2020 giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó IIP tháng 9 giảm 6,3%; tháng 10 giảm 5% và đến tháng 11 đã tăng trở lại 1,3%. Tương tự đối với ngành sản xuất trang phục, mức giảm IIP so với cùng kỳ năm trước được thu hẹp dần, tháng 8 giảm 7,2%; tháng 9 giảm 4,1%; tháng 10 giảm 3,1%, riêng tháng 11 phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng 3,6%. Kết quả này có được do các doanh nghiệp Dệt, may đã tìm cách nắm bắt cơ hội trong thách thức, chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng với tình hình mới như sản phẩm bảo hộ lao động, sản phẩm phục vụ ngành y tế để phòng chống dịch bệnh. Trong đó, sản lượng vải dệt tự nhiên tháng 11/2020 tăng mạnh

24,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 3,3%, phục hồi rõ rệt so với mức giảm 9,6% của tháng 10 và 5,2% của tháng 9; quần áo mặc thường tăng 3,4%. (Tổng cục Thống kê, 2020).

Một số doanh nghiệp Dệt May đã chuyển dịch mặt hàng, chủ trương chuyển đổi từ các mặt hàng truyền thống sang sản xuất các mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế trong phòng chống dịch bệnh nhằm cung ứng cho các thị trường nước ngoài hiện đang thiếu hụt. Với nỗ lực này, các doanh nghiệp duy trì được việc làm cho công nhân và hạn chế được mức tổn thất do ảnh hưởng của Covid-19. Một số doanh nghiệp chỉ gánh chịu mức sụt giảm nhẹ trong doanh thu (CTCP May Sông Hồng giảm 17%, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG giảm 13%) hay CTCP Dệt May Đầu tư và Thương mại Thành Công có mức tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019.

Cùng với nỗ lực sau thời gian đầu bất ngờ với ảnh hưởng của dịch Covid, các doanh nghiệp đã dần dần thích ứng. Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, việc dịch bệnh được kiểm soát tại các quốc gia và sự ra đời của vaccine Covid-19, ngành Dệt May thế giới nói chung và Dệt May Việt Nam nói riêng từng bước phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2020.

Các quốc gia mở cửa trở lại, gỡ bỏ lệnh phong tỏa, cho phép nhập khẩu hàng hóa, tình trạng thiếu hụt đơn hàng được cải thiện. Thêm vào đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, tuy không thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu, nhưng là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam. Doanh thu của các doanh nghiệp Dệt May đã có sự tăng trưởng trở lại trong quý 3 (CTCP Sợi Thế Kỷ tăng 30%, CTCP May Sông Hồng tăng 4% so với doanh thu quý 2), nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2019.

Một số nhãn hàng may mặc đã và đang chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhờ vậy, hàng dệt may Việt Nam mở rộng được thị phần tại thị trường Mỹ. Doanh thu của các doanh nghiệp Dệt May tiếp tục phục hồi trong quý 4/2020, nhưng vẫn chưa trở về mức trước dịch.

Sang quý 1/2021, dù dịch bệnh vẫn còn, nhưng các quốc gia đã thích ứng và có kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch, vaccine dần được tiêm đại trà ở nhiều quốc gia, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, trong đó có tiêu dùng dệt may tăng trở lại. Ngoài yếu tố cầu tăng, Dệt MayViệt Nam còn được hưởng lợi từ yếu tố chuyển cung. Nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia bị dịch bệnh hoành hành trên quy mô lớn, doanh nghiệp không thể hoạt động. Thêm vào đó, Việt Nam đang từng bước tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định EVFTA. Từ đó, các doanh nghiệp Dệt Mayliên tục nhận được đơn hàng mới, thậm chí phần lớn doanh nghiệp đã có đơn hàng cho quý 3 và đến hết năm 2021. CTCP Dệt May Đầu tư và Thương mại Thành Công (TCM) có doanh thu quý 1/2021 đạt mức tăng trưởng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 25,7% so với quý 4/2020; CTCP May Sông Hồng có doanh thu tăng 1% so với cùng kỳ 2020 và tăng 9,7% so với quý 4/2020, … Điều này cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực đối với các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt May cũng có những bứt phá, đạt 7,21 tỷ USD (Thống kê tình hình xuất nhập khẩu quý 1/2021 của Tổng cục Hải quan), tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020. (Trần Huỳnh Kim Thoa, Lê Thị Minh & Lê Nguyễn Trà Giang, 2021).

Một phần của tài liệu Tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động chuỗi cung ứng hàng Dệt may Việt Nam và các giải pháp khắc phục (Trang 80 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(114 trang)
w