Khái niệm về hiệu ứng lan tỏa của FDI

Một phần của tài liệu Hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Savannakhet, Lào. (Trang 43 - 44)

Hiệu ứng lan tỏa hay tác động lan tỏa (Spillover effects) là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong kinh tế, có nhiều quan điểm về khái niệm của hiệu ứng lan tỏa. Theo Blomstrom và Kokko (1997, tr. 10) hiệu ứng lan tỏa diễn ra khi có sự thâm nhập, sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI dẫn đến tăng năng suất và hiệu quả lợi nhuận trong các doanh nghiệp của nước chủ nhà, làm tăng áp lực cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp đó phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy quá trình phổ biến và chuyển giao công nghệ. Theo Caves (1996, tr. 10-11), hiệu ứng lan tỏa của FDI xảy ra khi tài sản chuyên biệt của một doanh nghiệp FDI như bí quyết công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, bí quyết quản trị, marketing… bị rò rỉ ra bên ngoài khiến cho các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp thu và áp dụng vào hoạt động của doanh nghiệp mình. Ngoài ra, theo Gorg và Greenaway (2003, tr. 181-182) thì doanh nghiệp FDI cũng có thể chủ động chia sẻ thông tin về các tài sản chuyên biệt của mình cho các doanh nghiệp trong nước là khách hàng hay nhà cung ứng của mình. Từ những khả năng rò rỉ, phát tán hay chia sẻ thông tin mang tính chủ động hay bị động này mà doanh nghiệp FDI có thể tạo ra các tác động gián tiếp hay lan tỏa ảnh hưởng đến năng lực sản xuất, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước.

Nói cách khác, hiệu ứng lan tỏa có thể được hiểu là tác động gián tiếp xảy ra khi sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI tại nước nhận đầu tư làm cho các doanh

nghiệp tại nước này thay đổi hành vi và hoạt động của mình như thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Tác động của hiệu ứng lan tỏa từ FDI đến doanh nghiệp trong nước không phải luôn luôn mang tính tích cực. Tùy thuộc vào môi trường kinh doanh và đặc trưng riêng mà doanh nghiệp trong nước sẽ có sự thích nghi khác nhau đối với sự hiện diện của doanh nghiệp FDI, do vậy cũng sẽ chịu ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau từ FDI. Ví dụ, quy mô thị trường, quy định luật pháp, quy mô và năng lực công nghệ của doanh nghiệp trong nước sẽ tác động đến các mối liên kết giữa hai khối doanh nghiệp cũng như mức độ lan tỏa (Blomstrom and Kokko, 1998, tr. 257-259). Do vậy, đặc trưng riêng hay khả năng hấp thụ của mỗi doanh nghiệp trong nước đóng một vai trò quan trọng quyết định đến việc doanh nghiệp có thể hưởng lợi hay chịu bất lợi từ các tác động lan tỏa FDI.

Một phần của tài liệu Hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Savannakhet, Lào. (Trang 43 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(177 trang)
w