Tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, không thể xác định bằng các đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị lớn và có khả năng sinh ra lợi nhuận. Nó là thước đo hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của doanh nghiệp trước mắt và trong tương lai. Tài sản trí tuệ gồm: sáng chế, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp, nguồn lực, uy tín trong kinh doanh…
Giống với định giá tài sản hữu hình, việc định giá tài sản trí tuệ dựa trên các phương pháp chủ yếu sau: chi phí, so sánh, thu nhập và thặng dư.
Tuy nhiên việc định giá là cực kì khó do kế toán chỉ ghi chép những chi phí phát sinh. Ngoài ra, nếu không có căn cứ về phát sinh chi phí đều không được phép ghi nhận vào sổ sách kế toán. Như vậy, còn rất nhiều tài sản trí tuệ khác thuộc quyền quản lí, sử dụng, sở hữu của doanh nghiệp không được ghi nhận.
Mặt khác, nguyên tắc chi phí phát sinh không thể phản ánh đúng giá trị thực của quyền đó, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn. Ví dụ như một công ty thăm dò, điều tra được một mỏ quặng. Nếu theo nguyên tắc kế toán thì quyền khai thác trên được ghi nhận là con số rất nhỏ, trong khi nhiều khách hàng sẵn sàng trả một khoản tiền lớn hơn nhiều để có được quyền khai thác đó.
Tuy nhiên, khi tiến hành M&A, các doanh nghiệp phải thật chú ý đến loại tài sản này, phải cảm nhận bằng cảm giác, điều tra, thăm dò… để nắm được những loại tài sản trí tuệ, từ đó định giá theo hiểu biết chứ không nhất thiết phải theo sổ sách.