Xác định chính sách tài trợ, xây dựng cơ cấu vốn hợp lý:

Một phần của tài liệu Tình hình tài chính tại Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng - Ladophar (Trang 92 - 94)

* Nghiên cứu biện pháp tăng vốn điều lệ trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu về vốn, giảm rủi ro trong kinh doanh:

Thời gian qua, việc Công ty tăng vốn điều lệ từ 17 tỷ đồng lên 33,99 tỷ đồng đã nâng tỷ trọng vốn chủ sở hữu so với tổng nguồn vốn lên 45,4%, tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 1,2 lần. Tuy nhiên nếu so sánh với một số công ty trong ngành thì tỷ số nợ trên tổng tài sản của Công ty năm 2011 là 0,55 cao hơn các đơn vị này bình quân từ 2 đến 3 lần; tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu của Công ty là 1,2 cũng cao hơn từ 2,5 đến 7 lần so với một số công ty trong ngành. Khả năng thanh toán hiện thời, thanh toán nhanh của Công ty lại thấp hơn của các doanh nghiệp đó. Điều đó cho thấy khả năng tự chủ về tài chính của Công ty còn chưa cao. Công ty vẫn có thể gặp những khó khăn về thanh khoản trong thời gian tới khi thị trường có biến động theo chiều hướng bất lợi. Mặt khác, khi quy mô tài sản của Công ty phát triển với tốc độ cao như thời gian qua, cùng với việc Công ty đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đông dược thì nhu cầu vốn vay của Công ty sẽ rất lớn, quy mô nợ phải trả tăng nhanh dẫn tới khả năng thanh khoản giảm sút. Do vậy Công ty cần nghiên cứu phương án tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn trong thời gian tới và duy trì khả năng tự chủ về tài chính của mình. Trong điều kiện hiện nay, việc phát hành thêm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ rất khó khăn và không tạo ra thặng dư vốn cổ phần. Do vậy trong thời gian tới, Công ty cần nghiên cứu lựa chọn phương án tăng vốn điều lệ thông qua trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu để đảm bảo lợi ích của các cổ đông. Việc phát

85

hành thêm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chỉ được thực hiện khi điều kiện thị trường cho phép.

* Tiến hành nâng cấp và đổi mới một cách có chọn lọc các tài sản cố định trong thời gian tới:

Hiện nay, tỷ trọng tài sản cố định của Công ty còn chiếm tỷ trọng thấp – khoảng 20% trên tổng giá trị tài sản, trong đó nhiều tài sản đã hết khấu hao nhưng vẫn còn sử dụng. Các sản phẩm của Công ty được sản xuất trên 3 dây chuyền là dây chuyền thuốc viên, cốm bột; dây chuyền thuốc nước và dây chuyền trà. Các dây chuyền này được Công ty đầu tư từ năm 2007 nên đến nay một số máy móc thiết bị đã lạc hậu, cần được sửa chữa nâng cấp hoặc đầu tư mới. Mặt khác để nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh trên thị trường đòi hỏi Công ty phải đầu tư mua sắm máy móc thiết bị mới, hiện đại nhằm hỗ trợ việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đây là vấn đề chiến lược lâu dài mà công ty cần có phương hướng đầu tư đúng đắn nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Qua đó giúp Công ty có điều kiện tăng lượng sản phẩm bán ra thị trường, tăng doanh thu và lợi nhuận, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nói chung, hiệu quả sử dụng vốn cố định nói riêng.

Do nguồn vốn đầu tư mua sắm đổi mới tài sản cố định gặp nhiều khó khăn nên Công ty cần xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các tài sản nhằm sử dụng có hiệu quả vốn huy động, đồng thời phát huy hết công suất, hiệu quả của tài sản đầu tư, thực hiện đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động. Trước mắt, Công ty cần ưu tiên đầu tư cho các máy móc, thiết bị thí nghiệm; đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị để sản xuất các nguyên liệu cao khô từ dược liệu và chiết suất các hoạt chất có tác dụng chữa bệnh, tăng cường sức khỏe cho cơ thể, làm đầu

86

vào cho các sản phẩm thuốc có nguồn gốc dược liệu, tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước.

* Thực hiện trích lập và sử dụng có hiệu quả quỹ phát triển khoa học và công nghệ:

Thực hiện quy định tại Thông tư 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; năm 2011 Công ty đã thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Công ty với nguồn kinh phí được trích ban đầu là 2 tỷ đồng để chi cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hoá sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây là một hình thức hỗ trợ về thuế của Nhà nước cho doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước với mức trích cụ thể hàng năm không quá 10% lợi nhuận trước thuế. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thì nhu cầu về vốn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị và công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới của Công ty rất lớn. Do vậy Công ty cần tranh thủ nguồn vốn này, thực hiện trích lập quỹ theo tỷ lệ cho phép phù hợp với khả năng của Công ty và quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ Quỹ. Trước mắt, Công ty cần sử dụng kinh phí của Quỹ để mua sắm máy móc thiết bị cho hoạt động khoa học và công nghệ của mình nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, chi cho các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ cho Công ty nhằm đáp ứng yêu cầu về hội nhập và phát triển của Công ty trong tình hình mới.

Một phần của tài liệu Tình hình tài chính tại Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng - Ladophar (Trang 92 - 94)