Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, quản lý mua bán nợ xấu tại VAMC còn tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn cần được tiếp tục tháo gỡ, cụ thể:
2.4.2.1. Trong khâu lập kế hoạch mua bán nợ xấu tại VAMC
VAMC không thể hoàn toàn chủ động trong quyết định kế hoạch
Quá trình lập kế hoạch mua bán nợ xấu tại VAMC không thể hoàn toàn chủ động thực hiện và đưa ra, điều này còn phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu của chính phủ và chỉ đạo của NHNN trong từng thời kỳ. Mặt khác, nhiều TCTD chưa chủ động, tích cực trong việc bán nợ xấu cho VAMC. Nếu không có vai trò chủ động, quyết liệt của NHNN mà trực tiếp là Cơ quan thanh tra giám sát thì Công ty Quản lý tài sản (VAMC) khó có thể hoàn thành kế hoạch mua nợ xấu.
Kế hoạch VAMC trong thời gian đầu mới tập trung vào việc mua lại nợ xấu của các TCTD theo phương thức mua nợ bằng TPĐB, đây cũng chỉ được coi như
biện pháp mang tính chất tạm thời của xử lý nợ xấu vì việc VAMC sử dụng trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu giúp các ngân hàng làm sạch tạm thời bảng cân đối kế toán mà chưa tham gia nhiều và trực tiếp vào quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức này. Để thu mua nợ xấu theo phương thức giá trị thị trường cần có rất nhiều tiền, mặc dù vốn điều lệ của VAMC đã được tăng từ 500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng nhưng so với số lượng nợ xấu trong nền kinh tế như hiện nay thì vẫn chưa đủ để hoạt động hiệu quả.
Vốn cấp cho VAMC là 5.000 tỷ đồng, hiện vẫn chưa có các Quỹ đầu tư lớn tham gia vào thị trường mua bán nợ của Việt Nam. Vốn nhỏ cộng với tốc độ xử lý nợ rất chậm dẫn đến tốc độ quay vòng vốn của VAMC bị ảnh hưởng theo, điều đó ảnh hưởng nhiều đến quyết định về kế hoạch mua bán nợ theo giá trị thị trường.
Thông tin về hàng hóa nợ xấu thiếu minh bạch, còn nhiều bất cập ảnh hưởng đến lập kế hoạch.
VAMC thực hiện mua bán nợ xấu với nguyên tắc không dùng vốn ngân sách nhà nước. Do đó, sẽ là rất quan trọng nếu công ty này có thể xây dựng một kế hoạch mua bán và xử lý nợ xấu chính xác dựa trên các thông tin có sẵn, nhằm giảm thiểu được các chi phí phát sinh. Trên cơ sở thông tin về nợ xấu thống nhất, minh bạch, VAMC mới có thể đưa ra chiến lược và các phương án thích hợp để mua bán và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng bởi thị trường thông tin về nợ xấu hiện nay còn chưa đồng nhất và thiếu tính minh bạch.
2.4.2.2. Trong tổ chức thực hiện mua bán nợ xấu tại VAMC
Mô hình cơ cấu tổ chức hiện tại của VAMC sẽ không còn phù hợp trong thời gian tới khi VAMC triển khai đủ nhiệm vụ theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và triển khai các nghiệp vụ mới
Hiện nay, phân tách nhiệm vụ mua nợ bằng TPĐB và mua nợ theo GTTT, VAMC có 02 ban nghiệp vụ triển khai thực hiện là Ban mua và Quản lý nợ (Ban 1) thực hiện việc mua và xử lý các khoản nợ mua bằng TPĐB, Ban Đầu tư và Mua bán nợ thị trường (Ban 3) thực hiện mua và xử lý các khoản nợ mua theo GTTT và các hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, Ban 3 mới chỉ thực hiện được được nhiệm vụ mua và
xử lý các khoản nợ mua theo GTTT, còn hoạt động đầu tư mới đang trong quá trình nghiên cứu triển khai.
Với mô hình cơ cấu tổ chức này sẽ phù hợp trong giai đoạn hiện nay khi VAMC triển khai cả mua nợ bằng TPĐB và mua nợ theo GTTT. Với định hướng chuyển dần từ hoạt động mua nợ bằng TPĐB sang mua nợ theo GTTT, đồng thời, hiện nay thời gian tới VAMC triển khai đủ các nghiệp vụ theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và thêm các nghiệp vụ khác thì mô hình này sẽ không còn phù hợp.
Cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Trụ sở làm việc của VAMC tại hai địa điểm dẫn đến những bất cập trong xử lý công việc hàng ngày, mất nhiều thời gian giải quyết trong việc giao nhận và xử lý văn bản, trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện công việc ...
Hiện tại VAMC phải quản lý khối lượng tài sản có giá trị lớn, phân bố rộng khắp tại các địa phương. Tuy nhiên mạng lưới hoạt động của VAMC còn rất hạn chế, mới chỉ có thêm chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đến những bất cập trong việc thu thập hồ sơ mua nợ, quản lý tài sản của khoản nợ theo đúng quy định.
Hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng được các yêu cầu quản trị, điều hành. Nhiều module hỗ trợ công việc còn thiếu như quản lý mua nợ theo giá trị thị trường, quản lý hoạt động bán nợ, xử lý TSĐB, bảo lãnh, đầu tư tài chính … VAMC chưa thực hiện kết nối với TCTD, với Sở giao dịch dẫn đến sự chậm trễ, thiếu chính xác trong việc rà soát, đối chiếu số liệu, cập nhật theo dõi thông tin biến động về khoản nợ, TSĐB, TPĐB tại các TCTD đã bán nợ cho VAMC.
Nguồn vốn chủ yếu mua nợ hiện tại là VAMC phát hành trái phiếu, nhưng tổ chức tín dụng (TCTD) lại muốn bán bằng tiền mặt.
Theo Quyết định số 618/QĐ – NHNN về việc xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam, nguồn vốn VAMC sử dụng để mua nợ theo giá trị thị trường gồm: vốn điều lệ và các quỹ của của VAMC; VAMC phát hành trái phiếu; vốn hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích và rủi ro; nguồn vốn ủy thác của các nhà đầu tư để mua nợ theo giá thị trường. Trong các nguồn vốn này, thì ngoài trái
phiếu là “giấy nhận nợ” của VAMC đối với bên bán, các nguồn còn lại mới thật sự là “tiền tươi thóc thật”. Trong khi đó, TCTD muốn bán nợ xấu theo giá thị trường để có “tiền tươi thóc thật”. Tâm lý này là dễ hiểu vì họ không muốn phải thực hiện thêm các công đoạn khác để chuyển trái phiếu của VAMC thành tiền mặt. Mặt khác, tuy trái phiếu do VAMC được vay chiết khấu tại NHNN và tham gia vào thị trường mở, nhưng TCTD cũng chưa biết chính xác “tính lỏng” của loại trái phiếu này. Trong khi với thực lực hiện tại, VAMC chỉ có thể dựa vào phát hành trái phiếu khi mua nợ theo giá trị thị trường.
2.4.2.3. Trong quá trình kiểm soát thực hiện mua bán nợ xấu tại VAMC
Theo các tiêu chí đã phân tích đánh giá trong phần thực trạng quản lý mua bán nợ xấu tại VAMC thì công tác kiểm soát sẽ gặp phải một số tồn tại sau:
Số lượng khoản nợ mua lớn, TSĐB của các khoản nợ xấu đa dạng, phân tán tại nhiều nơi trong khi nguồn lực hạn chế nên VAMC phải ủy quyền quản lý nợ cho các TCTD.
Ngay tại thời điểm mua nợ của các TCTD bằng TPĐB, VAMC thực hiện ủy quyền lại cho TCTD 2 nội dung: thu hồi nợ, đòi nợ; và quản lý khoản nợ xấu, TSĐB của khoản nợ xấu đã mua. Những nội dung ủy quyền khác được xem xét với từng trường hợp cụ thể và theo đề xuất của TCTD. Trên thực tế, số lượng khoản nợ VAMC đã mua rất lớn, TSĐB của các khoản nợ xấu VAMC mua rất đa dạng về loại hình, lại phân tán tại nhiều nơi, nguồn lực về con người của VAMC có hạn nên chưa thể kiểm soát thực hiện hết được các hoạt động quản lý nợ.
Việc mua nợ bằng TPĐB của VAMC là mua theo giá trị sổ sách, VAMC chỉ đánh giá hồ sơ mua nợ do TCTD cung cấp đảm bảo theo đúng quy định tại Thông tư 19/2013/TT-NHNN. Mặt khác, do tiến độ khẩn trương khi mua nợ bằng TPĐB trong thời gian qua, VAMC phải mua nhanh với số lượng lớn, nên VAMC không đủ thời gian và nguồn lực nhân sự để thực hiện đánh giá khoản nợ/TSĐB ngay tại thời điểm mua nợ cũng như thực hiện xác thực thông tin TCTD cung cấp.
VAMC chưa thực hiện được đầy đủ các phương thức mua nợ xấu được quy định tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP, cụ thể:
Theo Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) được mua nợ xấu của các TCTD dưới 2 hình thức: bằng trái phiếu đặc biệt và mua theo giá trị thị trường. Tuy nhiên, thời gian qua VAMC mới áp dụng việc mua nợ xấu dưới hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt, đây là loại trái phiếu mà các TCTD có thể sử dụng để tái cấp vốn tại NHNN.
Các quy định có liên quan khác như cơ chế tổ chức, vận hành, quản lý các doanh nghiệp chưa đầy đủ
Vướng mắc tồn tại với VAMC từ khi thành lập là đến nay tỷ lệ phí được thu khi thực hiện mua bán, quản lý khoản nợ và tỷ lệ được hưởng trên số tiền thu hồi các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt rất thấp, chưa rõ ràng. Mặc dù hoạt động của VAMC theo nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng khi chưa đủ cơ sở để tính toán, xác định doanh thu thì cũng khó kiểm soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của VAMC, từ đó cũng thiếu động lực để VAMC thúc đẩy hoạt động quản lý mua bán nợ xấu của mình.