1.2.2.1. Nội dung đào tạo hoạt động đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức quản lý kinh tế
Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học cho CCVC phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của từng vùng, miền.
Theo Ngô Thành Can (2014) thì “Đào tạo chuyên môn nghiệp vụ sẽ cung cấp kiến thức quản lý kinh tế, kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức pháp luật và trình độ lý luận. Việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ rất cần thiết bởi đây là đội ngũ quyết định thành bại các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đối với công chức trong diện quy hoạch cần phải có nội dung đào tạo nhằm phát triển các kỹ năng quản lý, điều hành”.
Tổ chức đào tạo cho CCVC phải căn cứ vào đặc điểm đối tượng CCVC như đã nêu ở trên để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Tổ chức đào tạo phải mềm dẻo về thời gian mặc dù có kế hoạch từ trước. CCVC là những người hàng ngày thường xuyên phải giải quyết các công việc ở địa phương. Do đó, họ vừa học tập vừa phải trực tiếp có mặt để giải quyết những vấn đề cụ thể ở cơ sở. Vì vậy, các khóa học phải bố trí thời gian hợp lý cho các đối tượng này. Ví dụ ngoài các khóa học tập trung, công tác bồi dưỡng có thể tổ chức vào cuối tuần hoặc sau giờ hành chính.
Kinh phí đào tạo cho CCVC thường được sử dụng phần lớn từ nguồn ngân sách nhà nước, tùy thuộc vào từng giai đoạn, chính sách đào tạo của từng địa
phương mà mức kinh phí này có thể khác nhau, tuy nhiên điểm chung là kinh phí đào tạo được sử dụng từ ngân sách nhà nước và không vượt quá phạm vi ngân sách.
Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đãi ngộ cho người đi học. Bên cạnh chế độ theo quy định của Chính phủ, địa phương cử cán bộ đi học cần có cơ chế chính sách đặc thù cho người đi học. Cơ chế đó phải quy định cụ thể về nhiều mặt nhằm tạo điều kiện cho người học được đào tạo theo nguyện vọng cá nhân và yêu cầu công tác của cơ sở.
1.2.2.2. Nội dung bồi dưỡng hoạt động đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức quản lý kinh tế
Mục tiêu bồi dưỡng kiến thức cho CCVC nhằm trang bị kiến thức cũng như bổ sung kiến thức về:
Lý luận chính trị: gắn với tiêu chuẩn cán bộ được Đảng xác định mang tính nguyên tắc, thể hiện tại Quy định số 54-QĐ/TW ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng. “Việc học tập lý luận chính trị là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; việc học tập lý luận chính trị không phải học một lần, học để lấy bằng cấp mà là việc phải thực hiện thường xuyên để kịp thời bổ sung những kiến thức mới. Nhằm trang bị các kiến thức về lý luận chính trị theo tiêu chuẩn quy định cho các chức danh cán bộ, ngạch công chức và chức danh lãnh đạo quản lý. Tổ chức phổ biến các văn kiện, nghị quyết của Đảng; bồi dưỡng cập nhật, nâng cao trình độ lý luận theo quy định của cơ quan có thẩm quyền” (Bộ Chính trị. 1999).
Kiến thức quản lý nhà nước: “Những khóa học này sẽ trang bị, cập nhật những kiến thức cần thiết về quản lý nhà nước và các kỹ năng thực thi công việc, đồng thời tăng cường ý thức phục vụ nhân dân, nâng cao năng lực công tác cho các CBCC trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được giao. Trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo chương trình quy định cho công chức các ngạch và theo chức vụ lãnh đạo, quản lý. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng QLNN chuyên ngành và tương ứng với các vị trí làm việc theo chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm” (Nguyễn Lộc, 2009).
Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh: “góp phần đào tạo con người phát triển toàn diện, hiểu biết một số nội dung cơ bản về quốc phòng, an ninh; truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân về bảo vệ Tổ quốc; nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; có ý thức cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; có kiến thức cơ bản về đường lối quốc phòng, an ninh và công tác quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh; có kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết để tham gia vào sự nghiệp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - Bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học theo quy định chuẩn của nhà” nước.
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc: “Nhằm cập nhật kiến thức về pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ và năng lực thực thi công việc; xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, có năng lực xây dựng, hoạch định, triển khai và tổ chức thực hiện các chính sách, quản lý các chương trình, dự án có hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu phát” triển.
Theo Nghị định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Số: 101/2017/NĐ-CP thì nội dung bồi dưỡng CCVC bao gồm các nội dung: “1. Lý luận chính trị; 2. Kiến thức quốc phòng và an ninh; 3. Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; 4. Kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế; 5. Tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ” (Chính phủ, 2017).