Các công trình nghiên cứu nêu trên về vấn đề nhà ở, TTNƠ, cơ cấu TTNƠ được tiếp cận ở những góc độ, đối tượng, phạm vi, mục đích và phương pháp nghiên cứu khác nhau, nhưng mỗi công trình đều có những đóng góp giá trị nhất định về mặt khoa học. Giá trị của các công trình khoa học đã tổng quan, có thể khái
quát như sau:
Thứ nhất, một số công trình đã đưa ra quan niệm, nội dung và các yếu tố tác động đến nhà ở, TTNƠ, cơ cấu TTNƠ.
Một là, các nghiên cứu dưới những góc độ khác nhau đã đưa ra quan niệm về nhà ở, TTNƠ, cơ cấu TTNƠ của từng quốc gia, dân tộc, phạm vi khu vực và toàn cầu với những đặc điểm khác nhau. Trên cơ sở những quan niệm khác nhau, dựa trên thế mạnh của từng quốc gia dân tộc đã chỉ ra những yếu tố cấu thành nhà ở, TTNƠ, cơ cấu TTNƠ.
Hai là, khi nghiên cứu lý luận về TTNƠ. Các công trình đã đưa ra các khái niệm, đặc điểm, các yếu tố ảnh hưởng và vai trò của TTNƠ đến quá trình phát triển KT- XH của mỗi quốc gia và của từng vùng kinh tế, mối quan hệ của TTNƠ với thị trường tài chính, thị trường đất đai và thị trường chứng khoán.
Ba là, khi nghiên cứu lý luận về cơ cấu TTNƠ các công trình đã đề cập đến: nội dung cơ cấu TTNƠ; mục đích, phương thức cơ cấu TTNƠ; chủ thể tham gia, các mô hình cơ cấu TTNƠ; các yếu tố thuận lợi và khó khăn, thách thức tác động tích cực và tiêu cực đến cơ cấu TTNƠ của các vùng miền, các quốc gia nói chung và trên địa bàn TPHN nói riêng.
Thứ hai, một số công trình đã đánh giá về thực trạng phát triển, cơ cấu TTNƠ trên phạm vi ở một số địa phương hoặc vùng hay quốc gia.
Một là, về thành tựu, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những thành tựu tiêu biểu về TTNƠ của từng địa phương, từng quốc gia và đều khẳng định việc phát triển TTNƠ là cần thiết và có vai trò to lớn trong quá trình phát triển KT-XH, là thị trường đầy biến động, rủi ro, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Hai là, về hạn chế, các công trình đã đi sâu phân tích chỉ rõ những bất cập trong quá trình phát triển và cơ cấu TTNƠ như: mất cân đối cung cầu trên thị trường, thị trường cạnh tranh không lành mạnh, còn nhiều hiện tượng đầu cơ, cơ chế quản lý còn bị buông lỏng, kiểm soát chưa hiệu quả. Thông tin về thị trường không minh bạch, thiếu thống nhất. Thị trường hoạt động có thời điểm méo mó, thiếu lành mạnh và bền vững ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nhân dân và tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của từng địa phương, từng quốc gia dân tộc.
Ba là, về nguyên nhân của những hạn chế về TTNƠ các nhà nghiên cứu cũng chỉ rõ những nguyên nhân cơ bản, khách quan, chủ quan và cho rằng: công tác quy hoạch, cơ chế, thể chế chính sách còn chưa khoa học, cơ quan quản lý thị trường chưa đáp ứng cho sự phát triển. Việc phát triển các loại thị trường chưa đồng bộ, chưa chủ động trong việc dự báo, nắm bắt và hỗ trợ thị trường.
Thứ ba, một số công trình nghiên cứu đã đưa ra những quan điểm, giải pháp cơ bản và đề xuất các kiến nghị phát triển nhà ở, TTNƠ, cơ cấu lại TTNƠ.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, nêu lên những bất cập và những vấn đề cần tập trung giải quyết, các công trình nghiên cứu đã đề xuất quan điểm, giải pháp và các kiến nghị phát triển nhà ở, TTNƠ, cơ cấu lại TTNƠ.
Một là, về quan điểm, trên cơ sở điều kiện tự nhiên, KT-XH ở mỗi địa phương, mỗi quốc gia đều có chung nhận định TTNƠ cần có sự điều tiết của nhà nước để đảm bảo khắc phục những khuyết tật của thị trường trong lĩnh vực này, cần phải thực hiện tốt việc xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phát triển TTNƠ sao cho phù hợp với từng địa phương, từng quốc gia dân tộc. Đồng thời, phải điều chỉnh cơ cấu TTNƠ đảm bảo cung, cầu cân đối hợp lý thúc đẩy TTNƠ phát triển, phát triển TTNƠ, cơ cấu TTNƠ phải cân đối để TTNƠ phát triển phù hợp với pháp luật và các quy định ở các địa phương, quốc gia khác nhau. Mục tiêu cuối cùng đảm bảo người dân có nhà ở với tỷ lệ cao nhất, thúc đẩy KT-XH phát triển.
Hai là, về giải pháp các công trình nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp phát triển nhà ở, TTNƠ, cơ cấu lại TTNƠ: như hoàn thiện các cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý; Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển và cơ cấu lại TTNƠ; Đa dạng hóa các chủng loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân; thường xuyên đổi mới công tác quản lý nhà nước về thị trường đáp ứng cho sự phát triển, áp dụng khoa học và công nghệ. Đặc biệt, các giải pháp về kích cầu nhà ở, bổ sung cung cho thị trường cần được đẩy mạnh nhằm tạo sự cân bằng cho TTNƠ giá trung cấp và giá thấp. Cùng với đó, việc cải cách các thủ tục hành chính, cắt giảm bớt quy trình thủ tục đối với các doanh nghiệp đầu tư, cũng như việc công khai, minh bạch các thông tin về thị trường cũng cần được ưu tiên triển khai. Thực hiện đồng bộ những giải pháp sẽ giải quyết nhu cầu về nhà ở cho mọi đối tượng người dân, đảm bảo cho TTNƠ phát triển theo hướng bền vững.
Ba là, một số công trình đã đưa ra kiến nghị cần đề cao sự can thiệp của nhà nước trong việc đảm bảo cơ cấu lại TTNƠ. Theo đó, nhà nước cần nhanh chóng sửa lại luật đất đai, một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay, cần miễn một số loại thuế, ưu đãi tiền sử dụng đất đối với doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng NƠXH, hỗ trợ cho các đối tượng thu nhập thấp; Phát triển nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp dạng nhà ở cao tầng đối với các đô thị có quỹ đất hạn hẹp; Huy động các nguồn lực tham gia phát triển, kiến tạo những cơ chế ưu đãi về tài chính cho doanh nghiệp và người dân.