Cơ sở đào tạo hay nhà trường giữ vai trò giáo dục đạo đức và giáo dục tri thức cho sinh viên. TTS được đào tạo càng quy củ tại cơ sở đào tạo thì càng có tâm thế tốt hơn khi bước vào môi trường thực tập. Ví dụ như, sinh viên chấp hành đúng nội quy nhà trường, đi học đủ và đúng giờ, tạo thành thói quen tốt, vì thế sẽ rất hiếm khi xao nhãng khi làm việc hay xảy ra tình trạng “đi muộn về sớm”. Rodie & Klein (2000) thừa nhận rằng nếu một cơ sở đào tạo có được những điều kiện thiết yếu sẽ giúp cho sinh viên có thêm động lực, trung thành và sẽ đạt kết quả cao hơn trong hoạt động thực tập.
Vì thế, nhóm nghiên cứu các yếu tố thuộc về cơ sở đào tạo, bao gồm: chương trình đào tạo, chương trình thực tập, mức độ liên kết giữa nhà trường và các cơ sở doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo: được định nghĩa là bản thiết kế chi tiết quá trình giảng dạy trong một khoá đào tạo phản ánh cụ thể mục tiêu, nội dung, cấu trúc, trình tự cách thức tổ chức thực hiện và kiểm tra đánh giá các hoạt động giảng dạy cho toàn khoá đào tạo và cho từng môn học, phần học, chương, mục và bài giảng. Theo một số nghiên cứu, chương trình đào tạo là một trong số những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng nhận thức của toàn thể sinh viên (Athiyaman, 1997). Thông thường, chương trình đào tạo bao gồm 2 phần chính: (1) Khung chương trình, bao gồm các kiến thức giáo dục đại cương và kiến thức giáo dục chuyên nghiệp; (2) Kế hoạch giảng dạy dự kiến theo từng kỳ học. Một số học phần tiêu biểu của chuyên ngành QTNL như: Tuyển dụng nhân lực, Quản trị thù lao lao động, Dân số và phát triển, Tâm lý học lao động, Luật Lao động… (theo thông tin của Viện Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao & POHE, trường Đại học Kinh tế quốc dân, 2019).
Thực tế cho thấy, có khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, tuy nhiên, đối với chuyên ngành QTNL, các học phần rất cụ thể, trực quan, dễ quan sát và áp dụng vào thực tiễn hơn các ngành nghề khác. Các kỹ năng mềm (employability skills) không chỉ áp dụng trong công việc mà còn có thể trau dồi thông qua trải nghiệm cuộc sống, tiếp xúc, giao tiếp với con người. Đây là ưu điểm lớn cho TTS khi bắt đầu bước chân vào kỳ thực tập.
Chương trình thực tập: là bản kế hoạch về tiêu chí, thời gian, nội dung và phương pháp thực tập; các quy định về nội dung, hình thức bản báo cáo thực tập, cách đánh giá thực tập. Các thông tin thường được thống nhất chung cho toàn bộ nhà trường, không phân biệt chuyên ngành. Bản thông báo về kế hoạch thực tập của nhà trường có thể coi là kim chỉ nam đầu tiên cho HĐTT của sinh viên, là cuốn cẩm nang mang theo trong suốt quá trình thực tập. TTS sẽ căn cứ vào thông báo đó để xây dựng kế hoạch thực tập theo mong muốn của mình, xem liệu HĐTT có được kiểm tra sát sao không, có được công nhận đúng mức không; mình sẽ đầu tư bao nhiêu công sức vào đó... Bên cạnh đó, TTS mới còn bị ảnh hưởng bởi các ý kiến đánh giá và trải nghiệm thực tập của các sinh viên đi trước về thực tế áp dụng của chương trình thực tập. Từ đó, các TTS sẽ có cái nhìn tổng quan về kỳ thực tập mình sẽ bước vào. Nói cách khác, TTS sẽ làm tốt khi nhận thấy đầu vào (nỗ lực, kiến thức, sự trung thành…) của họ và đầu ra tạo ra sự công bằng hay tương đương
(Thuyết công bằng của John Stacey Adams). Tức là, chương trình thực tập được thiết kế tốt sẽ góp phần tạo ra kết quả đầu ra của TTS tốt. Hơn nữa, nếu trong quá trình thực tập, TTS nhận thấy chương trình thực tập phù hợp và có giá trị, họ sẽ tiếp tục cống hiến.
Mức độ liên kết giữa nhà trường và cơ sở thực tập: Ý tưởng liên kết giữa đại học và doanh nghiệp được đề xướng bởi nhà triết học Đức Willhelm Humboldt. Theo LSE (2009), đây được hiểu là sự tương tác, giao dịch giữa cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp để mang lại lợi ích cho các bên. Sự liên kết này là tất cả các tương tác trực tiếp hay gián tiếp, cá nhân hay không mang tính cá nhân giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhằm mang lại lợi ích cho các bên, bao gồm: hợp tác trong nghiên cứu và phát triển (R&D), trao đổi nhân sự (học giả, sinh viên và chuyên gia), thương mại hóa kết quả R&D, xây dựng và phổ biến chương trình đào tạo, học tập suốt đời, phát triển doanh nghiệp và quản trị.
Theo đó, nhóm nghiên cứu quan niệm, mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp ảnh hưởng đến HĐTT của sinh viên. Trong khi đó, sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp khi có thêm sự tham gia của TTS lại càng khăng khít hơn, đây là công cụ để duy trì hệ thống thông tin mở giữa 3 chủ thể, từ đó, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, từng bước cải thiện chương trình đào tạo, chương trình thực tập và môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Về lâu dài, HĐTT cũng được cải thiện đáng kể. Ở góc độ vi mô, mức độ liên kết cao trước hết sẽ giải quyết được khó khăn tìm cơ sở thực tập uy tín cho sinh viên. Mức độ hợp tác tốt dẫn đến chế độ đãi ngộ đối với sinh viên thực tập càng tốt, trong khi đó, nhà trường có điều kiện hỗ trợ, sát sao sinh viên trong quá trình thực tập. Đặc biệt, luôn tồn tại bộ phận phụ trách nhân sự trong các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, cho nên, dựa vào mối liên kết này, sinh viên chuyên ngành QTNL sẽ có nhiều cơ hội thực tập hơn rất nhiều so với các ngành nghề đặc thù khác. Dễ thấy, hiệu quả của HĐTT có mối quan hệ cùng chiều với sự liên kết này.