NHIỄM TRÙNG TUYẾN NƯỚC BỌT DO SIÊU VI a/ Dịch viêm tuyến mang tai /quai bị

Một phần của tài liệu Bài giảng: RĂNG VÀ BỘ RĂNG MỤC pptx (Trang 85 - 87)

III/ CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

2/ NHIỄM TRÙNG TUYẾN NƯỚC BỌT DO SIÊU VI a/ Dịch viêm tuyến mang tai /quai bị

a/ Dịch viêm tuyến mang tai /quai bị

Bệnh quai bị do siêu vi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính không tạo mủ nguyên phát ở tuyến mang tai và thường phát thành dịch vào mùa xuân và mùa đông. Mặc dù bệnh thường gặp ở trẻ em tuổi từ 6 -8, trai và gái bị như nhau, thế nhưng bệnh vẫn có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, kể cả người lớn mà lúc nhỏ chưa hề mắc phải bệnh này. Bệnh thường do một loại paramyxovirus gây ra. Đây là loại RNA virus liên quan đến các nhóm siêu vi cúm và cận siêu vi cúm. Một biến thể của các nonparamyxovirus có thể gây bệnh quai bị, bao gồm siêu vi coxackie A và B, siêu vi Ebstein- Barr, siêu vi cúm và siêu vi cận cúm (týp 1 và 3), siêu vi entaric cytopathic human orphan (ECHO), siêu vi gây viêm màng não đám rối màng mạch lym-phô bào (lymphocytic choriomeningitis virus) và HIV (xem phần sau). Siêu vi lan truyền qua nước bọt và nước tiểu. Thời kỳ ủ bệnh từ khi tiếp xúc cho đến khi có các dấu chứng là từ 15 đến 18 ngày. Bệnh còn có 1 giai đoạn tiền triệu kéo dài từ 24 đến 48 giờ với các triệu chứng toàn thân như sốt, ớn lạnh, nhức đầu và đau trước tai. Bệnh đặc trưng bởi sưng nhanh tuyến mang tai một bên hoặc cả hai bên, đau, không đỏ. Sưng có thể lớn đến mức đẩy lệch trái tai. Hiếm thấy chảy mủ từ ống Sténon. Vì siêu vi cúm cũng như các siêu vi khác cũng có thể gây bệnh cho tuyến mang tai, nên việc xác định hàm lượng siêu vi huyết thanh giúp xác định chẩn đoán . Các xét nghiệm labo thường không có giá trị đặc hiệu nhưng có thể cho thấy bạch cầu giảm vói lymphô bào tăng tương đối. Nồng độ amylase huyết thanh cũng có thể tăng bất kể có hay không có viêm tụy kết hợp. Để tiệt trừ bệnh này , đã có những nổ lực chủng ngừa thường quy cho trẻ 12 tháng tuổi với vắc-xin sởi, quai bị, rubella (MMR; measles-mumps-rubella). Bệnh thường tự khỏi trong vòng 5 -10 ngày; vì vậy chữa triệu chứng đau (với thuốc giảm đau), sốt (bằng thuốc hạ sốt) và tránh mất nước là chủ yếu. Sưng dai dẳng hoặc tái phát có thể gợi ý bệnh tiến triển sang nhiễm trùng tuyến nước bọt mãn tính do vi khuẩn của trẻ em. Những biến chứng rủi ro của bệnh quai bị có thể xuất phát từ hiện tượng du vi-rút huyết (viremia, tương tự bacteremia, là sự hiện diện vi-rút trong máu). Bệnh viêm tụy do quai bị có thể biểu hiện bằng triệu chứng đau bụng, và amylase huyết thanh tăng cao. Đái tháo đường là một biến chứng bất thường của viêm tụy do quai bị. Viêm tinh hoàn, với tinh hoàn sưng to và đau, xảy ra ở khoảng 20% đàn ông bị bệnh viêm tuyến mang tai do quai bị. Phân nửa số bệnh nhân này có teo tinh hoàn; nếu teo cả 2 tinh

hoàn có thể dẫn đến vô sinh. Cương đau dương vật là một biến chứng bất thường của chứng viêm tinh hoàn do quai bị. Viêm não màng não là một di chứng bất thường của bệnh quai bị do siêu vi, với biểu hiện cứng cổ, ngủ lịm và nhức đầu. Bệnh này thường nhẹ và tự giới hạn nhưng cũng có thể dẫn đến viêm não nặng. Ngoài ra, còn phải kể đến các biến chứng ít gặp hơn như viêm tuyến giáp do quai bị, viêm cơ tim do quai bị, viêm thận do quai bị và viêm gan do quai bị.

b/ Nhiễm trùng tuyến nước bọt liên hệ đến HIV

Khoảng 5%-10% bệnh nhân nhiễm HIV có biểu hiện nhiễm trùng ở miệng. Các dấu hiệu lâm sàng đã được miêu tả đầy đủ như chứng khô miệng, sưng hạch bạch huyết trong tuyến mang tai và rất có thể cả ở cổ và suy hô hấp. Miễn dịch huỳnh quang cho thấy hội chứng dạng khô miệng này có đặc trưng là có sự thâm nhiễm lan toả tế bào lymphô vào các túi tuyến tuyến mang tai nhưng không có các tự kháng thể kháng - Ro và kháng- La (anti- Ro and anti- La autoantibodies) là các tự kháng thể có trong hội chứng Sjogren. Sự phát triển các sang thương lymphô-biểu mô lành tính (benign lympho-epitheal lesions: BLL) trong các tuyến mang tai bị HIV tấn công có thể xảy ra. Về sau sự thâm nhiễm lan toả của tế bào lymphô của BLL dẫn đến teo túi tuyến, tăng sản ống tuyến và hình thành các đảo cơ- biểu mô (epimyoepithelial). Sự thâm nhiễm các tế bào lymphô CD8 vào nhu mô tuyến cũng có thể dẫn đến sự thành lập nang lymphô-biểu mô. Trên thực tê', có đến 5% sang thương BLL tiến triển thành u bạch huyết ác tính, thường nhất là u bạch huyết không- Hodgkin, và có 1% BLL tiến triển thành carcinoma. Vì vậy trong trường hợp sưng tuyến mang tai, phải chẩn đoán phân biệt với cả BLL.

Khả năng bệnh HIV lây truyền qua nước bọt vẫn đang còn tranh cãi. Sau khi nhiễm HIV, người ta có thể phân lập được siêu vi HIV-1 và kháng thể IgA HIV-1 với nồng độ thấp từ nước bọt ở bất cứ vị trí nào trong miệng cũng như từ các tuyến nước bọt chính tiết ra. Tuy nhiên, dù có siêu vi trong miệng, nước bọt có thể không phải là con đường lan truyền của bệnh này, có lẽ nhờ đặc tính kháng siêu vi và khả năng ức chế nhiễm trùng của nước bọt mặc dù chưa có một yếu tố đặc hiệu nào được phân lập. Chứng khô miệng thường thấy ở bệnh nhân bị nhiễm HIV có lẽ do chính siêu vi tạo ra hoặc do dùng thuốc kháng siêu vi (antiretroviral). Trừ chụp nhấp nháy với 99 m Tc pertechnetrate không giúp được gì; MRI, CT, và chụp cản quang tuyến nước bọt đều góp phần hữu ích cho chẩn đóan.

c/ Nhiễm trùng tuyến nước bọt do cytomegalovirus

Bệnh vùi tuyến nước bọt (salivary gland inclusion disease) do vi rút cự bào (cytomegalovius) gây ra. Cytomegalovirus thuộc họ herpes virus và có khả năng gây bệnh ở dạng tiềm ẩn. Sau khi lây nhiễm, bệnh nhân không có hoặc có rất ít triệu chứng và vi rút có thể "ngũ yên" suốt đời. Khi hệ thống miễn dịch suy yếu, vi rút có thể tái hoạt động và gây bệnh ở nhiều cơ quan như mắt, phổi, gan, não, tuyến nước bọt… . Người mang mầm bệnh có thể lây bệnh cho người khác qua máu, dịch tiết cơ thể, sữa mẹ, tạng ghép… Gọi là cytomegalovirus vì khi gây bệnh, vi rút làm cho tế bào cơ quan bị bệnh nở lớn và phát triển các thể vùi (inclusion bodies) nằm ở bào tương hoặc ở nhân.

Ở bệnh nhân HIV (đặc biệt giai đoạn cuối), bệnh thừơng lây qua đừơng máu, và tuyến nước bọt thường hay bị tấn công nhất. Khi khởi bệnh, bệnh nhân có các triệu chứng tương tự hội chứng tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn (gây ra do Epstein-barr virus, cũng cùng họ herpes virus) bao gồm tam chứng sốt, viêm họng và sưng hạch cổ. Tuy nhiên kết qủa xét nghiệm kháng thể bạch cầu trung tính để phát hiện tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (Monospot test) lại âm tính.

Chưa có chỉ định đặc hiệu cho việc điều trị vì cytomegalovirus kháng lại các thuốc chống siêu vi như acyclovir. Khuyên bệnh giữ vệ sinh răng miệng kỹ và rữa tay đúng cách để hạn chế lây lan .

Một phần của tài liệu Bài giảng: RĂNG VÀ BỘ RĂNG MỤC pptx (Trang 85 - 87)