Bối cảnh quốc tế

Một phần của tài liệu Hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Savannakhet, Lào. (Trang 123 - 124)

2020

5.1.1. Bối cảnh quốc tế

Nền kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục đối diện với những rủi ro do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Các số liệu thống kê được công bố chính thức ở nhiều nền kinh tế cho thấy hệ lụy nghiêm trọng của đại dịch. Không ít nên kinh tế trên thế giới đối mặt với làn sóng bùng phát của đại dịch Covid-19.

Các nền kinh tế vẫn cân nhắc, tiến hành mở cửa trở lại song thận trọng hơn và lưu tâm đến các kịch bản để chuyển đổi trạng thái giữa giãn cách và khôi phục hoạt động kinh tế. Căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, tình hình thiên tai… cũng đặt ra thêm nhiều thách thức đối với quá trình khôi phục nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới.

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu của WB, tăng trưởng kinh tế thế giới vào tháng 6/2021 đạt 5,6%. Cũng theo báo cáo, WB cho biết chương trình tiêm phòng Covid-19 và các biện pháp kích thích kinh tế ở các nền kinh tế lớn sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Kinh tế thế giới năm ngoái đã sụt giảm 3,5% sau khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các hoạt động thương mại và buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa và người dân phải ở nhà. Bất chấp kinh tế toàn cầu đang cho thấy dấu hiệu phục hồi thì các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn đang tiếp tục phải vật lộn với đại dịch COVID-19 và hậu quả mà nó gây ra. Đại dịch cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập bình quân đầu người tại 2/3 thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong năm 2022. Trong số các nền kinh tế có thu nhập thấp, những nơi mà việc tiêm chủng vaccine chưa diễn ra đồng đều, tác động của đại dịch đã làm đảo ngược kết quả giảm đói nghèo và làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh và gây ra các thách thức lâu dài khác.

Dự báo khá ảm đạm cho năm 2021, chuyên gia kinh tế trưởng Laurence Boone của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lưu ý: Kinh tế thế giới có thể sẽ còn phải trải qua tác động của đại dịch trong năm nay. Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ được cải thiện nhưng ở mức thấp và không đồng đều ở tất cả các quốc gia. Chẳng hạn, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 8% vào năm 2021, trong khi các nền kinh tế thành viên OECD khác dự kiến chỉ tăng trưởng trung bình hơn 3%. Các quốc gia sẽ phục hồi tốt như thế nào sẽ phụ thuộc vào việc triển khai vaccine suôn sẻ ra sao.

Trong năm 2021, nhiều khả năng tốc độ phục hồi của Mỹ - cường quốc số một thế giới có thể tăng cao sau cú sốc ban đầu của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, do Chương trình bảo vệ tiền lương đã hết hạn vào cuối tháng 7/2020, sự phục hồi có xu hướng sẽ giảm tốc do có ít hỗ trợ hơn, đặc biệt là do ảnh hưởng của hậu bầu cử Tổng thống. Do vậy, GDP của Mỹ giảm 6% vào năm 2020. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm vaccine được thúc đẩy nhanh chóng và rộng rãi cùng với các chương trình hỗ trợ kinh tế khổng lồ của chính phủ đã giúp nền kinh tế nước này sớm hồi phục và đạt mức tăng trưởng 6,8%.

Tại khu vực châu Á, giới chuyên gia nhận định tăng trưởng trong khu vực dự kiến sẽ dần phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Mặc dù đang trong tình trạng thu hẹp, khu vực này vẫn duy trì hiệu suất tương đối so với phần còn lại của thế giới. Xét về tổng thể, khu vực châu Á vẫn có những nền tảng cơ bản tương đối vững chắc nhờ khả năng phục hồi của mỗi quốc gia.

Toàn cầu hóa kinh tế là xu thế cơ bản khó có thể đảo ngược trong phát triển kinh tế thế giới, song hình thức biểu hiện của nó sẽ có sự thay đổi. Trong mấy năm qua, do kinh tế toàn cầu phát triển mất cân bằng, sự bất bình đẳng giữa các nước gia tăng, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. Đại dịch Covid-19 có khả năng sẽ làm trầm trọng hơn sự lan truyền của làn sóng chống lại toàn cầu hóa.

Một phần của tài liệu Hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Savannakhet, Lào. (Trang 123 - 124)