8. Bố cục luận văn
3.1.1. Căn cứ lõ mở địa bàn Quảng Nam có quy mô nhỏ, nằ mở những địa bàn
chiến lược quan trọng ở vùng địch tạm chiếm, vùng tranh chấp giữa ta và địch
Trong thời kỳ chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), do nằm hoàn toàn trong vùng địch kiểm soát, nhất là yêu cầu về đảm bảo nguyên tắc hoạt động bí mật nên căn cứ lõm được xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều có quy mô nhỏ. Ban đầu chỉ gồm một ấp (ấp chiến lược) như Phương Hòa, Hương Sơn (Hòa Hương), sau mở rộng ra nhiều ấp trên địa bàn một xã (xã Kỳ Xuân). Quy mô dân cư chỉ khoảng vài chục đến vài trăm hộ gia đình. Hầu hết các gia đình này đều có truyền thống đấu tranh cách mạng, có con em đi tập kết hoặc tham gia hoạt động cách mạng. Ban đầu để đáp ứng nhu cầu đứng chân, trú ẩn của các đội công tác, nhân dân lợi dụng địa thế, địa vật để đào các hầm bí mật, công sự mật ngay trong vườn, trong nhà, tận dụng các vật dụng như phên hai lớp, bồ đựng lúa hai ngăn… để nuôi giấu, che chở cán bộ. Khi yêu cầu đấu tranh cách mạng ngày một cao hơn, các hầm bí mật, công sự mật ngày càng phát triển về số lượng, tiến tới hình thành hệ thống các địa đạo dài hàng chục kilômét nối từ thôn này đến thôn khác (địa đạo Kỳ Anh, địa đạo Ao Lầy) hoặc hệ thống giao thông hào nối từ ấp này đến ấp khác. Các căn cứ lõm này trở thành nơi cất giấu vũ khí, lương thực; đồng thời làm bàn đạp xuất phát của lực lượng vũ trang trước những trận đánh lớn tấn công vào sào huyệt của địch. Các căn cứ lõm ở nội ô Tam Kỳ nằm ở vị trí xung yếu nhưng có sự liên kết giữa căn cứ lõm với căn cứ địa cách mạng ở các xã phía tây của thị xã, của huyện Bắc Tam Kỳ thông qua hệ thống giao liên hợp pháp, bất hợp pháp và bí mật nhằm đảm bảo sự liên lạc, sự chỉ đạo của cấp ủy đối với lực lượng bên trong căn cứ lõm, đồng thời hình thành các bàn đạp để bao vây trực tiếp các cơ quan đầu não của địch ngay trong sào huyệt của chúng. Chính nhờ đảm bảo liên lạc giữa bên trong căn cứ và bên ngoài nên các chủ trương, sự chỉ đạo của cấp ủy đối với phong trào cách mạng bên trong nội ô được giữ vững, đảm bảo tính kịp thời,
bí mật trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong giai đoạn chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1972), bên cạnh duy trì các căn cứ lõm ngay trong các thị xã, thị trấn, quận lỵ, các cấp ủy đảng chỉ đạo xây dựng các căn cứ lõm ngay trong vùng tranh chấp giữa ta và địch, nằm giữa các đồn bốt của quân Mỹ-Việt Nam cộng hòa. Chủ trương này vừa tạo điều kiện để lôi kéo quân địch từ các thị xã, thị trấn, quận lỵ ra vùng tranh chấp, vừa đáp ứng yêu cầu đối phó với âm mưu “bình định nông thôn” của địch, mở rộng vùng tranh chấp giữa ta và địch. Các căn cứ lõm Ao Lầy (Kỳ Thịnh, Bắc Tam Kỳ), căn cứ lõm Bàu Bính (Bình Dương, Thăng Bình) trở thành địa bàn đứng chân của lực lượng vũ trang, nơi tập trung lực lượng đấu tranh chính trị để thực hiện phương châm “hai chân ba mũi giáp công”, tiến tới đánh bại các cuộc càn quét của địch. Các căn cứ lõm này có quy mô không lớn, diện tích khoảng 2-3 km2, dân số khoảng vài trăm người, thậm chí ở căn cứ lõm Bàu Bính trong giai đoạn đầu (1971) còn không có dân, chủ yếu là bộ đội tỉnh, huyện, lực lượng du kích, cán bộ của các ban, ngành cấp huyện, xã đứng chân để chiến đấu, đấu tranh chính trị chống các cuộc càn quét của quân Mỹ-Việt Nam cộng hòa. Đến tháng 5-1972, sau khi các đơn vị bộ đội tỉnh (Tiểu đoàn 72), các ban, ngành của tỉnh về hoạt động ở vùng Đông Thăng Bình, tiêu diệt các chốt điểm của địch, phát động quần chúng nổi dậy phá khu dồn trở về làng cũ làm ăn, sinh sống, số dân ở căn cứ Bàu Bính mới tăng lên khoảng gần 300 người.
Một đặc điểm nổi bật của các căn cứ lõm ở Quảng Nam là được lựa chọn xây dựng ở những vị trí chiến lược quan trọng trong vùng đô thị bị địch tạm chiếm, vùng tranh chấp giữa ta và địch. Các căn cứ lõm Phương Hòa nằm ở cửa ngõ phía bắc của khu vực Tỉnh đường Quảng Tín, nằm sát với các cơ quan đầu não của địch ở khu vực Tỉnh đường. Căn cứ lõm Hòa Hương án ngữ cửa ngõ phía đông nam. Căn cứ lõm Tam Ngọc nằm trên tuyến hành lang xâm nhập khu vực Tỉnh đường từ hướng tây. Đây là khu vực tập trung dân cư đông đúc, chủ yếu là nhân dân lao động các ngành nghề như lái xe ô tô, xe lam, xích lô, công nhân nhà đèn, bưu điện, bà con tiểu thương, đồng bào Phật giáo, học sinh; hoạt động sản xuất tương đối phát triển, vì vậy đây là điều kiện để móc nối, xây dựng các đội ngũ đấu tranh chính trị, binh địch vận hoạt động ngay trong lòng địch. Các căn cứ lõm Kỳ Xuân, Kỳ Hòa, Kỳ Vinh (huyện Nam Tam Kỳ) nằm sát căn cứ quân sự Chu Lai, cảng Kỳ Hà, được bao bọc bởi hệ thống sông Trường Giang nên có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng các tuyến hành lang, phù hợp cho việc xây dựng các bàn đạp để lực lượng vũ trang ém quân, cất giấu vũ khí phục vụ cho các hoạt động quân sự tiến công vào căn cứ địch. Căn cứ lõm Ao Lầy, Trung Định, Gò Miên - xã Kỳ Thịnh, căn cứ lõm Rừng Chò - xã Kỳ An, thôn 5 - xã Kỳ Phước (huyện Bắc Tam Kỳ) đều nằm sát các cứ điểm, đồn bốt địch nhưng có điều kiện thuận lợi về giao thông, liên lạc với vùng căn cứ địa, vùng giải phóng ở phía tây của huyện. Căn
cứ lõm Bàu Bính (xã Bình Dương) nằm ở địa bàn giáp ranh giữa xã Xuyên Thọ (nay là xã Duy Hải), Xuyên Phước (nay là Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) thực chất là giáp ranh của hai tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà nên địch thường lơ là, không ai chịu trách nhiệm quản lý, dễ đổ lỗi cho nhau khi bị ta tấn công. Tại xã Duy Nghĩa có một đồn lính Nam Triều Tiên đang đóng quân để bảo vệ cho phía Nam Hội An - Đà Nẵng nên quân đội Sài Gòn thường ngại va chạm, càn quét khu vực này.
Như vậy, quy mô và vị trí chiến lược của các căn cứ lõm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thể hiện sự sáng tạo, linh hoạt trong xây dựng nơi đứng chân, căn cứ địa cách mạng của các cấp ủy đảng ở Quảng Nam, phù hợp với điều kiện vị trí địa lý, đối phó kịp thời với âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ-chính quyền Sài Gòn, tạo điều kiện để đẩy mạnh phong trào cách mạng ở vùng địch tạm chiếm ở đô thị và vùng tranh chấp giữa ta và địch ở nông thôn, đồng bằng.